Giá sách Sông Hương
Múa cung đình Huế
Những vấn đề bảo tồn, phục hồi và phát huy múa cung đình Huế trong giai đoạn hiện nay
09:46 | 07/12/2018

PHAN THỊ BẠCH HẠC

Các vũ khúc Cung đình là những sản phẩm mang tính kế thừa của các triều đại Phong kiến tồn tại hàng nghìn năm và kết tinh dưới triều Nguyễn. Đây là một loại hình nghệ thuật mang đậm tính triết lý và thẩm mỹ của văn hóa phương Đông.

Những vấn đề bảo tồn, phục hồi và phát huy múa cung đình Huế trong giai đoạn hiện nay
Vũ khúc cung đình “Lân mẫu xuất lân nhi”

Trong múa cung đình, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các động tác múa, sự di chuyển đội hình theo các tuyến, ngang, dọc, xéo cộng với việc tạo hình tượng theo hình khối làm nên nét đặc trưng riêng biệt, điển hình là các điệu: Lục cúng hoa đăng, Trình tường tập khánh, Phụng vũ, Tứ linh, Vũ phiến...

Từ khi Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là “Kiệt tác Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của nhân loại”, thì múa cung đình cũng có bước “đột phá” quan trọng thông qua việc các thế hệ nghệ sĩ cung đình của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế (thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đố Huế) đã biết bảo tồn, phát huy và biểu diễn giới thiệu quảng bá những vũ khúc cung đình này đến với du khách trong và ngoài nước.

1. Khái lượt về lịch sử hình thành nên nghệ thuật múa cung đình

Múa cung đình Việt Nam có nguồn gốc và lịch sử rất lâu đời. Có thể nói rằng múa cung đình đã manh nha từ thời nhà Đinh khi nghệ nhân Phạm Thị Trân được vua mời vào dạy múa hát trong quân đội1. Ban đầu, múa chỉ mang chức năng giải trí, động viên khuyến khích tinh thần binh lính.

Từ thời Tiền Lê trở về sau, múa còn được sử dụng trong tế lễ và tiếp đãi sứ thần. Sang thời nhà Lý, nghệ thuật được đặc biệt chú trọng, nhà vua đặt ra chức Quản giáp để trông coi trật tự ở giáo phường nhằm đưa hoạt động nghệ thuật vào tổ chức2. Trong quá trình hình thành và phát triển, múa cung đình người Việt sớm có sự tiếp xúc với nghệ thuật của các nước lân bang. Sự kiện vua Lý Thái Tông đã mang hơn 100 cung nữ người Chiêm Thành giỏi hát khúc Tây Thiên đem về Thăng Long năm 10443 đã mang lại một màu sắc mới cho nền nghệ thuật cung đình Việt Nam. Ngoài ra, múa cung đình còn tiếp thu lối múa của Trung Quốc thông qua Lý Nguyên Cát khi nghệ nhân Tuồng Tàu này dạy múa hát trong cung. Lúc bấy giờ, ca múa cung đình rất được ưa chuộng, vua quan cũng như dân chúng cùng thưởng thức không phân biệt trên dưới, vua quan cũng tham gia múa hát cụ thể là: Lý Thánh Tông thân hành múa khiên, vua Trần múa điệu mọi cùng Phiêu Kỵ tướng quân Trần Quốc Khang4. Tại một đám tang trong cung nhà Trần, dân chúng kéo vào xem rất đông đến nỗi linh xa không đi được, viên quan Trịnh Trọng Tử đã sáng tác khúc Long Ngâm để thu hút đám đông dành đường cho đám rước đi qua5. Ở giai đoạn Lý - Trần, múa cung đình hầu như rất gần gũi và chưa tách rời với múa dân gian.

