NGUYỄN PHƯƠNG ANH
Ghi chép
Bây giờ là những ngày đầu xuân, tôi rảo bước trên con đường ven sông Hương, vui sướng khi ánh nắng nhẹ rót xuống dòng nước trong lành và ấm áp.
Sông Hương vào xuân trông như một dải lụa mềm mại, như mái tóc người thiếu nữ kéo dài vô tận. Dòng sông đầy nữ tính này, hôm nay trở nên lung linh lạ thường. Tôi yêu mùa xuân từ chiếc khăn choàng cổ, từ trái tim ấm của một người... Hăm hở thả mình vào tiết trời thanh xuân, trên sông là những con thuyền nô nức chở mùa xuân về.
Những cơn mưa dai dẳng của Huế đã nhường chỗ cho nắng len lỏi rọi vào những cành cây xanh lá sưởi ấm thành phố yên ả. Tôi ngước mặt lên trời, nhắm mắt hít lấy cái không khí êm dịu và tươi tắn đó. Thành phố đông vui trong những ngày cuối năm, và xa kia, trên dòng sông, ngư dân cũng tất bật chuẩn bị cho một mùa xuân mới.
Những con đò cứ thấp thoáng mờ ảo đằng sau chiếc áo của “nàng Hương”. Những con đò nhỏ, dòng sông nhỏ như là nơi neo đậu biết bao thăng trầm của lịch sử, văn hóa. Sinh ra trên vùng núi cao, tuổi thơ tôi đón tết với những đêm nấu bánh, những ngày tất niên rộn rã, cùng xem người lớn chung nhau thịt những con lợn tết, vui đùa với chúng bạn trên những gò đất cao và thi nhau khoe áo mới. Cái tết của tôi giờ đã khác hơn, tôi lại băn khoăn nghĩ về cái tết dưới sông nước của người dân vạn đò. Bây giờ, người dân sông nước không phải đón những cái tết thiếu thốn như ngày xưa. Khi đất nước đổi thay, cùng với dự án định cư vạn đò, nhiều người dân thủy diện đã có một cuộc sống trên bờ ổn định hơn; nhưng nếp sống sông nước đã ngấm vào máu thịt họ, họ khó lòng rời khỏi dòng sông, dòng sông như suối nguồn nuôi dưỡng họ. Và đôi khi, trong những giấc mơ, dòng sông như gọi họ trở về.
Ảnh: PA |
Tôi hỏi thăm con đò mà ngày trước tôi thường đi qua đó, giờ vẫn thấy đậu bên sông. Trên đó là cả một gia đình đang sinh sống. Tôi trò chuyện và cùng thổi ngọn lửa để cả nhà sưởi ấm. Chị Lài, dù đã lên bờ và xây được căn nhà ở Phú Mậu, nhưng nhớ thuyền, nhớ bến, chị lại quay về sống với nghề sông nước. Hằng ngày, chị đưa khách từ Cồn Hến sang sông để đi chợ, mười ngày nửa tháng gia đình chị mới lại về nhà. Chị bảo: “Tuy cuộc sống ở trên bờ đã có phần ổn định nhưng nhiều đêm nhớ từng con nước, nhớ hình ảnh những đứa trẻ đứng trên thuyền rồi nhảy xuống sông nô đùa với nước, nhớ những đêm vợ chồng thức trắng đợi một mẻ cá đầy trong tiếng cười hạnh phúc, vì vậy gia đình đã chọn vừa sống trên bờ vừa sống dưới nước...”.
Sóng vỗ nhẹ làm con thuyền chao đảo, ngồi trên thuyền tôi thấy cả rong rêu dưới đáy sông. Khi nhìn vào nụ cười của chị Lài, tôi thấy ấm lòng hơn nhưng trong đôi mắt của chị vẫn đầy lo toan, phải rồi, cuộc đời ai chẳng phải lo toan. Và đôi khi, tôi từng nghĩ cuộc sống như rong rêu bám vào dòng sông như những vần thơ không chạm được vào mặt đất. Tự dựng tôi muốn nghêu ngao bài Rong rêu của nhạc sĩ Nguyễn Tâm, một bài hát đi vào tâm hồn tôi kể từ ngày tôi biết thế nào là ngọt đắng của cuộc đời.
Chị Lài kể rằng, từ thời tổ tiên, cha mẹ, anh chị đã sống lênh đênh như thế, bây giờ lên bờ, đôi khi lòng không khỏi nhớ sông nên vẫn quay lại ngày ngày đưa khách sang sông để kiếm tiền sinh sống và lòng lại đầy những cơn sóng vỗ. Khi đất trời vào xuân, cả gia đình chị ai cũng chờ tết về để mong cái nắng xua đi những cơn gió lạnh, để đất trời lại nở đầy hoa, để dòng sông đón chờ những niềm hy vọng.
Nhìn những con đò nhỏ trong trời xuân, nhìn những người phụ nữ đang làm việc trên thuyền, nhìn những người con gái tuổi dậy thì đang quàng những chiếc khăn len để chào đón năm mới, nhìn về phía bờ sông bên kia ngút ngàn màu cỏ xanh mướt kéo dài như tiếng chuông Thiên Mụ, tôi chợt nghĩ những hình ảnh này chính là chất liệu cho thi ca nghệ thuật nơi đây nảy mầm, cho lòng người nơi đây không khô cằn trong lao khổ mà lãng mạn, yêu đời bởi đối với họ tất cả sẽ trở về cát bụi, cái còn lại là tình yêu và tiếng hát trên sông.
Nếu nhìn cuộc sống của người dân chài theo con mắt của một người bình thường thì có lẽ đó là một cuộc mưu sinh đầy khốn khó, nhưng nếu không có những con đò sót lại, những gia đình đón tết trên sông thì thử hỏi những tao nhân mặc khách, những thi sĩ lạc bước giang hồ lấy đâu ra thi hứng để cho những vần thơ ở lại với đời.
Tôi quay xe đi ngược về con sông Bồ quê tôi. Sông Bồ hiền hòa và chịu bao vất vả như người dân quê tôi vậy. Những mùa lũ về, con nước dâng, sông Bồ trở nên dữ dội, cứ cuồn cuộn cuồn cuộn như đang thay đổi tính cách. Tôi chạy dọc con phố cổ Bao Vinh, trời vào xuân hoa cỏ phơi phới sắc xuân xen lẫn nét cổ kính trầm buồn cùng những chiếc ghe mành của người dân chài cá, khu phố nằm bên bờ sông tuyệt đẹp. Tôi dừng chân bên khu vạn đò còn sót lại tại thôn Thủy Phú, xã Hương Vinh với gần 20 hộ đò nằm gọn trong một góc giao nhau giữa sông Hương và sông Bồ ở Ngã Ba Sình. Theo những người dân nơi đây, lúc đầu xóm vạn này chỉ có bốn hộ nhưng hơn ba mươi năm trôi qua, số hộ vạn đò cứ tăng lên từng tháng từng năm, con cái họ sinh ra rồi lớn lên cũng chỉ quanh quẩn làm ăn và sống với bố mẹ trên những chiếc thuyền này.
Cách đây vài năm, thành phố Huế đã đầu tư xây dựng ba khu tái định cư tại Hương Sơ, Phú Hậu, tạo điều kiện sớm đưa dân vạn đò lên bờ định cư. Hầu hết các gia đình sống trên sông đều đã có cho mình cuộc sống trên bờ, thoát khỏi cảnh lênh đênh sông nước. Tôi vui vì điều đó, nhưng khi nhìn thấy những chiếc thuyền kia, những chiếc thuyền của xóm vạn đò cuối cùng còn sót lại tôi mới biết xa sông nước, người dân nơi đây sẽ nhớ, họ nhớ nước như nhớ những kỷ niệm đã đi vào máu thịt của họ. Không dễ để những ai sống trên sông nước quên đi cái mùi vị của tôm cá, của những ngày tháng buồn vui nhưng thênh thang lướt thuyền đi rồi ca hát dưới đêm trăng.
Tôi đến với những con người trở lại với sông, chủ nhân của những ngôi nhà trên sông. Tôi gặp chị Bi đang ăn dở bát cơm và nhìn tôi nở nụ cười chào đón. Tôi nhìn thấy khuôn mặt chị chai sạm đi, đôi tay khô cằn và kham khổ đang cùng những người hàng xóm chuẩn bị cho ngày tết. Những con người thân thiện đó dù nghèo khổ, dù kiếm từng đồng sống qua ngày nhưng họ luôn lạc quan, họ nói nói cười cười khiến tôi có cảm giác thân quen tự khi nào. Tôi ở trong những con đò cùng họ vớt cá, cùng họ chuẩn bị cho những ngày tết sắp đến. Trên chiếc thuyền kia, bếp lửa đã được nhen lên, trên đầu tôi bây giờ lơ lửng những chiếc xoong, ấm nước, và những vật dụng cho cả một gia đình. Một chiếc thùng xốp nhỏ đặt bên hông thuyền để chứa những bộ quần áo cho cả nhà, gia đình này có bốn người con. Nhìn những ánh mắt vui của trẻ thơ lòng tôi lại nhớ tới những tháng năm ở quê nghèo khốn khó những tâm hồn nô nức khi tết về được mẹ cha cho quần áo mới. Bếp lửa vẫn đang hong khô những cành củi mục. Chị Bi bảo rằng chị đi vớt những cành củi trôi trên sông và những nhành cây ven bờ về hong khô để đun đủ những ngày tết.
Tết của họ nghèo mà vui, trên con đò sáu người ở của gia đình chị Bi, tôi thấy bàn thờ đặt bên góc thuyền, mâm ngũ quả đơn sơ đặt cạnh bình hoa rất ngắn lẫn trong khói của những nén hương vừa thắp cúng ông bà tổ tiên. Hôm nay nhà chị cúng tất niên, tôi nán lại giúp chị cùng dọn mâm cơm cuối năm. Anh chồng chị hôm nay xuôi con thuyền nhỏ lặn thêm ít tôm cá, kiếm thêm tiền mua cho các con bộ quần áo mới. Mâm cơm trên đò được bày ra với những món ăn ngon hơn thường ngày. Hôm nay tất niên, mâm cơm có thêm nhiều thịt và nhiều cá, bọn trẻ cứ nhìn con gà chỉ trỏ rồi bịt miệng cười khúc khích. Chị Bi nói với rôi rằng năm nào cũng khấn ăn nên làm ra, cúng khấn cho một cuộc sống sung túc hơn trong năm mới, năm nào cũng khấn cho những đứa con chóng lớn và ham học để thoát khỏi cảnh nghèo đói như tổ tiên bao đời...
Tết đối với người lớn thì có biết bao lo lắng, biết bao công việc phải làm nhưng tết đối với bọn trẻ thì đó là những ngày vui khôn xiết. Có lẽ tết đến bên xóm chài trước hết không phải đến trên màu xanh của nước, màu trắng của mây, màu lấp lánh của tôm cá mà tết đến đầu tiên trong đôi mắt của trẻ nhỏ. Tôi nhìn thấy trong những đôi mắt ngây thơ ấy là những niềm vui rạng rỡ, tươi rói khi mọi người đang chuẩn bị đón tết, và tôi đọc được cả sự ngóng đợi của bọn trẻ về những bộ quần áo mới mà cha mẹ mua cho. Nhớ lúc nhỏ bằng chúng, tôi cũng mong đến tết và cứ chạy từ nhà này sang nhà khác ăn tất niên, mang đồ mới đi khoe với chúng bạn.
Những ngày giáp tết, cả xóm vạn đò chung nhau tiền mua gạo nếp và cũng ngồi gói bánh, mỗi nhà chia nhau một vài đòn bánh đặt lên bàn thờ. Lũ trẻ xóm đò Thủy Phú, đứa lớn đứa nhỏ cũng háo hức ngày tết, chúng ngồi quanh nồi bánh được đặt trên một vùng đất khô gần những con đò đậu bến. Chúng tranh nhau: “Nhà em cái to hơn vì nhà em đông người”, đứa kia lại dành phần: “Nhà anh cái to hơn vì anh lớn hơn em”... Chúng vui vẻ chỉ trỏ vào nồi bánh, mong đến lúc bánh chín như một một điều nhiệm màu sẽ xảy ra.
Ảnh: PA |
Tôi lục lọi chiếc máy ảnh và nheo mắt chụp lại những khoảnh khắc đáng yêu đó của bọn trẻ, chúng nó vô tư làm dáng để được lên hình. Những hàm răng sún và những khuôn mặt lấm lem nở những nụ cười thật khoái chí và thoải mái. Có đứa ngây thơ còn hỏi tôi rằng ảnh nó có được lên báo không, tôi cười và cho các em xem ảnh. Những bức ảnh thật quý giá đối với tôi, và cả lũ trẻ nữa. Ngồi bên nồi bánh, lũ trẻ kể về những ước mơ của chúng, chúng khoe vào những ngày đầu năm mới cha mẹ sẽ đưa chúng lên bờ, đi xem người phố thị đón tết, vào chợ ngắm hoa và đi ăn những món ăn mà chúng chưa bao giờ được ăn. Chúng kể về những chợ hoa đầy màu sắc, những chiếc bánh mà chúng chưa thấy bao giờ, chúng kể như kể về chính những ước mơ của chúng trong giấc ngủ nồng nàn của trẻ thơ trên sông nước.
Đang mải suy nghĩ bâng quơ, bọn trẻ chạy đến và kéo tôi chạy ra nơi mà mọi người đang đốt vàng mã. Đến tết, họ đốt trôi đầy cả khúc sông, lũ trẻ chỉ về phía vàng mã phân bì: “Ở dưới âm phủ mà cũng có ngựa đi, rồi có thêm cả điện thoại di động nữa, họ sướng thiệt”. Những nét mặt ngây thơ hồn nhiên, nhìn chúng cười mà thương đến nao lòng.
Trời hôm nay thật đẹp, không khí rộn ràng, không u ám như những ngày mưa lạnh. Những hàm răng sún cười tươi chơi đùa thỏa thích. Tôi ghé sang thăm nhà chị Liên, thân hình gầy và xanh của người mẹ tuổi ba lăm đang tay ôm cậu con trai hai mươi tháng tuổi. Lúc còn con gái, chị sống trong ngôi nhà trên cạn, rồi đem lòng yêu anh chàng mồ côi và theo chồng sống trên chiếc xuồng tạm bợ. Chị kể ngày mới về, ở cũng sợ lắm, rồi cũng quen dần, ngày mẹ chị mất cũng là ngày chị sắp sinh, cuộc sống lại không có ba mẹ chồng, vất vả trăm bề. Ngày chị sinh, anh một mình chạy ngược xuôi lo cho chị, đón chị về chiếc thuyền nhỏ gọi là ngôi nhà hạnh phúc của anh chị để chăm nom. Anh một tay vừa kiếm tiền vừa lo cho mẹ con chị trong những ngày ở cữ. Dù gian khổ nhưng chị vẫn thấy hạnh phúc khi được sống bên người chồng hết mực thương yêu. Tôi nhìn bữa cơm đạm bạc mà thương cho đôi vợ chồng trẻ, họ có biết bao hoài bão và cả tương lai của đứa trẻ vừa mới chập chững đi. Chị kể cho tôi nghe về ngày cưới. Chị thuê được chiếc áo dài, chú rể một bộ vét, hôn lễ cử hành tại nhà chị rồi họ hàng nhà anh chèo những chiếc thuyền sang nhà gái đón dâu. Đám cưới chẳng có nhạc, chẳng có tiệc cưới, họ chỉ tới với nhau bằng dăm miếng cau trầu và tình yêu thương, thế rồi họ trở thành vợ chồng.
Trong những ngày tết, nhà chị Liên có ba người nên cũng chỉ mua ít thịt ướp cho thơm và để được lâu qua những ngày vắng chợ. Chị còn trẻ lại khéo tay nên chị mua những bông hoa đào bằng vải, anh lại đi kiếm cành mứt về rồi chị gắn thành cây hoa đào đặt trước mui chiếc đò, anh mua lá cờ Tổ quốc cắm lên mũi đò bên kia, trông cái tết rôm rả và tươi vui hơn hẳn. Những người đàn ông, đến những ngày giáp tết thường đi bốc vác ở chợ hoa, những ngày cuối cùng, họ mang về một vài chậu để chưng trước mui thuyền. Họ đón tết với nhiều thứ chắp vá vậy nhưng cái tết thật ấm cúng và đầy màu sắc.
Tôi nhìn ra phía chân cầu Thành Phước, nơi những người trên thuyền vắt vẻo những bộ quần áo mong manh chờ ngày khô ráo, nơi những đứa trẻ có một khoảng không gian để chạy nhảy khi ra khỏi “ngôi nhà” chật hẹp mà khi đứng thẳng người bọn nó thường hay bị va đầu. Chị Bi om những con vịt mấy lâu nay chị nuôi được rồi bán cho mỗi nhà mỗi con, thêm con vịt, thêm con gà, tết có vậy nhưng với họ cũng là đầy đủ và ấm cúng.
Mọi người thay nhau kể về ngày tết, đêm giao thừa, khi xong việc, họ chèo đò lên một khúc sông xem pháo hoa, họ bảo ở dưới sông xem hay lắm, pháo hoa thật đẹp, giây phút đó họ quên đi những ngày dài mệt mỏi. Ngày mồng một tết, họ dậy sớm để đun ấm trà, nấu chén chè cúng đầu năm cho ông bà. Bọn trẻ cũng dậy sớm để mang quần áo mới, dù rằng có một bộ thôi nhưng chúng cũng thích thú mang vào và ngắm nghía. Xong mọi việc, đò này chèo sang thăm đò kia, nói cười rôm rả. Có nhà thì cả gia đình dắt nhau đi bộ, tay cầm những hạt dưa cắn ngon lành, họ đến thăm những nhà người quen họ hàng sống trên bờ. Dù xa nhưng họ vẫn đến chúc nhau đầu năm và người lớn lì xì cho trẻ nhỏ. Khu vạn đò cách chợ khá xa, nhưng bọn trẻ rủ nhau chạy ra chơi những trò được bày ra gần khu chợ, chúng chơi trò câu cá nhựa, có đứa có vài đồng tiền lì xì thì cũng thử vận may ở những trò cua bầu, có đứa mua bóng bay về và buộc trên thuyền như những ngày hội... Sau những lời chúc, ngày mồng một, những người đàn ông cùng nhau thả lưới, mở nghề đầu năm mong cho năm mới kiếm được nhiều tiền hơn. Họ đón đầu năm mới như vậy, những chiếc xuồng chèo sang hỏi thăm nhau ngày tết, có mứt kẹo gừng, có những trận cười giòn tan vui vẻ chào năm mới. Họ nghèo nhưng thắm đượm tình thương. Họ chúc nhau những lời chúc tốt đẹp, họ chúc nhau rằng sẽ bớt khổ hơn, sẽ sớm ổn định hơn trong năm tới.
Mùa xuân, mùa của hy vọng, mùa của những tiếng cười, mùa của đất trời, của sông nước hòa vào lòng người nô nức. Mùa của tình yêu thay cho oán trách, mùa của muôn hoa thay cho nỗi u buồn. Vẫn biết sinh tồn là gian khó nhưng lòng tôi cũng hân hoan đợi chờ và hy vọng vào những điều tốt đẹp như những con người trên sông nước kia. Mùa xuân tới, tôi yêu con người ở đây hơn, yêu xứ Huế hơn bởi tôi biết trong gian khó luôn có những nụ cười.
N.P.A
(SH312/02-15)