Giá sách Sông Hương
Một thoáng Mỹ Thuật đương đại Huế
Mỹ thuật đương đại Huế - một góc nhìn
08:54 | 16/08/2016

TUỆ NGỌC  

Chưa thể rời bỏ hoàn toàn tư duy nghệ thuật tiền hiện đại nhưng ít nhất trong vài thập niên qua, nghệ thuật tạo hình Việt Nam đã có những mạnh dạn thử nghiệm trên tư duy mỹ học hiện đại và hậu hiện đại.

Mỹ thuật đương đại Huế - một góc nhìn
Trò chơi - tác phẩm sắp đặt của Nguyễn Văn Hè

Những thay đổi lớn về quan niệm thẩm mỹ, cách thức thực hành nghệ thuật, chất liệu nghệ thuật, đối tượng nghệ thuật, ngôn ngữ nghệ thuật,... đã dần tạo ra nhiều hiện tượng lạ trong nghệ thuật đương đại Việt Nam. Nhiều lĩnh vực nghệ thuật mới ra đời đã thay đổi rất lớn trong cách người nghệ sĩ nhận thức về thực tại, phản ánh thực tại và phát đi những tiếng nói từ nội tại có nhiều biến đổi. Nhiều tác phẩm ra đời đã thực sự tạo ra được những quan điểm khác nhau trong cách nhìn nhận của người xem. Thậm chí, đứng trước nhiều tác phẩm, người xem không thể lý giải được vì sao chúng được xem là nghệ thuật. Nếu xét chuẩn mực của cái đẹp theo tính điển phạm truyền thống thì rõ ràng rất khó có thể chấp nhận những tác phẩm như: Thần vệ nữ của Vũ Tân Dân; Vũ công của Trương Tân; Người cơm của Trần Lương; Nhật thực của Đào Anh Khánh; tranh của Lê Quảng Hà, Lý Trần Quỳnh Giang, Ý Nhi,... là những tác phẩm nghệ thuật. Không thể phủ nhận rằng cho tới nay, những tên tuổi gắn liền với các tác phẩm vừa nêu đã tạo ra được một bước ngoặt lớn trong nghệ thuật thị giác ở Việt Nam.

Có được những thay đổi đó trước hết nằm ở sự vận động, tìm kiếm không ngừng của các nghệ sĩ trên con đường sáng tạo. Bên cạnh đó, sự tác động của việc nới lỏng chính sách quản lý nghệ thuật sau đổi mới (1986), sự lan tỏa của internet, xu hướng toàn cầu hóa... đã đưa tới những cơ hội, khả năng vượt thoát khỏi những giới hạn của tư duy nghệ thuật hiện thực để nhập cuộc với sự triển nở liên tục của nghệ thuật đương đại thế giới. Thực tại thay đổi buộc nghệ thuật cần phải thay đổi. Nghệ thuật đương đại ở Thừa Thiên Huế chắc chắn không nằm ngoài sự vận động tiệm tiến này. Những thực hành nghệ thuật của các nghệ sĩ trẻ ở Huế hiện nay đã cho thấy nhiều rạn nứt trong căn tính khép kín của nghệ thuật vùng Cố đô. Dĩ nhiên, khả năng lớn mạnh này một phần nào đó đã được kế thừa sinh khí của một vùng đất từng sinh ra những tên tuổi của nghệ thuật tạo hình Việt Nam như Tôn Thất Đào, Phạm Đăng Trí, Bửu Chỉ, Điềm Phùng Thị, Lê Bá Đảng, Hoàng Đăng Nhuận, Vĩnh Phối, Đặng Mậu Tựu, Đặng Mậu Triết, Phan Hải Bằng, Lê Văn Nhường, Lê Thừa Tiến,…
 

Một thời đã qua - tác phẩm sắp đặt của Lê Thị Hà Ly
Mây biến thể - tác phẩm sắp đặt của Trần Tuấn
Lặng im - tranh của Trần Ngọc Bảy

Thế hệ tiếp nối với những gương mặt như Trần Tuấn, Nguyễn Văn Hè, Trương Thiện, Lê Ngọc Thanh, Lê Đức Hải, Trần Hữu Nhật, Phan Lê Chung, Nguyễn Đinh Hoàng Việt, Vũ Duy Tâm, Nguyễn An, Trần Ngọc Bảy, Lê Thị Hà Ly,… cho thấy thực sự nghệ thuật đương đại Huế đã có một thế hệ đông đảo để hi vọng. Có những đổi thay hoàn toàn trong tâm thức sáng tạo của họ. Cái khác biệt trước hết là lớp trẻ hiện nay không chỉ thực hành nghệ thuật trên một lĩnh vực, một phong cách nghệ thuật nhất quán, một ngôn ngữ nghệ thuật nhất định mà họ đa năng hơn trong cách thực hiện tác phẩm trên nhiều lĩnh vực như hội họa, điêu khắc, sắp đặt, video art... Quan trọng hơn, tư duy nghệ thuật của họ đã vượt ra ngoài sự kiềm tỏa của nghệ thuật mô phỏng hiện thực, nghệ thuật minh họa hiện thực, nghệ thuật ngợi ca kiểu sử thi... Thay vào đó nghệ thuật của họ là nghệ thuật ý niệm, nghệ thuật mở ra nhiều chiều hướng, nhiều quan niệm, nhiều cách lý giải trong cộng đồng diễn giải.

Suy cho cùng, nghệ thuật truyền thống hay nghệ thuật đương đại đều hướng tới phản ảnh thực tại và phản ánh thế giới bên trong của con người. Đó có thể là thực tại trong quá khứ, thực tại trước mắt và hiện thực trong tương lai. Nhưng các tác phẩm nghệ thuật đương đại của lớp nghệ sĩ trẻ ở Huế hiện nay đã phản ánh cuộc sống của họ một cách khác hẳn trước. Họ phản ánh mạnh mẽ tới mức gây hấn với thực tại mà thế hệ họ đang cư trú. Đó không chỉ là sự phản ánh thông qua sự mô tả, bắt chước hiện thực, ngợi ca hiện thực như trước đây. Thông qua những tiếng nói ý niệm, họ phản ánh thực tại một cách gay gắt hơn, không phải bằng những hình ảnh trực tiếp mà thông qua sự tương tác của nhiều yếu tố, sự cộng hưởng của nhiều tiếng nói, nhiều mã nghệ thuật. Nên đó là một thực tại được mô tả không cố định, không duy nhất mà vụn vỡ, nhiều hoài nghi, nhiều xung năng cần được giải phóng, một thực tại khó nắm bắt đến từ tâm thức của một thế hệ bản lề chịu nhiều va chấn cần được phát ngôn như thể để giải phóng cho những ẩn ức trong nội tâm của họ.

Khát vọng thoát ra khỏi những quy chuẩn của thẩm mỹ truyền thống trong sáng tác của các họa sĩ trẻ ở Huế là khá mạnh mẽ. Họ đã có những dấu hiệu vượt qua tư duy nghệ thuật tiền hiện đại, phóng chiếu sáng tác của mình tới nghệ thuật hiện đại, hậu hiện đại. Họ đang trình ra những quái trạng trong không gian hiện thực thậm phồn (hyper-reality), những quái trạng luôn tìm cách ẩn nấp và biến đổi liên tục. Họ dường như đã ý thức được sự nguy hiểm khi cứ giam mình trong kiểu mỹ học mô tả hiện thực. Tác phẩm của họ thuộc về một lớp ngôn ngữ khác, một kiểu truyền bá thông điệp khác so với trước đây. Ý thức tiền phong thực sự đã ngấm vào tư duy sáng tạo của họ. Họ không đi theo những điển phạm cũ hay những tiếng nói nhân danh nào đó đứng ngoài nghệ thuật. Họ đã mở đường để thoát khỏi những bóng râm tiền bối.

Việc tìm ra một ngôn ngữ tạo hình mới, riêng biệt trong sáng tác nghệ thuật là điều không dễ, nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tri thức khách quan và nội lực chủ quan của nghệ sĩ, sự tương tác giữa bản thân nghệ sĩ với các yếu tố bên ngoài như chính trị, văn hóa, triết học, tôn giáo,… sự thay đổi của con người trong cách lý giải, trong khả năng nhìn nhận về chính mình và môi trường sống… Cũng không dễ để có được một sự chuyển đổi hệ hình nhưng những nỗ lực để tìm tới cách diễn đạt khác, cách tư duy khác và đưa đến những thông điệp khác thông qua tác phẩm nghệ thuật đương đại ở Huế hiện nay là những chuẩn bị cần thiết để hướng tới một nền nghệ thuật chủ động và khai phóng hơn.

Có thể nói, hiện nay, một số hiện tượng, tác phẩm, không gian nghệ thuật của các nghệ sĩ trẻ Huế vẫn còn bị/được nằm ở ngoại vi, song hành tồn tại với nghệ thuật từ trung tâm. Không gian ngoại vi cho phép các nghệ sĩ hướng tới những ý tưởng đi trước tầm tiếp nhận của đám đông đồng dạng. Thực hành nghệ thuật ở không gian ngoại vi giúp các nghệ sĩ tiếp cận nhanh chóng hơn với những xu hướng, trào lưu nghệ thuật thế giới trong một không gian cởi mở, một không gian rộng lớn có sự tương tác trực tiếp với thế giới bên ngoài lũy tre Việt. Và hơn nữa, người nghệ sĩ ở trong không gian này vừa quan sát những giới hạn của nghệ thuật trung tâm vừa hướng tới cải biến những ý tưởng của mình. Sức mạnh của họ nằm ở phía trước, khi các tác phẩm của họ được điển phạm hóa, bị/được can dự vào phía trung tâm hoặc chính họ đã làm nên một trung tâm khác thì xem như họ đã thành công vì đã kiến tạo nên một trung tâm nghệ thuật mới.

Hội họa Việt Nam đã tạo được một bước ngoặt lớn khi bắt đầu có những tiếp biến với hội họa phương Tây trong sáng tác của lớp họa sĩ đầu tiên của nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đại khởi từ Trường mỹ thuật Đông Dương (1925 - 1945). Đó là một bước ngoặt đưa tới việc hội họa Việt Nam dần bước vào nền hội họa hiện đại. Và từ đó cũng có thể hi vọng tới bước ngoặt mà những họa sĩ hiện nay ở Việt Nam nói chung và Huế nói riêng đã/đang/sẽ tạo ra, buộc tư duy nghệ thuật hiện thực vốn đã ngủ quá lâu trong ánh hào quang phải bừng tỉnh để tìm tới cái khác, nhường chỗ cho những kiểu dạng thực hành trên nền tảng tư duy khác.

Với những đột phá kể trên thì nghệ thuật tạo hình ở Huế đã đi trước hơn rất nhiều so với các lĩnh vực nghệ thuật khác. Cụ thể là tư duy sáng tạo của nghệ thuật tạo hình đã đi xa hơn thực tiễn sáng tác văn học trẻ của mảnh đất này. Nền văn học trẻ Huế đang nổi lên với một số hiện tượng nhưng nếu đưa vào đối sánh về ý thức nhập cuộc với cái mới thì có lẽ chưa thể mạnh mẽ như các nghệ sĩ tạo hình. Văn học trẻ Huế chưa thể tạo thành một đội ngũ đông đảo và rắn chắc. Họ cần ý thức quyết liệt hơn về việc thay đổi bút pháp và tư tưởng. Dường như các nhà văn trẻ Huế chưa có một thái độ dấn thân vào những vùng đất mới, họ vẫn dè dặt, rón rén, rụt rè bước đi trên cả hai mảnh đất truyền thống và hiện đại, chưa tạo ra được một thứ ngôn ngữ mới, một kiểu tư duy mới đại diện cho tâm thức và phương pháp sáng tạo của thế hệ mình.

Bất cứ một hiện tượng, một khuynh hướng, trào lưu, một thời đại hay một giai đoạn nghệ thuật nào cũng cần đến các nhà phê bình. Có thể nói nền phê bình nghệ thuật đương đại ở Huế hiện nay đang mang một màu sắc khá ảm đạm. Những nỗ lực trong sáng tác của các nghệ sĩ tạo hình trẻ Huế rất cần một đội ngũ phê bình quan sát họ, diễn giải và giúp công chúng hiểu hơn những giá trị trong tác phẩm của họ. Nếu như nói vai trò của phê bình nghệ thuật là tìm kiếm, phát hiện cái đẹp rồi sau đó đưa những cái đẹp quy vào các chuẩn mực chung đại diện cho một thời kỳ, một thế hệ của một giai đoạn lịch sử nghệ thuật... thì phê bình nghệ thuật đương đại ở Huế hiện nay chưa làm tròn bổn phận của mình. Đâu đó người ta thường bắt gặp những bài báo, những mẩu tin, những tranh luận ngoài lề về các cuộc triển lãm nhưng rất hiếm khi thấy những bài phê bình chỉ ra được căn cốt của những tác phẩm đương đại. Tất nhiên người xem sẽ không nói nhiều khi họ không hiểu hay kiểu lờ đi như không thấy. Nhưng việc các nhà phê bình có chuyên môn đứng bên ngoài mà không tham dự (hoặc đã viết nhưng chưa công bố) để tìm căn nguyên của những kiểu dạng thực hành nghệ thuật mới thì thực sự là điều đáng buồn. Không có một tác phẩm nghệ thuật nào lại không cần tới những diễn giải để giúp nó có được sự thông hiểu từ phía người xem. Đặc biệt, những tác phẩm mang ý thức đổi mới, khai phá, nổi loạn… lại càng cần hơn những mở đường, định hướng cho người tiếp nhận của các nhà phê bình nghệ thuật uy tín và nhiệt tâm.

Những nỗ lực của thế hệ trẻ khi tham dự vào sân chơi nghệ thuật đương đại hiện nay liệu có thể đi xa hơn, đi đến tận cùng hơn không là những câu hỏi không dễ để trả lời. Mặc dù sáng tác là con đường độc đạo của mỗi cá nhân nghệ sĩ nhưng tác phẩm của họ khi ra đời lại là một câu chuyện khác. Tác phẩm của họ cần sự tương tác với cộng đồng người xem, cần có môi trường để phát triển. Nếu người xem chưa thể chấp nhận hay thờ ơ, nếu thị trường èo uột quay lưng lại với những tác phẩm đương đại thì sức sống của cái mới sẽ không lâu. Như vậy ở đây, vai trò của giáo dục và thị trường là rất lớn. Giáo dục cần sinh ra những nhà phê bình uy tín, phải tạo ra một đội ngũ người xem trẻ trung, dám chấp nhận và đứng về phía những người khai hoang, những người dũng cảm thử nghiệm, những người dám đưa thần vào buổi hoàng hôn của họ và dám chấp nhận những tổn thất, kể cả thất bại trên con đường của chính mình. Khi những cái đẹp của nghệ thuật đương đại đã được số đông chấp nhận thì thị trường cũng từ đó mà lớn mạnh dần. Thị trường không còn phải quá phụ thuộc vào những rủi may từ các nhà sưu tầm nước ngoài, mà sức mạnh, sự hiện diện của thị trường sẽ nằm ngay bên cạnh các nghệ sĩ, là động lực gần kề thúc đẩy người nghệ sĩ độc mã truy phong trên con đường của họ. Tiếc thay, những điều vừa nói lại chưa tới, nhưng cứ chờ đợi, bởi chờ đợi chính là dấu hiệu hiện hữu của hi vọng.

T.N  
(SHSDB21/06-2016)




 

Các bài mới
Các bài đã đăng