NGUYỄN THỊ TỊNH THY
Hẳn người yêu văn chương còn nhớ đến tiểu thuyết Linh Sơn của nhà văn Cao Hành Kiện, Nobel văn chương năm 2000. Tác phẩm viết về hành trình đi tìm Linh Sơn - ngọn núi linh hồn - của một nhân vật.
Sau chuyến lang thang dài trong cô quạnh, anh ta đã đến thị trấn Vũ Di - nơi được cho là có ngọn Linh Sơn huyền thoại. Linh Sơn ở bên kia bờ sông Vũ Di. Anh ta háo hức qua sông và... chẳng thấy gì hết. Hụt hẫng, thất vọng, hoài nghi, anh băn khoăn hỏi ông lão qua đường rằng mình có bị lầm đường không. Ông lão cau mày: “Đường thì đúng rồi. Chỉ có người đi đường lầm thôi”. Anh bỗng chốc đốn ngộ. Khi anh ở bên này thì phía trước mặt là bờ bên kia của sông. Khi đã sang sông rồi thì bờ bên kia ấy đã trở thành bên này của chính anh. Bờ sông nào cũng vừa là bên này, vừa là bên kia cả. Linh Sơn muôn đời vẫn ở bờ bên kia. Vậy thì rốt cuộc, Linh Sơn ở nơi nào? Linh Sơn có thật không? Làm sao ta có thể đặt chân đến ngọn núi linh hồn mà mình hằng khao khát kiếm tìm? Ngọn núi linh hồn ấy luôn luôn vừa như có vừa như không, vừa là thực vừa là ảo, vừa rất gần vừa rất xa. Nó có thể là cái đích mà con người không bao giờ đạt tới.
Vậy mà, ở thành phố Huế, ngay trong thế kỷ XX, có một võ đường đã tìm thấy ngọn núi linh hồn của mình. Ngọn núi ấy trở thành biểu tượng tinh thần của võ đường, thành miền đất hứa của sư trưởng và bao thế hệ võ sinh. Đó là núi Bạch Mã của võ đường Nghĩa Dũng Karate-Do.
1. Bạch Mã - ngọn núi huyền thoại
Cách thành phố Huế 60 km về phía Nam có một ngọn núi thiêng. Theo truyền thuyết, ngày xưa các tiên ông thường cưỡi ngựa xuống núi đánh cờ. Một lần, ngựa mải ăn, đi xa quá, khi trở lại thì tiên đã bay về trời. Đàn ngựa ngơ ngác, lang thang khắp núi tìm chủ, hóa thành những đám mây giống như hình một đàn ngựa trắng, quanh năm chờ chủ trên đỉnh núi. Tên gọi núi Bạch Mã bắt nguồn từ đó.
Không những có phong cảnh đẹp mê hồn vừa hùng vĩ vừa lãng mạn với nhiều thác nước, hồ, suối... Bạch Mã còn giữ được khá tốt rừng nguyên sinh bạt ngàn với những thảm thực vật đa dạng (2.147 loài) và hệ động vật phong phú (hơn 1.500 loài), trong đó có 93 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Đẹp nhất là thác Đỗ Quyên. Con thác tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á (300m) tuôn chảy từ trên cao như một dải lụa trắng buông xuống giữa núi rừng xanh thẳm. Kinh ngạc, sững sờ và bị cuốn hút bởi thiên nhiên kỳ thú, khí hậu ôn hòa; từ những năm 1930, người Pháp đã xây dựng Bạch Mã thành khu nghỉ mát hoa lệ với hơn một trăm tòa biệt thự. Sau 1945, Bạch Mã bị bỏ hoang. Biệt thự nguy nga đổ nát theo thời gian và sự tàn phá của con người. Dấu tích của một thời hoàng kim chỉ còn ở vài ngôi nhà hoang phế, cái đẹp lộng lẫy một thời trôi qua như đám phù vân khiến ngoài vẻ hùng vĩ, trầm mặc uy nghiêm của đại ngàn, Bạch Mã còn mang vẻ cô tịch liêu trai có sức níu giữ hồn người.
Nguồn gốc tên gọi, vẻ đẹp hiếm có và lịch sử thăng trầm khiến Bạch Mã mang đặc điểm của một huyền thoại. Đồng thời, ngọn núi này còn là huyền thoại hiện đại được dệt nên bởi các võ sĩ Karate-Do của Nghĩa Dũng đường. Đối với họ, Bạch Mã không còn là một ngọn núi đơn thuần của tự nhiên nữa mà đã trở thành ngọn núi biểu trưng, ngọn núi linh hồn.
2. Nghĩa Dũng Karate-Do và sự gắn bó với Bạch Mã
Nghĩa Dũng Karate-Do được thành lập năm 1978, bởi Võ sư Nguyễn Văn Dũng(1). Sau 40 năm hình thành và phát triển, Nghĩa Dũng Karate-Do đã đào tạo khoảng gần 1 triệu võ sinh. Hiện nay, võ đường có khoảng 30.000 võ sinh đang tập luyện tại 46 phân đường ở trên khắp đất nước Việt Nam và 6 nước trên thế giới. Một trong những điểm đáng lưu ý là võ đường đã xây dựng được truyền thống hòa nhập với thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Bảo vệ môi trường là một trong bốn tôn chỉ của võ đường(2).
Sư trưởng Nguyễn Văn Dũng có một tình yêu, mối gắn bó thiết thân với Bạch Mã. Năm 1956, khi còn là một thiếu niên, ông đã đặt chân lên Bạch Mã. Từ sau năm 1980 đến nay, năm nào ông cũng lên Bạch Mã, chí ít là một lần để “rèn luyện, tĩnh tâm và hòa cái thân bé nhỏ của mình vào đại ngã bao la”(3). Dường như giữa ông và Bạch Mã “có sự cảm thông riêng không thể lý giải”. Ông luôn coi Bạch Mã là “chốn riêng mang phong vị thiền”(4) và chọn ngọn núi huyền thoại này làm biểu trưng của võ đường. Đối với ông, được đắm mình trong không gian huyền thoại ấy là cách nạp năng lượng cần thiết để có thể vững vàng giữa cái cõi thế quá nhọc nhằn này(5). Theo võ sư Nguyễn Quốc Túy, sư trưởng Nguyễn Văn Dũng đã từng đặt chân lên những đỉnh cao nổi tiếng thế giới, từ Phú Sĩ đến Kaila, Himalaya, Linh Thứu... nhưng đối với ông “Bạch Mã là nơi còn giữ được nguồn năng lượng tâm linh dồi dào nhất”(6). Hẳn rằng, nhận định chủ quan này xuất phát từ tình yêu và sự gắn bó máu thịt của sư trưởng với Bạch Mã hơn là kết quả của sự đối sánh có đủ định tính và định lượng về một vấn đề.
Tình yêu nâng lên thành quan điểm sống, quan điểm giáo dục. Theo sư trưởng Nguyễn Văn Dũng, thiên nhiên là người bạn thuỷ chung, người thầy vĩ đại của con người; để hoạt động giáo dục (kể cả giáo dục thể chất cũng như tinh thần) có hiệu quả, thì không thể tách khỏi thiên nhiên. Từ tình yêu cao nhã và bền bỉ của ông đối với Bạch Mã, từ việc chọn Bạch Mã làm hình ảnh biểu trưng của võ đường và xem thiên nhiên - mà đại diện là Bạch Mã, như một phương pháp để hoàn thiện nhân cách và khí chất của một võ sĩ, Bạch Mã đã trở thành ngọn núi linh hồn của tất cả các thế hệ võ sinh. Để đưa Bạch Mã từ một thực thể của tự nhiên đến một biểu tượng tinh thần,sư trưởng đã hoạch định rõ ràng và chặt chẽ những yêu cầu, mục đích và phương pháp trong chương trình huấn luyện võ thuật của mình.
Sau ba năm kiên trì tập luyện, võ sinh thi lên huyền đai tại võ đường trung tâm hoặc tại các phân đường và được làm lễ thắt đai tại Bạch Mã. Dịp ấy, tất cả các võ sinh mang ba lô trên vai, theo sư trưởng hành hương lên núi Bạch Mã. Họ phải đi bộ, trèo đèo lội suối, cả đi và về khoảng 50km, vừa chinh phục đỉnh cao, vừa thưởng ngoạn cảnh đẹp, vừa kiểm tra thành quả tập luyện, vừa tu dưỡng tâm pháp và chiêm nghiệm bản thân... Qua thực tế, võ sinh còn được học bài học về kỹ năng sống, về tinh thần đồng đội, tinh thần vượt qua thử thách,đặc biệt là bài học yêu thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Trong hành trang của mỗi võ sinh đều có một túi đựng rác, đi đến đâu, nhặt rác đến đó; không để lại gì ngoài dấu chân và không mang về thứ gì ngoài rác. “Trước khi rời điểm nghỉ chân hay nơi đóng trại, thầy là người kiểm tra lần cuối cùng, một mẩu giấy dù nhỏ cũng phải nhặt bỏ vào túi ni lông đem xuống núi. Xả rác, không biết xếp hàng không phải là môn sinh của Đạo đường Nghĩa Dũng karate”(7).
Có thể nói, từ khi đặt chân vào Nghĩa Dũng Karate-Do, các võ sinh đã được nghe nói đến núi Bạch Mã, và Bạch Mã trở thành khát vọng, thành một trong những mục đích phấn đấu của họ. Các võ sinh đều hăng say tập luyện để có ngày được lên Bạch Mã cùng thầy. Sau đợt tham quan, cắm trại, tập luyện và rèn luyện (từ 3 đến 5 ngày), võ sinh phải viết một tiểu luận thu hoạch, gồm hai nội dung: quá trình ba năm tập luyện Karate-Do; những thành tựu và cảm nhận về chuyến đi, về núi Bạch Mã. Chỉ sau khi hoàn thành tiểu luận, các võ sinh mới được cấp văn bằng huyền đai. Những võ sinh nào không viết tiểu luận thì không được công nhận hoàn thành khóa huấn luyện.
Từ 1984 đến nay, Bạch Mã trở thành một đề tài, một đề thi văn duy nhất cho 33 kỳ thi tốt nghiệp võ thuật. Đây là một hiện tượng đáng lưu ý, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng môi trường. Bởi vì đề thi này thể hiện tầm nhìn, sự kiên định lập trường tôn trọng tự nhiên của sư trưởng và khát vọng truyền đạt điều đó đến các võ sinh của mình một cách bền bỉ, mềm dẻo, linh hoạt.
Trong bộ sưu tập của võ đường có khoảng 1.200 bài tiểu luận về Bạch Mã. Bản thân con số này đã là một huyền thoại. Đặc biệt hơn, con số này đang được tăng lên mỗi năm, bởi vì hoạt động có ý nghĩa này vẫn còn tiếp diễn. Sư trưởng Nguyễn Văn Dũng đã tuyển chọn những bài tiểu luận xuất sắc của các tân huyền đai cùng những bút ký về Bạch Mã của các cao đồ để xuất bản trong hai cuốn sách: Nghĩa Dũng Karatedo, Tâm thức núi. Ngoài ra, trong các tập tản văn Linh sơn mây trắng, Đi tìm ngọn núi thiêng, Lời tự tình của một dòng sông của sư trưởng Nguyễn Văn Dũng cũng đều có liên hệ, liên tưởng đến núi Bạch Mã. Văn chương của thầy trò Nghĩa Dũng Karate-Do thể hiện tình yêu của họ đối với thiên nhiên, cảm xúc lắng đọng trước vẻ đẹp của núi rừng Bạch Mã và tâm hồn khoáng đạt của những con người theo võ đạo. Đồng thời, qua những bài văn ngập tràn cảm xúc đó, người đọc có thể nhận ra cảm thức chung muôn người như một của Nghĩa Dũng Karate-Do.Đó là cảm thức mến yêu, trân trọng với non thiêng Bạch Mã. Bạch Mã trở thành ngọn núi linh hồn của tất cả võ sĩ Nghĩa Dũng Karate-Do.
3. Bạch Mã trong tâm thức của các võ sĩ Nghĩa Dũng Karate-Do
Các tiểu luận, bút ký của Nghĩa Dũng Karate-Do đều bày tỏ sự ngỡ ngàng trước nàng tiên Bạch Mã. Họ thể hiện cái đẹp của Bạch Mã với rất nhiều cung bậc, từ cảm nhận bằng mắt cho đến cảm nhận bằng tâm hồn. Đọc các tiểu luận của võ sinh, ta có thể thấy được bức tranh Bạch Mã qua mỗi thời khắc trong ngày. Đó là lúc bình minh với “những tia nắng rụt rè như muốn xua đi cái lạnh buốt xương”; là buổi trưa chiều với “từng ánh nắng xuyên qua những ngọn cây, qua những thung lũng giữa hai ngọn núi, những nhành lau trắng mong manh đong đưa trước gió, những cánh chim trời bay lượn”; là buổi hoàng hôn sau khi mưa tạnh, “mặt trời chưa tắt hẳn, một chiếc cầu vồng đa sắc xuất hiện phía trời tây, lộng lẫy và đẹp đến bồi hồi”; là đêm với bầu trời cao vời vợi, “hàng ngàn vì sao và ánh sáng của mặt trăng len lỏi qua những tán cây”, “tưởng như chỉ cần đưa tay ra là có thể chạm tới những vì sao lấp lánh” và “chỉ cần kêu lên một tiếng thôi cũng có thể làm lạnh cả bầu trời”... Tất cả các võ sinh đều lặng người xúc động trước khung cảnh nơi đây. Đồng thời, hành trình gian nan chinh phục Bạch Mã còn cho họ thấy được vẻ đẹp của thiên nhiên càng có ý nghĩa hơn khi hòa quyện với võ thuật và ý chí con người.
Lên Bạch Mã “không phải hành trình của thi sĩ đi tìm thơ. Mà đây là cuộc hành quân thực sự của những con người mang tinh thần võ sĩ đạo”(8). Lễ phong đai được diễn ra trong bình minh của Bạch Mã, tiếng “kiai” hùng tráng vang dội giữa núi rừng thâm nghiêm khiến chiếc đai đen được thắt lên mình càng thiêng liêng gấp bội. Vẻ đẹp của núi rừng, kỷ niệm đẹp của chuyến đi luôn là hành trang trong suốt cuộc đời của mỗi người, để khi chưa rời Bạch Mã mã họ đã thấy nhớ thương da diết, bởi tâm hồn họ đã đượm khí thiêng của núi rừng Bạch Mã. Vì vậy, cảm nhận về Bạch Mã của họ rất có chiều sâu tâm tưởng. Mỗi câu văn họ viết về Bạch Mã đều đong đầy cảm xúc. Chúng là những con chữ tuôn ra từ tâm hồn hướng thượng ngập tràn cảm khái và trái tim đang đập những nhịp bồi hồi trước cảnh và tình sau mấy ngày đêm sống cùng Bạch Mã. “Có ai trong chúng em quên được... những cơn gió lồng lộng luồn vào từng kẽ chân tóc, từng cơn mưa ào ạt, sôi nổi... Nào có ai quên được cái bạt ngàn mênh mông của Bạch Mã, cái mát lạnh sướng tê cả người khi đi giữa khu rừng thâm nghiêm mà gần gũi, cái cảm giác hân hoan, vui sướng lâng lâng khi thoáng nghe tiếng róc rách của dòng suối như trò chuyện...”(9).
Cái đẹp ngút ngàn, ngỡ ngàng của Bạch Mã không phải được nhìn ngắm sau khi rời khỏi cabin của cáp treo hay cửa kính của xe ô tô, mà là sau khi đi bộ cả một chặng đường dài với nhiều thử thách. Vì vậy, các võ sinh dường như không chỉ ngắm mà còn ngấm cái đẹp đó, khiến họ như đang nhìn bằng cái tâm chứ không phải bằng mắt, khiến họ có “cảm giác choáng ngợp ..., cảm giác như đang bơi giữa biển khơi, từng tế bào cơ thể như cựa mình muốn hòa tan vào trời mây non nước cho hả cái mệt nhọc đã phải chịu đựng suốt cả một chặng đường dài”(10). Như vậy, hành trình chiêm ngưỡng cái đẹp của các võ sinh đã chất chứa bao triết lý về giáo dục của sư trưởng: phải đi mới đến, phải qua hiểm nguy mới trân trọng sự bình an, phải vất vả gian lao mới biết quý phút thư nhàn. Cái đẹp, khi kết hợp với sự tỉnh thức càng có sức níu giữ “mới một lần mà đã nên thân”. Vì thế, trong tâm hồn và trí tuệ của tuổi hoa niên đã có những nhận thức mang tính đạt ngộ: “Hóa ra, thiên nhiên mới là người bạn đáng tin cậy hơn ai hết mà con người muốn hạnh phúc bền lâu thì không thể không duy trì mối quan hệ giao hòa với nó”(11). Thực chất, qua chuyến đi có một không hai trong cuộc đời, các võ sinh không chỉ khám phá thiên nhiên mà còn khám phá tâm hồn của chính mình, bồi hồi khi nhận ra sự rung cảm tưởng như chưa hề có, ngạc nhiên và hạnh phúc khi phát hiện sợi tơ lòng của con nhà võ biết rung lên trước vẻ đẹp hằng thường. Tuổi đôi mươi lần đầu đếm sao trời bên sư phụ, tìm lại tuổi thơ bị đánh mất bởi thời đại @ và nhịp sống số, nhiều võ sĩ đã hạnh phúc đến rơi nước mắt. Chỉ vậy thôi cũng đủ để những “cái tôi” của hôm nay chín chắn hơn, trưởng thành hơn “cái tôi” của hôm qua, dám mạnh dạn bày tỏ với Đấng tạo hóa rằng, “đâu đó trên mảnh đất này, vẫn còn nhiều sinh linh với tâm hồn chưa hề chai sạn, biết yêu cuộc sống, yêu lý tưởng, yêu Tổ quốc và biết yêu chính bản thân mình”12).
Trong văn chương của Nghĩa Dũng Karate-Do viết về Bạch Mã, những bài viết hay nhất thuộc về các cao đồ như Lê Thanh Phong với Tâm thức núi và Võ đường ảo diệu trên đỉnh Bạch Mã, Nguyễn Quốc Túy với Núi lặng và Bạch Mã, LangBiang và con đường không thủ, Nguyễn Đức Mạnh Tường với Bạch Mã - cuốn nhật ký của võ đường Nghĩa Dũng của tôi... Đó là những áng văn đan xoắn giữa cảnh và tình, thầy và trò, võ thuật và đạo lý, con người và thiên nhiên... của những võ sĩ như được sinh ra từ lòng núi, đạt ngộ từ núi. Họ không chỉ lĩnh hội võ thuật - võ đạo, mà còn lĩnh hội, thấu cảm được cái chí đặt ở non cao của sư trưởng. Họ hiểu thầy, hiểu núi và hiểu chính mình, nhận ra một chân diện khác của mình khi an trú trong Bạch Mã. Núi kiểm tra sức mạnh, phát lộ điểm yếu, bảo vệ và thách thức, tách biệt và hòa hợp, nâng họ lên cao - đưa họ xuống thấp, đặt họ vào trong - đẩy họ ra ngoài; khiến họ ý thức về sự nhỏ bé lẻ loi của mình trước tự nhiên kỳ vĩ, đồng thời cũng xác lập được tư thế kiêu hùng của con người trong trụ bao la và dòng thời gian vô thủy vô chung. Núi đã thanh tẩy họ, cho họ một thứ phức cảm đặc biệt mà không có trường học nào, bài học nào, sách vở nào có thể sánh được.
Bạch Mã là “võ đường ảo diệu” của những ai đã từng đặt chân đến đó để thét lên tiếng “kiai” dội vào vách núi,đi một bài quyền trong mây giữa mênh mông rợn ngợp của đất trời. Võ đường ảo diệu đã mở rộng chiều kích tâm hồn của võ sĩ, khiến họ nhận ra sự huyền nhiệm và vĩ đại của thiên nhiên, nhận ra rằng ta cần dựa vào sự vĩ đại đó để lớn khôn hơn, chín chắn hơn, vững chãi hơn và sâu sắc hơn. Trong ký ức của võ sư Lê Thanh Phong, buổi chiều thi môn quyền pháp trên sân thượng một ngôi biệt thự đổ nát trên đỉnh Bạch Mã của năm 1984 đẹp đến mức quỷ khốc thần sầu. Màu võ phục trắng điệp với màu của rừng chiều, mây trắng và phế tích in nét rêu phong hòa với không khí linh thiêng và thanh khiết của núi rừng. Giữa cái phông nền đặc biệt ấy, người võ sinh nổi tiếng đi quyền đẹp nhất võ đường thượng đài. Nhìn bạn thoăn thắt rồi chao liệng như một cánh chim trong chiều, anh thấy “lãng mạn và đẹp ghê người”, bởi vì “trong từng đường quyền có khí phách của rừng sâu, có dáng vẻ tự tại ung dung của núi và tinh khiết vô ngần của gió rừng”(13). “Mặc bộ kimono trắng, luyện một bài quyền trong mây trắng thì chiêu không là chiêu nữa, thức không là thức nữa, mà là một sự chuyển động kết nối và hòa hợp giữa thiên nhiên và con người”(14). Cả thiên nhiên, con người, khung cảnh, hình ảnh, màu sắc, võ thuật, văn chương, nhân vật, tác giả... đều được thăng hoa trong bút thuật mềm mại mà rắn rỏi như một đường kiếm điêu luyện.
Rời Bạch Mã, các võ sinh mang theo “một chút mùi hương phong lan, chút mây mù sương khói, chút nắng gió, âm vang của rừng cây, vô vàn những kỷ niệm làm hành trang đi vào đời”. Một mảnh tâm hồn của họ ở lại cùng Bạch Mã, một mảnh tâm linh Bạch Mã đi theo mỗi người trong suốt cuộc đời; để sau khi pha trộn với vị đời ngọt đắng, Bạch Mã vẫn sừng sững tự tại trong hồn người “dù nắng mưa, dù thế sự vô thường, lòng người thay đổi, núi vẫn bao dung như vạn thuở, ngôn ngữ không lời của núi lay động thế nhân”(15).
Bạch Mã còn là cầu nối vô hình để các võ sinh hiểu được tâm tư chí hướng của thầy mình. Trong những trang văn của họ, hình ảnh người thầy cứng rắn vững chãi như núi, an nhiên tự tại, sâu sắc thâm trầm, tĩnh lặng vô ngôn như núi luôn hiện lên với sự kính ngưỡng một cách chân thành. Võ sư Nguyễn Quốc Túy sau chuyến đi Bạch Mã cùng sư phụ Nguyễn Văn Dũng, đã cảm nhận một điều rất sâu lắng qua bút ký Núi lặng: “Một thời gian dài thầy đã nói thật nhiều, dạy thật nhiều những thế hệ học trò. Nay là lúc để cho tất cả những gì đã qua trong đời thầy lắng đọng trong tĩnh lặng, lan tỏa như năng lượng của núi rừng. Trong một không gian thiên nhiên rộng mở và với cái tâm hòa nhập, đến lượt mình, những đệ tử của thầy có thể cảm nhận được, có thể tự chuyển hóa trên con đường đến với Đạo”(16). Tác giả của bút ký đã nói lên được cái diệu của phép đối diện đàm tâm, dĩ tâm truyền tâm trong cảm thức về Bạch Mã của thầy trò Nghĩa Dũng Karate-Do qua những dòng văn xuôi đầy sức mạnh nội công.
“Ba năm học võ không bằng ba ngày leo núi Bạch Mã”. Đúng vậy, các võ sinh của Nghĩa Dũng Karate-Do đều thừa nhận rằng Bạch Mã đã giúp họ “hình thành một nhân cách để bước vào đời”. Đó là nhận định được đúc kết từ những tháng năm dài tập luyện gian khổ hòa cùng những rung cảm chân thành, tinh khôi với Bạch Mã. Ba ngày đó, cái chững chạc, chín muồi của võ thuật hòa trộn với những thử thách gian nan; với bài học tự bảo vệ mình, tính tự tin, kỷ luật, tinh thần đồng đội; với lòng yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ môi trường. Vì vậy, Bạch Mã không chỉ đơn thuần là ngọn núi của tự nhiên nữa, mà đã trở thành biểu tượng tinh thần, thành ngọn núi linh hồn của tất cả võ sinh. Chính cảm nhận này đã khiến Bạch Mã được nhắc tới như một huyền thoại. “Có lẽ huyền thoại còn bền chặt hơn lịch sử”(17), vì thế, Bạch Mã trở thành nguồn năng lượng thiêng liêng của nhiều thế hệ võ sinh. Để rồi dù đi đâu về đâu, dù còn trẻ trung hay đã bạc mái đầu, trong những bằng phẳng hay gập ghềnh trắc trở chênh vênh của cuộc sống, họ đều nuôi trong tâm tưởng cái dáng vẻ sừng sững của ngọn núi ngàn năm mây trắng như một chỗ dựa vững chắc, như một nơi chốn để vọng về. Đó chính là tâm thức núi như võ sư Lê Thanh Phong tâm tình: “Có những khi nghiêng ngửa thăng trầm, tôi muốn về ngay nơi ấy để được ngâm mình trong không gian của gió núi mây ngàn, của âm vang ngàn năm thác đổ. Với tôi, đó là những phút giây cần thiết để thuốc thang lòng mình rồi lại tiếp tục đi vào đời như một cuộc hành hương”(18).
*
Từ lâu, cái tên Nghĩa Dũng Karate-Do luôn đi kèm với cái tên Bạch Mã trong ý thức và tâm thức của nhiều người(19). Thầy trò của Nghĩa Dũng Karate-Do đã dệt nên một huyền thoại mới về Bạch Mã trên cái nền của huyền thoại xa xưa. Huyền thoại mới này là bài học, là phương thức sống tôn trọng, gắn bó mật thiết với tự nhiên vô cùng cần thiết đối với mọi người, đặc biệt là trong bối cảnh khủng hoảng môi trường hiện nay. Qua văn chương của họ, Bạch Mã hiện lên đẹp đẽ hơn, đa nghĩa hơn, lung linh hơn, thiêng liêng hơn và ấn tượng hơn. Ngọn núi linh hồn Bạch Mã là minh chứng cho sự hòa điệu tuyệt vời giữa con người và tự nhiên, giữa văn và võ, nhu và cương, võ và đạo, đạo và đời trong phong cách sống, phương thức tu luyện võ thuật, nuôi dưỡng tâm hồn và sáng tác văn chương mà Nghĩa Dũng Karate-Do đạt được. Gần một triệu người con của Nghĩa Dũng Karate-Do đã tìm thấy Linh Sơn - ngọn núi linh hồn - của đời mình. Đó là diễm phúc của các võ sĩ, là hồng phúc của võ đường. Đồng thời, đó cũng chính là may mắn của Bạch Mã.
Người xưa từng nói: “Núi tuy không cao nhưng nổi danh vì có tiên đến ở, Sông tuy không sâu nhưng hiển linh vì có rồng cư ngụ”(20). Bạch Mã vốn đã nổi danh vì có tiên đến ở, lại thêm một lần nữa được nổi danh vì trở thành biểu tượng tinh thần của một võ đường lớn, trở thành ngọn núi linh hồn của gần một triệu con người. Lương duyên giữa Bạch Mã và Nghĩa Dũng Karate-Do quả là một điều kỳ diệu không chỉ của hôm nay.
N.T.T.T
(TCSH350/04-2018)
------------------------------------
Chú thích:
(1). Võ đường Trung tâm đặt tại 8 Trương Định - TP. Huế. Đây là các địa chỉ trang web và face book của võ đường: http://nghiadungkarate.com.vn; https://www.facebook.com/nghiadungkhongthu
(2). Xin xem thêm http://nghiadungkarate.com.vn
(3), (5), (6), (8), (9), (10), (11), (12), (13), (15, (16), (18). Tâm thức núi, Nguyễn Văn Dũng (chủ biên), Nxb. Thuận Hóa, 2015, tr.77, 141, 77,49,106,191,175,12,78,78,16.
(7), (14), (17). Võ đường ảo diệu trên đỉnh Bạch Mã, Lê Thanh Phong, báo Xuân Nông Thôn Ngày Nay, 2017.
(19). Xin xem thêm: Bạch Mã huyền thoại, Đặng Quang, https://www.facebook.com/nghiadungkhongthu; Ngọn núi ảo ảnh, Hoàng Phủ ngọc Tường, Nxb. Thanh niên, 2000.
(20).Thơ của Lưu Vũ Tích trong bài Lậu thất minh: “Sơn tuy bất cao hữu tiên tắc danh,Thủy tuy bất thâm hữu long tắc linh”.
(17). Huyền thoại là gì?,Prierre Marand, La Mai Thi Gia trích dịch từ What is myth? trong Mythology của Prierre Marand (Chu Xuân Diên hiệu đính), http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn