LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Cảm tưởng những khoảnh khắc cuối năm ở Huế như một hoàng hôn trắng mưa và cứ thế mà kéo dài ra mãi.
Rồi xuân âm thầm đến, bâng khuâng như một người quẩy gánh hàng mưa mòn lối làm rạng rỡ pho sử xuân nguồn cội. Hoàng mai lặng lẽ nở trong cái lạnh nửa muốn cắt da nửa muốn vỗ về. Không khí tết bắt đầu rạo rực lên khi những sào hoa giấy Thanh Tiên rực rỡ sắc màu thấp thoáng khắp đường phố nẻo quê; những ông Táo bằng đất nung; cát trắng chân hương ngập tràn các chợ. Cùng lúc đó, chợ hoa bày bán khắp nơi trong thành phố từ vườn hoa Phu Văn Lâu hai bên đường Lê Duẩn, đến những con đường ngày thường rộng rãi giờ chật kín hoa vàng. Huế hòa mình dòng thời gian cuộn chảy để mở ra cánh cửa của năm mới. Không biết có phải do ngẫu nhiên của cách dùng từ hay là dụng ý của người xưa mà Huế ngoài những cách gọi như đất kinh kỳ, kinh thành, chốn thần kinh hay nay gọi cố đô, cố kinh rất quen thuộc, còn có một cái tên thi vị khác là “Xuân kinh”. Trong điệu Nam ai “Sông Hương lai láng” của Vu Hương có câu: “Lòng mang nặng cả xuân kinh/ Mối cảm hoài riêng trở lại với dòng xanh”. Hay trong điệu “Tứ đại cảnh”, bài “Chốn Hương Bình” của một tác giả khuyết danh, tên gọi Xuân kinh lại được nhắc đến: “Chốn Hương Bình, nơi thơ mộng, nơi ưa sống vui sống tâm bình/ Xưa thường gọi, thường gọi chốn Xuân kinh”.
Xuân kinh có lẽ là cách gọi tắt “kinh thành Phú Xuân”, nhưng cũng có thể (hiểu vui) là một mỹ từ dành cho vùng đất cố đô luôn ngập tràn ý xuân của lớp thi sĩ đương thời. Nhưng dù gì đi chăng nữa, trong không khí rộn ràng cuối năm chờ đón một xuân mới, gọi xứ Huế là Xuân kinh nghe vẫn hợp lí, thấm tình.
*
Tết Huế xưa thường đông vui và nay cũng không kém phần rộn ràng. “Đất lề quê thói” nên mỗi nơi có một cách riêng để đón tết và với Huế, đón tết mang những nét đặc trưng của vùng đất kinh kỳ. Dân Huế “chịu chơi” đến nỗi như lời Bác sĩ Hocquard đến Huế dịp đầu năm 1886 và đã chứng kiến một cái tết Huế mà “ngay cả những người nghèo khó cũng bán đồ đạc và chịu mang công mắc nợ để kiếm tiền vui chơi”. Nhưng để có cái tết Huế đúng bài, sự chuẩn bị cũng lắm công phu. Trước tết, những thứ cần chuẩn bị ở nhà và thường được ưa chuộng hơn cả là hoa giấy Thanh Tiên, ông Táo, trướng liễn làng Chuồn, con ảnh Lại Ân. Ở Huế, đón tết từ trong nhà ra tận ngoài ngõ, từ bến nước sân đình đến đường phố đều tấp tập chuẩn bị năm mới. Ở nhà, con trai, thanh niên mang đồ khí tự đi lau chùi, xem như là nhiệm vụ thiêng liêng. Đây là việc mà năm nào anh em tôi không ai bảo ai, cứ độ ngày đưa ông táo là bàn thờ đã tươm tất. Dù thế, nhiều nhà còn rất cẩn trọng, đồ khí tự được lau chùi xong, chưa đặt lên bàn thờ ngay mà còn xem cho được ngày tốt nữa, tiến hành chùi rửa các vật thờ hoặc thay mới. Đặc biệt là cát trắng trong chân hương phải được thay mới. Thông thường khi bát nhang đầy, đổ chân hương đi người ta phải chừa lại ba cây.
Nói đến cát trắng thì tôi nhớ đến chuyện của mệ nội. Mệ tôi kể, xưa nhà khó khăn nên đến tết là đàn bà con gái trong làng về những độn cát trắng gánh cát về nhà. Cát trắng dùng để bỏ vào bát hương thờ tự nên phải ngâm nước đãi sạch rác rến, phơi nắng cho khô rồi mới gánh đi bán. Thường thì phải gánh lên phố, xa tận gần mười cây số nên 2, 3 giờ sáng trong làng đã lục tục í ới gọi nhau. Mặc cho cái lạnh cắt da, những bóng hình kĩu kịt nối nhau đi trong sương mù cho đến rạng sáng thì đến phố. Ngồi lê la cho đến khi hết cát trong thúng thì về. Có những bận, cát bán không hết hoặc người ta mua đã đủ dùng, trời lại mưa, cát thấm nước rất nặng, mệ gánh không nổi nên đành phải đổ đi. Những chuyện như thế, tôi nghe lúc xuân còn đang thầm thì thay áo, bên nồi bánh chưng mệ nói chuyện xưa nghe buồn thao thiết.
Những ngày cuối năm, hầu như gia đình nào cũng quây quần bên nhau, không dọn dẹp thì bày mứt bánh ra làm. Nhà thì làm mứt gừng, bánh thuẫn, bánh in, nhà gói bánh chưng bánh tét, cả xóm làng, phố phường bừng vui như hội. Ngày 30 tết, cúng Tất niên xong, không khí tết đã ngập trong nhà, ngoài đường, phố xá vắng hoe chờ phút giao thừa. Rồi bước qua năm mới. Người Huế rất giữ hiếu đạo, cứ chiều ba mươi tết là cúng mời ông bà tổ tiên về ăn tết, chay mặn tùy nhà. Nhà tôi có lệ cứ ngày đầu năm là anh em kéo nhau lên chùa sinh hoạt với Gia đình Phật tử, tụng bài kinh cầu an lành cho hết thảy vạn vật, nhân loại, đất nước, gia đình rồi ra sân hái lộc trên cây tân niên được trang trí bằng hoa và những phong thư kèm theo lời chúc tốt lành. Xong đâu đấy lại chở nhau vào viếng mộ ông bà tổ tiên rồi mới đi du xuân, chúc tết. Mồng hai, mồng ba tiếp tục cúng cỗ cho tổ tiên, nhà ăn tết như thế nào ông bà ăn tết như thế ấy. Dân Huế ham vui, ba ngày tết, bảy ngày xuân, lại còn loanh quanh cho đến tết Nguyên Tiêu mới xem như hết hội. Nhiều gia đình ở Huế tết về không những được đoàn viên con cháu mà còn là cơ hội cho cả nhà tự tổ chức chơi tết. Bao trò chơi được bày ra, ví như trò chơi bài tứ sắc, bài tới, đổ xăm hường, bài kẻ, cua bầu... là những món mà từ già đến trẻ ai cũng thích. Còn ở các làng xã thì hội hè diễn ra sôi động với hội đu tiên Thế Chí Tây, đu tiên Gia Viên, hội đu tiên thị trấn Sịa, đu tiên Quảng Thọ, hội vật làng Thủ Lễ, hội vật làng Sình, hội đua ghe Lăng Cô, đua ghe Cảnh Dương, đua thuyền ở Sịa, Chợ quê Cầu ngói Thanh Toàn... Hội xuân vì thế là những món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân xứ Huế.
