Trong khi thi sĩ đang mơ mộng để đuổi bắt những ý tưởng về nhân sinh thì ở đâu đó trên hành tinh, những cánh rừng đang bị đốn hạ. Trong khi một nhà kinh tế đang hụt hẫng bởi lợi nhuận không được nhân lên, thì ở đâu đó biển đang chết. Trong khi những nhà giáo dục đang ngày đêm ngợi ca cuộc sống và tình yêu con người trên các giảng đường, thì ở đâu đó có những chân trời không có lấy một cánh chim bay. Trong khi một nhà chính trị, nhà triết học đang mải mê với những học thuyết của mình, thì ở đâu đó đang có những cánh đồng trơ trụi, khô cằn và dần biến thành sa mạc.
Những thăng trầm, biến cố mà loài người đã trải qua trong đời sống sẽ chẳng là gì so với những cơn thịnh nộ của thiên nhiên trong những thập niên tới. Nếu như loài người cứ giữ cách tác động tới thiên nhiên theo những phương thức cũ thì trái đất sẽ hứng chịu những tàn hoại khôn kể. Những thảm họa thiên nhiên mà loài người đã chứng kiến có lẽ chỉ mới là những tín hiệu khởi đầu cho một cơn thịnh nộ cuối cùng.
Nghệ thuật luôn đi đầu bằng những dự báo của mình, điều đó đã được chứng minh trên các lĩnh vực như điện ảnh, hội họa, nhiếp ảnh, kiến trúc và văn học, v.v. Riêng trong lĩnh vực phê bình văn học, từ những năm 70 cho đến giữa thập niên 90 của thế kỷ XX, phê bình sinh thái đã hình thành, phát triển và trở thành một khuynh hướng phê bình văn học có sức lan tỏa lớn mạnh trên thế giới bởi tính thực tiễn của nó.
Nối tiếp những chuyên đề mà Sông Hương đã thực hiện và được bạn đọc hưởng ứng, khích lệ như: Văn học hậu hiện đại; Thơ tân hình thức; Phê bình nữ quyền; Phân tâm học và văn học, v.v, Sông Hương số này xin gửi đến quý bạn đọc chuyên đề: “Văn học sinh thái - những góc nhìn”. Ở Việt Nam, trong khi các hệ thống lý thuyết phê bình được các nhà nghiên cứu quan tâm rất sớm như Hình thức luận của Nga (Formalism), Cấu trúc luận (Structuralism), Hậu cấu trúc luận/ Giải cấu trúc (Poststructuralism/ Deconstruction), các lý thuyết Mác-xít (Marxist Theories), Phân tâm học (Psychoanalysis), Nữ quyền luận (Feminism), Chủ nghĩa hậu hiện đại (Postmodernism), v.v thì ngược lại, dường như Phê bình sinh thái (Ecocriticism) chưa được quan tâm đúng với tầm vóc của nó. Với chuyên đề này, chúng tôi không có tham vọng soi chiếu toàn bộ tinh thần của văn học sinh thái và phê bình văn học sinh thái trong một số báo có hạn định về dung lượng. Thông qua các tiểu luận và các tác phẩm sáng tác theo xu hướng “sinh thái trung tâm luận”, chúng tôi hy vọng một phần nào đó cung cấp cho bạn đọc những cái nhìn đa dạng về phê bình sinh thái cũng như thực tiễn sáng tác của nhà văn dưới nhãn quan sinh thái.
Tiểu luận “Phê bình sinh thái - vài nét phác thảo” của Trần Thị Ánh Nguyệt sẽ giúp bạn đọc có được một cái nhìn toàn diện và cô đọng nhất về tinh thần của phê bình sinh thái nói chung và những khởi đầu đầy hứa hẹn của khuynh hướng này ở Việt Nam. Nghiên cứu “Diễn trình sinh thái trong văn xuôi Nam Bộ”, tác giả Bùi Thanh Truyền cho thấy tinh thần sinh thái là một yếu tính của văn học trên mảnh đất này với sự có mặt của những tên tuổi như Sơn Nam, Đoàn Giỏi, Hoàng Văn Bổn, Trang Thế Hy, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo, Anh Động, Khôi Vũ, Dạ Ngân, Lý Lan, Văn Lê, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nhật Tuấn, Trần Văn Tuấn, Bích Ngân, Lưu Thị Lương, Trần Đức Tiến, Trầm Hương, Mai Bửu Minh, Thu Trân, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Trí, Trần Tùng Chinh, Nguyễn Lập Em, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Ngọc Thuần, v.v. Với cái nhìn liên ngành, tiểu luận “Bạch Mã, ngọn núi linh hồn trong tâm thức của các võ sinh Nghĩa Dũng Karate - Do” của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Tịnh Thy vạch định mối quan hệ lẫn nhau giữa văn học, võ học và môi trường tự nhiên. “Tái kết nối những cội rễ phi nhân như một hình thức thức nhận bạo lực (Đọc “Người ăn chay” của Han Kang) của nhà nghiên cứu Đặng Thị Thái Hà là những soi chiếu về bản thể tồn tại của con người và những hoài nghi chính trạng thái sinh tồn của con người trong môi trường sống.
Các truyện ngắn của Trần Duy Phiên, Trần Bảo Định, Nguyễn Bảo Trâm cùng với thơ của Đỗ Hồng Ngọc, Trần Hoài Lâm, Nguyên Cẩn,… là những sáng tác đậm chất sinh thái, mở ra nhiều cách nhìn của người sáng tác về thế giới tự nhiên. Qua đây chúng ta cũng có thể thấy được sự rọi chiếu của phê bình sinh thái vào thực tiễn sáng tác của văn chương hiện đại ở Việt Nam.
Trân trọng giới thiệu.
Sông Hương
(TCSH350/04-2018)