Giá sách Sông Hương
Ký ức Tuồng Huế
Tuồng Huế, trên dặm dài…
10:06 | 22/06/2016

VÕ TRIỀU SƠN

Lịch sử sân khấu Việt Nam  không thể không nhắc đến  sự hiện diện của Tuồng, trong  đó Huế là nơi mà bộ môn nghệ  thuật này đã từng có địa vị độc  tôn kéo dài hàng thế kỷ.

Tuồng Huế, trên dặm dài…
Tài liệu tranh của J.Barrow: Bức tranh thể hiện một cảnh hát tuồng ở Đàng Trong vào cuối thế kỷ XVIII

Tuồng, ở Huế, được gọi là  “hát bội”.  

Theo nhà nghiên cứu Tôn  Thất Bình, hát bội ở Huế phải  ở thời điểm từ thế kỷ XVI trở  về sau: “Sự kiện lịch sử Nguyễn  Hoàng vào trấn thủ đất Thuận  Hóa thế kỷ XVI (1558) là một  cái mốc quan trọng cho phép ta  suy luận tuồng đã theo những  lưu dân Thanh Nghệ mà nhập  vào xứ Thuận Hóa”(1). Giả thuyết Đào Duy Từ có  công lớn khi đem tuồng từ Đàng Ngoài (miền Bắc)  vào Đàng Trong (miền Nam) là hoàn toàn có cơ sở.  Tuồng phát triển trong dân gian nhờ lối hát cương,  phát triển mạnh từ Bình Định rồi sau lan đến Phú  Xuân, ảnh hưởng mạnh mẽ trong đời sống cung  đình Huế. “Từ thế kỷ XVII, tuồng Huế đã hình thành  rất nhanh, được các chúa Nguyễn trọng dụng để  dần dần biến thành “quốc kịch” ở miền Nam, kéo  dài cho đến thế kỷ XIX”(2).

Bốn giai đoạn phát triển tuồng Huế

Thời kỳ các chúa Nguyễn: tuồng Huế hình thành  và phát triển. Các chúa Nguyễn đã đưa tuồng vào  cung đình để phục vụ cho sinh hoạt giải trí. Dưới  thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Tần,  hình thức diễn tuồng chưa rõ ràng. Nhưng đến  thời Nguyễn Phúc chu thì đã có đoàn vũ nữ ngoài  hát múa, còn diễn tuồng. Nhà sư Thích Đại Sán  trong “Hải ngoại Kỷ sự” được chúa Nguyễn mời  xem tuồng bấy giờ có thuật lại: “Trong tiệc có diễn  kịch…Trong cuộc hát, chủ nhân đặt một cái trống  lớn (trống chầu) bên sân khấu, thỉnh thoảng điểm  hai, ba tiếng trống”. Dưới thời Nguyễn Phúc Khoát,  chúa cho xây dựng nhiều cung điện nguy nga, trong  đó có hiên Đồng Lạc là nơi để trình diễn tuồng, lại  sai người tập trung con hát ở triều đình, chú tâm  xây dựng đội tuồng ở hoàng cung. Chữ “ca vũ”, nhà  Nguyễn hay dùng không phải để chỉ diễn viên ca  múa như chúng ta dùng ngày nay mà để chỉ diễn  viên tuồng, ca nhi, ả đào…Cũng thời kỳ này, hát  tuồng đã rất thịnh hành trong dân gian. Tư tưởng  chủ đề trong các vở tuồng ở giai đoạn này chỉ tập  trung ở điểm duy trì huyết thống đế vương, được  các chúa Nguyễn khuyếch trương, tuồng do đó trở  thành công cụ đắc lực duy trì chế độ phong kiến.  Tuồng trở thành “quốc kịch” là vì thế.

Thời kỳ Tây Sơn (1788 - 1801): Tuy triều đại này  chỉ tồn tại 14 năm song tuồng vẫn được phát triển.  Bản thân vua Quang Trung rất thích hát tuồng, do  việc củng cố quốc phòng nên chưa dành nhiều thời  gian chăm lo cho tuồng. Tuy nhiên, dưới triều Tây  Sơn, tiếng trống chầu đã có dịp vang lên khắp mọi  nơi ở kinh đô Huế. Nhà nghiên cứu Tôn Thất Bình  trong cuốn sách “Tuồng Huế”, có nhắc đến một tài  liệu tranh của J.Barrow in tại Luân Đôn năm 1806,  cho biết cảnh diễn tuồng cuối thế kỷ XVIII ở Đàng  Trong, mô tả cảnh tuồng thiết triều, rất đông khán  giả đứng xem.

Thời kỳ các vua Nguyễn (1802 - 1945): Triều  Gia Long chưa chăm lo nhiều cho tuồng, song đã  tổ chức Viện Giáo phường và Việt Tường Đội bắt  đầu đào tạo ca nương và diễn viên tuồng. Đến triều  Minh Mạng thì tuồng đã được hết sức quan tâm.  Thanh Bình Thự (Trường Xuân), trường dạy diễn  viên tuồng quy mô đầu tiên cả nước được thành  lập năm 1823. Duyệt Thị Đường, sân khấu hoàng  cung được xây dựng (1826). Nhiều vở tuồng được  tổ chức soạn thành văn hoàn chỉnh như “Quần tiên  hiến thọ” do Nguyễn Bá Nghi soạn nhân Ngũ tuần  đại khánh vua Minh Mạng và chính nhà vua cũng  tham gia viết một đoạn trong vở này. Dưới triều Tự  Đức tuồng phát triển rực rỡ, vua cho xây thêm nhà  hát Minh Khiêm đường (tại Khiêm cung) năm 1864,  lại thành lập Ban Hiệu thư, chuyên sáng tác, chỉnh  lý, hiệu đính tuồng với sự điều khiển của chính vua  Tự Đức. Đào Tấn được vua tín nhiệm, sung vào Ban  Hiệu thư lúc còn trẻ, đã sáng tác nhiều vở tuồng  trong giai đoạn này. Thời kỳ này văn học tuồng đạt  tới những thành tựu đáng kể về số lượng lẫn chất  lượng. Có những bản tuồng trường thiên dài hàng  trăm hồi, mỗi hồi diễn một đêm như “Vạn bửu trình  tường”…

Từ sau Thất thủ Kinh đô 1885 đến trước thế chiến I (1914 - 1918), tuồng Huế vẫn còn phát triển. Vua Thành Thái là người yêu chuộng tuồng, có lúc thủ vai Xảo Tòng, Thanh Bình Thự được đổi tên là Võ Can Thự (từ 1889). Sau khởi nghĩa Duy Tân thất bại 1916, tuồng Huế dần biến chất, pha tạp. Tuồng Xuân nữ (pha cải lương) ra đời, tuồng Huế mất địa vị độc tôn. Tuy vậy, tuồng Huế vẫn duy trì mạnh, có đến 14 rạp hát tuồng tại Huế, chưa kể các nhà hát cung đình. Những năm 1920 - 1945, một hình thức sân khấu Huế khác được khai sinh và phát triển, đó là ca kịch Huế. Đây là thời kỳ nở rộ của bộ môn này, có đến 16 đoàn trình diễn ở Huế và các nơi, tuồng Huế bắt đầu suy thoái.

Về kịch bản trong thời kỳ này, có vở “Lộ địch” của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị sáng tác năm 1936 phỏng theo vở bi kịch cổ điển Pháp “Lecid” của Correille là đặc biệt có giá trị.

Thời kỳ sau 1945 đến nay: Nhà Huế sụp đổ, Huế không còn là kinh đô của cả nước, tuồng mai một dần. Trường Thanh Bình tan rã, ở Đại nội chỉ còn đoàn Ba Vũ tồn tại nhờ có sự yểm trợ của bà Từ Cung. Từ sau 1946, các rạp hát vắng khách, chỉ còn rạp Đồng Xuân Lâu là hoạt động thường xuyên.

Những năm 1946 - 1954, các nghệ nhân giỏi ly tán, chuyển nghề, số còn lại trình diễn tự phát. Việc giữ chất lượng tuồng Huế bị thách thức bởi thời cuộc, công chúng cũng không cần đòi hỏi trình độ nghệ thuật tuồng cao như trước, nên tuồng Huế cũng dần biến chất trầm trọng, hỗn độn.

Sau 1975, Huế duy trì được 2 đoàn tuồng. Một đoàn trong biên chế nhà nước (gồm đoàn ba Vũ cũ) dưới tên Đoàn múa hát truyền thống, với 15 người và 10 nhạc công. Một đoàn tuồng nghiệp dư khác - Đoàn Thanh Bình - được thành lập năm 1981, dưới sự bảo trợ của Phòng Văn hóa Thông tin thành phố Huế. Tuy nhiên, do không tập hợp được các nghệ nhân tài năng, lớp trẻ không được đào tạo quy cũ, các biện pháp bảo tồn chưa được quan tâm đúng, vì vậy cả hai đoàn tuồng dần tan rã. Đoàn múa hát truyền thống Huế vẫn duy trì, song rất ít diễn tuồng.

Năm 2006, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế được thành lập, với mong muốn bảo tồn Tuồng Huế bên cạnh Nhã nhạc Cung đình và Múa Cung đình.

Từ trái qua: NSƯT La Cẩm Vân (người thứ ba), Giáo sư - nhạc sĩ Trần Văn Khê, NGND - Giáo sư Vũ Khiêu, Mịch Quang, NSƯT La Cháu, Giáo sư Hoàng Chương


Tháng 7 năm 2000, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội thảo mang tầm vóc quốc gia “Bảo tồn và Phát huy giá trị của Tuồng Cung đình Huế”. Hội thảo có sự tham dự của các nhà nghiên cứu tên tuổi: Trần Văn Khê, Hoàng Châu Ký, Vũ Khiêu, Hoàng Trinh, Mịch Quang, Cù Huy Cận, Hoàng Chương…; đặc biệt có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Nguyễn Khoa Điềm, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Mễ. Mục đích của Hội thảo là tiếp thu các ý kiến của các vị lãnh đạo, các nghệ sĩ lão thành, các nhà nghiên cứu về vấn đề bảo tồn Tuồng Cung đình Huế và đưa bộ môn nghệ thuật này trở lại đỉnh cao của nó trên sân khấu truyền thống của Việt Nam.

Từ đó về sau, Tuồng Huế được quan tâm hơn. Một số trích đoạn tuồng được dàn dựng, song chừng đó là không đủ cho tuồng Huế trở lại thời kỳ đỉnh cao của nó.

Những năm gần đây, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế đã cố gắng dàn dựng nhiều vở tuồng mới có chất lượng. Chẳng hạn các vở “Máu lửa ngập Thiên Trường”, “Hoàng đế giả điên”, “Ngọn lửa Hồng Sơn”… tham gia cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc được giải cao… Một số nghệ sĩ trẻ cũng đã đạt giải cao trong các cuộc thi Tài năng trẻ của nghệ thuật tuồng truyền thống.

Từ năm 2015, chương trình biểu diễn ở Duyệt Thị Đường đã dành 15/45 phút cho Tuồng Huế và bước đầu được khán giả ủng hộ.

Cảnh trong vở “Máu lửa ngập Thiên Trường”
Cảnh trong vở “Sóng ngầm trong phủ Chúa”


Các hình thức sân khấu và sinh hoạt trình diễn

Về các hình thức sân khấu:

Sân khấu tuồng dân gian vùng Huế
đơn giản như sân khấu chèo miền Bắc. Đến đầu thứ kỷ XX, tiếp thu loại hình sân khấu Âu Tây, trong dân gian hình thành sân khấu đối diện với khán giả. Rạp hát tư nhân Đồng Xuân Lâu được xây dựng 1923 (do bà Tuần vũ Đặng Ngọc Oanh chủ trương) là tiêu biểu.

Sân khấu tuồng ở các phủ đệ: Không chỉ vua, các thân vương, quan lại cũng rất mê tuồng, do vậy tại các phủ của các ông hoàng, bà chúa cũng thường dựng rạp để trình diễn tuồng cho gia đình, làng xóm xem. Nhiều phủ có những đoàn tuồng riêng như các đoàn của Hải Ninh quận công, bà chúa Nhất, ông Hoàng Chín, bà chúa Tám, bà Từ Cung… Các rạp này thường dựng bằng tranh tre đơn giản. Rạp tồn tại lâu nhất là rạp của phủ Định Viễn Quận công con vua Gia Long, sau đó là các rạp của Diên Khánh Vương, Tuyên Hóa Công, Đào Tấn…

Sân khấu tuồng cung đình: Sân khấu thời Gia Long được Michel Đức Chaigneau mô tả trong hồi ký biết về Huế, đã in trong BAVH, mô tả một sân khấu trần, người xem ngồi vây quanh. Sân khấu Duyệt Thị Đường có quy mô lớn nhất trong các nhà hát ở Hoàng cung, ngày nay còn tồn tại. Tĩnh Quan Viện là nhà hát thứ hai trong Tử Cấm Thành, hình thành dưới thời Thiệu Trị. Quốc Sử Quán cho biết nhà hát này xây cất vào tháng giêng năm Quý Mão (1843). Nhà nghiên cứu Phan Thuận An cho rằng, vì Tĩnh Quan Viện nằm trong địa phận cung Khôn Thái, nên nó là nhà hát dùng để diễn cho cả Hoàng gia xem chung, chứ không phải chỉ dành cho vua xem mà thôi(3). Sân khấu Thông Minh Đường là nhà hát ở cung Diên Thọ dành riêng cho Hoàng thái hậu xem tuồng (về sau là Tịnh Minh Lâu). Sân khấu tuồng ở Khiêm Cung tên gọi Minh Khiêm Đường là nhà hát tuồng của nhà vua duy nhất còn lại được giữ nguyên cho đến nay. Cửu Tư Đài là nhà hát nằm trong khuôn viên Cung An Định ở bờ bắc sông An Cựu, xây dựng vào những năm 1917 - 1918 dưới thời Khải Định. Việc đạt tên Cửu Tư Đài là dựa theo sách Luận Ngữ, “cửu tư” là 9 điều cần nghĩ đến.

Sân khấu ngoài trời ở cung Diên Thọ và cung Trường Sanh. Các sân này rộng, rất thích hợp cho việc dựng rạp ngoài trời. Loại sân khấu này chỉ dàn dựng cho các đội Thanh Bình diễn trong các dịp đại lễ, hoặc để giúp vui cho bà Từ Cung vào đầu thế kỷ XX. Đây là hình thức sân khấu cải tiến ở Huế vào đầu thế kỷ XX.

Theo nhà nghiên cứu Tôn Thất Bình, những năm đầu thế kỷ XX, Huế có đến 14 rạp hát tuồng trong dân gian, không kể Duyệt Thị Đường trong Đại Nội và Cửu Tư Đài ở cung An Định: Rạp Đồng Xuân Lâu ở đường Phan Đăng Lưu hiện nay; rạp mệ Khứu ở phủ Xuân Thọ Vương đường chi Lăng, trên bến đò Cồn; rạp Nam Bình Ca Quán của ba người Sáu Ớt, Cửu Hai, Cửu Ba ở đường Chi Lăng; rạp Bắc Hòa của chú Mỹ Chín cạnh chùa Diệu Đế (có ý kiến cho rằng rạp này của ông Hoàng Chín); rạp ông Văn (Nguyễn Thân) ở Hậu Bổ cũ, gần cửa Thượng Tứ; rạp ông Cần (Hoàng Cao Khải) ở gần cửa Thượng Tứ, trên bờ sông Hương; rạp ông Thông Lý gần chợ Bao Vinh; rạp ông Sơn ở Bao Vinh; rạp ông Năm ở Bao Vinh; rạp bà chúa Tám (em vua Thành Thái) ở Kim Long; rạp ở chợ Kim Long; rạp ở An Cựu của mụ đội Phu, ông Đốc Nhung, ông Thượng Tam; rạp ở Vĩ Dạ của các cụ Ưng Dực, thầy Ký Phụng; rạp ở Giạ Lê.

Sau năm 1975, nhiều sân khấu ngoài trời ở các vùng ngoại ô Huế hết sức nồng nhiệt đón nhận các đoàn tuồng về hát, đặc biệt là từ những năm trước và sau 1980 của thế kỷ XX. Có những sân khấu ở sân vận động làng xã đón các đoàn hát với số lượng người xem lên đến hàng ngàn, như các sân bãi ở Hương Toàn, ở Tứ Hạ…

*

“Tuồng Huế là nghệ thuật đỉnh cao, có giá trị đích thực. Đó là kết quả lao động sáng tạo của nhiều nhà văn hóa và nghệ sỹ tài hoa ở cung đình và khắp cả nước, do đó vừa mang tính bác học vừa đậm đà bản sắc dân tộc”(4).

Ngày xưa, các vua chúa Nguyễn thường trưng tập các nghệ nhân giỏi về kinh. Các nghệ nhân giỏi từ cung đình, khi trở về quê hương cũng truyền đạt lại các cách thức trình diễn của tuồng cung đình cho các nghệ nhân địa phương, do vậy các đoàn tuồng địa phương cũng ảnh hưởng khá nhiều phong cách tuồng Huế…

Tuồng Huế, qua các thế kỷ với nhiều thăng trầm, đã góp phần làm phong phú nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Nó từng phát triển rực rỡ, mang một dáng dấp kinh điển khó trộn lẫn, trở thành hình mẫu cho nghệ thuật tuồng các địa phương khác. Cho đến bây giờ, dù đã nhạt phai dư âm vàng son xưa cũ, Tuồng Huế vẫn còn đóng góp và nhiều giá trị xứng đáng vào kho tàng nghệ thuật trình diễn của Việt Nam và thế giới.

V.T.S  
(SHSDB20/04-2016)

...................................
(1) Tuồng Huế, Tôn Thất Bình, Nxb. Thuận Hóa 1993, trang 22.
(2) Sdd, trang 26.
(3) Các nhà hát cung đình Huế (Phan Thuận An), dẫn theo “Tuồng  cung đình Huế”, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Huế 2001,  trang 137.
(4) Khuyến nghị của Cuộc hội thảo khoa học về bảo tồn và phát  huy giá trị Tuồng cung đình Huế (Huế 28 - 29/7/2000).







 

Các bài mới
Các bài đã đăng