ĐOÀN HUYỀN
Trong tiểu luận “Căn phòng riêng”, Virginia Woolf cảnh báo: “Bất cứ ai cầm bút mà còn nghĩ đến giới tính của mình thì kẻ đó sẽ vấp phải sai lầm vô cùng tai hại”(1).
Với một người viết chân chính, giới tính không phải là căn cớ đẩy người ta vào bàn viết và càng không phải là cứu cánh của sự viết. Nhưng với người viết nữ Việt Nam, sự viết phần lớn bị vây khốn trong giới hạn phái tính. Cái bóng Đàn Bà án ngữ trước bàn viết của họ như một trường thành - cao lớn và kiên cố. Thế giới nghệ thuật của họ khởi đi từ và (được/bị) đổ bóng bởi “tính phụ nữ” - ngoại biên và thứ yếu. Chân dung người viết nữ, bởi thế, mang dáng dấp của kẻ “đa sầu đa cảm” hơn là dáng mạo của một tư thế nghệ sĩ. Các tác phẩm của họ lui cui ở “chiếu dưới”, ở “sân sau”. Danh xưng nhà văn/nhà thơ nữ của họ có gì nhỏ nhoi, không mấy uy tín như danh phận một kẻ nghiệp dư. Để đường hoàng bước ra khỏi tồn tại “hạng hai”, “chiếu nhì”, nhà văn nữ phải giải quyết trước nhất cái ràng buộc giới tính (bị kẻ khác quàng vào hay tự đeo lấy) ấy để đối diện với trang giấy trắng với thế cách của một người viết.
Cái bẫy giới tính
Giới tính như một cái bẫy êm ái
Viết với tư cách một người nữ, người ta rất dễ “theo bản năng” sa chân vào cái hố trữ tình nơi ních đầy rung cảm, xôn xao, chộn rộn nóng hổi và chênh chao. Trên mảnh đất sụt sùi và ướt át, tình yêu là nơi nương cánh của những “hồ nước mắt” lúc nào cũng chực bung vỡ. Tình yêu “thăng hoa” thế giới cảm xúc trong tâm hồn người cầm bút. Nhưng là cái thăng hoa không có bầu trời, thứ thăng hoa âm u và có hơi hướng “suy đồi”. Bởi người viết ở vị trí này thường “đơn thuần và giản dị” là một người Đàn Bà - kẻ “định sẵn” vai thứ yếu, tòng thuộc, luôn phải (và muốn) nương nhờ sự che chở, trông đợi những ve vuốt, và dâng mình trọn vẹn cho kẻ Khác - là Anh - người Đàn ông, Chủ nhân, kẻ Thống trị, Nhân vật chính, Thế giới. Họ - những người đàn bà ấy, không bao giờ dại dột đi hoang khỏi “đường xưa lối cũ”, chỉ dịu dàng bám chặt vào những gì có “tự bao đời”, khăng khít gắn bó với “cái mọi người đã qua”, ôm ấp giấc mơ lộng lẫy “em chỉ muốn là bình thường”, hoàn toàn tin tưởng rằng tương lai “bác học”, “thi sĩ” chỉ dành riêng Anh, còn em “em chỉ là em”, là Đàn Bà - trẻ nhỏ, tình nhân, hầu nữ của riêng Anh:
“Đôi lúc em muốn thành đứa bé
Cho anh vuốt má, xoa đầu
Ngày hè nấu cho anh một bát canh rau
Ngày Đông, pha cho anh một tách cà phê sữa
Em sẽ đẻ cho anh một đứa… rồi một đứa
Để hai đứa chúng mình bồng bế chúng đi chơi
Em chỉ muốn là Người Đàn Bà của chính anh thôi”(2)
Tất nhiên, không phải các thế hệ cứ tiếp nối nhau ngoan hiền thế. Có lúc, họ nổi loạn. “Bứt phá… quên mình là đàn bà”(*). Nhưng lang thang, loanh quanh một hồi. Cuối cùng họ vẫn gặp lại mình, một cái mình xưa cũ - luôn tồn tại cạnh, nhờ và dưới sự chăn dắt của kẻ khác. Chân dung của người đàn bà đó - Tôi:
“Là mùa đầu cánh đồng Mẹ tôi sinh nở
Là cơn gió của đại ngàn Cha…
…Cha mẹ định quàng dây cương vào tôi
“Hãy để tự con đi!”
Độc mã
Quyết làm những điều mình muốn
…Bỗng một hôm
Tôi đứng yên để một người buộc vào tôi dây cương và đi theo người ấy
Đó là người tôi yêu”(3)
Người đàn bà hay “Người thiếu phụ hai mươi tuổi” (như tự gọi) trong thơ Vi Thùy Linh, tác giả của bài thơ, có lẽ, tiêu biểu cho hình ảnh con chiên tử đạo cho tôn giáo tình yêu - “Tình yêu đã trở thành tôn giáo. (Ngoan đạo, cuồng tín - là kẻ si tình)”, cho niềm mê đắm Đức Chúa Anh: “Không cần Chúa trời, Anh sáng tạo em bằng sức mạnh phồn sinh/ Em thấy mình thực sự là phụ nữ khi có Anh - điều tất yếu và linh thánh… Em quỳ xuống Anh gọi Bình minh sáng thế…”, “Em sẵn sàng chết vì Anh…, Em sẽ vắt kiệt đến giọt sống cuối cùng…”, “Ở thế kỉ 21, một bé trai hỏi mẹ: - Mẹ ơi, Trái đất rộng lớn bằng nào?... - Còn cha của con?” - (Người là một Thế giới). Cũng ở thi giới của nữ sĩ này, khát khao dâng hiến, khát khao “tan rã”, “vong thân” cho (và vào) đối tượng được yêu, được tín ngưỡng vọt đến đỉnh điểm trở thành một khát vọng cuồng mê: “Anh yêu của em/ Em yêu anh cuồng điên/ Yêu đến tan cả em”, “Em bỏ tất cả/ Em quên tất cả/ Quên cả tên mình/ Quên cả tuổi mình/ Quên cả lối đi/ Chỉ còn nhớ Anh”, “Mỗi người là một thế giới nhỏ/ Em dâng anh thế giới của mình”. Với ước vọng được tòng thuộc, và hạnh phúc làm tù nhân - “Tôi hôn anh rưng rưng và biết mình đang trở thành nô lệ của tình yêu, một nô lệ không cần được giải phóng”, Vi Thùy Linh không thể trở thành “biểu tượng giải phóng phụ nữ trong văn học”(4) như từng được tôn xưng và hy vọng. Thực ra, ngược lại, “thơ Linh” phần nhiều “bầy đầy rẫy tầm nhìn… của một nữ nạn nhân”(5) - nạn nhân của một nền văn hóa, một xã hội gia trưởng, “một thế giới macho”(6), “một thế giới được hướng dẫn bởi bản tính nam”(7), một “xã hội bị áp chế bởi thứ chủ nghĩa duy dương vật (phallocentrism)”(8) - đeo đẳng thứ mặc cảm phụ thuộc, nô lệ trong tiềm thức.
Được viết bằng tâm thế của kẻ yếu, trang viết của người nữ thường đơn sơ là giải bày tâm sự, thổ lộ tình yêu và hạnh phúc được yêu - thứ hạnh phúc của kẻ đã no đủ mơn trớn, vỗ về:
“Tôi ngày hôm nay là viên sỏi đã chìm
Trong biển lai láng hạnh phúc
Quấn lấy một chút rêu khổ đau làm trang sức ái tình
Nhỏ một chút nước mắt đợi chờ cho biển thêm mặn
Những lời người yêu tôi hát ru
Tôi đi giữa sóng như loài ngư nữ
Lời thở than trôi về phía sau
Mặt trời trên tóc tôi là nụ hôn của chàng
Lời chúc ngủ ngon mỗi tối
Ru tôi bồng bềnh trong mơ”(9)
Tình yêu của người nữ ở đây trọn gói trong công thức: được yêu, được ve vuốt, được nép vào ngực anh, nằm trong vòng tay anh - ngoan ngoãn và phẳng lặng như mặt hồ không sóng - xa lạ hoàn toàn với tình yêu thảo nguyên kiêu hãnh, ngông ngạo, ngang ngược của Radda(**) tai quái - kẻ đứng trước tình yêu mà như đối mặt với con đường hung hiểm dẫn về nô lệ và vong thân, kẻ lấy cả cái chết khước từ tình yêu của người mình yêu để mãi mãi tự do, mãi mãi không thuộc về kẻ khác: “Loico, tôi chỉ yêu anh. Nhưng tôi còn yêu tự do nữa! Tự do thì tôi yêu hơn cả anh”(10). Những người tình ở đây không mặn mà với tự do, bởi tự do là một mình, là “bước thấp bước cao” thập thễnh trên con đường cô đơn hun hút gió:
“Khuya gõ từng đốt xương sống em
Ngồi rùng mình nhìn trăng
Hay đèn phố vàng hoe
Con mắt ai buồn ngủ
Tự do đến nỗi
Cô đơn
Vô cùng…”(11)
“Đừng tiễn em nữa anh
Dù chỉ đôi quãng ngắn
Trước mắt em hun hút một con đường
Có thể nào khác được
Em phải đi về chốn không anh
Lầm lũi em một mình với bóng
Mỗi bước đau lằn tím con đường”(12)
Bởi thế thi phẩm của những người đàn bà yêu, những người đàn làm thơ - như cách người viết nữ hay tự gọi mình thường chỉ như một hơi gió nhẹ, một làn mưa bụi loáng thoáng và mong manh, không sao cất mình đến lưng chừng trời, hay nói như trên, chỉ như, một thứ thăng hoa không có bầu trời.
Và nữa, một thứ thăng hoa âm u và có hơi hướng “suy đồi” - thể hiện ở lòng tự mê, tự ái của người nữ, một thứ narcissism được sinh ra từ ẩn ức của mặc cảm thứ yếu, tòng thuộc như một phản kháng tự vệ, bù đắp những thiệt thòi, thua xót của “thân phận”, “định mệnh”. Thứ tự mê ấy hoặc nhẹ nhàng: “ừ thì ta thấy ta xinh/ dẫu đi chợ tết một mình/ chẳng sao/ vẫn hồng hai má hoa đào/ áo bay như thế/ bướm/ lao xao về”(13). Hoặc trở thành một ám ảnh về sự đặc tuyển, xuất chúng, độc đáo của riêng mình như Vi Thùy Linh trong các chân dung tự họa: “Này gương kia ta muốn biết trí tuệ của ta? Thưa cô, cô thông minh hơn nhiều, so với tuổi. Gương ơi, bây giờ trông ta ra sao? Cô già hơn nhiều, so với tuổi”, “Nói gì cũng hàm ngôn/ Mắt hàm ngôn những điều ngoài tiếng nói/ Không phải ai cũng dám yêu người như thế”. Hay như Đỗ Hoàng Diệu với vẻ đẹp “thiên thần” của các nhân vật nữ xưng tôi trong truyện ngắn của mình - “mắt bổ cau”, “môi cánh sen”, “răng trắng bóng”, “bàn tay nhỏ nhắn và mềm mại hiếm thấy… làn da mỏng tang không trọng lượng”, “đùi dài và thẳng”, “bầu ngực núng nẩy”, “nói và cười, khuôn mặt, dáng vẻ tôi phát ra thần sắc riêng… có một ma lực chết người” lại “thông minh”, “dũng cảm”, “có trí nhớ tuyệt vời”, “vô cùng lãng mạn”, được người tình ngưỡng vọng như “bể sâu nhất, dòng xoáy nhất trong đại dương”. Nhưng nếu để ý, sẽ thấy, vẻ đẹp mà họ tự tôn xưng thực chất là sự quy phụng, xu phụ chính thiết chế của “giới thứ nhất”. Bởi vẻ “nữ tính” - mắt bổ cau, môi cánh sen, “bàn tay nhỏ nhắn và mềm mại”, nét sexy gợi cảm, gợi dục - “vùng ngực hồng hào”, “bầu ngực núng nẩy”, “đùi dài và thẳng”, cơ bản được xây dựng trên hệ giá trị được xác lập bởi người nam. Cái đẹp mà họ tự hào và tô vẽ cho bản thân, do đó, không phải là cái đẹp hồn nhiên, cái đẹp tự thân cho chính nó mà, cái đẹp để hiến thân, để cúng tế. Thêm nữa, có vẻ như, những người viết này đang “khai man” bởi không thể tìm đâu thấy trong sáng tác của họ minh chứng cho vẻ đẹp tâm hồn, trí tuệ thông minh, dũng cảm như đã tự xưng chỉ thấy ê hề sự bạc nhược, yếu đuối của những cái bóng không đủ sức cưu mang sức nặng của chính hiện hữu mình mà luôn phải đi tìm và vin vào sự có mặt và tồn tại của kẻ mạnh: “Em muốn tìm Anh, nhưng lại lạc vào bóng mình, tìm Anh/ trong tiếng vọng của bão/ Con đường hút hút lõm những dấu chân/ Em ướm chân mình, định uống nước trong một dấu chân,/ như cổ tích…/ Mà chỉ toàn dấu chân phụ nữ”. Vun tất cả dũng cảm của họ lại chỉ đủ một nhúm sức để “cong lên hình chữ S, một hình chữ S cố phản kháng” nhưng nhanh chóng “oằn xuống thẳng đơ” thành “chữ I hai đầu xẹp nhép”.
Có thể thấy: thế giới tình cảm và nghệ thuật của người viết nữ chật chột, nhược tiểu như hệ quả của mặc cảm thân phận. Những người đàn bà viết gần như không có một vốn, một tầm nhìn và điểm tựa văn hóa chắc và rộng, thậm chí không cả một bản lĩnh nghệ thuật thiết yếu của người cầm bút. Họ đều không có hy vọng làm mới bút pháp và tư tưởng nghệ thuật. Dù họ thường tìm đến thơ tự do như muốn cho thấy sức sống cuồng nhiệt của nội tâm công phá mọi hàng rào của niêm luật, quy tắc và trật tự. Nhưng giọng thơ, giọng văn vẫn âm ỉ cái lãng đãng, ngọt ngào, thậm chí “cải lương” của những mùa thơ cũ. Họ tất thảy đều thụt lùi, “lỗi thời” trong khí hậu “lãng mạn, trữ tình”(14) cũ kĩ, nghèo nàn.
Giới tính như một vũ khí để phản kháng
Lấy giới tính làm vũ khí phản kháng, người viết nữ dấy lên cuộc nổi loạn tính dục như một thế đối chọi và hạ giá uy quyền của đực tính: tự do phơi mở vùng khuất lấp của thân xác, giành quyền lên tiếng ở những địa hạt vốn chỉ nằm dưới sự thống trị của nam quyền. Tuy nhiên sự tự tin, sự “khai phóng” ở mỗi người viết có mức độ và cấp độ khác nhau, và sự khác nhau thể hiện một bước tiến, một sự đi tới trong nhận thức về mình, về giới. Câu chuyện dục tính trong thơ Vi Thùy Linh “Khỏa thân trong chăn/ Thèm chồng”, “Cái lưỡi mềm của anh nơi gan bàn chân em/ Làm thế giới hóa lỏng/ Em như bông lúa chín”, “Em vén áo lên để cho anh tràn vào tinh khôi và mãnh liệt”, và trong truyện ngắn của Đỗ Hoàng Diệu: “Ngón tay anh ve vuốt dịu dàng, người tôi mềm nhũn. Nhưng anh dịu dàng lâu quá, dịu dàng tôi không chịu nổi. Tôi muốn anh bóp nát, bục vỡ, tan òa chiếc nhọt. Một lần vợ chồng đã đời để quên hết”, “hình như người ông được nặn từ thép, ông không biết mệt bao giờ. Nắng chiều miền biển soi qua cửa sổ mở toang lặn hơi nóng vào da thịt cũng không làm ông ngưng nghỉ yêu đương. Ông chỉ cười, chỉ ra lệnh và nhồi vào, thúc sâu, bền bỉ, mạnh mẽ đến khi tôi hét lên cùng sóng biển hoàng hôn, ông mới tạm ngừng”, “mỗi bận ánh mắt ông soi vào vùng kín, da thịt tôi lại hồng tía lên như thể mào gà, để rồi bị ông dìm chết, bở ra như một củ khoai lang”, dù “táo bạo”, nhưng là táo bạo của kẻ thụ động, dù “đê mê” nhưng là đê mê của kẻ “nằm dưới”, của kẻ luôn và chỉ được đóng vai đối tượng hứng dục trong mỗi cuộc yêu. Thứ chăn gối lõa thể sau rèm, “khỏa thân trong chăn” ở đây còn mang đầy không khí “bảo hoàng”, phong kín và cảnh giác.
Với những con Ngựa trời Lynh Bacardi, Khương Hà, Nguyệt Phạm, Phương Lan chuyện yêu đương đã chuyển sang gam màu khác. Phương Lan đầy chủ động thậm chí hoang dại, bất kham, cuồng loạn như ngựa hoang đang chạy tế lên trong nỗi khát “vượt ngục”, “đào thoát”, đâm quàng vào cuộc yêu vừa ngột ngạt vừa thăng hoa, ướt đẫm và nóng rẫy nhục cảm: “Như một con ngựa bất kham bị giam giữ suốt mùa đông/ Tôi băng mình ra mênh mông thảo nguyên ngợp ngời cỏ non và ánh sáng…/ Tôi vút đi hân hoan đầy phấn khích…/ Tôi muốn hét vang cho vỡ toang bao lâu nén ép vọng cuồng chờ/ Xiết lấy mùa thơm trong tay mình rát bỏng/ Giọt Hạnh phúc ứa ra trên đóa môi tràn trề cơn rung động…/ Tôi ưỡn cong mình nhận lấy Người tràn xuyên qua tôi lấp đầy mùa cuồng khấu khát” (Mùa căng); “Rướn cong mùa chín mọng trong đêm/ Chờ một linh tín để hân hoan giờ khai mở/ Dưới em là rì rầm cỏ mềm/ Và những mầm phôi phập phồng cố nén cơn phấn khích/ Trong viễn tượng đồng loạt dội lên/ Và rồi êm lịm/ Hơi thở phủ xuống em/ Giấc mơ khoan thai bay đến/ Khe róc rách khơi chảy/ Cơn gió hoang phiêu mát lạnh trườn ngược lên đỉnh đồi” (Đỉnh hoa).
Ở góc độ này Phương Lan và các nhà thơ trong nhóm tỏ rõ sự mạnh bạo thậm chí táo tợn trong cách ứng xử với một khu vực vốn là cấm kỵ. Nhưng với sự táo tợn và mạnh bạo của mình, họ cũng không đi xa hơn những người viết nữ khác là bao. Bởi tự do tính dục không giúp người ta thay đổi được tư duy, bút pháp nghệ thuật, không đem đến được cái nhìn mới mẻ thay thế cho những định kiến ù lì, không mang họ ra khỏi khí hậu thơ lãng mạn cuối mùa, không đặt ra những vấn đề căn cốt của nghệ thuật, cũng không đưa ra được đề nghị nào khả dĩ. Thậm chí nó cũng không đủ khả năng để cho họ một nơi neo đậu, không giúp họ ly khai được “nỗi buồn thân phận” - “Tôi chạy quàng tìm một chốn nương thân…/ Tôi chạy quàng vào anh/ Tôi đã bình yên bao nhiêu trong anh/ Nhưng làm sao không thể/ Đôi khi thấy mình sợi tơ hoang tưởng/ Giăng ngang vô vọng ngày tháng/ Rơi tuột nỗi thốc trống/ Thui thủi một mình mình” (Nương Thân - Phương Lan). Tuy vậy những người viết này ít nhiều cho thấy sự cố gắng trong nỗ lực tách mình khỏi sức hút của thói quen, truyền thống trữ tình. Sự cố gắng và cả sự thất bại của họ đặt ra vấn đề về lối thoát thực sự của người viết nữ khỏi sự đeo bám của cái bóng giới tính, khỏi cái bóng Đàn bà án ngữ của trước bàn viết của họ. Phải làm sao để chỉ còn lại riêng - một người viết bên một trang giấy trắng?
Trang giấy trắng
Tôi khánh thành mình(***) - một người viết
Trước hết người nữ phải có một hiểu biết minh bạch và sòng phẳng về bản thân mình. Giới nữ - với tư cách giới thứ hai không phải một tiền định, một lẽ tự nhiên. Tính nữ không phải một thứ thiên tính, một sự đã rồi. Cái được gọi là Đàn Bà là một cách hiểu, một cách diễn ngôn chứ không là một sự thật, một tồn tại hiển nhiên. Người mang giới tính nữ, không phải, ngay từ phút đầu khi bước vào cuộc đời, tay đã ôm khư khư tính nữ như một bảo bối hay như một cục nợ. Nói như Simone de Beauvoir: “Người ta không sinh ra là phụ nữ, người ta trở thành phụ nữ”(15). Người nữ - giới thứ hai thứ yếu và lệ thuộc thực chất là sản phẩm được bóp nặn từ bàn tay của lịch sử, văn hóa và hoàn cảnh sống. Khi đã ý thức về mình như vậy, họ hiểu rằng trong vở kịch giới tính, vai nạn nhân của họ là một bi kịch ngụy tạo. Và ám ảnh giới tính sẽ không đủ mãnh lực để phủ lên toàn bộ thế giới tinh thần và thế giới nghệ thuật của họ, họ có đủ thông tỏ và năng lực để nhìn nhận nó khách quan và đơn thuần chỉ như một đề tài.
Xua tan được những mặc định giới tính có sẵn, phi lí và bất công, cùng lúc, họ đối mặt với một tự do hoang vắng và trống rỗng. Chính trên khoảng trống không đó họ phải tự sinh thành lấy mình - đó là giờ phút ra đời của một người viết.
Trong cái hư không và trống rỗng đó người viết hoàn toàn không phải kẻ tay trắng, bởi lúc này họ có trong tay hai bảo vật vừa quý giá vừa đáng sợ: tự do và cô đơn. Nếu không từ chối chúng thì họ sẽ cho mình cơ hội để bắt đầu một công cuộc sáng tạo độc lập và tự chủ. Tự do cho người ta quyền được lang thang, ẩn danh, trải nghiệm, khám phá cuộc đời, vạn vật và chính bản thân mình. Nó cho người viết quyền được sống trước khi viết những tác phẩm của mình. Lịch sử văn học cho thấy các nhà văn (nam) tài danh đều là những tay ngang dọc với một cuộc đời phóng túng, Simone de Beauvoir cho một ví dụ, T. E. Lawrence (nhà văn Anh) trước khi kịp bước vào tuổi hai mươi đã làm tới hai cuộc du thám mạo hiểm “Mười tám tuổi, T. E. Lawrence một mình làm một cuộc hành trình bằng xe đạp xuyên nước Pháp… một năm về sau… mạo hiểm đi bộ xuyên qua một xứ sở nửa sa mạc và nguy hiểm”(16), Woolf cũng chỉ ra đặc điểm tương tự ở văn hào Lev Tolstoy - “người trai trẻ sống tự do với người đàn bà gypsy hoặc bà mệnh phụ nào đó; ông cầm súng ra chiến trường, sống cuộc đời tung hoành, nếm trải không biết bao nhiêu mùi đời mà sau này ông dùng để viết sách”(17), Shakespeare, cũng vậy: “ông là một cậu trai phóng túng, ông đi săn thỏ, có lẽ cả nai… Ông bỏ nhà lên London đi tìm sự nghiệp… Chẳng bao lâu,… ông trở thành một diễn viên thành công và sống giữa trung tâm vũ trụ, ông gặp gỡ, quen biết mọi người, làm nghệ thuật trên sân khấu, phô diễn những điều minh triết ngoài đường phố, thậm chí được phép ra vào lâu đài của hoàng hậu.”(18) Tự do lang thang và trải nghiệm giúp mài sắc trí óc, giác quan, đem lại chất liệu cho những trang viết. Nhưng quan trọng hơn, nó làm đầy vốn tri thức của người viết. Nó giúp người viết xây dựng lịch sử văn hóa, lịch sử tư tưởng của chính mình. Nó dần sinh thành một con người độc lập. Nó cho người viết một cách nhìn rộng rãi và đa chiều về con người, về giới. Nó tạo cơ hội cho người ta sống thật sâu và dầy trong chính đời sống cá nhân của họ. Nó khơi cái nguồn của “cá tính”, của “bản thể” trong mỗi chúng ta - không phải với tư cách một người nữ (hay một người nam) mà trong trẻo và thuần giản trong tư cách một con người, tức nó giúp người viết tìm về với cái tự nhiên của mình, như Lê Đạt từng chiêm nghiệm: “Cần rất nhiều văn hóa và khổ luyện để sống tự nhiên”(19). Đó cũng là lí do vì sao Woolf luôn đặt tự do lang thang và trải nghiệm ẩn danh như một thiết yếu hàng đầu cho sự sống và sự viết của mình: “Tôi sẽ không trở nên “danh tiếng” hay “xuất chúng”. Tôi sẽ tiếp tục phiêu lưu, tiếp tục đổi thay, tiếp tục mở rộng trí óc và tầm nhìn, không ngừng từ chối bị đóng dấu hay rập khuôn. Làm vậy sẽ giải phóng cá tính: để nó tìm thấy được chiều kích của chính nó mà không bị ngăn trở”(20).
Còn Cô đơn, nó là cả một suối nguồn của sáng tạo. Tuy vậy cô đơn là trạng thái không hề dễ chịu, thậm chí nó yêu cầu một sức chịu đựng, đôi khi là quá sức. Bởi thế người ta trốn tránh, viện đủ lí do và lao vào đủ nơi ẩn nấp để lánh mặt nó. Nhưng dù có xem nó là một quà tặng hay một trừng phạt, có chấp nhận hay không chấp nhận, thì nó vẫn ở đó, song hành, bên cạnh và ở trong mỗi cá nhân. Người viết phải là kẻ hiểu hơn ai hết sự thật này, hơn thế phải lấy nó làm khởi điểm sáng tạo. Chính lúc người viết bắt tay với cái Cô đơn là khi người ta bị giằng khỏi thế bình ổn, bị hất tung khỏi mặt đất bằng, “như thế đương nhiên là chóng mặt, bởi ta bị tước sạch mọi điểm dừng quen thuộc cho con mắt, gần thì chẳng còn mà xa thì chao ôi xa tít tắp. Ai vừa bước khỏi nhà mà lập tức bị đưa lên chót vót trên đỉnh núi, không được chuẩn bị và chuyển tiếp dần dần, chắc cũng cảm thấy điều tương tự: một sự bất an tuyệt đối, một sự bỏ mình vào chốn vô danh, như thể sẽ bị tiêu diệt. Hắn tưởng mình sẽ ngã, hay sẽ bị liệng vào khoảng không, hoặc nổ tung thành ngàn mảnh: hồn phách hắn phải chắc chắn bịa ra một điều gì đấy để lấy lại hồn vía và minh mẫn trở lại. Khi người ta cô đơn, mọi khoảng cách mọi kích thước đều biến đổi như vậy; nhiều biến đổi trong số đó diễn ra đột ngột, và những ảo giác khác thường, những cảm giác lạ lùng, dường như vượt ra ngoài mọi khả năng chịu đựng, bỗng xuất hiện như với một người đứng trên đỉnh núi”(21). Nhưng như Rainer Maria Rilke, tác giả những dòng trên, khẳng định, đó “là chỗ dũng cảm nhất mà chúng ta phải có: dũng cảm đương đầu với cái lạ lùng nhất, cái kỳ bí nhất, cái không thể giải thích nhất”(22) và, chúng ta “cần trải qua điều đó”(23). Chính cô đơn thanh tẩy những nhiễm loạn của thế giới vật chất đa tạp, nó gạn lọc bụi bặm cho con mắt và những giác quan của ta để cho thấy những quy luật ẩn sâu trong lòng sự vật và giúp ta thiết lập được mối quan hệ với phần sâu kín của tạo vật. Cô đơn cho ta ý thức được cái gánh nặng của hư không chất đầy trên vai mình. Nó ném ta ra giữa cái vô cùng, để nghe hư vô chạm tới, chảy ào vào tim mình. Và như thế người viết có cơ hội soi ngắm, nghiền ngẫm mọi sự cả cái sống lẫn sự chết. Người ta chỉ còn việc chấm ngòi bút của mình vào cả một khoảng không vô cùng mà cô đơn trải rộng trước mắt, để viết về chính tồn tại bất an, chính cái choáng váng và xao xuyến khôn nguôi khi sự sống chạy qua tế bào, mạch máu của mình.
Từ trang giấy trắng
Cô đơn và tự do đã dọn đường cho người viết đi tới. Từ đó, những tài năng lớn dậy. Những tài năng làm bối rối bất cứ ai muốn phân định và xếp loại dù theo tiêu chí giới tính, hay lãnh thổ hoặc phe nhóm. Những tài năng chỉ đơn thu- ần và kiêu hãnh tồn tại như một tiếng nói nghệ thuật, chỉ chịu sự ràng buộc và hệ lụy duy nhất của sự viết.
Trong không nhiều tiếng nói như thế của văn học Việt Nam, Phạm Thị Hoài là nhân vật tiêu biểu. Giữa những gương mặt trí thức, nghệ sĩ Việt Nam đương đại, Phạm Thị Hoài hiện diện như một khả năng tư duy sắc sảo, một đầu óc tư biện hiếm thấy, vốn văn hóa giàu có và sâu rộng cùng nét châm biếm vừa hài hước, vừa “cay độc”. Trong tư cách một nhà văn, ở thời điểm xuất hiện, Phạm Thị Hoài mang đến một quan điểm viết gây bàng hoàng - Viết như một cách ứng xử, văn chương là một trò chơi, và một lối viết từ bỏ cách kể chuyện truyền thống lấy sự việc, sự vật làm chất liệu để chuyển sang lối viết đặt trọng tâm vào cách kể và “trình diễn” ngôn ngữ… tạo nên “một thứ văn xuôi khác thường, mang tính xấc xược xét về hình tượng và phong cách nghệ thuật”(24), “và không đặt vừa được vào truyền thống tự sự của văn xuôi Việt Nam thế kỉ 20”(25). Với bản lĩnh sáng tạo, Phạm Thị Hoài là một nhà văn, một trí thức độc lập, không thỏa hiệp giữa những biến động: “Phạm Thị Hoài nhà văn duy nhất của giai đoạn đổi mới bùng nổ còn giữ lại được phẩm chất sắc sảo trong tác phẩm, vẫn không gian milimètre, cân từng gramme dấu phẩy, đo từng đường kính mỗi dấu chấm, và xếp suy nghĩ thành hình khối thách đố trí tuệ… Nhưng Phạm Thị Hoài không dừng ở đó. Bằng hoàn cảnh sống, bằng những tham dự dấn thân, bằng thái độ sống và đặc biệt bằng phong cách diễn đạt qua tác phẩm, Phạm Thị Hoài đã chiến thắng cụm từ Hải Ngoại - Trong Nước. Không ai dám nhận vơ Phạm Thị Hoài là nhà văn hải ngoại, và cũng thật khó khăn xếp Hoài vào nhà văn trong nước, khi Hoài sống tại Bá Linh. Phạm Thị Hoài là một nhà văn Việt Nam, không trong, không ngoài.”(26)
Nhưng nhà văn Việt Nam vẫn là một biên giới, một giới hạn. Cắm rễ trong cái cô đơn và tự do, người viết có thể vượt bỏ được những đường biên giả tạo của biên giới, quốc tịch. Nghệ sĩ, thực chất là kẻ không có quê hương, kẻ không thuộc về bất cứ đâu. Lưu vong, hoặc xa xứ với một người viết không phải là bi kịch mà là cơ hội, cơ hội cho sự tiếp xúc, chịu đựng, chung chạ và dung nạp cái Lạ, cái Khác. Đó chính là hành trang lên đường của những nhà văn như Linda Lê - “hành trang lên đường của nhà văn nào có gì khác ngoài lòng khát khao hiểu biết, ý chí phá bỏ xiềng xích, nghĩa là vượt thoát ra khỏi sự ăn sâu bén rễ bền chặt ở quê hương sinh thành, có thể có hại cho sự thăng hoa hay cản trở sự lớn mạnh về tư duy”(27). Viết giữa “đôi bờ văn hóa”, “sống trong một thứ tù mù bất định để không phải bị nêu danh đặt tên”, trong “một thế giới lưỡng cực”, “mở lòng ra với tất cả mọi nguồn cảm hứng”, “tích góp những khám phá, mở rộng tư duy”, “lề lối tư duy… ánh lên cái tôi luyện lưỡng cực, cấu thành cái tâm thức sâu thẳm”, Linda Lê có một vị trí, một sự chuẩn bị và tâm thế tuyệt vời cho sáng tạo, cho sự ra đời của một người viết - có tư cách như “một sự lai tạo”, kẻ đã “phân thân làm hai, đi vào một hoàn cảnh không dễ nắm bắt”, một tồn tại được tăng cường khả năng dung chứa cả Đông và Tây, cả “hiện tiền và quá khứ”, một tồn tại luôn “di trú từ miền tâm tưởng này sang miền tâm tưởng khác” - mà danh xưng nữ nhà văn Pháp gốc Việt không đủ khả năng để khu biệt và minh định. Những người viết như thế chỉ “đơn thuần” là một nhà văn, kẻ, quê hương duy nhất và đích thực là văn chương.
Những người viết trên, họ có thể được chia sẻ hay bị phản đối vì những quan điểm riêng, có thể khiến người ta nổi nóng và chỉ trích khi trình bày những ý kiến có tính chất đặt lại vấn đề, có thể gây ngưỡng mộ bởi những thành tựu nghệ thuật của mình nhưng dù ở tình huống nào, họ cũng đều tiếp nhận trên chỗ đứng một trí thức hay một nhà văn. Người ta chỉ đối thoại với họ và họ cũng chỉ hồi đáp ở tư cách của một người viết. Danh xưng nhà văn nữ hay nữ nhà văn lúc này đã không còn cần thiết, mà đúng ra nó trở nên thừa thãi, bởi câu chuyện về giới tính đã nằm lại ở đâu đó xa xôi, đã bị bỏ lại ở chốn vắng người nào đó, không ai muốn nhớ và cũng không cần phải nhớ nữa.
Tuy nhiên, với đại đa số người viết nữ Việt Nam, đó là một tương lai, một viễn ảnh còn rất xa vời. Liệu phải chờ đến khi một phong trào nữ quyền, một cuộc nổi dậy đồng loạt của những nhà văn/nhà thơ nữ thì tình hình mới có thể thay đổi? Hy vọng nằm ở những kẻ lặng lẽ “rời khỏi bầy đàn” để âm thầm tự giải phóng. Từ ý thức sâu sắc về mình và giá trị mình có, cùng cô đơn và tự do làm điểm tựa, họ sẽ sinh thành những sáng tạo thấm đẫm tinh thần tươi mới, mang cả độ sâu của nội tâm và chiều rộng của tư tưởng. Thay đổi sẽ bắt đầu từ đó.
Đ.H
(SH320/10-15)
----------------------
(*) Thơ Lê Khánh Mai
(**)Nhân vật trong truyện ngắn Macar Trudra của Macxim Gorki.
(***)Thơ Thanh Xuân
(1) Virginia Woolf, Căn phòng riêng, bản dịch Trịnh Y Thư, Nxb. Tri thức, 2008, tr.166.
(2) Đoàn Thị Lam Luyến, Đàn bà, trang thơ Đoàn Thị Lam Luyến, www.thivien.net
(3) Vi Thùy Linh, Tôi, tập thơ Khát, Nxb. Hội Nhà văn, 1999, tr.5 - 6.
(4) Dương Tường, Mười năm trên giá sách văn chương, www.talawas.org
(5), (7)Lê Thị Huệ, “Sex Sells”: Cảm giác sau khi đọc những bài bình thơ Vi Thùy Linh của các đàn anh văn nghệ, www.talawas.org
(6) Thụy Khuê, Sự tự trào trong tác phẩm của Đình Đình, www.hopluu.net
(8) Inrasara, Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố “nữ” in trong tiểu luận Song thoại với cái mới, Nxb. Hội Nhà văn, 2008, tr.95
(9) Phạm Thị Ngọc Liên, Tình yêu, trang thơ Phạm Thị Ngọc Liên, www.thivien.net
(10) Macxim Gorki, Macar Trudra, in trong Tuyển tập truyện ngắn Macxim Gorki, Nxb. Lao động, 2007, tr.46
(11) Phạm Thị Ngọc Liên, Tự do khát, trang thơ Phạm Thị Ngọc Liên, www.thivien.net
(12) Lê Khánh Mai, Đẹp buồn và trong suốt như sương, www.vanchuongviet.org
(13) Phạm Thị Ngọc Liên, Chợ tết một mình, trang thơ Phạm Thị Ngọc Liên, www.thivien.net
(14) Nhận xét của Nguyễn Vy Khanh về thơ Vi Thùy Linh, “Người làm thơ trẻ trong nước nay choáng ngợp trước nghệ thuật, tự do bùng mở dễ đi lùi hay bị rơi vào… lãng mạn, trữ tình, hơi lỗi thời”, Thơ hôm Nay, www.hocxa.com
(15) Simone de Beauvoir, Giới nữ (tập 1), bản dịch của Nguyễn Trọng Định và Đoàn Ngọc Thanh, Nxb. Phụ nữ, 1996, tr.245.
(16) Simone de Beauvoir, Giới nữ (tập 2), bản dịch của Nguyễn Trọng Định và Đoàn Ngọc Thanh, Nxb. Phụ nữ, 1996, tr.417.
(17) Virginia Woolf, Căn phòng riêng, tr.116.
(18) nt, tr.79 - 80
(19) Lê Đạt, Đường chữ, Nxb. Hội Nhà văn, 2009, tr.420.
(20) “I won’t be “famous” or “great”. I will go on adventuring, changing, opening my mind and my eyes, refusing to be stamped and stereotyped. The thing is to free one’s self: to let it find its dimen- sion, not to be impeded”, trích “AWriter’s Diary” của Woolf, dẫn lại theo 30 famous Authors on Fame, www.shortlist.com
(21), (22), (23) Rainer Maria Rilke, Thư gửi một nhà thơ trẻ, Phạm Thị Hoài dịch, bản điện tử trên www.talawas.org
(24), (25) Anatoli A. Soloklov, Văn hóa và văn học Việt Nam trong những năm đổi mới (1986 - 1996), www.talawas.org
(26) Trần Vũ, Hợp lưu 12 năm trang tôn huyền hoặc hậu hiện đại, www.tranvu.free.fr
(27) Linda Lê, Những kẻ xa lạ kì lạ, in trong Sông Hương nghiên cứu, lý luận và phê bình tuyển chọn 2003 - 2013, Nxb. Thuận Hóa, 2013, tr.130.