Bắt nguồn từ dân gian, múa cung đình ban đầu chủ yếu vẫn là múa hát tập thể. Đến thời Hậu Lê, múa cung đình có thêm hình thức múa tổ khúc. Tuy nhiên, với hàng quan võ diễn điệu “Bình Ngô phá trận”, hàng quan văn diễn điệu “Chư hầu lai triều”6, thì múa cung đình bấy giờ nặng về tính nghi lễ, tính chuyên nghiệp và tính nghệ thuật chưa cao. Nho giáo lúc này có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến xã hội phong kiến Việt Nam, nghề hát xướng bị xã hội xem thường, bị gọi “xướng ca vô loài”; múa dân gian do đó bị hạn chế, hình thức múa hát “Lý Liên” bị coi là dâm tục. Giai đoạn này, múa cung đình và múa dân gian bắt đầu có sự phân biệt nhưng vẫn chưa hoàn toàn tách rời, hát múa trước mặt đế vương được gọi là “hát chầu” 7. Phần lớn vũ công trong cung đình là những nghệ nhân giỏi được tuyển chọn từ trong dân gian.

Từ đời nhà Hồ năm Khai Đại (1403 - 1407), nhà vua đã bắt đầu chú ý đào tạo vũ công múa cung đình. Hồ Hán Thương lấy con của các quan văn làm Kinh Vĩ Lang, con của các quan võ làm Chỉnh Đốn Lang để tập múa hát trong cung8. Mặc dù có đào tạo vũ công múa cung đình nhưng tiêu chí chưa rõ ràng, tính chuyên nghiệp và tính lâu dài còn thấp.

Đến năm Hồng Đức, vua Thánh Tông (1470 - 1497) đặt ra Bộ Đồng Văn và Bộ Nhã Nhạc để dạy ca vũ nhạc9. Có thể nói rằng, đây là cơ sở đào tạo múa cung đình đầu tiên có tổ chức, có bộ phận chuyên trách theo từng loại hình cụ thể. Đến giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh, Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa, Múa cung đình Việt Nam có nhiều thay đổi, bắt đầu hình thành múa cung đình Huế.

Múa cung đình Huế có từ thời chúa Nguyễn Phúc  Nguyên (1613 - 1635). Đào Duy Từ (1572 - 1634)  là  người  có  công  sửa  lại  các  điệu  múa  cung  đình  triều  trước  và  bước  đầu  xây  dựng  múa  cung  đình  Huế  cùng  với  những  cơ  sở  đào  tạo  nhạc  công,  vũ  công  cho  loại  hình  nghệ  thuật  này.  Tương  truyền,  ông  là  người  đã  sáng  tác  một  số  điệu  múa  cung  đình như: Song quang, Nữ tướng xuất quân và Tam  quốc - Tây du... Sách Những đại lễ và Vũ khúc của  vua chúa Việt Nam đã chép như sau:  

Đời  chúa  Nguyễn  Phúc  Nguyên,  Lộc  Khê  Hầu  Đào Duy Từ lập ra Hòa Thanh Thự chuyên luyện tập  ban vũ nhạc để múa hát vào những ngày khánh lễ.  Hòa Thanh Thự gồm 3 đội, mỗi đội có 1 suất đội và  120 người lính thuộc quyền viên phó quản. Vũ sinh  tuyển cả nam và nữ. Đội nhất và đội ba trông coi về  nhạc, đội nhì trông coi về múa hát”.

Đời  chúa  Nguyễn  Phúc  Chu  (1691  -  1725)  đội  múa  hát  cung  đình  được  gọi  là  Tiểu  hầu  gồm  khoảng 40 - 50 vũ công. Hòa thượng Thích Đại Sán  người  Trung  Quốc  đã  miêu  tả  điệu  múa  thời  bấy  giờ như sau: “...bốn năm mươi cung nữ, người nào  cũng thoa son đánh phấn, bận áo hoa màu lục dài  phết đất, đội mão vành giống mão “Thất Phật”, tay  cầm nhạc khí... Bọn cung nữ nhịp nhàng sắp thành  hàng ngũ, âm nhạc hòa tấu, ca nhi hát khúc Thái  Liên (hái hoa) ngân giọng chậm rãi cho ăn nhịp với  trống đàn, vũ nữ hoa tay múa bộ như đang hái hoa  sen  vậy.  Diễn  Tuồng  (?)  xong,  nhà  vua  lấy  ra  50  ngàn  đồng  tiền  giao  cho  ta  bảo  thưởng  cho  “tiểu  hầu” tức tên gọi đoàn “lê viên” (vũ mã), tên nghe  cũng nhã vậy10.

Dưới triều vua Minh Mạng (1791 - 1841) Thanh  Bình  Thự,  gồm  có:  1  Thự  trưởng,  1  Phó  quản,  3  Chánh phó đội, 6 quyền suất đội và 121 người lính.  Vua  tuyển  chọn  thêm  50  nữ  nhạc  múa  hát  dâng  rượu.

Năm Minh Mạng thứ 11 (1830), mùa hạ, làm lễ  Tứ  tuần  đại  khánh.  Theo  Những  Đại  lễ  và  vũ  khúc  của  vua  chúa  Việt  Nam: “Suốt  trong  những  ngày  lễ,  buổi  sáng  buổi  chiều  nào  đội  Du  xuất  cũng  hòa  tấu ca nhạc ở dinh Thanh - Phong. Lại có các trò leo  giây,  múa  rối,  đánh  đu,  hát  tuồng,  người  Cam  -  lộ  thổi kèn rợ Hồ, múa điệu Man ở trước cửa thể - lâu,  những trò vui dân chúng đều được vào xem. Buổi tối  đốt pháo bông, múa hoa đăng, múa trình tường tập  khánh, múa lục triệt hoa mã đăng, múa long phượng  hiến thụy ở trước thể - lâu cho các quan xem.

Vua  đến  xem  người  Rợ  Trấn  -  biên,  Lạc  -  biên  múa  điệu  Mọi,  mặc  quần  áo  sặc  sở,  tiếng  hát  líu  lo,  điệu  múa  uốn  éo,  khi  lên  khi  xuống  theo  nhịp  với tiếng cồng. Quân lính và dân chúng chen nhau  đứng xem, cười nói ồn ào lấy làm thỏa thích. Vua  bảo  vệ  sĩ  không  được  đánh  mắng  ai,  chỉ  khẽ  dẹp  rộng lối để mọi người có chỗ đứng xem. Đêm khuya  các hoàng tử và các quan ở kinh vào nhà Duyệt - thị  xem hát tuồng, diễn các vở hát cổ điển
11.

Năm  Thành  Thái  nguyên  niên  (1889),  Thanh  Bình Thự được mang tên Võ Can đội gồm 120 người  lính, về sau lấy thêm 20 đồng ấu.

Năm Khải Định nguyên niên (1917), VõCan Đội  tuyển  thêm  30  đồng  ấu.  Dưới  thời  vua  Khải  Định,  đoàn  đổi  tên  là  Ba  Vũ  (múa  hoa)  và  được  duy  trì  đến năm 1945.  

Như vậy, có thể nói, đến đời nhà Nguyễn, múa  cung  đình  nói  riêng,  ca  vũ  nhạc  và  Tuồng  cung  đình  nói  chung  đều  đã  trở  thành  những  loại  hình  nghệ thuật chính thống của nhà nước quân chủ Việt  Nam. Hình thức tổ chức có quy mô lớn (lên đến 386  người vào năm Gia Long thứ 3), hệ thống quản lý  từ  thấp  đến  cao  theo  thứ  bậc  và  cấp  phẩm  hàm  cho các nghệ nhân. Về đào tạo, có 2 nội dung: Múa  hát - Tuồng và Nhạc. Hình thức đào tạo diễn viên  và  nhạc  công  lúc  bấy  giờ  được  các  nghệ  nhân  sử  dụng phương pháp truyền thống theo kiểu: truyền  khẩu và truyền ngón. Ngoài ra, công việc đào tạo  lớp diễn viên đồng ấu cũng rất được chú trọng. Múa  cung đình triều Nguyễn thể hiện tính chuyên nghiệp  cao, mang tính chất lâu dài và phát triển ổn định.

Từ khi bắt đầu manh nha cho đến khi trở thành  một  loại  hình  nghệ  thuật  được  ưa  chuộng,  các  vũ  khúc  cung  đình  cũng  đã  được  chắt  lọc  để  tiếp  tục  duy trì. Cụ thể là các vũ khúc cung đình của những  triều đại trước đã bị chắt lọc khá nhiều. Do đó, đến  đời  nhà  Nguyễn  chỉ  còn  lại  11  vũ  khúc  bao  gồm:  Bát Dật, Lục cúng Hoa đăng, Song Quang, Tam Tinh  chúc thọ, Bát tiên hiến thọ, Trình tường tập khánh,  Vũ phiến, Lục triệt hoa mã đăng (Ba mã), Tứ linh,  Nữ tướng xuất quân, Tam quốc - Tây du. Múa cung  đình chủ yếu là múa nghi lễ và chúc tụng và ca từ  chủ yếu được viết bằng chữ Hán.  

Các vũ khúc cung đình triều Nguyễn được trình  diễn  trong  những  ngày  lễ  lớn  như:  Lễ  Thánh  Thọ  (sinh  nhật  hoàng  thái  hậu),  Tiên  Thọ  (sinh  nhật  hoàng  thái  phi),  Vạn  Thọ  (sinh  nhật  vua),  Thiên  Thu (sinh nhật hoàng hậu), Thiên Xuân (sinh nhật  hoàng tử). Ngoài những buổi lễ kể trên, các vũ khúc  này còn được diễn vào Lễ Hưng Quốc Khánh Niệm  (Quốc  khánh),  Tết  Nguyên  đán,  lễ  kết  hôn  của  hoàng tử, công chúa và tiếp đãi sứ thần.  

Vì vậy hệ thống các vũ khúc cung đình bao gồm  cả múa tế lễ, múa chúc tụng và mua tích sử truyện.

Múa nghi lễ còn có các điệu: Bát dật, Lục cúng,  và Song quang.

Múa  chúc  tụng  gồm  các  điệu:  Tam  tinh  chúc  thọ,  Bát  tiên  hiến  thọ,  Trính  tường  tập  khánh,  Vũ  phiến,  Lục  triệt  hoa  mã  đăng,  Tứ  linh,  Phụng  vũ,  Múa  Thanh  hoa  chi,  Múa  Hồng  hoa  chi,  Múa  Tiên  đào quả vũ, Múa Lân mẫu xuất lân nhi.

Múa theo tích sử truyện: Nữ tướng luyện quân,  Long hổ hội, Múa Bài bông (Tam quốc - Tây du).

Theo Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề, khi biểu diễn  múa cung đình, ban Thiều nhạc thường được dùng  để phụ họa. Ban nhạc gồm những nhạc cụ như sau:  Trống  lớn  (trống  cái),  trống  con,  trống  tiểu  bồng, trống yêu cổ, đàn tỳ bà, đàn tam, đàn nguyệt, đàn hồ, đàn nhị, sáo tre ngang 6 lỗ, kèn, sênh tiền, tam âm. Biên chế dàn nhạc thay đổi tùy theo yêu cầu của từng điệu múa. Mặc dù sách Những đại lễ và vũ khúc của vua chúa Việt Nam đã liệt kê các loại nhạc cụ như thế nhưng trên thực tế không sử dụng toàn bộ ban nhạc. Hiện nay, trống yêu cổ đã thất truyền, trống tiểu bồng chỉ sử dụng trong một số bài đại nhạc, không đệm cho múa. Ban nhạc đệm cho múa hiện nay có thể liệt kê như sau: Trống chiến, kèn, sáo tre ngang 6 lỗ, đàn nhị, đàn hồ, đàn nguyệt, đàn tỳ bà, đàn bầu, đàn tranh, phách tiền, tam âm. Tuy nhiên, với từng điệu múa khác nhau thì yêu cầu nhạc cụ cũng khác nhau. Cụ thể là: Với múa lân thì nhạc cụ chính là trống chiến, kèn, đàn nhị, với múa Vũ phiến nhạc cụ là trống chiến, sáo, đàn nhị...

Về phục trang, tùy từng điệu múa mà vũ công sẽ sử dụng các loại trang phục và đạo cụ khác nhau. Ngoài ra, với một số vũ khúc khác, diễn viên còn vẽ mặt hoặc hóa trang hay đội lốt thú: như trong vũ khúc Tứ linh, hay điệu múa Lục triệt hoa mã đăng (đây là điệu múa mà nguyên thủy của nó là dùng ngựa thật, nhưng sau này được thay bằng đầu ngựa và roi ngựa giả). Theo nhiều sử sách để lại thì múa cung đình Huế là một loại hình nghệ thuật được hình thành và phát triển dựa trên nền tảng của chế độ quân chủ, nên mang đậm tư tưởng Nho giáo. Điều đó được thể hiện qua hình thức phục trang kín đáo, nhiều màu sắc.

Động tác múa trong các vũ khúc cung đình là sự cách điệu hóa những động tác sinh hoạt, thể hiện nội dung hình tượng và có quan hệ tương hỗ với vũ đạo Tuồng. Rõ nét nhất là các điệu múa Bát tiên hiến thọ, Tam tinh chúc thọ, Tam quốc - Tây du... Trước khi bước vào ngưỡng cửa sân khấu của nghệ thuật cung đình (Tuồng và múa), mỗi một vũ công đều phải tập bài múa Bông “Tam quốc - Tây du”, đây là vũ khúc cơ bản nhất, nhằm mục đích giải phóng hình thể cũng như rèn luyện vũ đạo Tuồng. Vì lý do đó, Tuồng và múa thường được đào tạo trong cùng một đội (chỉ có đội nhạc tách riêng).

Múa cung đình Huế là thể loại múa hát cổ điển mang tính chất kế thừa, nhưng so với múa cung đình các triều đại trước nó đã được chuyên nghiệp hóa, tách biệt hẳn với múa dân gian. Quan niệm thẩm mỹ, ý niệm về các giá trị đạo đức của xã hội Việt Nam thời kỳ quân chủ đã thấm nhuần và lan tỏa trong các vũ khúc cung đình Huế. Điều này thể hiện qua từng động tác và sự phát triển của nó, như đội hình quy củ, tuyến múa theo hàng, quy mô hoành tráng...

Qua nhiều thế kỷ, đồng hành cùng với sự phát triển của đất nước, múa cung đình Huế từ nội dung, nghệ thuật đến phong cách trình diễn cũng như bố cục được các các nghệ sĩ cung đình sắp đặt một cách tinh tế luôn hòa quyện với không gian và môi trường diễn xướng, đã làm nên nét riêng biệt của chốn hoàng cung xưa.

2. Việc bảo tồn, phục hồi, và phát huy nghệ thuật múa Cung đình trong giai đoạn hiện nay

Huế từng là nơi hội tụ những tinh hoa nghệ thuật của cả nước. Múa cung đình Huế cũng là một trong những di sản đặc sắc của văn hóa Cố đô. Tuy nhiên, từ khi nhà Nguyễn cáo chung, những giá trị nghệ thuật của loại hình này cũng không còn nguyên vẹn, do đó những nghệ nhân, nghệ sĩ và những người làm công tác nghiên cứu đang cố gắng từng bước đi tìm những cứ liệu lịch sử từ các nghệ nhân là nhân chứng sống, cũng như các tư liệu thành văn đang thất lạc ở các viện bảo tàng trong và ngoài nước. Từ đó, lập hồ sơ khoa học làm cứ liệu cho việc khôi phục lại những vũ khúc cung đình đã bị thất truyền, nhằm đưa vào biểu diễn, giới thiệu, quảng bá đến du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là một cách để bảo tồn, phục hồi và phát huy nghệ thuật múa cung đình trong giai đoạn hiện nay.
 

Điệu múa cung đình “Bát tiên hiến thọ” được phát triển nâng cao dựa trên điệu múa nguyên bản để biểu diễn trong chương trình “Đại Nội về đêm” được du khách đón nhận nồng nhiệt

Để việc bảo tồn những giá trị di sản của tiền nhân để lại, hàng năm các nghệ sĩ đang làm công việc trình diễn các vũ khúc cung đình cũng như những người làm công tác nghiên cứu của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế luôn nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo trong việc cấp nguồn kinh phí để nghiên cứu, phục dựng và lập hồ sơ nhiều điệu múa cung đình như: Hồ sơ khoa học điệu múa “Long hổ hội”, hồ sơ khoa học điệu múa Lục cúng hoa đăng, hồ sơ 14 bài trong điệu múa bông “Tam quốc - Tây du” và hiện nay, Nhà hát vẫn đang tiếp tục lập hồ sơ khoa học điệu múa “Bát tiên hiến thọ”…

Hiện nay, việc phục dựng và lập hồ sơ các điệu múa cung đình cổ thật sự là một thách thức lớn đối với những người làm công tác nghiện cứu cho loại hình nghệ thuật này. Bởi vì hiện nay, các tư liệu về loại hình nghệ thuật này còn sót lại rất ít ỏi, các nghệ nhân am hiểu đều đã lớn tuổi hoặc đã “ôm” những vốn sống nghệ thuật sang thế giới bên kia… Tuy vậy, công tác bảo tồn lại đòi hỏi sự chính xác từ âm nhạc, động tác đến cách dàn dựng đội hình, do đó các nghệ sĩ và những người làm công tác nghiên cứu chỉ còn cách cố gắng từng bước đi tìm tư liệu ở các viện bảo tàng, cũng như tìm đến các nghệ nhân cao tuổi đã từng tham gia hoạt động loại hình múa hát cung đình để quay phim, phỏng vấn, ghi chép rồi tiến hành so sánh, đối chiếu để tìm ra độ chân xác nhất, trước khi khôi phục một điệu múa hoàn chỉnh.

Những năm qua, từng dự án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể luôn được triển khai đồng bộ và mang lại những hiệu quả thiết thực, điều này đã đem lại cho nghệ thuật cung đình Huế nói chung, múa cung đình Huế nói riêng có thêm một sức sống mới. Đây cũng là một trong lý do khách du lịch thường xuyên đến Nhà hát Duyệt Thị Đường (Đại Nội - Huế) để thưởng thức loại hình nghệ thuật tưởng rằng đã mai một với thời gian. Ngoài ra, với những giá trị nghệ thuật vốn có của mình, múa cung đình Huế cũng đã luôn song hành cùng Nhã nhạc tham gia biểu diễn giao lưu với các nước trên thế giới như: Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Italia, Nga, Nhật Bản, Áo, Đức, Pháp, Thái Lan… và đã để lại những hình ảnh tốt đẹp với khán giả quốc tế. Đây chính là niềm tự hào của những người đang làm công tác gìn giữ và phát huy vốn quý của nghệ thuật múa cung đình Huế.

Tuy nhiên, theo suy nghĩ của những nghệ sĩ đang công tác tại Nhà hát, đối với loại hình này phải có những phát triển khi chúng ta đang sống trong thời kỳ đổi mới, với nền kinh tế được phát triển theo cơ chế thị trường, do đó sự hưởng thụ về văn hóa nghệ thuật của khán giả cũng cần bắt kịp với thời đại. Tuy vậy, phải làm thế nào cho nền nghệ thuật múa Cung đình có những sáng tạo mới nhằm đáp ứng được những nhu cầu như đã nói trên, theo chúng tôi ngoài việc bảo tồn tính nguyên bản các vũ khúc cung đình Huế, chúng ta cũng cần phải nâng cấp một số điệu múa về cả hình thức và trình thức biểu diễn để nó vừa phù hợp với thị hiếu khán giả trong giai đoạn hiện nay, nhưng vẫn mang đầy đủ dáng dấp và hơi thở của nghệ thuật cung đình Huế. Bởi vì, theo như những gì tôi đã học được từ các nghệ nhân trước đây, múa cung đình vì phục vụ cho vua chúa và môi trường diễn xướng là chốn hoàng cung nên từ đội hình, động tác phải đăng đối, cân xứng, do đó khi trình diễn, diễn viên chủ yếu đứng vòng cung quay mặt lên phía người xem, họ vừa hát vừa làm động tác minh họa. Bởi vậy, nên dù nghệ thuật múa cung đình Huế được bảo lưu qua những thăng trầm của lịch sử, nhưng tính chất thực hiện của điệu múa không được sinh động… Theo chúng tôi, chúng ta cần phải có một quan niệm khác, đó là nâng cao nghệ thuật múa của các vũ khúc cung đình Huế. Tuy nhiên, nếu chỉnh lý và nâng cấp chúng ta cũng cần phải giữ được bản sắc và những yếu tố cơ bản của nghệ thuật múa cung đình… Để làm được điều này, đòi hỏi các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, cũng như nghệ sĩ phải tìm tòi, nghiên cứu áp dụng kỹ thuật múa và năm chắc độ chính xác về cơ bản, không được lai tạp các cơ bản của các hệ thống múa hiện đại.

Mỗi vũ khúc cung đình đều mang một ý nghĩa nhất định, nên khi thể hiện trình thức múa, các diễn viên phải làm sao cho từng động tác của mình phải thể hiện được sự biểu cảm từ khuôn mặt cho đến các bộ phận khác trên cơ thể. Vì vậy, khi dựa trên cơ sở của các điệu múa cung đình cổ để phát triển, chúng ta cần bồi đắp thêm vũ đạo tuồng cung đình Huế, nếu làm được như vậy động tác sẽ trở nên sinh động hơn, và về cơ bản không bị lai tạp bởi các hình thức múa khác... Điều này đã được chứng minh thông qua các điệu múa cung đình biểu diễn trong các kỳ Festival Huế như: Nữ tướng luyện quân, Trình tường tập khánh, Vũ phiến, Lục triệt hoa mã đăng.

Như đã nêu trên, phần nội dung của múa cung đình Huế có ba hình thức gồm: múa chúc tụng, múa tế lễ, múa theo tích sử truyện. Với những hình thức múa này, chúng ta có thể phát triển thành một vở múa có nội dung như kể lại một câu chuyện, ví dụ: điệu múa Bát tiên hiến thọ, nằm trong hệ thống múa chúc tụng, có nội dung nói về 8 vị tiên từ trên trời xuống trần gian, đem theo những trái cây và vị thuốc quý như: bàn đào, hỏa táo, hồng sâm dâng lên nhà vua để chúc cho nhà vua trường thọ. Từ ý nghĩa đó, trên cơ sở những chất liệu của nghệ thuật múa cung đình, chúng ta có thể phát triển thành một kịch bản múa có nội dung hấp dẫn, bằng việc tạo nên những đội hình thông qua hình thức sử dụng vũ đạo tuồng, đây có thể xem là cách thức xây dựng trình thức để góp phần đưa nghệ thuật múa cung đình đến gần gũi với khán giả trong giai đoạn hiện nay.

Múa cung đình Huế là thể loại múa hát cổ điển mang tính chất kế thừa, nhưng so với múa cung đình các triều đại trước nó đã được chuyên nghiệp hóa, tách biệt hẳn với múa dân gian. Quan niệm thẩm mỹ, ý niệm về các giá trị đạo đức của xã hội Việt Nam thời kỳ quân chủ đã thấm nhuần và lan tỏa trong các vũ khúc cung đình Huế. Điều này thể hiện qua từng động tác và sự phát triển của nó, như đội hình quy củ, tuyến múa theo hàng, quy mô hoành tráng...

Nghệ thuật múa cung đình là tài sản vô giá và đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ, và hiện nay do sự phát triển của xã hội nên yêu cầu về thưởng thức văn hóa nghệ thuật của người dân vì thế cũng đòi hỏi cao hơn. Do đó, để đáp ứng cho nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng đa dạng và phong phú, đòi hỏi những người nghệ sĩ đang hoạt động trong lĩnh vực này phải có những tư duy mới nhằm phát triển góp phần nâng cao nghệ thuật phục vụ khán giả.

P.T.B.H  
(SHSDB30/09-2018)

--------------
1. Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Lịch sử Việt Nam, Tập  1, Nxb. Hà Nội, 1971, tr.150.
2, 3, 4, 5. Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề, Việt Nam ca trù biên  khảo, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1962, tr.23, 24, 29.
6. Viện sử học, Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục,  Nxb. Giáo Dục, 1998, quyển 18, tr. 971.
7. Lâm Tô Lộc, Nghệ thuật múa Dân tộc Việt, Nxb.Văn hóa,  1979, Tr. 15.
8. Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề, Việt Nam ca trù biên khảo,  Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1962, tr.25.
Cao Huy Giu (dịch), Đào Duy Anh (hiệu đính), Đại Việt sử ký toàn thư, tập I Nxb. VHTT, 2006, tr. 699.
9. Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề, Việt Nam ca trù biên khảo,  Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1962, tr.25. Phạm Đình Hổ, Vũ Trung tùy bút, Nxb. Văn học, 1972, Tr. 27B.
10. Tôn Thất Bình, “Múa cung đình Huế và điệu Tứ Linh”, Tạp  chí nghiên cứu nghệ thuật, tr. 26 Thích Đại Sán, Hải Ngoại  Ký Sự, Viện Đại học Huế, 1963, Tr. 40.
11. Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề (1992) Những Đại lễ và vũ  khúc của vua chúa Việt Nam, Nxb. Văn Học, Tr. 360 -361. 




 

 

Các bài đã đăng