*
Dân gian đón tết đã rộn ràng, chốn Cung đình, đón tết còn cầu kì hơn với nhiều lễ lượt. Để báo hiệu kết thúc một năm cũ, từ ngày 1 tháng Chạp, triều đình đã tổ chức lễ Ban sóc (phát lịch) rồi vào tiết lập xuân thì làm lễ Tiến xuân ngưu (đưa trâu tiến xuân) có ý nhắc nhở công việc đồng áng. Sau đó, từ ngày 25 tháng Chạp đến 11 tháng Giêng, cả hoàng cung sực nức không khí tết. Khắp nơi trong hoàng thành trang trí vô cùng rực rỡ, đầy tiếng chuông nhạc. Vào ngày mồng 1 thì làm lễ khánh hạ, lễ Nguyên đán với đầy đủ văn võ bá quan chầu triều. Những ngày lễ tết, yến nhạc diễn ra liên tục trong Hoàng cung. Những ngày khác các cuộc tế lăng miếu, du xuân của Hoàng gia được tổ chức cho đến ngày 7 tháng Giêng. Đến ngày 11, lễ tế Kỳ đạo (tế cờ) thì xem như Tết cung đình mới kết thúc. Như vậy, cả triều đình, hoàng gia đón Tết, chơi xuân vừa đúng nửa tháng trời.
Tết đến, các nhà giàu và quan lại mặc lễ phục đi thăm hỏi nhau, tặng nhau những tấm thiệp hồng và lễ vật. Trẻ con thì xem đây là ngày hội khi nhận những lời chúc mừng và hồ hởi đón lấy những đồng tiền gói trong giấy hồng điều. Màu đỏ có khắp nơi và đó là màu của may mắn, thịnh vượng, hoan hỉ. Trước mỗi nhà còn dựng những cây Nêu bằng tre lớn. Ở các cơ quan của triều đình, cây Nêu lại có một lệ lạ. Vào đời vua Minh Mạng, cuộc sống no đủ, cứ đến 27 tết, tất cả các bộ ngành đều cất hết khuôn dấu vào giỏ tre, xong treo lên cây Nêu và yên tâm ăn tết, không màng gì đến công việc. Mồng 7 hạ Nêu, công việc lại được tiến hành như cũ. Xuân, cả kinh thành đẹp nhất vào buổi tối với những đèn lồng đủ màu sắc.
Huế xưa còn có những tập tục đón Tết rất lạ ví như dùng vôi vẽ xuống đất những hình cung tên biểu trưng cho cuộc chiến giữa Phật với yêu ma để mang lại phước lành. Một số nhà còn bịt kín cửa bằng xương rồng và những cành có gai để ngăn tà ma quấy rối. Phía bên trái tường bên ngoài cửa ra vào, nhiều nhà còn dựng một bàn thờ cúng thần cửa, tận cuối góc sân thì treo những cành hoa và tua giấy để cúng thần giếng. Giờ chẳng ai nhớ đến những tục xưa đó nữa.
Ở Huế, trước tết người còn nườm nượp ngoài đường mua mua bán bán, đem hết thảy rạo rực của xuân bày khắp nhà. Người ở xa về đoàn tụ, cả gia đình sum họp bên nhau, nồng nàn đón tết. Người ngoài đường thưa thớt không như mọi ngày tấp tập. Thành phố dường như bất động, ngủ yên trong phút giao thời. Xuân Huế ấm cúng, dịu dàng và nói như nhà thơ Thanh Hải, ấy là một “mùa xuân nho nhỏ”.
Năm nay đón tết, những hình bóng xa mờ của Huế với những tập tục lạ đâu còn hay kiếm những thứ truyền thống của tết Huế e rằng rất khó. Hoa giấy Thanh Tiên vẫn bán, không cạnh tranh nổi với hoa ni lông rẻ, dễ làm, con ảnh Lại Ân in thủ công không bằng con ảnh của công nghệ in tân thời... Chỉ còn cát trắng để bát hương vẫn y nguyên tấm lòng của các mệ, các chị tảo tần mong mỏi kiếm ít tiền trang trải ngày tết.
*
Trước mắt tôi xuân cũng đến rồi, đất trời xứ Huế lột bộ xiêm y băng giá của mùa đông để lộ sự kỳ vĩ của sắc màu hoa lá. Mai, đào, hồng, cúc, muôn hoa... diện những bộ cánh mới rực rỡ khắp đô thành, tạo nên một ngày hội tuyệt vời cho đôi mắt Huế vốn dĩ trầm tư, e ấp. Tôi muốn đánh chén cho hết thảy hương sắc của mùa xuân trong sự cạn hẹp của tri giác, như một sự liều lĩnh để tận trọn những phẩm vật của đất trời ban cho sự sống trên hành tinh xanh.
Những ngày thơ thẩn du xuân thích nhất là qua chợ hoa Phu Văn Lâu để đón lấy một không khí tết đang tràn về. Hoa khắp nơi chen nhau, từ những nhà vườn trong thành phố, các làng hoa Tiên Nộn, Vọng Trì, Thanh Tiên (xã Phú Mậu), La Ỷ (xã Phú Thượng), các làng hoa Hương Trà, những chậu mai Thủy Xuân, Vỹ Dạ đến những hoa trong Nam, ngoài Bắc đua nhau khoe sắc. Dường như các loài hoa đang tham dự một cuộc thi sắc màu, để rồi tất cả tạo nên một thư viện khổng lồ trong đôi mắt thích thú của người ngoạn cảnh xuân. Trong chút nắng le lói giữa vườn hoa thắp mộng bên kinh thành, tôi cứ ngỡ mình đang giẫm lên bãi cỏ mênh mông ngọc trai buổi ban mai lấm tấm nắng xuân.
Tết đến, nhà nào ở Huế cũng cố tậu cho mình được một chậu mai vàng, xem như là chút lộc đầu năm, một niềm vui nho nhỏ nhưng thanh tao vô cùng. Để có những bông hoa nở đúng ngày tết là cả một kì công chăm sóc, lặt lá, tỉa cành, canh mai nở đúng dịp. Hoàng mai, với Huế là nàng công chúa của mùa xuân. Hoa mai của Huế khác với hoa mai (mơ) trong điển tích cũ với hình tượng quân tử trong các loài hoa, qua câu Kiều “Mai cốt cách, tuyết tinh thần”, biểu trưng cho phẩm chất kẻ sĩ phong lãm bằng vẻ đẹp tinh thần thanh khiết và cốt cách uy phong mà không ít người nhầm lẫn. Riêng hoàng mai xứ Huế kỳ thực là người con gái duyên khôi, được mùa xuân kén gả cho những kẻ biết cúi đầu để thưởng thức vẻ đẹp thuần mỹ, tinh khiết vàng thơm như lụa ấy. Hoàng mai bước ra từ cổ tích, là báu vật của hóa công tụ hội được cả sự trong ngần nhất của nắng, của gió, của sương xuân. Tết đến, màu vàng lụa là của mai, cánh mỏng tang tưởng chừng dễ vỡ, hòa vào lú nhú nụ cúc vàng bung nở trong vườn xuân.
Nắng nhuộm vàng những đốm hoa hoàng hôn bên khoảng núi xa mờ Kim Phụng. Rồi nhường chỗ cho những vì sao chiếu sáng như bầy ong vàng thấp thỏm trên nền trời đêm thanh thoát. Gió xuân mơn man thổi bằng tiếng sáo lách qua phên liếp, chim thi nhau ca những bài ngọt ngào, tình tứ trên đồi Thiên An. Mùa xuân thì thầm rồi cất dàn đồng ca cao vút lên giữa muôn trái tim rạo rực một nhịp đập của tự do và đắm say của đất trời non nước. Bản giao hưởng vĩ đại của xuân, vượt lên tất cả nỗi bi lụy, mà thời gian và phiền muộn đã in hằn lên chúng ta, trong mùa đông, trong sự đợi chờ vô vọng.
Tôi ao ước đi mãi trong làn xuân ấy, đón lấy những bóng hình quá vãng đã lạc nẻo tang bồng. Xuân dấy lên những cảm phức phiêu diêu mờ sương ảnh, trong khói lam ở mái nhà xưa chưng nồi bánh tét và cả khói lòng lặn ngụp từ vô vàn nỗi nhớ hồng hoang. Rồi chợt nhận ra rằng tôi và tất cả chúng ta đã mang một món nợ khổng lồ, khó mà dung trả được trước sự kiến tạo nguy nga của đấng hóa công mùa xuân. Quyền năng sáng tạo thiêng liêng ấy, đủ để thấy rằng Tạo hóa là nghệ sĩ vĩ đại vượt qua khả năng của bậc kiến trúc sư, danh họa, nhạc sĩ thiên tài hay thi nhân bất hủ để sáng tạo nên thực thể sống động như mùa xuân.
Bởi thế, những bậc Thánh hiền, Giác giả mới khuyên chúng ta về hiếu đạo, mà hiếu đạo cần nhớ đến là hiếu với vũ trụ, vạn vật đã ban cho chúng ta những gì quý giá và tốt tươi nhất. Những cuộc đời trôi đi, và mùa xuân, luôn là tặng vật lung linh giá trị. Bản hương ca ấy lặng lẽ soi rọi vào tâm hồn, tịnh hóa những nỗi buồn đóng băng, thanh tẩy những cám dỗ lam chướng của thực tại.
*
Tạm gác lại những ý nghĩ lộn xộn về mùa xuân, tôi lặng ngắm Huế của rêu phong bủa lấy thành xưa. Lăng tẩm với dung nhan cổ mộc còn chưa “trang điểm” ngủ mê trong luống sầu trăm tuổi đôi bờ dòng Hương. Đứng ở trên đồi Vọng Cảnh xa mờ nhìn về phố, xuân chở u hoài nặng tái tê. Núi nhớ sông, sông nhớ núi, người nhớ cảnh, người nhớ người, mặn nhạt gieo lên đời bao mộng cầu du tử. Người xưa thăm nhau còn qua những chuyến đò xuân, kéo cả tiếng hò ngọt lịm dài sông nước để đón cái duyên nem nép bên sông. Cảnh xưa đau đáu, hồn treo cành mai cho lơ lửng trăm năm đợi chờ. Nào hay, xuân trước đã già, cũ trên giấy thếp trong veo lời tiền nhân nghênh xuân hoa núi. Xuân nay, tôi đứng giữa trập trùng phồn hoa, với tay tới ngày mai, mà chân còn giẫm lên bóng hôm qua. Tôi biết rằng giữa thế giới thô phù này, tôi miệt mài đi giữa Vô Thường để kiếm tìm Chân Như, mà ít ra xuân còn lưu giữ cái từ Vô Thỉ. Cầu cho Tâm như xuân trong trẻo, vô ưu vô úy, vọng tưởng chết mòn trong sự thanh khiết của chân ngôn.
“Mùa xuân nho nhỏ” của Huế là cuộc giao cảm thi vị của nắng - mưa - sương -hoa trên nỗi ngậm ngùi hoài cổ, mãi đọng lại những dư âm vương vãi trên phi lộ tuyến tính của thời gian. Vòng quay ấy sẽ cứ quay vòng, quay mãi, lấy đi những câu chuyện cũ nhạt nhòa của Huế xưa và mơ về những chuyện nay mai xán lạn của Huế trong bài thơ đô thị. Chúng ta có thể nhìn cuộc đời bằng những con mắt khác nhau, nhưng nhìn về mùa xuân cổ kính của Huế, xin hãy nghinh xuân bằng điệu Nam ai, Nam bình ký thác giữa rừng mai ảo ảnh.
L.V.T.G
(SH300/02-14)