Giá sách Sông Hương
Văn Học Sinh Thái
Phê bình sinh thái - vài nét phác thảo
09:09 | 09/05/2018

TRẦN THỊ ÁNH NGUYỆT

Thế kỉ 21 là thế kỉ mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, con người phải đối mặt với nhiều nguy cơ sinh thái nhất. 

Phê bình sinh thái - vài nét phác thảo
Ảnh: internet

Trong xã hội hiện đại, cùng với tốc độ đô thị hóa và sự ỷ lại vào khoa học kỹ thuật, con người đang ngày càng khai thác tự nhiên quá mức, khiến cho tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Thiên nhiên trả thù con người không phải chỉ bằng các thảm họa, thiên tai, các bệnh hiểm nghèo… mà đáng sợ hơn, trả thù bằng sự biến mất của chính nó. Cái “dây chuyền sống” huyền diệu của tạo hóa đang ngày càng bị phá hủy. Phê bình sinh thái (Ecocriticism) nổi lên khi vấn đề biến đổi khí hậu, sự xuống cấp về môi trường không còn là vấn đề của mỗi quốc gia dân tộc nữa, mà đã ảnh hưởng đến toàn bộ sự sống trên trái đất. Văn học quan tâm đến sự sống cho nên xét đến cùng, phê bình sinh thái lại liên quan đến bản thể của văn học.

1. Khái niệm phê bình sinh thái

Sinh thái (oikos) theo nghĩa gốc tiếng Hy Lạp cổ là nhà ở, nơi cư trú, bất kì một sinh vật sống nào cũng cần nơi cư trú của mình.

Thuật ngữ sinh thái học (ecology) có nguồn gốc từ chữ Hy Lạp, bao gồm oikos (chỉ nơi sinh sống) và logos (học thuyết, khoa học). Thuật ngữ “sinh thái học” chỉ thật sự ra đời vào năm 1869 do nhà sinh vật học người Đức Ernst Haecker đưa ra. Ông là người đầu tiên đặt nền móng cho môn khoa học sinh thái về mối tương quan giữa động vật với các thành phần môi trường vô sinh. Trải qua hàng trăm năm phát triển, sinh thái học đã có rất nhiều định nghĩa nhưng chung nhất vẫn là học thuyết nghiên cứu về nơi sinh sống của sinh vật, mối tương tác giữa cơ thể sinh vật sống và môi trường xung quanh. Ngày nay, sinh thái học không chỉ tồn tại trong sinh học mà nó còn là khoa học của nhiều ngành khác, trong đó có khoa học xã hội và nhân văn. Nếu như ở Anh người ta thường sử dụng thuật ngữ “phê bình xanh” (green criticism) thì ở Mỹ lại thích sử dụng thuật ngữ “phê bình sinh thái” (ecocritism). Nhiều thuật ngữ khác cũng thường được sử dụng như “thi pháp sinh thái” (ecopoetics), “phê bình văn học môi trường” (environmental literary criticism), “nghiên cứu xanh” (green study) hay “nghiên cứu (văn hóa) xanh” (green (cultural) studies), sáng tác tự nhiên (nature writing), sinh thái học lãng mạn (Romantic Ecology)…

Với tư cách là một khuynh hướng phê bình văn hóa và văn học, phê bình sinh thái được hình thành ở Mĩ vào giữa những năm 90 của thế kỉ XX, đã hấp thu tư tưởng cơ bản của sinh thái học vào nghiên cứu văn học “dẫn nhập quan niệm cơ bản nhất của triết học sinh thái vào phê bình văn học”. Trong các định nghĩa về phê bình sinh thái, định nghĩa của Cheryll Glotfelty được xem là ngắn gọn và dễ hiểu hơn cả:

Nói đơn giản, phê bình sinh thái là nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và môi trường tự nhiên. Cũng giống như phê bình nữ quyền xem xét ngôn ngữ và văn học từ góc độ giới tính, phê bình Marxist mang lại ý thức của phương thức sản xuất và thành phần kinh tế để đọc văn bản, phê bình sinh thái mang đến phương pháp tiếp cận trái đất là trung tâm (earth-centered approach) để nghiên cứu văn học [4, 89].

Để hiểu rõ hơn định nghĩa này, chúng ta cần hiểu quan niệm của phê bình sinh thái về con người/ tự nhiên, tự nhiên/ văn hóa, những vấn đề làm nên tư tưởng đặc thù của phê bình sinh thái. Về mặt từ nguyên, tự nhiên (nature) mà gốc Latin của nó là “natura”, nghĩa là “đặc điểm thuộc về tự nhiên, vũ trụ” hay “nat” (sự sinh ra, được sinh ra)… để phân biệt với thế giới được chế tạo, như các đồ vật được làm bởi con người. Dẫu vậy, “tự nhiên” đã trở thành một diễn ngôn mơ hồ, luôn biến đổi, tồn tại mặc nhiên từ buổi hoang sơ, nhưng cũng là cái đã bị con người sở hữu và chiếm hữu theo nhiều cách. “Tự nhiên” do đó đã không còn là nó một cách nguyên thủy, mà các yếu tố cấu thành nó ít nhiều đều bị quy định bởi con người. Theo sự biến thiên này, cặp từ tự nhiên (nature)/ văn hóa (culture) không còn là sự đối lập đơn giản mà có sự xuyên thấm lẫn nhau. Thật khó có một thứ gì đó có thể phân loại rành mạch rõ ràng, nhất là cặp đôi “phiền phức” văn hóa/ tự nhiên. Peter Barry đã chứng minh bằng cách lấy thí dụ, cái chúng ta gọi là ‘môi trường bên ngoài’ là một chuỗi các khu vực xâm nhập, sấn chéo lên nhau và dịch chuyển dần dần từ khu vực tự nhiên sang khu vực văn hóa, theo trật tự như sau: Khu vực một: cái hoang dã (the wilderness). Thí dụ sa mạc, đại dương, những lục địa không có người sinh sống. Khu vực hai: Cảnh trí hiểm trở (the scenic sublime). Thí dụ rừng, hồ, núi, thác nước… Khu vực ba: vùng nông thôn (the countryside). Thí dụ đồi, cánh đồng, rừng cây… Khu vực bốn: cảnh trí nhân tạo quanh nhà (the domestic picturesque). Thí dụ công viên, vườn, đường… Khi chúng ta di chuyển (trong suy nghĩ) giữa các khu vực này, rõ ràng chúng ta đã di chuyển từ khu vực thứ nhất - “thuần túy” tự nhiên sang khu vực thứ tư - phần lớn là “văn hóa”. Dĩ nhiên, cái hoang dã bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng nhà kính - vốn là do văn hóa tạo ra, và các khu vườn thì tồn tại phụ thuộc vào ánh nắng - vốn thuộc lực lượng tự nhiên [1, 252]. Do vậy, các nhà phê bình sinh thái sử dụng thuật ngữ human/nonhuman khi chỉ mối quan hệ giữa con người và môi trường tự nhiên. Karen Thornber giải thích “sử dụng thuật ngữ “nonhuman” (thế giới phi nhân loại) để chỉ sinh học (nghĩa là, các sinh vật không phải con người) và vô sinh (có nghĩa là để nói, yếu tố vật chất không sống như không khí, nước và đất). Tôi sử dụng thuật ngữ “human” (nhân loại) để chỉ con người và công trình xây dựng của con người cả về vật chất và trí tuệ, bao gồm cả công nghệ” [10]. Phê bình sinh thái khẳng định tầm quan trọng của việc nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa nhân loại (human) và phi-nhân-loại (nonhuman) trong các diễn ngôn văn hóa. Phê bình sinh thái trở thành một giải pháp khôi phục ý nghĩa và tầm quan trọng của tự nhiên với con người cũng như khẳng định vai trò của ngôn ngữ trong việc định hình và thay đổi các quan niệm về tự nhiên như lời khẳng định của Glotfelty:

Toàn bộ phê bình sinh thái chia sẻ những giả thuyết cơ bản mà văn hóa con người kết nối với tự nhiên, ảnh hưởng tới nó và chịu ảnh hưởng của nó. Phê bình sinh thái đặt vấn đề quan hệ nối kết giữa tự nhiên và văn hóa, đặc biệt là sự tạo tác văn hóa của ngôn ngữ và văn học. Như một quan điểm phê bình, phê bình sinh thái đặt một chân ở văn học và chân kia trên mặt đất, như là một diễn ngôn lí thuyết, phê bình sinh thái dàn xếp giữa con người (human) và (thế giới) phi nhân loại (nonhuman) [5, 89].

Manh nha từ những năm bảy mươi của thế kỉ XX nhưng đến những năm 1990, phê bình sinh thái mới thực sự phát triển. Các hội nghị khoa học về vấn đề môi trường và văn học được tổ chức hằng năm. Năm 1992 ASLE (the Association for the Study of Literature and Environment) - Hiệp hội Nghiên cứu Văn học và Môi trường được sáng lập. Hiệp hội này trở thành tổ chức có hàng nghìn thành viên ở Mỹ, sau đó các chi nhánh mới thành lập ở Anh và tiếp theo là nhiều nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Ấn Độ, Đông Nam Á… Năm 1993, Patrick Murphy đã xuất bản tạp chí mới, là ISLE: Interdisciplinary Studies in Literature and Environment (Nghiên cứu Liên ngành Văn học và Môi trường) để cung cấp một diễn đàn nghiên cứu phê bình văn học quan tâm tới lí do môi trường. Đồng thời phong trào này cũng lan ra các trường đại học, một vài trường đã đưa vào trong các khóa văn học chương trình giảng dạy về nghiên cứu môi trường; một số học viện về tự nhiên và văn hóa được thành lập; một số khoa tiếng Anh yêu cầu những chương trình nhỏ về văn học môi trường. Nhờ đó, phê bình sinh thái đã chính thức trở thành một phong trào nghiên cứu hàn lâm. Hiện tại phê bình sinh thái đang là một trào lưu phê bình năng động trên thế giới, thu hút sự quan tâm ngày càng nhiều hơn các nước ngoài phương Tây.

2.Phê bình sinh thái đảo lộn truyền thống phê bình”

Đây là nhận định của Peter Barry, trong tuyển tập giới thiệu những lí thuyết văn học Beginning Theory: An Introduction to Literary and Cultural Theory, phần đánh giá của ông về phê bình sinh thái [1]. Ông cho rằng phê bình văn học trước đây quá chú tâm vào con người - khai thác tính cách, tâm lí, tình cảm, hành động, nội tâm… Quả thật, nghiên cứu văn học sau khi “trở về chính mình” với những lí thuyết như chủ nghĩa hình thức, phê bình mới, chủ nghĩa cấu trúc… chủ yếu quan tâm đến những phương diện nội tại của tác phẩm, dường như nhiều khi trở nên tự thu hẹp, khó tiếp cận với những vấn đề đương đại rộng lớn. Mặt khác, các trường phái nghiên cứu văn học hiện nay với những mối bận tâm về con người: phê bình phân tâm học, phê bình Marxist, lí thuyết tiếp nhận… trên thực tế đã đạt được nhiều thành tựu nhưng có lẽ “đang trong giai đoạn thác ghềnh và thỉnh thoảng mất phương hướng” [4, 92]. Hiện nay, bên cạnh những hướng nghiên cứu văn học trước đó vẫn đang có những tìm tòi mới mẻ và đạt được nhiều thành tựu, thì cũng xuất hiện sự chuyển hướng văn hóa trong nghiên cứu văn học, xuyên qua văn học để quan sát sự đổi thay văn hóa, nghiên cứu ý thức văn hóa, xã hội được thể hiện như thế nào trong văn học, là một hướng đi mới, giúp văn học nhập cuộc với những vấn đề đang xảy ra trong đời sống đương đại, trong đó có vấn đề môi trường.

Phê bình sinh thái truy tìm căn nguyên của khủng hoảng môi trường hiện tại, phê phán thuyết con người là trung tâm (anthropocentrism). Quan điểm này vấp phải một rào cản đã tồn tại một cách thâm căn cố đế trong tư tưởng truyền thống coi con người là tinh hoa “Con người là kiểu mẫu của muôn loài”. Văn học từ xưa đến nay ngợi ca bao nhân vật mang vị thế chúa tể muôn loài bằng khát vọng chinh phục tự nhiên: từ Prômêtê, Hecquyn, Uylitxơ đến Hậu Nghệ, Nữ Oa, Ngu công, Sơn Tinh… Vậy nên văn học cũng có lỗi trong việc khiến cho trái đất đang ngày một kiệt quệ. Bởi vậy, sự thay đổi trong suy nghĩ liên quan đến con người với môi trường cần được đổi thay từ chính văn học, nơi thích hợp để phản biện lại những thói quen của tư duy. Phê bình sinh thái đã thay đổi một cách cơ bản cách nhìn nhận, tiếp cận đối tượng. Các phong trào nghiên cứu văn học từ trước đến nay đều lấy “con người làm trung tâm” (human-centred), còn phê bình sinh thái quan niệm đặt trái đất lên trước hết (Putting the Earth first). Bởi vậy, phương pháp tiếp cận trái đất là trung tâm (earth-centered approach) để nghiên cứu văn học của phê bình sinh thái đã chỉ trích lí tưởng đề cao cá nhân, từ đó tạo ra một phản đề đối với tư tưởng đã ăn sâu cắm rễ vào tư duy nhân loại, để đề xuất quan niệm đề cao tính tương quan giữa cá nhân và môi trường. Và như vậy phê bình sinh thái cũng mong muốn chấm dứt tình trạng li khai hàng nghìn năm nay giữa văn hóa và tự nhiên. Chủ nghĩa nhân văn sinh thái do phê bình sinh thái đề xuất không tách rời thiên nhiên và văn hóa mà nối lại mạch sống ngàn đời của con người với tự nhiên, coi con người là một phần cộng sinh của tạo hóa.

Cân bằng tự nhiên cũng đảm bảo cho cân bằng xã hội. Đó là lí do vì sao phê bình sinh thái tích hợp với các vấn đề xã hội: giới tính (sinh thái nữ quyền (ecofeminism), chủng tộc, giai cấp, xã hội (sinh thái hậu thực dân, sinh thái xã hội (social ecology), sinh thái chủ nghĩa Mác (eco-Marxism)...). Các học giả sinh thái thế giới rất lưu tâm tìm về với văn học lãng mạn (sinh thái học lãng mạn) vì văn học lãng mạn gắn liền với quá trình đô thị, khi văn minh xâm lấn, nhiều tác giả đã quay lưng bằng cách trốn vào thiên nhiên. Nhưng về sau, các tác phẩm quan tâm hơn đến các vấn đề xã hội, hướng về đô thị, những vấn đề nảy sinh trong quá trình công nghiệp hóa…

Như vậy, phê bình sinh thái làm đảo lộn truyền thống phê bình ở nhiều khía cạnh. Điểm thứ nhất, chuyển hướng trung tâm từ con người ra nghiên cứu bối cảnh xung quanh con người, cái nền tảng làm nên chân dung của nhân vật. Điểm thứ hai, là từ cái nhìn “sinh thái trung tâm”, phạm vi thế giới sẽ được mở rộng, không phải chỉ là phạm vi xã hội mà toàn bộ sinh quyển “Lí thuyết văn học, nhìn chung, nghiên cứu mối quan hệ giữa nhà văn, văn bản và thế giới. Trong hầu hết các lí thuyết văn học, “thế giới” đồng nghĩa với xã hội - phạm vi xã hội. Phê bình sinh thái mở rộng khái niệm “thế giới” bao gồm toàn bộ sinh quyển” [4, 90]. Thứ ba, “Tái kết nối tính xã hội và tính sinh thái” phê bình sinh thái giao cắt với chính trị, do vậy nó không hề “trong trẻo” mà kì thực rất nhạy cảm. Cũng nhờ vậy mà nó tiếp cận được với nhiều vấn đề đương đại rộng lớn.

