Giá sách Sông Hương
Mỹ Thuật hiện đại-Một Góc Nhìn
Sức sống của hội họa hiện thực
08:56 | 20/12/2019

TRẦN TRỊNH NAM

Liệu những tuyên ngôn, những đả phá, những nỗ lực làm khác của nghệ thuật hiện đại, hậu hiện đại có thể làm người ta quên lãng chủ nghĩa hiện thực hay không? Cho đến nay câu trả lời là không.

Sức sống của hội họa hiện thực
Tác phẩm “Phố đêm” của Mai Duy Minh

Nghệ thuật mô phỏng hiện thực vẫn tồn tại và lôi cuốn nhiều nghệ sĩ tham gia, cùng tồn tại song song với những trào lưu nghệ thuật có chiều hướng đối nghịch với nó. Chủ nghĩa hiện thực sẽ tồn tại bởi nghệ thuật luôn luôn phải bắt đầu bằng một hiện thực được thấy, rồi sau đó theo chiều hướng sáng tác của mình, người nghệ sĩ có thể giảm trừ hay phóng đại hiện thực được thấy đó. Trước khi chối bỏ hiện thực trước mắt, người nghệ sĩ phải khắc họa được nó sau đó mới có thể tìm đến những kiểu hiện thực nằm ở dạng khả thể.

Cũng như trên thế giới, hội họa theo trào lưu hiện thực ở Việt Nam vẫn phát triển và ngày càng được bồi đắp bởi những tên tuổi có tay nghề vững vàng vượt qua những quan niệm phản ứng lại nó, cho nó là sao chép, bắt chước thực tại, không biết ẩn dấu những điều muốn nói hay là nó quá dễ hiểu, thậm chí chẳng có gì để khám phá, để hiểu. Chủ nghĩa hiện thực, nếu xét trên phương diện kỹ năng thực hành thì nó đòi hỏi ở người họa sĩ nhiều hơn, đó là khả năng mô phỏng ngoại vật, kỹ năng sử dụng chất liệu, sự quan sát tinh tế các chuyển động của sáng tối, nắm bắt hình khối và đặt định chúng một cách phù hợp tỉ lệ trong bố cục… Và nữa, những tác phẩm của hội họa hiện thực phải làm sao đó để không phải là sự trình hiện của một hiện thực chết cứng, mà đó là một hiện thực đang chuyển động, một hiện thực có hồn bởi sau màu sắc và toan vẽ là những câu chuyện được kể. Đó là những câu chuyện được kể bằng một thứ ngôn ngữ đặc biệt - ngôn ngữ hình ảnh.

Có thể nói, bức tranh vẽ theo bút pháp hiện thực này của Mai Duy Minh không đơn thuần chỉ là bắt chước, mô phỏng thế giới khách quan, mà cái không khí ẩn sau nó mới là giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Một không khí u buồn man mác, một sự cô đơn đến hãi hùng, một không gian được làm mờ nhòe ranh giới của các vật thể bằng sự xử lý sáng tối một cách tinh tế… Sau những vệt sáng yếu ớt so với cái màn đêm vô cùng ấy là gì? Đó có thể là những thân phận con người mang theo những câu chuyện buồn đau, đó có thể là những giấc mơ của một ai đó đang bị bỏ ngỏ, đó có thể là cảnh huống được nhìn thấy bởi một kẻ tha hương… Đó có thể là tất cả mọi thứ trong cuộc sống nhiều bất trắc. Sức mạnh của bút pháp hiện thực chính là chỗ đó. Một sự thật được nhìn thấy bởi một bức tranh vẽ về sự vật trong chiều không gian vật lý có thật của nó nhưng cái không khí, cái thần thì đã vượt ra ngoài cái khuôn khổ của không gian vật lý, đưa người xem bước vào cái không gian của nội tâm, của những điều không nói trên bề mặt tác phẩm.

Cái cốt lõi của hiện thực chính là diễn tả cuộc sống, nhưng nếu như chỉ dừng lại ở sự bắt chước hiện thực cuộc sống thì có lẽ hội họa hiện thực không có được sức sống mạnh mẽ như thế. Từ hiện thực cuộc sống, họa sĩ hiện thực đã thăm dò vào hiện thực nội tâm của chính mình cũng như của vật thể được mô tả, và sau đó là đưa người xem đi vào khám phá nội giới của họ. Nói như vậy, hiện thực đôi khi chỉ là cái cớ để người họa sĩ có thể đi xa hơn thực tại được thấy.

Tranh của Lê Huy Tiếp


Cái không gian trước tiên được thấy qua hình ảnh trong bức tranh dưới đây của Lê Huy Tiếp đó là không gian hiện thực được diễn tả bằng búp pháp mô phỏng điêu luyện . Một hiện thực mà người xem có thể đã được thấy đâu đó trên bờ biển. Nếu ta chỉ dừng lại ở đây thì có lẽ sức mạnh nội tại của bức tranh này đã không được nhìn thấy. Có cái gì đó khác với hiện thực, sâu hơn hiện thực được nhìn thấy thông qua các hình thể trong tranh. Sức mạnh của lối vẽ hiện thực ở đây là tác giả đã đẩy cái không khí trong tranh đi sâu vào vùng không gian của tâm lý, không gian bên trong của người xem. Cái không gian này gợi nhắc ta liên tưởng tới cái không khí siêu thực trong tranh của Salvador Dalí. Sự giao thoa giữa hiện thực và siêu thực là một thứ ngôn ngữ riêng biệt cũng như là sức mạnh vốn có trong bút pháp của Lê Huy Tiếp. Cái khoảng sáng và khoảng tối trên những đụn cát kéo dài đó chính là cái ta đã nhìn thấy và cả những cái ta chưa nhìn thấy, cái hiển lộ là ánh sáng trên đụn cát và cái bí mật chính là những khoảng tối hơn. Người đàn ông lẻ loi đang đi về phía biển, trước hết, điều ta nhìn thấy là hình ảnh của sự vật có thật, dĩ nhiên, nằm trong không gian này, một không gian mang hơi hướng siêu thực đã biến cái hình thể người đàn ông thành một hình thể mang tính ẩn dụ nhiều hơn là sự khắc họa chân dung hiện thực. Tính ẩn dụ này tùy thuộc vào tiền văn bản có ở người xem, mỗi người sẽ có một câu chuyện, một điều để suy ngẫm thông qua hình ảnh người đàn ông lẻ loi ấy. Sau hiện thực được thấy bằng mắt, là một thứ hiện chưa được nhìn thấy, đó là hiện thực của nội tâm - vùng hiện thực rộng lớn hơn nhiều.

Bức tranh “Những người mót lúa” của Jean - Francois Millet (1857), Bảo tàng Orsay, Paris, Pháp


Suy cho cùng, tiếng nói của nghệ thuật hiện thực bắt đầu từ nỗ lực của người họa sĩ khi muốn lột tả được tiếng nói của tầng lớp lao động và sự tiến bộ của văn minh cũng như muốn phản biện lại những xu hướng bất công nảy sinh trong lòng xã hội. Bút pháp của nghệ thuật hiện thực có thay đổi theo thời gian nhưng mục đích cuối cùng của nó là lột tả được hiện thực khách quan, lột tả sự chân thực, ít có sự cường điệu và duy mỹ hóa như chủ nghĩa lãng mạn hay tân cổ điển. Bức tranh Những người mót lúa của Jean - Francois Millet, một bậc thầy của hội họa hiện thực thế giới phần nào đó chứng minh được cho những đặc điểm vừa nêu của nghệ thuật hiện thực.

Chúng ta không thể biết được một cách chính xác về tương lai của nghệ thuật, nhưng chúng ta có thể mường tượng về một bức tranh của tương lai nghệ thuật thông qua những tiền giả định trong mỗi chúng ta. Có thể rồi đây, những thử nghiệm của nghệ thuật đương đại sẽ được đẩy đến một cách cực đoan hơn nữa, cực đoan đến mức chúng sẽ tự hủy diệt chính mình rồi tái sinh bằng những hình thức khác. Thiết nghĩ, nghệ thuật hiện thực có thể thay đổi bút pháp so với dự tính ban đầu của những người tiên phong, nhưng bản chất của nghệ thuật hiện thực, trong nỗ lực khắc họa hiện thực cuộc sống con người sẽ không bị thay thế, bởi bao giờ cũng vậy, nghệ thuật khởi đi từ hiện thực và sẽ thuộc về hiện thực con người mà thôi.

Tác phẩm “Biển chiều” của Phạm Bình Chương


Nghệ thuật tạo hình đương đại Việt Nam, bên cạnh những người mang ý hướng cách tân và thể nghiệm mình với những trào lưu nghệ thuật mới như: Lê Quang Đỉnh, Jun Nguyen, Nguyễn Mạnh Hùng, Tiffany Chung, Danh Võ, Nguyễn Trinh Thi, Trần Lương, Hà Mạnh Thắng, Bùi Công Khánh… thì song hành tồn tại một lớp họa sĩ trẻ lựa chọn theo bút pháp hiện thực như: Lê Thế Anh, Nguyễn Văn Bảy, Phạm Bình Chương, Phạm Minh Đức, Mai Duy Minh, Nguyễn Đinh Duy Quyền, Nguyễn Lê Tân, Trịnh Minh Tiến, Nguyễn Văn Toán, Đoàn Văn Tới, Lê Cù Thuần, Lưu Tuyền, Trần Thức, Vũ Ngọc Vĩnh.

Mỗi một xu hướng có cách phát ngôn của riêng mình để biện minh cho sự ra đời, tồn tại và hứa hