Giá sách Sông Hương
Một thoáng Mỹ Thuật đương đại Huế
Nữ họa sĩ Huế với mỹ thuật đương đại
08:53 | 23/08/2016

TÔ TRẦN BÍCH THÚY

Hội nhập với sự phát triển của nền mỹ thuật hiện đại, tiếp thu tinh hoa các giá trị nghệ thuật hội họa thế giới kể từ mốc thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1925, mỹ thuật Việt Nam đã góp phần tạo nên những bảng màu hết sức phong phú và đa dạng.

Nữ họa sĩ Huế với mỹ thuật đương đại
Xa lộ của họa sĩ Tô Trần Bích Thúy (Đồ họa Bút sắt; Giải Tặng thưởng Triển lãm Khu vực - Hội Mỹ thuật Việt Nam 2013)

Nhiều họa sĩ đã sáng tạo những tác phẩm có giá trị cao về mặt tư tưởng-thẩm mỹ, nhiều tác phẩm đã trở thành mẫu mực và là niềm tự hào của hội họa Việt Nam hiện đại.

Trong dòng chảy này, các nữ họa sĩ Việt Nam nói chung và các nữ họa sĩ Thừa Thiên Huế nói riêng cũng đã minh chứng sức sáng tạo không ngừng trong quá trình sáng tác mỹ thuật, đã tiếp nhận những tư tưởng và những quan niệm mới một cách nhạy bén, được tự do phát triển tiềm năng sáng tạo của mình và thật sự đã chiếm lĩnh những vị trí quan trọng trên tiến trình đổi mới của nghệ thuật tạo hình Việt Nam nói chung và mỹ thuật Thừa Thiên Huế nói riêng.
 

Duyên thời của họa sĩ Nguyễn Thị Huệ (Lụa Tổng hợp; Tặng thưởng Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế 2014)

Với số lượng gần 1/3 họa sĩ hội viên của Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế, các nữ họa sĩ đã gửi gắm những tâm tình, cảm xúc, quan điểm và thông điệp trong các tác phẩm của mình khá rõ nét qua bút pháp và phong cách sáng tạo. Là những người mang thiên chức làm vợ, làm mẹ, họ luôn tinh tế trong việc cảm nhận và phản ánh cuộc sống hiện tại. Các tác phẩm đã nói lên tiếng nói của thời đại thông qua hành trình sáng tạo của mỗi nữ họa sĩ.

Dấu ấn của các nữ họa sĩ Huế được thể hiện qua rất nhiều cuộc triển lãm với những họa sĩ tên tuổi quen thuộc và nhiều nữ họa sĩ trẻ. Có thể điểm qua các sự kiện, các cuộc triển lãm tiêu biểu như sau:

Như thông lệ hàng năm, vào ngày 8 tháng 3 - Ngày Quốc tế Phụ nữ và 20/10 - Ngày Phụ Nữ Việt Nam, Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Thừa Thiên Huế tổ chức các cuộc triển lãm Mỹ thuật với sự tham gia của hầu hết các nữ họa sĩ Huế.

Triển lãm Sắc màu V, tổ chức tại Huế đã quy tụ các nữ họa sĩ đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước (trong đó có sự tham gia của nhiều nữ họa sĩ Huế) là hoạt động mở đầu cho lễ hội Festival Huế 2014 để lại ấn tượng sâu sắc và góp phần thành công cho Festival.


 

Bình yên của họa sĩ Trần Thị Như Hải (Đồ họa sắp đặt; Giải thưởng Festival Mỹ thuật trẻ 2014 - Hội Mỹ thuật Việt Nam)
Vì tình yêu là đủ cho tình yêu của họa sĩ Ngô Đình Bảo Vy (Nghệ thuật sắp đặt; Giải thưởng Festival Mỹ thuật trẻ 2014 - Hội Mỹ thuật Việt Nam)
Sự yên tĩnh ở trong vườn của họa sĩ Hải Hòa (Nguyễn Thị Hòa)(In đồng; Giải thưởng quốc tế (Excellent Prize) - Triển lãm Mỹ thuật tại Thái Lan 2009
Yêu của họa sĩ Đặng Thị Thu An (Sơn dầu; Giải Tặng thưởng triển lãm Mỹ thuật đương đại lưu vực sông Mekong - Thái Lan 2013)
Không đề của họa sĩ Lê Thị Thanh Mai (Nghệ thuật sắp đặt; Dự án Vết sẹo do Đại sứ quán Đan Mạch tài trợ 2012)

Triển lãm Sắc màu VI tại Tp. Hồ Chí Minh với 15 nữ họa sĩ đến từ Huế, Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng được tổ chức năm 2015.

Triển lãm của 53 tác giả nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ năm 2015 tại Bảo tàng Văn hóa Huế.

Bên cạnh các nữ họa sĩ đã định hình phong cách và thành danh như họa sĩ Công Huyền Tôn Nữ Tuyết Mai, họa sĩ Nguyễn Thị Hải Hòa, họa sĩ Nguyễn Thị Huệ…, Mỹ thuật Huế những năm gần đây cũng ghi nhận các gương mặt trẻ qua các triển lãm như: Nguyễn Thị Thanh Mai, Đặng Thị Thu An, Nguyễn Thị Lan, Ngô Đình Bảo Vi, Nguyễn Thị Xuân Lê, Trần Thị Trạch Oanh, Như Hải…

Với sự đa dạng, phong phú trong bút pháp, phong cách, cách thể hiện tươi mới, tư duy sáng tạo có chiều sâu, các tác phẩm của họ đã đi sâu phản ánh những vấn đề của đời sống thực tế, những vấn đề nóng bỏng của xã hội hiện đại: thân phận con người, sự cô đơn, trách nhiệm, đam mê, tâm linh…

Đặc biệt qua cuộc triển lãm Mỹ thuật Trẻ lần thứ nhất được tổ chức tại Huế tháng 3 năm 2016 có sự tham gia của nhiều nữ họa sĩ trẻ với nhiều tác phẩm đẹp, bên cạnh các tác phẩm hội họa truyền thống, nhiều nữ họa sĩ trẻ đã sáng tạo với những chất liệu mới, nghệ thuật mới nên đã mang đến cho người xem cảm nhận được thông điệp một cách rõ ràng, mạnh mẽ, trực tiếp qua cái nhìn rất nữ tính, các tác phẩm của các nữ họa sĩ đã tạo nên một dấu ấn riêng biệt. Người xem có thể cảm nhận được tư duy tạo hình của họ trong từng tác phẩm. Bên cạnh cá tính sáng tạo riêng thì các yếu tố tác động ngoại cảnh như đặc tính văn hóa của vùng đất Huế, yếu tố cảnh quan thiên nhiên và môi trường tự nhiên cũng tác động không nhỏ đến sự định hình ý niệm trong tác phẩm.

Các nữ hoạ sĩ Huế với số lượng không nhiều nhưng thường xuyên tham gia các triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, triển lãm Mỹ thuật khu vực, triển lãm Mỹ thuật chuyên đề, triển lãm Mỹ thuật của các địa phương và nhận được nhiều giải thưởng uy tín. Cùng với những trào lưu, những trường phái Mỹ thuật mang đậm những dấu ấn đặc trưng của Hội họa Việt Nam hiện đại, trong tiến trình sáng tạo họ đã góp phần phản ánh những thay đổi về đời sống văn hóa nghệ thuật của dân tộc.

Không dừng lại trong việc tham gia các hoạt động mỹ thuật trong nước, một số nữ họa sĩ Huế thường xuyên tham gia các cuộc triển lãm quốc tế được tổ chức tại các quốc gia như: Đức, Pháp, Úc, Thái Lan, Ý… tạo nên nguồn mạch mỹ thuật sôi động và mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy phát triển nghệ thuật và văn hóa đương đại, tạo một góc nhìn rõ nét hơn về tính thời đại của mỹ thuật Việt Nam nói chung và Mỹ thuật Thừa Thiên Huế nói riêng. Những tác phẩm hội họa của các nữ họa sĩ Thừa Thiên Huế đã biểu đạt nội dung ý tưởng, phong cách sáng tác, bút pháp sáng tác…, thể hiện phẩm chất nghệ sĩ, sứ mệnh của nghệ thuật và nội hàm văn hóa nhằm tạo nên những bước đột phá mới trên lộ trình sáng tạo.

Họa sĩ là người vẽ nên bức tranh cuộc sống. Những ai được sống và làm việc tại Huế, nhất là những người sáng tạo nghệ thuật là một điều tuyệt vời, bởi Huế là mảnh đất của thi ca nhạc họa, mảnh đất giàu bản sắc văn hóa, di sản và nghệ thuật.

Với vài nét chấm phá về nhận diện phong cách sáng tạo của các nữ họa sĩ Huế, có lẽ sẽ không đầy đủ và khó có thể giới thiệu một cách chính xác về tiềm năng sáng tạo cũng như những hoạt động nghệ thuật đã và đang diễn ra hàng ngày, nhưng thông qua quá trình sáng tác mỹ thuật, công chúng cũng có thể thấy được sức lao động của họ. Chính họ, các nữ họa sĩ Huế đã tham gia tích cực vào việc thúc đẩy sự phát triển văn hóa nghệ thuật của vùng đất Huế giàu bản sắc, góp phần tạo ra một thực thể mới cho nền Mỹ thuật Việt Nam đương đại.

Huế, tháng 5/2016
T.T.B.T  
(SHSDB21/06-2016)




 

Các bài mới
Các bài đã đăng