Giá sách Sông Hương
Văn Học Sinh Thái
Tái kết nối những cội rễ phi nhân như một hình thức thức nhận bạo lực
15:10 | 28/05/2018

ĐẶNG THỊ THÁI HÀ
(Đọc Người ăn chay của Han Kang)   

Bất cứ điều gì chúng ta có thể làm với những con vật chúng ta cũng có thể làm với nhau, chỉ là chúng ta đã thực hành trên chúng trước mà thôi
            (Surfacing
, Margaret Atwood, 121)

Tái kết nối những cội rễ phi nhân như một hình thức thức nhận bạo lực
Ảnh: internet

1. Sống và sự đứt lìa bạo lực khỏi sự sống

Đúng như nhận định của nhà nữ quyền luận Luce Irigaray, ngày nay, sinh thái đã trở thành một bước ngoặt thời thượng: “Nếu như con người từng dối trá rằng mình có thể thống trị tự nhiên, đặt khả năng dùng văn hóa để khuất phục tự nhiên vào một vị trí cao trên thang bậc giá trị, thì ngày nay, con người có xu hướng quay sang bảo vệ gìn giữ tự nhiên”1. Dù vậy, bằng sự nhạy cảm của mình, bà nhận ra một sự bất ổn nghiêm trọng vẫn tiềm ẩn đằng sau khuynh hướng tưởng chừng như không có gì phải bàn cãi này, bởi “dù rằng hành vi này nghe qua có vẻ như thiên về đạo đức, thực chất lại vẫn nảy sinh từ cảm thức về một quyền lực tuyệt đối chế ngự sự sống thay vì một thái độ trân trọng sự sống […], vẫn còn sự sống là một cái gì nằm bên ngoài bản thân chúng ta, trong tương quan với sự sống của chính chúng ta” (Irigaray 101). Nói cách khác, nguy cơ nằm ở chỗ chúng ta vẫn không ngừng hướng mối quan tâm của mình tới một “thế giới tự nhiên bên ngoài”, tới các loài động vật và thực vật, tới một “môi trường sống xung quanh”, trong khi lại không xem bản thân mình cũng là những tồn tại sống (living beings). Như thế, hành vi sinh thái đầu tiên chính là suy ngẫm và định vị lại tình trạng sinh tồn của bản thể, đặt ra một câu hỏi mang tính phản tư về việc “liệu có phải chúng ta đang thực sự sống không, hay làm thế nào để chúng ta có thể là hoặc có thể trở thành một tồn tại sống”, để biết “sống và coi chính mình như là một tồn tại sống giữa các tồn tại sống khác, trong một môi trường cho phép sự sống tồn tại và nảy nở sinh sôi” (Irigaray 101). Con người, tóm lại, phải không ngừng hoài nghi bản ngã, hoài nghi lại chính trạng thái sinh tồn của mình bởi nó, ngay từ khi ra đời, đã luôn đứng trước nguy cơ bị cắt gọt và khuôn đúc để trở thành một sản phẩm xã hội chuẩn mực: “văn hóa cắt rời chúng ta khỏi những cội rễ tự nhiên của mình thay vì góp phần hướng đến dung dưỡng chúng ta trong tư cách là những tồn tại tự nhiên”. Theo cách đó, văn hóa “khiến chúng ta trở nên xa lạ với nhau trong tư cách là những tồn tại sống, không những thế, khiến chúng ta trở nên càng lúc càng xa lạ với chính mình” (Irigaray 101). Con người xã hội, từ đó, không là gì khác ngoài những tồn tại vong cội, thiếu sót, bị chia cắt khỏi phần tồn tại bản nguyên được định danh là “phần tự nhiên không được giáo dưỡng” (uneducated nature) vốn vận hành theo những luật tắc trừu tượng và tùy tiện của sự sống tự nhiên. Bị đứt lìa khỏi cội rễ ấy, như một đứa trẻ bị cắt lìa dây rốn khi vừa chào đời, chúng ta loay hoay tìm một cách thức “phi-tự nhiên” để gắn kết với kẻ khác và với thế giới thông qua việc học để làm chủ các mã văn hóa thay vì “bắt đầu từ những xung lực căn rễ, những hấp lực hay những đồng cảm hướng đến tôn trọng sự sống của chính mình, của môi trường mình sống, cũng như của các tồn tại sống khác” (Irigaray 101). Cứ thế, theo thời gian, năng lượng sống của chúng ta “bị tê liệt và hư hỏng nặng”, và thế chỗ cho nó là thứ “lực cơ học” máy móc, cứng nhắc, không còn tìm được sự chia sẻ hài hòa nào với năng lượng vũ trụ và năng lượng của những sự sống khác. Ngược lại, “nó bành trướng và lợi dụng những nguồn lực vật chất hay tinh thần, rồi kết thúc bằng việc phá vỡ sự hài hòa toàn diện của thân thể, của thế giới tự nhiên, của cộng đồng sinh thể sống, hay hành động một cách bạo lực chống lại, ngay cả khi có ý chăm sóc bảo vệ những đời sống ấy”. Tất cả những gì con người đã làm chỉ là “chinh phục thế giới tự nhiên ở bên trong cũng như bên ngoài mình”. Đó là nguyên nhân khiến cho ngay cả khi cố gắng kiếm tìm sự sống, chúng ta thực chất vẫn đang “không ngừng khuất phục sự sống ấy theo hoạch định và sự chế tác của mình thay vì để cho nó được tồn tại, tăng trưởng và sinh sôi theo cách của riêng nó. Chúng ta không dễ dàng từ bỏ vai trò của Đấng sáng tạo, ngay cả trong những kì vọng sinh thái gần đây, bởi chúng ta không bắt đầu từ chính mình như một tồn tại sống” (Irigaray 102).

Với Người ăn chay2, Han Kang đã trực tiếp đặt vấn đề về sự hủy hoại và tự hủy hoại này từ chính những gì con người tiêu thụ thực phẩm và lựa chọn thức ăn. Những phản ứng kinh sợ thân thể nhất của nhân vật nữ trước các thực phẩm thịt cũng như việc ăn thịt mà với kẻ khác là nghiễm nhiên khiến tác phẩm như một sự phơi bày, một nỗi hãi hùng nhạy bén khi thức nhận thứ bạo lực được ‘bình thường hóa’ trong đời sống. Tất cả phơi bày hiện trạng được Simon Estok định danh là “sự đứt gãy giữa những gì chúng ta ăn và môi trường”3.

2. Kết nối căn tính động vật: sự thức tỉnh về một thân thể chịu bạo lực

Ngay từ những trang viết mở đầu, Han Kang đã phô diễn một lựa chọn nam giới - anh chồng - chủ động lựa chọn một kẻ phi cá tính. Nhân vật nữ chính (người vợ) - kẻ được lựa chọn - hiện lên như một kẻ tật nguyền thiếu sót với một thân thể phi sức sống hay bị cắt gọt và tách rời khỏi nguồn sống nguyên thủy: “chiều cao vừa phải, đầu cắt vuông không ngắn cũng không dài, nước da vàng nhợt đôi chỗ bị khô, gò má hơi nhô ra trên đôi mắt một mí, kiểu ăn mặc không chút màu mè như thể sợ bị coi là người có cá tính… cô tiến gần đến bàn tôi ngồi đợi với nhịp bước không nhanh không chậm, không mạnh mẽ quá mà cũng không nhẹ nhàng quá”, đến cả “bộ ngực gần như không có gì”. Thân thể cô được trình hiện trọn vẹn như một sản phẩm hứng chịu bạo lực - một thứ bạo lực khuôn đúc mọi thứ vào khuôn khổ của cái “bình thường”, kháng cự lại mọi dòng mạch khó nắm bắt và đôi khi khó kiểm soát của xung lực tự nhiên. Nói cách khác, từ sự miêu tả rất bình thường ấy, Han Kang như không muốn tiếp tục che đậy tình trạng phi sự sống của một thân thể bị xã hội kiến tạo. Hay, mượn nhận xét của Pierre Bourdieu, thân thể lúc này trở thành “khuôn đúc của những khái niệm phổ biến, phải chịu một sự kiến tạo của xã hội”, trở thành một tồn tại bị cắt lìa khỏi chính nó, bị bóp méo, biến dạng, một thứ thân thể bị quy phục.4

