Giá sách Sông Hương
Múa cung đình Huế
Đặc điểm ca từ trong nghệ thuật múa cung đình Huế
09:11 | 01/11/2018

LÊ MAI PHƯƠNG  

Trong di sản nghệ thuật cung đình Huế, múa cung đình giữ một vị trí hết sức quan trọng. Đây là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của hoàng cung xưa.

Đặc điểm ca từ trong nghệ thuật múa cung đình Huế
Ảnh: internet

Hiện nay, theo tài liệu ghi lại được thì còn 11 điệu múa cung đình. Một số các điệu múa này hiện đang được gìn giữ và biểu diễn tại Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế. Mỗi một điệu múa hiện đang được biểu diễn có nội dung, trình thức, màu sắc và giá trị nghệ thuật thể hiện riêng biệt. Để tạo nên nét đặc trưng riêng biệt cho từng vũ khúc, các nghệ nhân xưa đã sáng tác lời ca riêng cho từng điệu múa cụ thể, do đó có thể nói ca từ là một trong những hình thức thể hiện nội dung của tác phẩm.

1. Ngôn ngữ thể hiện ca từ của các vũ khúc cung đình là chữ Hán

Trước tiên, đặc điểm nổi trội nhất của ca từ các vũ khúc cung đình Huế là sử dụng duy nhất một ngôn ngữ đó là Hán tự hay còn gọi là chữ Hán. Đây là một hình thức vay mượn ngôn ngữ. Vay mượn từ vựng là hiện tượng phổ biến của mọi ngôn ngữ. Dưới chế độ quân chủ, chữ Hán đã đóng vai trò là công cụ hàng đầu của nền văn hóa Việt Nam thời bấy giờ. Nó là văn tự chính trong các lĩnh vực: hành chính, giáo dục, khoa cử, lễ nghi, văn học... Múa cung đình có từ thời tiền Lê. Đến thời Lý, sự kiện Lý Thánh Tông trong cuộc Nam chinh đã bắt hàng trăm cung nữ giỏi múa hát khúc Tây Thiên mang về Thăng Long (1044), tạo nên một phong cách mới cho múa của người Việt. Đến đời Trần, dưới thời Trần Thái Tông hình thức múa hát tập thể đã khá phổ biến trong chốn cung đình. Tuy nhiên, múa cung đình lúc bấy giờ chủ yếu là nặng về nghi lễ, tính chuyên nghiệp và nghệ thuật chưa cao. Đến giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa lập ra Triều Nguyễn, lúc này múa cung đình đã có nhiều thay đổi và múa cung đình Huế cũng bắt nguồn từ đó. Do vậy chữ Hán trong ca từ các vũ khúc cung đình chiếm tỉ lệ tuyệt đối là điều dễ hiểu và đó cũng là đặc trưng mang tính lịch sử của loại hình nghệ thuật đặc sắc này.

Với thực trạng như hiện nay, tuy chữ quốc ngữ hay nói chính xác là Tiếng Việt đã dần thay thế chữ Hán. Chữ Hán Việt cũng theo đó mà bị hạn chế về tầm hiểu biết. Điều đó khiến cho người diễn viên gặp không ít khó khăn khi tiếp cận các văn bản chữ Hán. Công việc đầu tiên khi tiếp cận một vũ khúc cung đình, người diễn viên trước tiên phải đọc và hiểu lời ca (đa phần vũ khúc cung đình đều có lời), sau đó học thuộc rồi đưa vào vận dụng tương ứng với từng bộ điệu, động tác. Một khi không hiểu sẽ khó cảm nhận và truyền tải chân thực ý nghĩa của lời ca. Đối với người nghe cũng gặp tình cảnh tương tự. Khó nghe, khó hiểu sẽ dẫn đến khó cảm thụ được vẻ đẹp, vẻ đặc sắc của ngôn từ. Từ đó dẫn đến không thể cảm nhận được trọn vẹn giá trị của các vũ khúc cung đình.

2. Nội dung ca từ phần lớn mang ý nghĩa ngợi ca, chúc tụng,

Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng, tất cả các vũ khúc cung đình đều có những từ, ngữ mang ý nghĩa chúc tụng. Tính chất chúc tụng là một trong những nội dung, mục đích của các điệu múa cung đình. Mục đích của các vũ khúc cung đình nhằm phục vụ các yến tiệc trong cung, đối tượng là hoàng tộc, hoàng thân, quốc thích, sứ thần các nước... Duy nhất có điệu múa Bát Dật là phục vụ lễ nghi (tế Nam Giao, Tế Xã Tắc). Tuy nhiên múa Bát Dật cũng không nằm ngoài mục đích múa dâng lên trời đất sự chúc tụng, cầu cho Thiên hạ thái bình, quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt. Các điệu múa cung đình nói chung không nằm ngoài thông lệ ca tụng triều đình, nhà vua và vương trều. Do tính chất, đặc điểm đó, nên trong tất cả các bài múa có lời đều có những câu chữ, ca từ thậm chí là khổ thơ mang nội dung cung chúc, ngợi ca.

Điệu múa Tam Quốc - Tây Du gồm mười bài bản và chuyển tải từng nội dung khác nhau, đã tạo cho tác phẩm tính đa dạng về thể thức. Đầu tiên, chúng ta bắt gặp lời chúc tụng được thể hiện bằng điệu nói lối - một trong những làn điệu cơ bản của nghệ thuật Tuồng. Bài này đã sử dụng điệu nói lối bình, viết theo thể văn xuôi, gồm 2 câu 4 vế, mang tính chất lời mở đầu, lời chào khán giả, giới thiệu cho phần trình diễn sắp diễn ra:

Thần đẳng lưỡng ban tiên tử,
Đồng lai hiến thọ ba đăng.
Chúc thọ tỉ nam san,
Cầu phước như đông hải


So với tiêu đề của tác phẩm thì điệu nói lối và bài Phong đề vụ lạc có nội dung khá tách biệt, hoàn toàn không dính dáng gì đến 2 tích truyện Tam Quốc - Tây Du. Nội dung nhằm ca ngợi nhà vua, là thiên tử con trời, đấng tối cao trong xã hội phong kiến. Cách ngợi ca cảnh đẹp của non sông cũng chính là cách thức gián tiếp ca tụng ơn đức của nhà vua. Sự lồng ghép này thật ra không có gì mâu thuẫn mà còn là sự phối hợp hài hoà giữa tiêu khiển, giải trí và khuếch trương oai thế của các bậc quân vương.

Hay trong Vũ khúc Lục cúng hoa đăng, nội dung chúc tụng cũng được lồng ghép, kết hợp ca ngợi non sông đất nước.

Chiêu hướng huy hoàng quang nhật nguyệt
Nhiên lai sáng lạn diệu sơn hà.
....................................................
Đệ nhất giang san chân hữu cảnh...
                        (Tán Đăng hoa)

Dịch nghĩa:

Soi lên sáng choang mặt trời, mặt trăng
Thắp lên rực rỡ non sông đất nước.
.......................................................
Giang sơn đệ nhất thực là cảnh đẹp


Trong 11 vũ khúc cung đình Huế, 9 vũ khúc có lời ca thì có 2 điệu múa là Nữ tướng xuất quânVũ phiến có sự khác biệt, đó là sự khác biệt về nội dung ca từ, chủ yếu ca ngợi cuộc sống gia đình, ca ngợi hạnh phúc lứa đôi:

Tế bắc hảo, tức đông thanh
Nhất đường ngư thủy toại tam sinh.
Chỉ sơn minh, vĩnh vĩnh thiên thi hợp đồng tình
Phu phu phụ phụ lạc gia đình
Nam tài danh, nữ kiều trinh,
Lương duyên phối ngẫu tự thiên thành.
                        (Vũ Phiến)

Dịch nghĩa:

Rể bên bắc đẹp, dâu bên đông thanh,
Một nhà cả nước, phỉ nguyền ba sinh.
Chỉ non thề dằng dặc nghìn thu hợp đồng tình,
Chồng chồng vợ vợ vui vẻ gia đình.
Trai tài danh, gái đoan trinh,
Duyên lành sánh đôi tự trời tác thành.


Hay trong bài múa Nữ tướng xuất quân, điệu múa này được múa trong những ngày lễ chiến thắng, Hưng quốc khánh niệm, những buổi dạ yến và tiếp sứ thần ngoại quốc. Chính Đào Duy Từ lấy tích hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị do căm thù Thái Thú Tô Định tàn ác giết chồng mình đã đứng lên khởi nghĩa đánh đuổi Tô Định về nước, chiếm được 60 mươi thành trì, tự lập làm vua, đóng đô ở Mê Linh, dựng nền độc lập đầu tiên cho đất nước Việt Nam. Nội dung ca từ ca ngợi sự tài giỏi của các nữ tướng, không thua gì cánh mày râu, các chị em cũng xông pha trận mạc, phá trận như chốn không người, xứng đáng là những bậc nữ nhân kiệt xuất.

Nhuệ khí hùng phong thục cảm anh
Nữ trung hào kiệt hiển thanh danh
Đề đao khóa mã tài anh dũng
Hãm nhuệ tồi phong nguyện phấn chinh

Dịch nghĩa:

Khí sắc oai hùng ai dám đương
Nữ nhân hào kiệt tiếng mãi thơm
Cầm gươm, nhảy ngựa tài anh dũng
Hãm trận, vây binh nguyện hết mình đánh giặc


3. Sử dụng nhiều điển cố, điển tích cổ

Điển cố là những chuyện xưa tích cũ lấy trong văn hóa xưa nay của nhân loại. Đó có thể là tên một câu chuyện, tên một vùng đất hay tên nhân vật, hoặc một hình tượng văn học đầy chất thơ hay đậm chất bi, chất hài chứa đựng bao triết lý sâu xa về cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Điển cố như nén trong nó những ý nghĩa nào đó, mà chỉ cần nhắc tới là trong suy nghĩ của người nghe, người đọc đã liên tưởng tới ngay những nét nghĩa gần gũi, tương đồng.

Trong vũ khúc Tam quốc - Tây du, bài giáo đầu là một khổ thơ 4 câu, hai câu đầu mỗi câu 11 chữ, 2 câu sau mối câu 10 chữ. Đây là những câu thơ rất đặc sắc và có giá trị nghệ thuật cao. Chính trong bài này đã sử dụng các câu thơ được trích từ bài phú Đằng Vương Các tự nổi tiếng của Vương Bột:

Lạc hà dữ cô vụ tề phi
Thu thủy cộng tràng thiên nhất sắc.
Ngư chu xướng vãn,
Hưởng cùng Bành Lãi chi tân;
Nhạn trận kinh hàn,
Thanh đoạn Hành Dương chi phố.

Lời dịch của Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục:

Cò bay ráng lượn đua nhau,
Long lanh đáy nước in màu trời xa
Trằm Bành Lãi gần xa tai lắng,
Giọng ngư chu văng vẳng chiều hôm;
Tiếng đâu Hành phố nổi chìm,

Phải chăng trận nhạn bắc nam kinh hàn.

Vương Bột tự Tử An, người đất Long Môn. Sáu tuổi đã biết làm văn. Mười sáu, mười bảy tuổi nổi danh hạ bút nên vần. Tương truyền Vương Bột làm trọn bài phú này tại buổi tiệc Diêm Bá Chư, đô đốc Hồng Châu, đặt ở Đằng Vương Các. Vương Bột lúc đó mới có 19 tuổi, nhờ cơn gió thổi mạnh thuyền chàng mới đến được Đằng Vương Các đúng giờ.

Hay trong bài Tam Quốc, có câu: (見 來 蛇 運 將 顛 - Dịch nghĩa: Kiến Lai xà vận tương điên; dịch nghĩa: Vận nhà Hán sắp ngả nghiêng.

Từ Xà vận theo Điển tích Đông Tây, (Nxb. Văn hoá Thông tin): Xưa, một đêm Lưu Bang đi qua bờ đầm, giữa đường thấy một con rắn trắng rất lớn nằm ngang. Lưu Bang lấy gươm chặt đứt làm đôi. Về sau có người tới nơi này, đêm ngủ mộng thấy một người đàn bà mặc đồ trắng tới khóc ở trước giường và nói rằng: Con ta là Bạch đế bị chém chết ở nơi đây. Từ đó Lưu Bang nổi tiếng, khởi nghĩa lập ra cơ nghiệp nhà Hán, làm vua là Hán Cao Tổ. Do đó hình ảnh con rắn có liên quan đến nhà Hán.

Trong múa Phiến vũ, đề cập đến tình yêu đôi lứa, duyên vợ chồng hòa hợp thì cũng đề cập đến những điển tích có nội dung tương ứng. Chữ “Tam sinh” nghĩa là ba kiếp luân chuyển, kiếp này sang kiếp khác. Duyên nợ ba sinh là duyên nợ từ ba kiếp với nhau. Ý nói duyên nợ phải làm vợ chồng với nhau do số kiếp tiền định.

Hay từ “Cầm Sắt” cũng nói về duyên vợ chồng. “Cầm sắt” là đàn Cầm và đàn Sắt, hai thứ đàn thường đánh hòa âm với nhau, chỉ cảnh vợ chồng êm ấm.

Vận dụng điển cố là một phương thức quen thuộc của các tác giả văn chương trung đại. Việc vận dụng điển cố cho ta thấy tính chất uyên bác của tác giả khi thể hiện nội dung văn chương và ngôn ngữ của tác phẩm. Tuy nhiên, với thế hệ bạn đọc ngày nay, ngôn ngữ của các tác phẩm văn chương có việc sử dụng điển cố lại đã trở thành “hàng rào” ngăn cách nhận thức người đọc đến với nội dung của tác phẩm đó. Vì thế, tìm hiểu điển cố trong ngôn ngữ của tác phẩm văn chương nói chung và điển cố trong ca từ của các vũ khúc cung đình Huế nói riêng sẽ giúp cho người xem hiểu rõ nội dung khi tiếp cận các giá trị di sản văn hoá nói chung và nghệ thuật cung đình Huế nói riêng, đặc biệt là ca từ của các vũ khúc múa cung đình.

4. Sử dụng đa dạng các thể thơ

Các nghệ nhân xưa đã không hổ với danh xưng là các bậc tài về văn học. Nghệ thuật cung đình còn được xem là nghệ thuật bác học cũng chính một phần căn cứ vào sự am hiểu và sức sáng tạo trong ca từ sáng tác các tác phẩm cung đình nói chung và ca từ trong các vũ khúc cung đình nói riêng.

Lối thơ phong phú, các thủ pháp nghệ thật đa dạng, hài hòa đan xen tạo nên nét đặc sắc và tính bác học trong ca từ của các tác phẩm. Với Lục cúng Hoa đăng, vũ khúc này gồm 6 khúc hát và là một tổ khúc hát múa liên hoàn dùng để dâng cúng các vật phẩm khác nhau như: Hương, Hoa, Đăng, Trà, Quả, Thực lên Tam Bảo. Tuy cùng là hình thức hát múa để dâng cúng vật phẩm, song tùy từng loại cúng phẩm khác nhau mà tác phẩm lại thể hiện bằng một hình thức mà cụ thể là lối thơ khác nhau, tạo cho toàn bộ vũ khúc sự hài hòa, phong phú về thể thức. Tất cả các khúc hát tuy có khác nhau về số lượng câu chữ song đều sử dụng đồng nhất một lối thơ đó là lối thơ Cổ thể còn gọi là Cổ phong hay Cổ thi. Cổ phong, Cổ thể hay Cổ thi là một thể thơ cổ có từ nhiều thời đại trước nhà Đường. Về sau, tên gọi này trở thành tên gọi chung cho tất cả thơ ngũ ngôn, thất ngôn mà không theo luật, gồm Ngũ ngôn Cổ thi, Thất ngôn Cổ thi, Tam ngôn Cổ thi, Tứ ngôn Cổ thi, Lục ngôn Cổ thi..., không theo niêm luật, không hạn chế số câu, chữ như thơ Đường luật. Thơ Cổ phong có thể dùng một vần (độc vận) hay nhiều vần (liên vận) nhưng vần vẫn phải thích ứng với quy luật âm thanh, có nhịp bằng trắc xen nhau cho dễ đọc. Bên cạch ca từ bằng chữ Hán súc tích và giàu hình ảnh tạo cho không khí buổi lễ càng thêm phần trang nghiêm, thành kính, thì chính lối thơ cổ càng tăng thêm phần long trọng của buổi lễ.

Với điệu múa Tam Quốc - Tây Du, thể thất ngôn tứ tuyệt lại được sử dụng trong các bài hát khách - một điệu hát thường mang tính chất hùng hồn, mạnh mẽ, khoan thai để tô vẽ, ngợi ca biểu tượng của sức mạnh, điển hình như Lã Phụng Tiên:

Tam quốc anh hùng Lã - Phụng - Tiên,
Thủ đề họa kích thướng điêu yên,
Hổ lao sách mã đằng tam chiến,
Giải liễu nhất thân thụ địch tiền.


Hay Tôn Ngộ Không đại diện cho sự tài ba, thông minh, lanh lợi:

Tây du Đại thánh quảng thần thông,
Tiền hậu trừ yêu đệ nhất công,
Vạn quỷ thiên ma vô khủng khiếp,
Chỉ ưu sư phụ niệm đầu đông.


Điều đáng chú ý hơn cả là lối văn vần được sử dụng trong các bài bản lớn: Thị Hồ Hoàng (Huỳnh) Cân, Thị Hồ Vu Thiên, Vãng Tây Thủ Chân Kinh và Đới Mã Hướng Sơn Trung. Lời văn là lời kể chuyện, từng vần trắc vần bằng, lúc trầm lúc bổng nhẹ nhàng dẫn dắt người nghe hòa mình từng tình tiết, từng cao trào và tiếp cận hơn với câu chuyện. Văn vần là loại văn viết bằng những câu có vần với nhau như thơ, ca, phú, phù hợp với các lối hát, ngâm. Các bài bản trên đây tương đối dài, diễn tả quá trình diễn biến của từng mâu thuẫn, từng sự kiện, nên sử dụng lối văn vần là điều hợp lý, vừa dễ nhớ, lại không đòi hỏi nhiều về các quy tắc của niêm luật, độ dài ngắn của câu có thể tùy thuộc vào sự chuyển tải nội dung một cách hiệu quả nhất theo ý đồ của tác giả. Như:

Ta hồ Huỳnh Cân khởi phân phân, (7 chữ)
Nhiễu liễu lương dân loạn phong trần (7 chữ)
Chiếu ban khử ngụy quân, (5 chữ)
Tảo tĩnh, tảo tĩnh, tảo tĩnh, tảo tĩnh âm vân. (10 chữ)

Hay:

Đổng hề lộng quân chiếm trung nguyên. (7 chữ)
Tháo biến thỉnh chư hầu binh tựu vu quan thượng, quan thượng khởi lăng yên. (15 chữ)
Lã Phụng Tiên phấn dũng đề kích thướng điêu yên,... (10 chữ)

Các bài hát khách, (còn gọi là hát Bắc, hát Phú lục) là một trong những làn điệu chính của nghệ thuật hát tuồng cũng thường được sử dụng trong các vũ khúc cung đình, thể thức chủ yếu sử dụng 2 loại là các thể thơ tứ tuyệt, và thể phú. Trong múa Vũ phiến sử dụng thể thơ tứ tuyệt:

Phất tụ khinh khinh hướng bích hồ,
Phong quang tứ vọng thỏa ngao du,
Hoa hương phức úc phong tiền chuyển,
Nguyệt ảnh trừng huy thủy thượng phủ.

Còn trong múa Nữ tướng xuất quân, Tam tinh chúc thọ, hay Bát tiên hiến thọ lại sử dụng thể phú:

“Ngũ bách xương kỳ, ly bệ trường khan minh giáp mậu;
Tam thu hảo cảnh, thiềm cung cận nhạ quế hương phi.
Địa tịch Viêm cương, Dực Chẩn sơn hà tăng củng cố;
Thiên khai Hoàng đạo, Bồng hồ thảo thụ ngưỡng quang huy.”


Ngoài tính đa dạng về thể thức, tính súc tích trong cách sử dụng và chọn lựa từ ngữ của tác phẩm cũng đã đem lại cho người đọc không ít sự bất ngờ đáng khâm phục.

*

Nói về nghệ thuật múa cung đình, ngoài các yếu tố âm thanh, ánh sáng, phục trang, diễn xuất… thì không thể không kể đến ca từ. Ca từ trong múa cung đình làm tăng tính truyền cảm, tính trực tiếp, cụ thể để diễn tả nội dung ý nghĩa của điệu múa. Trước tiên, ca từ bằng chữ Hán là yếu tố tiên quyết tạo cho tính trang trọng của các lễ nghi, yến tiệc cung đình. Thứ đến, thông qua ngôn từ, người nghe, tuy không được chứng kiến song cũng hình dung đối tượng, mục đích, các vật phẩm tiến dâng, hay các tích truyện mà điệu múa muốn truyền tải. Bên cạnh đó, các thể thơ cổ, các điển tích, điển cố cũng góp phần không nhỏ tạo cho văn bản trở thành một tác phẩm có giá trị không những về mặt lịch sử, nhân chứng cho một hiện tượng văn hóa của một thời đại mà còn có giá trị cả về mặt nghệ thuật đáng được trân trọng, bảo tồn và gìn giữ.

L.M.P  
(SHSDB30/09-2018)

Tài liệu tham khảo:

1. Tôn Thất Bình, (2002), “Ca múa nhạc cung đình Huế”, Tuyển tập những bài nghiên cứu về Triều Nguyễn, Tr.368.
2. Tôn Thất Bình, “Múa cung đình Huế và điệu múa tứ linh”, Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật, số tháng 2/1994.
3. Thiều Chửu (1999), Hán Việt từ điển, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.
4. Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề (1992), Những Đại lễ và vũ khúc của vua chúa Việt Nam, Nxb. Văn học, Hà Nội.
5. Quỳnh Hoa, “Múa bông”, Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật, số 6/1975.
6. Vũ Ngọc Khánh, Phạm Minh Thảo (1997), Kho tàng diễn xướng dân gian Việt Nam, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
7. Lâm Tô Lộc (1979), Nghệ thuật múa dân tộc Việt Nam, Nxb. Văn hóa, Hà Nội.
8. Quốc sử quán Triều Nguyễn (1993), Đại nam liệt truyện tiền biên, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
9. Phạm Văn Thảo, Điển tích đông tây, Nxb. Văn hóa Thông tin.
10. Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện sử học (2005), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ, Tập IV, Nxb. Thuận Hóa, tr.407.
11. Viện ngôn ngữ học (2001), Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng.  




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng