Viết về đề tài thiếu nhi thực sự thành công, phần nhiều là những tác phẩm độc giả lớn tuổi cũng yêu thích, như Dế mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài), Không gia đình (Hector Malot), Kiến và chim bồ câu (Lép Tônxtôi), Truyện cổ Andersen, Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng), Chuyện núi đồi và thảo nguyên (Tchinguiz Aitmatov), v.v.
Những tác phẩm này hẳn nhiên hầu hết các nhà văn đều đã đọc, đều nhờ đó mà nuôi lớn tâm hồn, nuôi lớn tư duy và chiều sâu sáng tạo. Điều này cho thấy rằng văn học thiếu nhi là một đề tài hết sức quan trọng.
Thời gian qua, nhiều cuốn sách dành cho thiếu nhi bị đưa ra phê phán ở nhiều khía cạnh. Có những sai sót về mặt hình thức và nội dung vượt khung cảm nhận của trẻ, gây nên tình trạng nhiễm độc tâm hồn, là một thực trạng buồn. Điều đáng mừng, nhiều tờ báo vẫn có trang dành cho Thiếu nhi vào dịp Trung thu, Ngày Quốc tế Thiếu nhi, hay ở những ấn phẩm Tết. Một truyện ngắn, vài tản văn, những bài thơ kèm minh họa sinh động, thật sự là món quà ý nghĩa. Mảng văn học thiếu nhi trên các báo đang dần khởi sắc trở lại, theo đó giới nhà văn cũng tạo cho riêng mình cảm hứng trước đề tài thực không dễ “gặm” này. Hơn thế, có những cuộc thi truyện ngắn, truyện tranh viết, vẽ cho thiếu nhi diễn ra không gián đoạn gần chục năm trời như Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi; là kết quả hợp tác của Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, Hội Nhà văn Đan Mạch, Hội Nhà văn Hà Nội và Nxb. Kim Đồng. Gần nhất vào cuối năm 2014 đã diễn ra cuộc hội thảo “Văn học thiếu nhi Việt Nam thời kì hội nhập quốc tế” tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Riêng về tác giả thì có Nguyễn Nhật Ánh, nhà văn đã tạo dựng một thế giới trẻ thơ nhiều màu sắc, cũng là thế giới của riêng tác giả khó ai đạt tới. Nguyễn Nhật Ánh cũng là nhà văn từng tham dự “Tuần lễ sách thiếu nhi quốc tế” được tổ chức vào khoảng cuối hàng năm tại Thụy Điển. Bên cạnh đó, một số nhà phê bình vẫn đang dành tâm huyết thâm nhập vào không gian sáng tạo của nhà văn trong niềm vẫy gọi của ký ức lộng lẫy.
Trong Chuyên đề này, BBT Sông Hương sẽ đưa bạn đọc đến với những vấn đề khá trọng tâm của văn học thiếu nhi Việt Nam, với cái nhìn khá toàn cảnh từ 1986 đến nay. Để thấy một thực tế là “các em vẫn thiếu và đói văn hóa nghệ thuật” trong gần ba thập kỷ như nhìn nhận của các nhà phê bình. Những thao thức trên dòng chảy văn học thiếu nhi cũng sẽ được phân tích để cùng hướng đến những sắc diện mới, tô lên gam màu tươi sáng từ ô cửa mở. Qua Chuyên đề, người đọc và người viết còn có dịp khám phá khu vườn cổ tích hiện đại qua những truyện ngắn đạt giải cao trong Dự án văn học thiếu nhi nói trên; về thế giới truyện tranh Nhật Bản sớm trở thành nét văn hóa, tạo nên sức ảnh hưởng ở tầm quốc tế và đặc biệt đối với độc giả và cả nền truyện tranh Việt Nam; về cuốn truyện cổ tích của nhà văn Nobel Văn học Hermann Hesse vừa được Sông Hương phối hợp giới thiệu. Tiếp đó là mảng thơ văn của những tác giả ở Huế từng dành nhiều tâm huyết sáng tác cho thiếu nhi.
Mong rằng qua Chuyên đề này, chúng ta thêm phần khẳng định: Văn học Thiếu nhi vẫn có sức hấp dẫn lạ lùng với nhiều lứa tuổi độc giả.
Ban Biên Tập
(SH316/06-15)