Ở bên cạnh một thân thể nữ đã “hội nhập sự thống trị” một cách cam chịu và ngoan ngoãn như thế gần như là cách để người đàn ông né tránh cho mình khỏi mọi áp lực của “đặc quyền nam giới”: “Nếu như phụ nữ, vốn phải chịu đựng một công cuộc xã hội hóa nhằm giảm giá trị của họ, phủ định họ, thường học tập những đức tính tiêu cực của sự hi sinh, sự nhẫn nhục, và sự thinh lặng, thì đàn ông cũng là tù binh, và là nạn nhân một cách âm hiểm, của hình dung thống trị” (Bourdieu). Người chồng gần như là một kẻ thất bại hoàn toàn trong nỗ lực vươn tới chuẩn mực nam tính thống trị (bụng dưới bắt đầu có từ khi ngoài hai mươi tuổi, bắp tay bắp chân gầy nhẵng chẳng có tí cơ bắp dù đã cố tập tành, cái “của quý” bé tí từng là nguyên nhân của nỗi tự ti…). Nếu như “đặc quyền nam giới cũng là một cái bẫy và đặc quyền này tìm thấy phức bản đối chiếu của nó ở trạng thái căng thẳng và gắng sức thường trực, đôi khi bị đẩy lên đến phi lí” (Bourdieu) thì việc tự so sánh với hình ảnh của “đám đàn ông trong catalogue thời trang” phơi bày cách một hình dung tưởng tượng, một huyền thoại nam tính được kiến tạo và áp đặt, trở thành sức ép với mọi người đàn ông trên các thang bậc xã hội. Bởi vậy, để hòa nhập vào xã hội, sau những nỗ lực vươn tới một huyền thoại chuẩn mẫu về thân thể, là việc chấp nhận thân thể và từ đó tìm cách xếp đặt thân thể ấy vào những vị trí xã hội phù hợp với nó, tìm kiếm những không gian xã hội mà thân thể ấy vừa vặn và có khả năng thích nghi. Bạo lực, theo đó, là thứ được chịu đựng và thích nghi thay vì kháng cự. Điều ấy khiến trưởng thành giống như một quá trình kiếm tìm những vị trí thích hợp trong sơ đồ xã hội, tự đặt mình vào một sự vận hành cơ học hóa thay vì lắng nghe những ham muốn bản năng của thân thể: anh chồng khi nhỏ thì cầm đầu đám trẻ con bé hơn mình hai ba tuổi - lớn thì đăng kí vào trường đại học có học bổng kha khá - rồi vào làm ở một công ti nhỏ nhỏ biết quý cái năng lực vừa phải của mình - và thỏa mãn với mức lương bình bình nhận đều đặn hàng tháng.

Tồn tại xã hội, do vậy, là chấp nhận và duy trì một trạng thái “bình thường” để đảm bảo sự vận hành của bộ máy xã hội ấy. Trạng thái hiện tồn ấy đem đến một sự dễ chịu bởi nó vừa thừa nhận những chuẩn mực và sự phân cấp vừa học cách định vị để tồn tại vừa vặn bên trong nó. Người ăn chay phơi bày nghịch lí ngay từ những gì nhỏ nhặt nhất: danh dự nam giới có nguy cơ bị tổn tại khi người vợ không chịu mặc áo lót: “thà rằng cô ấy mặc áo ngực dầy lên thì tôi có cái mà sĩ diện với bạn bè”. Thân thể nữ, như thế, không ngừng bị ngụy tạo, bị sử dụng, bị coi như một thứ vật chất được lợi dụng để khẳng định năng lực chiếm đoạt và đem lại danh dự cho người đàn ông. Cô gái trong truyện có thể không có tiếng nói nhưng thân thể của cô không câm tiếng. Cô “khó chịu khi mặc vào vì nó cứ thít lấy bộ ngực của cô”. Cô tháo bỏ áo ngực như muốn cởi bỏ sự bó buộc nguồn sống. Thế mà riêng điều này thôi đã là đi ra ngoài địa hạt của cái bình thường.

Tóm lại, ham muốn và bản năng của chủ thể dục tình (sexuate subjects) gần như bị lãng quên tuyệt đối để đánh đổi lấy sự bình thường: “mọi thứ đều bình thường… Năm nay là năm thứ năm kể từ khi chúng tôi kết hôn, ngay từ đầu tình yêu cũng không lấy làm cuồng nhiệt cho lắm nên đến giờ cũng không có gì đặc biệt nhàm chán”. Việc có thai như một việc làm được lên kế hoạch. Và trong mọi việc được lên kế hoạch mang tính vĩnh viễn như thế, cách hành xử của người vợ đột ngột chệch khỏi đường ray: “Tôi cũng không thể tưởng tượng được rằng có một ngày cuộc sống vợ chồng của chúng tôi lại thay đổi”.

Việc cô khước từ ăn thịt bắt đầu từ những ám ảnh vô thức. Những cơn mơ đột ngột, sự mất ngủ trong sợ hãi, nhìn chằm chằm vào cái tủ lạnh 400 lít màu trắng đục mà không hiểu vì sao, muốn nằm nằm co quắp như một bào thai,… tất cả bắt nguồn từ sự khủng hoảng trong việc “nhận thức lại” chính những gì cô và chồng vẫn ăn hàng ngày - “những túi nilon trắng, đen và cả những hộp kín bằng nhựa để đầy trên sàn nhà đến nỗi không còn chỗ len chân. Thịt bò để nấu lẩu, thịt lợn ba chỉ, hai đôi xương chân bò to đùng, những con mực trong túi nilon, những cái bánh bao nhân thịt”, rồi: “thịt bò, thịt lợn, thịt gà chặt thành miếng”,… Sự ngụy tạo của văn hóa tiềm ẩn trong ngay từ những cách gọi tên, những cách đóng bọc - ngôn ngữ cũng chẳng khác gì túi nilon hay như lớp vỏ bánh bao bọc bên ngoài những phiến/miếng thịt. Không thể chối cãi, đó chỉ là một cách che giấu sự thật, một cách đánh tráo khái niệm, một cách “thực phẩm hóa” mọi thứ trước đó đã từng là những con vật sống. Nhưng nếu như ý thức cố tìm cách giấu giếm đi những sự thật tàn sát thì vô thức nhắc nhở cô. Căn nguyên tiên khởi dẫn tới hành động của cô là những giấc mơ - một sự trỗi dậy của vô thức, dẫn đến một nhận thức đánh động vào da thịt, một sự đồng cảm từ-dưới-lên.

Song song với việc loại trừ thịt ra khỏi lựa chọn thực phẩm là việc cô dần dần phá vỡ việc duy trì hình ảnh một người vợ lí tưởng theo tiêu chuẩn “bình thường”: không giặt áo, không chuẩn bị đồ đạc cho chồng, cũng không tiễn chân chồng đi làm (lần đầu tiên kể từ năm năm sau ngày cưới). Sự bất bình thường khiến người chồng sợ hãi. Tỉnh dậy giữa đêm, cô như một miếng thịt đông lạnh câm tiếng được bao bọc trong túi nilon được nhét trong tủ - “không nhúc nhích”, “khuôn mặt chìm trong bóng tối nhưng có cái gì đó rất ghê rợn”, là người sợ lạnh nhưng lần này chấp nhận cái lạnh (chân không, áo ngủ mỏng mặc mùa xuân thu), “đứng đờ ra như tượng đá”,… Trong cô như đang diễn ra “sự trở thành người khác” (becoming other) với minh chứng đầu tiên là trở thành dạng thức tồn tại khiến mình bị ám ảnh - một tảng thịt động vật đông lạnh - một thứ cũng bị cắt rời khỏi chỉnh thể sống vốn có của nó, khỏi nguồn sống gốc rễ của nó và được cố giữ cho tươi (hay đúng hơn là được bảo quản để có thể giữ được giá trị sử dụng). Thức nhận này giống như một sự thức tỉnh lại hiện trạng sinh tồn của bản thể, nhận thức lại sự vô tri giác và cứng đờ của bản ngã thì hiện tại, nhưng đồng thời lại là sản phẩm của một quá trình bạo lực diễn ra trước đó.

Trong giấc mơ, cô lạc vào một “nhà kho bỏ hoang” - một biến thể của lò sát sinh với “hàng trăm tảng thịt to đùng, đỏ ối treo trên những thanh gậy to dài. Có những tảng thịt còn chưa kịp khô, tiết đỏ vẫn chảy xuống ròng ròng… Chiếc áo trắng đang mặc đã bị dính máu đỏ tươi”. Lúc này, những tảng thịt không còn là những vật vô tri, mà hiện nguyên hình là những thân thể chịu bạo lực. Sự xuất hiện của máu và thịt - nhắc nhở rằng những miếng thịt trong tủ lạnh kia từng thuộc về một thân thể, từng sở hữu một “gương mặt”, từng bị trải qua một quá trình tàn bạo tước đoạt sự sống, và từng đau đớn. Con vật được trả về đúng xác thịt ban đầu của nó: máu, xương và thịt. Và nhìn từ khía cạnh này, chúng không còn là ‘kẻ khác xa lạ’ với chúng ta. Han Kang đề xuất một sự tương đồng vừa theo nghĩa đen vừa theo nghĩa biểu tượng: thân thể người thực chất chỉ là một thứ bị xã hội và những định kiến ăn sâu cắt gọt, bị tước đoạt sự sống và nguồn sống. Chiếc áo trắng tưởng như có thể là cách để con người cố che đậy đi thân xác da thịt, cách để con người tìm kiếm một sự phân biệt hẳn với những tồn tại động vật phi nhân, và cũng là cách để con người tự đặt mình vào vị trí vô can, không nhuốm tội lỗi; giờ đây nhuốm máu. Con người không né tránh được tồn tại thực sự của mình, cũng không thể chối bỏ được tội lỗi mình gây ra cho những con vật và của chính mình, cũng như của những người khác - con người không vô can với tự nhiên, cũng không vô can với chính mình.