Tính liên ngành cần được nhấn mạnh, ngoài các văn bản hư cấu, cần tìm hiểu các văn bản phi hư cấu, các loại hình nghệ thuật khác khá năng động như âm nhạc, điện ảnh, kiến trúc… trong việc phản ứng với trào lưu sinh thái. Văn học cũng như điện ảnh, âm nhạc, kiến trúc, hội họa… là những loại hình nghệ thuật để đưa ra thông điệp của sự phản tỉnh. Vậy các loại hình nghệ thuật khác khá năng động phản ứng với các trào lưu sinh thái ra sao? Việc sử dụng phương pháp liên ngành, kết hợp văn học với khoa học, phân tích tác phẩm văn chương để rút ra những cảnh báo môi trường. Vận dụng những kiến thức của các ngành khoa học (sinh thái học, dân tộc học, sử học, triết học, chính trị học, đạo đức học, tôn giáo học, tâm lí học...) để hiểu và lý giải các tác phẩm, thì việc tìm hiểu các ngành khác cũng giúp nhìn ra nhiều vấn đề, nhiều phương thức giải quyết cho vấn đề sinh thái hiện nay. Do vậy, phê bình sinh thái đề xuất những khái niệm mà thông qua đó nhìn nhận thấy sinh thái có một mối liên hệ liên ngành, liên loài, xuyên hành tinh… trong việc nghiên cứu các vấn đề sinh thái toàn cầu như Cheryll Glotfelty mong đợi “Trong tương lai, chúng ta có thể mong rằng phê bình sinh thái trở thành liên ngành, đa văn hóa và mang tính quốc tế chưa từng thấy từ trước tới nay. Công tác liên ngành cũng được tiến hành và có thể được tạo điều kiện hơn nữa bằng cách mời các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực để làm diễn giả tại các hội nghị văn học và bằng việc đăng cai nhiều hơn những hội thảo liên ngành về các vấn đề môi trường” [4, 92].

3. Phê bình sinh thái - những khởi đầu mới mẻ ở Việt Nam

Cần có sự phân biệt giữa văn học sinh thái và phê bình sinh thái. Phê bình sinh thái là một khuynh hướng nghiên cứu mà dựa vào đó, nhà nghiên cứu có thể nghiên cứu văn học từ cổ đại đến nay, thông qua các tư tưởng truyền thống có thể rút ra các yếu tố sinh thái, ý tưởng sinh thái... còn văn học sinh thái xuất hiện cùng với những cảnh báo môi trường trong thời đại mà khủng hoảng sinh thái trở thành một vấn đề nghiêm trọng, do vậy, văn học sinh thái xuất hiện tương đối muộn. Theo Lawrence Buell, một tác phẩm được cho là viết theo định hướng môi trường sẽ mang những nội dung chính như sau:

1. Môi trường phi nhân không còn chỉ được nhìn đơn thuần như là một thứ công cụ làm khung nền cho sự xuất hiện của con người, ngược lại, sự hiện diện của nó cho thấy lịch sử nhân loại bao giờ cũng có mối liên hệ chặt chẽ với lịch sử tự nhiên. (…)

2. Quyền lợi của loài người không phải là quyền lợi chính đáng duy nhất.

3. Mức độ quan tâm của con người đối với môi trường là một phần thuộc giá trị đạo đức của mỗi văn bản.
(…)

4. Theo một nghĩa nào đó, môi trường được nhìn như một quá trình, chứ không phải là một hằng số bất biến hay ít nhất, được cho là một thông điệp ẩn giấu đằng sau tác phẩm (...) [2, p 7-8].

Tác phẩm sinh thái được nhận diện ở dấu hiệu: khi tác phẩm từ bỏ cái nhìn mang tính ẩn dụ về tự nhiên để viết với ý thức sinh thái. Văn học sinh thái chống lại sự nhân hóa tự nhiên. Khác với các truyện truyền thống về thế giới tự nhiên, chỉ có một nhân vật xuyên suốt câu chuyện, chỉ có một tiếng nói cất lên sau hình tượng đó, tiếng nói mà con người phú cho. Ngược lại, trong các truyện sinh thái, bên cạnh thế giới con người là thế giới muông thú với những tình cảm, tính cách, cá tính… rất riêng. Tự nhiên có sinh mệnh độc lập, có địa vị bên ngoài mọi quan niệm của con người. Mặt khác, “Văn học sinh thái lấy chủ nghĩa chỉnh thể sinh thái làm cơ sở tư tưởng, lấy lợi ích chỉnh thể của hệ thống sinh thái làm giá trị cao nhất để khảo sát và biểu hiện mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và truy tìm nguồn gốc xã hội của nguy cơ sinh thái” [8]. Thực chất, mối quan hệ giữa con người và sinh thái là mối quan hệ cộng sinh, do vậy tác phẩm viết về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên phải có quan điểm sinh thái. Lấy tư tưởng “sinh thái là trung tâm” không phải là tư tưởng hạ thấp con người mà thực ra lợi ích của sinh thái suy cho cùng chính là lợi ích bền vững của nhân loại. Vấn đề biến đổi khí hậu, nguy cơ sinh thái là vấn đề của toàn cầu chứ không phải là vấn đề riêng lẻ của mỗi quốc gia dân tộc. Văn học sinh thái chú trọng đến trách nhiệm của con người đối với tự nhiên, khẩn thiết kêu gọi bảo vệ vạn vật trong tự nhiên và duy trì cân bằng sinh thái.

Như vậy, mặc dù trước khi xuất hiện phê bình sinh thái, vấn đề con người trong mối quan hệ với tự nhiên đã được nghiên cứu. Trong lịch sử, con người đã trải qua nhiều cảm thức trong mối quan hệ với tự nhiên. Cảm thức kính sợ tôn sùng tự nhiên trong văn học cổ đại (thần thoại, sử thi). Trong văn học dân gian, mối quan hệ giữa con người và tự nhiên biểu hiện ở những công trình nghiên cứu về các loài vật, cây cỏ… Trong văn học trung đại, đó là cảm thức hòa điệu: sự ca tụng thiên nhiên, xem thiên nhiên là nơi lánh trú của tâm hồn, lí tưởng hóa sự tương tác giữa con người và môi trường (thơ sơn thủy, điền viên, thơ haiku, thể loại mục ca…). Văn học lãng mạn cũng đã có những quan tâm đến mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, đặc biệt đã có những nghiên cứu thể hiện sự mất dần những giá trị cổ truyền tốt đẹp vì sự xâm lấn của đô thị như trong các nghiên cứu về thơ Nguyễn Bính, thơ Bàng Bá Lân, thơ Anh Thơ… Tuy nhiên, những vấn đề mà các nghiên cứu đưa ra chưa thực sự là vấn đề của sinh thái hiện đại.

Từ năm 2011 đến nay, phê bình sinh thái bắt đầu được chuyển dịch, giới thiệu và thực hành nghiên cứu ngày một nhiều hơn ở Việt Nam. Điều đó, xuất phát từ nhu cầu bức thiết của dân tộc, nó cũng chứng tỏ sự hòa chung vào xu hướng toàn cầu hóa trong nghiên cứu văn học Việt Nam.

Năm 2011, Viện Văn học tổ chức buổi thuyết trình về vấn đề phê bình sinh thái. Karen Thronber sang Việt Nam trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế 2011 “Tiếp cận văn học châu Á từ lý thuyết phương Tây hiện đại: vận dụng, tương thích, thách thức và cơ hội”. Tại Viện Văn học, bà cũng đã có buổi giảng về Ecocriticism giới thiệu một cách tổng quan về bản chất, ý nghĩa và tiến trình của nghiên cứu văn chương môi trường và sau đó phân tích 6 điểm cơ bản mà phê bình sinh thái quan tâm. Từ đó, phê bình sinh thái đã được giới thiệu, ứng dụng nghiên cứu tại Việt Nam với các tác giả như Đỗ Văn Hiểu, Huỳnh Như Phương, Nguyễn Đăng Điệp, Nguyễn Thị Tịnh Thy, Trần Thị Ánh Nguyệt, Đặng Thị Thái Hà… Hiện tại, có hai cuốn sách về phê bình sinh thái đã được xuất bản: Con người và tự nhiên trong văn xuôi Việt Nam sau 1975 từ góc nhìn phê bình sinh thái (Trần Ánh Nguyệt và Lê Lưu Oanh, 2016), Rừng khô suối cạn, biển độc... và văn chương (Nguyễn Thị Tịnh Thy, 2017). Các trường đại học, các Viện nghiên cứu cũng đã quan tâm đến phê bình sinh thái nhiều hơn, bằng chứng là tại các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, phê bình sinh thái đã xuất hiện trên diễn đàn trao đổi, đó cũng là khuynh hướng mà nhiều học viên cao học, nghiên cứu sinh lựa chọn.

Thành tựu về dịch thuật phê bình sinh thái còn khá khiêm tốn. Bài Phê bình sinh thái - cội nguồn và sự phát triển (2012) của Đỗ Văn Hiểu đã tổng hợp, giới thiệu phong trào phê bình sinh thái trên thế giới, đồng thời chỉ ra cội nguồn tư tưởng của các nhà triết học phương Tây làm tiền đề xuất hiện phê bình sinh thái. Trần Ngọc Hiếu với bản dịch Những tương lai của phê bình sinh thái và văn học (Karen Thornber, 2013) đã cung cấp cho chúng ta một cái nhìn nhiều gợi ý về triển vọng của phong trào. Các bản dịch của Đặng Thị Thái Hà (Phê bình sinh thái, Kate Rigby, 2014), Trần Thị Ánh Nguyệt (Nghiên cứu văn học trong thời đại khủng hoảng môi trường, Cheryll Glotfelty, 2014) từ những văn bản khá quan trọng của phê bình sinh thái thể hiện sự nỗ lực giới thiệu phê bình sinh thái ở Việt Nam. Gần đây là cuốn Phê bình sinh thái là gì? Viện Văn học chủ trì dịch, Hoàng Tố Mai chủ biên. Tuy nhiên, thành tựu dịch thuật mới chỉ dừng lại ở những bài viết, bài tổng thuật, cần có những công trình dịch dài hơi hơn về phê bình sinh thái.

Cuối năm 2017, đầu 2018 có 3 hội thảo về phê bình sinh thái: Hội thảo khoa học quốc tế “Phê bình sinh thái: tiếng nói bản địa, tiếng nói toàn cầu” của Viện Văn học tổ chức (12/2017); Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 2 “Sinh thái học trong văn học Đông Nam Á: Lịch sử, Huyền thoại và Xã hội” của Hiệp hội nghiên cứu liên ngành Văn học và Môi trường Đông Nam Á (ASLE ASEAN) diễn ra tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (01/ 2018); Hội thảo khoa học “Phê bình sinh thái: Lí thuyết và ứng dụng” của Khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (01/2018) chứng tỏ sự quan tâm ngày càng nhiều hơn với phê bình sinh thái của giới nghiên cứu. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng phê bình sinh thái cần được dịch thuật, giới thiệu và nghiên cứu một cách nghiêm túc, bài bản và toàn diện hơn nữa; các nhà văn cần có nhiều tác phẩm viết về đề tài này để thúc đẩy tương lai sinh thái trong văn học. Văn học quan tâm đến sự sống, sự khủng hoảng sinh thái ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, vậy nên văn học cần có những tiếng nói mạnh mẽ hơn để bảo vệ sự sống trên Trái đất.

T.T.A.N
(TCSH350/04-2018)

-------------------
Tài liệu tham khảo:

1. Peter Barry (2002). “Ecocriticism”, Beginning Theory: An Introduction to Literary and Cultural Theory, London, Manchester University.
2. Lawrence Buell (1995), The Environmental Imagination: Thoreau, Nature Writing, and the Formation of American Culture, Harvard University Press, p 7-8.
3. Nguyễn Đăng Điệp (2014), “Thơ mới từ góc nhìn sinh thái học văn hóa”, Thơ Việt Nam hiện đại tiến trình và hiện tượng, Nxb. Văn học, Hà Nội.
4. Cheryll Glotfelty (1996), “Nghiên cứu văn học trong thời đại khủng hoảng môi trường”, Trần Thị Ánh Nguyệt dịch, Tạp chí Sông Hương, số 305 tháng 7.
5. Đặng Thị Thái Hà (2014), Cái tự nhiên từ điểm nhìn phê bình sinh thái (Qua tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Ngọc Tư), Luận văn thạc sĩ, Đại học Sư phạm Hà Nội.
6. Đỗ Văn Hiểu (2012), “Phê bình sinh thái - khuynh hướng nghiên cứu văn học mang tính cách tân”, Tạp chí Phát triển Nghiên cứu và khoa học. Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh, số15 (X2).
7. Nguyễn Thị Tịnh Thy (2013), “Phê bình sinh thái - nhìn từ lí thuyết giải cấu trúc”, Văn học hậu hiện đại - lí thuyết và thực tiễn, Lê Huy Bắc chủ biên, Nxb. Đại học Sư phạm Hà Nội.
8. Nguyễn Thị Tịnh Thy (2014), “Sáng tác và phê bình sinh thái - tiềm năng cần khai thác của văn học Việt Nam”, Hội thảo khoa học Phát triển văn học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế, Viện Văn học.
9. Thornber K. (2014), Những tương lai của phê bình sinh thái và văn học (Hải Ngọc dịch). http:// hieutn1979.wordpress.com
10. Thornber K., (2011). Ecocriticism and Japanese Literature of the Avant-Garde. http://interlitq. org/issue8/karen_thornber/job.php   





 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng