Giá sách Sông Hương
A Lưới-Dòng sử thi về cội nguồn mây trắng
A poal - biểu tượng văn hóa Pa cô
09:10 | 07/07/2016

NGUYỄN ĐÌNH ĐÍNH

Đã khá lâu, được tham gia một lễ hội lớn của người Pa cô, tôi thật sự thấy choáng ngợp. Sự choáng ngợp của một thanh niên người Kinh trước một lễ hội của một cộng đồng khác mà lần đầu tiên mình được nhìn thấy.

A poal - biểu tượng văn hóa Pa cô
A poal trên mái nhà mồ

Sự trải nghiệm đầu tiên về lễ hội của cộng đồng Pa cô lại là sự hòa mình vào một lễ hội mà 5 - 7 năm các làng Pa cô mới tổ chức một lần - lễ Arieu Caar. Thậm chí, còn lâu hơn nữa.

Giữa một khoảng sân rộng, ở trung tâm làng, người Pa cô cắm những cái cột cao, nhiều màu sắc, trong đó, chủ đạo là màu trắng. Màu trắng của những bông hoa được vót, chuốt bằng cật tre, nứa. Dưới ánh nắng mùa hè, những bông hoa tre, nứa đó trắng bàng bạc và đong đưa nhè nhẹ trong gió núi. Ở ngay giữa sân là cái cột lễ cao nhất, có dải hoa nứa dài, trang trí đẹp và cuối dải có một cái giỏ vuông được sơn màu hồng. Cái giỏ đó sẽ được đặt một con gà khi thực hiện nghi thức cúng cột lễ. Cột lễ chính, cũng như các cột lễ phụ đều không quá cầu kỳ ở các chi tiết hoa văn và chạm trổ. Chúng không có vẻ oai hùng như cột lễ của người Katu, sặc sỡ như cột lễ của người Tà ôi. Các hoa văn ca-rô đỏ viền đen cũng được sử dụng nhưng không quá lạm dụng, gần như chúng chỉ được vẽ để cho cái cột lễ có màu mè một tí.

Tất cả các cột lễ đều có chung một hình dáng, chỉ khác nhau ở độ cao. Đỉnh cột là một vật có hình thù khác lạ, chẳng phải sừng trâu như người ta thường thấy ở người Tà ôi, hay những con vật cách điệu như ở người Katu hoặc một vài cộng đồng khác. Người Pa cô gọi hình thù đó là “a poal”. Gọi như vậy, nhưng người Pa cô không biết nghĩa của nó là cái gì, không dịch được sang tiếng Kinh.

Đó là một vật có 3 cạnh bằng nhau và 1 cạnh dùng để làm giá đỡ có tỷ lệ 1/3 3 cạnh kia và 2/3 dùng làm giá đỡ. Nó được sơn màu đỏ trắng là chủ đạo, viền quanh các góc, cạnh, các chi tiết là màu đen. Ở giữa là một lỗ hình tròn, xung quanh là 4 hình như cánh hoa thị hướng chéo từ hình tròn đó ra 4 góc. Đoạn cong hình chữ S phía dưới được gắn vào cột lễ. Cột lễ chính hướng mũi (có bụng chữ S) về phía Tây, còn các cột lễ thấp hơn hướng về cột lễ chính. Ấn tượng ban đầu của tôi về những cái cột lễ là chúng không đẹp, không có vẻ oai dũng. Nhưng hình ảnh về cái hình trên đỉnh cột lễ cứ in đậm trong tâm trí tôi, bởi lẽ, tôi mường tượng rằng tôi có thấy nó ở đâu đó rồi. Và tôi tự hỏi: “Tại sao không gắn cái sừng trâu hay một hình tượng cách điệu của một con vật gì đó mà lại là “a poal”?”

Đem thắc mắc này hỏi Arieh Veẽl - trưởng làng của làng tổ chức lễ hội, ông chỉ bảo rằng: “Cháu để ý một số nhà sàn còn lại ở làng ni cũng như các làng khác đều có cái “a poal” gắn trên mái nhà”. Và quả thật, sau nhiều lần rong ruổi các làng phía Bắc A Lưới, tôi nhận thấy một số nhà sàn có gắn biểu tượng đó. Không phải gắn 1 mà là 2 cái, hướng về 2 hướng khác nhau cuối nóc nhà. Nhưng đáng tiếc rằng, thời gian đó, ở A Lưới, nhà dài (loại nhà sàn có rất nhiều bếp của nhiều hộ gia đình sống chung) đã không còn, thay vào đó là những nhà sàn đơn lẻ. Vì thế, biểu tượng “a poal” vẫn là một dấu hỏi.

Một lần, ở xã Hồng Bắc, ở làng A Sóc, có một nhóm thợ đang làm nhà mồ, thấy họ đang gắn biểu tượng “a poal” lên nhà mồ, tôi liền hỏi thăm. Mấy người thợ bảo: đa số nhà mồ của người Pa cô đều có “a poal” đó. Và không phải chỉ gắn 1 hay 2 cái mà gắn đến 4 cái, hướng về 4 hướng khác nhau ở trên mái nhà mồ. Gắn 4 cái “a poal” rồi, người thợ mới làm các phần phụ khác, trong đó, có việc tạc hay đắp các hình thù con vật, cái cây hay cái gì đó liên quan đến người chết (thường là gắn với nguồn gốc họ tộc của người chết). Những người thợ cho biết thêm: gắn 4 cái “a poal” để hồn ma người chết ở nơi được đặt quan tài chứ không về làng quậy phá và có 4 cái “a poal” để người Pa cô của họ nhận ra đồng bào mình. Sau đó, họ cũng sẽ làm thêm 8 cái “a poal” bắt chéo theo từng cặp ở 4 góc phía dưới của nhà mồ.

Việc bắt gặp khá nhiều “a poal” ở những làng Pa Cô đã thật sự có điều khác lạ, bởi lẽ, đến những làng Tà-ôi, hình tượng đó gần như vắng bóng. Và tất cả những làng có biểu tượng này ở nhà sàn, lễ hội hay ở nơi dành để thờ thần linh đều nhận mình là người Pa Cô.

Ở vùng Bắc A Lưới, người Pa Cô hầu như ai cũng biết đến Quỳnh Át, vị Arieh Veẽl cũ của làng Ale T’riêng, xã Hồng Trung, huyện A Lưới, cụ mất đầu năm 2013. Đó là một người đã sống qua trăm mùa rẫy. Nếu tính theo mùa rẫy của đồng bào chính xác thì cụ Quỳnh Át cũng phải hơn trăm tuổi. Cũng cần phải nhớ rằng, một mùa rẫy của đồng bào là mùa lúa rẫy, tức là cuối xuân trỉa, đầu đông tuốt và mùa rẫy kết thúc cũng là một năm kết thúc. Cụ Quỳnh Át là người có uy tín, người từng tham dự Hội nghị đoàn kết các dân tộc thiểu số Tây Thừa Thiên chống Mỹ năm 1958 ở làng A Deeng - khi đó còn ở bên Lào, từng được ra Bắc gặp Bác Hồ năm 1966. Một số người giới thiệu tôi tìm đến cụ để hỏi chuyện. Thật ra, tôi đã biết cụ Quỳnh Át từ ngày đầu đặt chân lên A Lưới, giữa tháng 3/2009. Đó là ngày mà cụ giới thiệu cho tôi về cái quan tài mà cụ tự đục đẽo, qua sự phiên dịch của chị Ta Dưl Tư - cán bộ phòng Văn hóa huyện A Lưới. Hơn 2 năm sau, tháng 04/2011, tôi tìm đến cụ Quỳnh Át để thắc mắc những gì chưa hiểu. Tiếp tôi ở ngay cạnh bếp, dưới mái nhà thấp ám khói đen sì, qua sự phiên dịch của một cán bộ xã Hồng Trung, cụ Quỳnh Át kể cho tôi nghe câu chuyện về sự sống sót qua một cơn lụt lớn của đồng bào mình.

Rằng: Ngày xửa ngày xưa, hàng ngàn mùa rẫy về trước, có một lần, nước biển dâng cao lắm, nước ngập chưa từng thấy. Núi non đều bị ngập hết cả. Có một cô gái nọ được Yàng Âr-bang (Trời) báo mộng nên đã lấy một khúc cây để khoét rỗng. Một đầu cây phải đẽo như cái móc để khi thân cây có trôi đi thì nó sẽ vướng vào đâu đó mà không phải bị cuốn ra biển. Cô gái đã mang một ít hạt lúa, hạt ngô và một số giống cây khác để vào trong thân cây. Khi nước dâng lên, cô gái chỉ kịp mang theo con chó đực của mình, chui vào thân cây đã chuẩn bị sẵn. Dân làng không biết tai họa nên không chuẩn bị gì cả, họ đã bị nước cuốn đi hết. Còn cô gái và con chó của mình đã thoát chết nhờ có thân cây đó. Chẳng biết qua mấy ngày mấy đêm, thân cây trôi dạt đi đâu cô gái cũng không biết được, cho đến khi nó móc vào một cái cây và cô gái cùng con chó chui ra. Tìm mãi chẳng thấy ai, cô gái và con chó đành sống với nhau. Cô gái trỉa lúa, trỉa ngô, còn con chó đi săn. Thấy sống như vậy cô đơn nên cô gái đã lấy con chó của mình làm chồng, sinh con đẻ cái. Dần dần, loài người sinh sôi nảy nở.

Câu chuyện đại hồng thủy này cũng gần giống với câu chuyện đại hồng thủy của các dân tộc khác. Tuy nhiên, cái khác của nó lại là sự đục đẽo một đầu thân cây giống với cái móc để nó có thể mắc vào một cái cây nào đó để sống sót. Bên cạnh đó, với các họ tộc khác nhau của người Pa cô, con vật lại khác, thậm chí lại là một loài cây gì đó. Câu chuyện của cụ Quỳnh Át là câu chuyện của dòng họ T’ra Nãu - họ Con chó, tức là dòng họ lấy con chó làm vật tổ của dòng họ mình. Ngoài ra, còn có các họ khác như Tâng Koal, Pâl Loòng, A Kiêng, A Cơ, Kê, Prung, Cal Sõi...

Sau câu chuyện của cụ Quỳnh Át, tôi vẽ ra giấy hình mà trên có hình vuông, thân hình chữ S đó để hỏi cụ Quỳnh Át rằng cụ kể cái móc có phải là cái này không. Cụ chỉ vào nó, gật đầu và bảo: “Đó là a poal”. Tôi hỏi tiếp: “Tại sao lại có cái lỗ tròn và 4 hình chiếc lá này?” Lấy cái que để gạt lửa, lấy một cục than để thắp tẩu thuốc, hút một hơi thật sâu rồi nhả khói, cụ giải thích: “Đời ông, đời cha mình đục như vậy nên mình cũng đục như vậy. Lỗ tròn đó tượng trưng cho mặt trời, còn 4 góc có 4 hình như chiếc lá là sự tượng trưng cho 4 nhóm yàng (thần linh). Đó là nhóm yàng trên trời, nhóm yàng trong rừng, nhóm yàng ở sông suối và nhóm yàng là những người đã xây dựng và bảo vệ làng. Đó không phải là chiếc lá hay cánh hoa mà là con mắt của yàng”. Qua việc giải thích của cụ Quỳnh Át, tôi quả thật bất ngờ. Bởi lẽ, trước đó, nhiều người nói với tôi rằng đó là cánh hoa và người ta đục đẽo thế cho đẹp.

Người Pa cô tôn thờ các thần linh của mình vừa bằng sự vô hình qua các nghi thức cúng tế, bằng các bài hát, lời cầu khấn, vừa bằng sự hữu hình với các hình tượng hình học có ý nghĩa biểu tượng rất cụ thể. 4 chiếc lá - con mắt tỏa ra từ 1 hình tròn - mặt trời, có tên “a poal” là một ví dụ.

Biểu tượng “a poal” cũng xuất hiện ở trên một loại nhạc cụ của người Pa Cô. Khoảng cuối năm 2011, tôi cùng các đồng nghiệp thực hiện một phóng sự truyền hình ở làng Việt Tiến, xã Hồng Kim, về đội văn nghệ của các cụ già ở làng này. Trong lúc chờ đợi các cụ tập hợp đông đủ, một cụ già đã lấy cây đàn môi - a bel, để đàn. Cái đế tựa của cây đàn có khắc biểu tượng mặt trời và bốn con mắt đó. Trong bóng tối hơi mờ của bóng đèn nê-ôn ở nhà già làng A Vỗ Ni-e, cụ già Pa cô đó đã trình diễn một bản nhạc mà lần đầu tiên tôi được nghe, từ một nhạc cụ độc đáo chuyên dành cho việc đi sim. Trước đó, được nghe cụ Quỳnh Át ở làng Ale T’riêng giải thích nên tôi không còn bất ngờ với biểu tượng mặt trời và bốn con mắt đó nữa. Nhưng thay vì thấy sự linh thiêng và có tính kiêng cữ, tôi lại được già làng A Vỗ Ni-e giải thích rằng: vì đó là cây đàn để tỏ tình nên nó xứng đáng được khắc hình mặt trời và bốn con mắt, bởi lẽ, có sự dẫn dắt của các yàng mà người Pa cô đã vượt qua được tai nạn khủng khiếp; cũng từ sự sống sót này mà tình yêu của cô gái và con chó (thay thế là các con vật, cây cối …) đã nảy sinh tình cảm rồi sinh sôi nảy nở người Pa cô sau này. Già làng A Vỗ Ni-e giải thích thêm: những gì chứng minh sự tồn tại và “cái bụng” của người Pa cô đều có thể đục đẽo, chạm khắc hình thù mang tính biểu tượng đó.

Sự hiện diện của biểu tượng mặt trời và bốn con mắt trên một hình khối vuông, có thân hình chữ S đó đầy vẻ quyền uy nhất và mang lại sự che chở lại là ở trên 2 bờ nóc của nhà dài. Được theo dõi quá trình xây dựng một nhà dài của người Pa Cô ở làng A Năm, xã Hồng Vân, huyện A Lưới, tôi nhận thấy sự trang nghiêm của người làng khi làm và gắn 2 biểu tượng “a poal” ở 2 bờ nóc nhà dài. Người thợ khéo tay nhất đảm nhận việc cưa xẻ, đục đẽo 2 biểu tượng. Trong quá trình làm việc, anh ta nhất định không được nghĩ về những điều xấu xa, những điều không nên nghĩ. Bởi lẽ, anh ta đang làm một việc “trong sạch”, “tinh khiết”. Tại sao lại có chút giống với việc “chay tịnh” của người Kinh khi làm những việc quan trọng liên quan đến tâm linh vậy? Theo tôi, chắc người Pa cô nghĩ rằng, “a poal” có hình mặt trời và bốn con mắt đó là đại diện thần linh, nên khi làm việc chứng tỏ sự hiện diện của các thần linh thì “cái bụng phải tốt”. Khi gắn 2 biểu tượng “a poal” lên 2 bờ nóc nhà dài, một người đàn ông có uy tín, khỏe mạnh và có vợ con đề huề sẽ được chọn để thực hiện nhiệm vụ, với ý nghĩa: nhà dài sẽ có những gì tốt đẹp nhất của đời sống vợ chồng. Điều này với những ai tâm linh thì cũng đúng thôi, bởi lẽ, nhà dài là nhà ở của tập hợp các hộ gia đình khác nhau nên cái gì trấn ngự ở nóc nhà thì cái đó phải có ý nghĩa. Đó là chưa kể khi gắn 2 biểu tượng “a poal” đó, người làng còn tổ chức một bữa cúng nhỏ với gà luộc và cơm trắng.

Khi nhà dài của làng A Năm được dựng xong, tôi cùng trưởng làng Ale T’riêng - ông T’ra Nãu Hạnh được mời đến tham dự lễ mừng. Nhìn từ xa, ông Hạnh chỉ 2 biểu tượng “a poal” trên mái nhà dài và hỏi tôi: “Cậu có thấy nó giống con thuyền không?” Tôi gật đầu và hỏi lại: “Thế nếu là con thuyền thì có liên quan gì đến câu chuyện nguồn gốc người Pa cô không bác?” Ông Hạnh trả lời: “Có lẽ có. Bởi lẽ, trong câu chuyện của người Pa cô, nếu thay cái khúc cây (cái trống) bằng con thuyền thì nó có ý nghĩa như nhau”.

Nếu là con thuyền, với câu chuyện của người Pa cô, nó có những nét tương đồng với câu chuyện của các cộng đồng khác và chung một ý nghĩa: con thuyền đưa loài người vượt qua kiếp nạn để tiếp tục tồn tại và phát triển. Một câu chuyện mang tính phổ quát của hầu hết các cộng đồng, các dân tộc.

Một số người thì cho rằng: “a poal” trên nóc nhà dài có ý nghĩa như một vật có tính biểu tượng của việc chống lại gió bão, tương tự như ý nghĩa đặt sừng trâu ở 2 bờ nóc nhà roong của người Tà ôi vậy. Nếu là vậy, tại sao lại có “a poal” ở cột lễ và nơi thờ thần chủ nhà? Cột lễ và nơi thờ thần chủ nhà mang yếu tố tâm linh mạnh mẽ, vì vậy, “a poal” không đơn thuần là “vật chống lại gió bão”.

Cũng có thể, ngày xưa, với góc nhìn có tính hiện thực hơn, người Pa cô đã sáng tạo ra biểu tượng “a poal” để biểu thị thời gian và sự chuyển động của bốn mùa. Hình tròn mang ý nghĩa biểu thị mặt trời, mặt trăng; bốn hình mắt - chiếc lá, mang ý nghĩa của bốn mùa trong năm. Bởi lẽ, khi đặt trên 2 bờ nóc nhà dài, “a poal” được mong mỏi là biểu tượng cho sự tồn tại mãi mãi của nhà dài, của làng và sự tồn tại qua thời gian đó có ý nghĩa mang lại sự đoàn kết một lòng của người ở trong nhà cũng như của làng. Khi được gắn trên cột lễ, “a poal” mang tính định kỳ như sự xoay vần của thời gian để người Pa cô dựa vào đó thực hiện các lễ hội của mình. Khi “a poal” được gắn trên Văr - nơi thờ thần chủ nhà, nó có ý nghĩa cầu mong sự che chở mãi mãi của thần chủ nhà đối với tất cả thành viên của nhà dài. Khi “a poal” được gắn trên nóc hoặc mái nhà mồ, nó mang ý nghĩa mong mỏi người đã khuất sẽ vĩnh viễn ở lại thế giới bên kia và không trở về làng để gây ra những việc không mong muốn nữa. Và khi “a poal” được chạm khắc trên đàn môi - a bel, nó mang ý nghĩa vĩnh cửu của tình yêu.

Có nhiều cách giải thích khác nhau, tùy vào mỗi người, với mỗi góc nhìn khác nhau, mà “a poal” có những ý nghĩa khác nhau. Tuy vậy, với cộng đồng Pa cô, khi gắn “a poal” lên những nơi cần gắn thì những nơi đó đều mang ý nghĩa tâm linh. Có thể nói rằng, vượt qua tất cả, ngoài yếu tố thẩm mỹ, yếu tố biểu trưng thời gian, “a poal” đã trở thành biểu tượng tâm linh của người Pa cô.

Ở cộng đồng Tà ôi, hay Katu, 2 đầu mái nhà roong, nhà gươl có thể được gắn sừng trâu, mảnh gỗ cưa xẻ hình con gà hay hình một cái gì đó, nhưng không thấy “a poal”. Tính đồng nhất trong việc sử dụng hình ảnh mang tính biểu tượng ở mái nhà roong gần như không có. Điều này trái ngược với cộng đồng Pa cô.

Khác với những cộng đồng khác, người Pa cô có sự lựa chọn riêng cho mình một hình ảnh mang tính biểu tượng mà ngày xưa, từ khi lọt lòng, một đứa bé Pa cô đã nhìn thấy ở nơi thờ thần chủ nhà - Văr, ở trên 2 đầu nóc nhà dài và trên cột lễ ở giữa sân làng khi nó biết lễ hội của đồng bào mình là gì. Lớn lên, thanh thiếu niên Pa cô tập tễnh đi sim với cây đàn môi có khắc họa biểu tượng “a poal” đó một cách tự nguyện. Và khi người Pa cô khuất núi, biểu tượng “a poal” lại được đục đẽo, chạm khắc trên bờ nóc hoặc mái nhà mồ. Cuộc đời với người Pa cô là một vòng tròn khép kín của một biểu tượng từ khi nhìn thấy cho đến khi khuất núi - a poal.

N.Đ.Đ
(TCSH327/05-2016)






 

Các bài mới
Các bài đã đăng