Phản ứng khước từ của cô trọn vẹn từ không ngủ, không muốn ăn, đến từ chối quan hệ tình dục. Câu trả lời của cô với chồng mình là vì ‘Mùi’ - ‘Mùi thịt bốc ra từ người anh’. Không gì khác, đó là một ý thức về thể xác: con người không thể né tránh việc mình mang thể xác của động vật. Nếu như câu trả lời của người chồng “Anh vừa tắm xong. Mùi thịt ở đâu ra” giống như một sự đứt gãy, khăng khăng khẳng định ‘mùi thịt’ là một cái gì đó ở bên ngoài mình, không thuộc về mình; thì ngược lại, cô vợ khẳng định đó là mùi từ-bên-trong, một thứ mùi có thể được coi là bằng chứng cho bản chất động vật của con người. Nó tỏa ra từ “từng lỗ chân lông” mà không ai có thể che giấu. Sự nhạy cảm khiến cô bị lệch ra khỏi khuôn khổ xã hội mà cô buộc phải và vốn vẫn cố gắng vừa vặn: “Mỗi khi thấy vợ lo lắng chuyện không hay, tôi lại nghĩ, bố mẹ vợ làm xưởng mộc và có cửa hàng ở một thành phố nhỏ, vợ chồng chị gái và em trai đều là người tốt như thế, còn cô ấy thì không hợp tí nào với một gia đình như thế cả”. Việc từ bỏ ăn thịt không chỉ đặt cô ra bên ngoài những bữa ăn, nó khiến cô lệch khỏi những bình thường được nâng lên làm chuẩn mà tất cả mọi người trong gia đình dường như đều đáp ứng được. Ăn thịt cũng bằng với mở được xưởng mộc, cũng bằng với quản lý một cửa hàng, cũng bằng với làm người tốt. Có một logic ngầm kết nối những gì không liên quan ấy lại với nhau - logic của cái bình thường, logic của sự hài lòng với khả năng đạt được độ trung bình trong mọi thứ, một mức sống trung lưu “bình thường nhất” để tồn tại và vận hành tốt nhất có thể, không va chạm, không gây khó chịu.

Một gia đình ‘bình thường nhất’ được xác quyết thông qua việc ăn uống: “Nghĩ đến người nhà cô ấy, tự nhiên mùi tỏi nướng và khói ngào ngạt hiện ra trong đầu tôi. Những chén soju nâng lên đặt xuống, mỡ thịt cháy bốc lên, đám phụ nữ nói chuyện ríu rít trong bếp… mẹ vợ biết làm gỏi cá sống, ông anh đồng hao và vợ là những người có thể chặt một con gà thành những miếng vuông vức bằng dao chuyên dùng ở cửa hàng thịt. Tôi cũng từng thích sự mạnh mẽ của vợ khi thấy cô ấy có thể lấy bàn tay đập mấy con gián một lúc. Chẳng phải cô ấy là người đàn bà bình thường nhất thế gian mà tôi đã chọn đấy sao…”. Những mô tả này có khác gì một chuẩn mực bình yên hạnh phúc gắn với những bữa ăn gia đình vẫn thường được ca ngợi?

Dù vậy, Han Kang dám để cho nhân vật của mình kháng cự lại, để cho nó dám đơn độc tra vấn về bản chất ngụy tạo của văn hóa, về trật tự nhân loại/ phi nhân vốn được đặt trong tổng thể cái trật tự được gán cho là “tự nhiên” và “vĩnh viễn” của sự vật vẫn không ngừng “xã hội hóa cái mang tính sinh học và sinh học hóa cái mang tính xã hội” để ban cho con người những đặc quyền phi lý (Pierre Bourdieu).

Đ.T.T.H  
(TCSH350/04-2018)

--------------
1. Luce Irigaray, Starting from Ourselves as Living Being, Journal of the British Society for Phenomenology, 46:2, 2015, 101-108.
2. Người ăn chay, Han Kang (Giải thưởng Man Booker International 2016), Nxb. Trẻ, 2011.
3. Simon C. Estok, Theorizing the Disconnect Between What we Eat and the Environment, Literature and Environment, Vol 10., No 2., 2011.12 (241-257).
4. Pierre Bourdieu, Sự thống trị của nam giới, Nxb. Tri thức, 2010.  




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng