LGT: 1 bài thơ Waka tiếng Nhật được quy định là 31 âm tiết chia làm 5 dòng (5-7-5-7-5). Và khi thơ Waka Nhật khi dịch sang tiếng Việt chỉ bảo đảm được phần nghĩa, không bảo đảm được phần âm tiết. Thơ Waka thường không đặt tên bài mà đánh số cho từng bài trong 1 tập thơ lớn hoặc theo 1 chủ đề lớn.
Một tập Waka mỏng thường là 36 bài, được sắp đặt theo quy luật sanh - trụ - dị - diệt của vạn vật và trong tiến trình: yêu - chia ly - chiêm nghiệm nhớ nhung. Waka (hòa ca) hay còn gọi là Tanka (đoản ca) nhiều nữ tính nên ít viết về chiến tranh hoặc phê phán. Ở Việt Nam thường ít người viết thơ Waka mà chủ yếu viết thơ Haiku của Nhật vì Haiku đặc biệt có 3 câu - rất tiết chế ngôn từ, nổi tiếng & đặc biệt. Còn với tác giả Hạnh Ngộ yêu thích Waka và làm nhiều bài thơ thể loại này vì thể thơ này khá nữ tính, và 5 câu trọn đủ tả tình tả cảnh - hợp với cách hành văn của tác giả.
1.
Niềm vui bừng tỉnh
thấy mưa sau nhiều ngày nắng
hay là em hoa mắt
giữa sương mù là anh
mong manh
2.
Trà hội
sa mạc mênh mông ngoài cánh cửa
biển rộng sông dài cũng đã xa
ốc đảo xanh một chén trà
uống cạn mộng với hoa
3.
Cái đẹp
Là ánh nhìn khắc ấy
Anh nghiêng vào mùa thu
Em lạc trong sương mù
Của chính mình giăng ra
4.
Vườn ái mộng tịch liêu
hoa vàng chi mấy độ
mà vấn vương mỗi chiều
sau cùng rồi sẽ buông
em học xa anh sớm.
5.
Hoa vông đỏ rực
Hôm qua đã tàn
Dưới dốc núi Chứa Chan
Sao tôi không dừng lại?
Để tịnh an cho tình.
6.
Mây bay
ngoài cửa sổ
tay xòe nắm vội mây
hư không trong bàn tay
ta giữa tang bồng có...
7.
Có một khoảng lặng
giữa hai tiếng chim
có một khoảng trống
giữa núi và mây
để tôi nhìn thấy tôi.
(SH320/10-15)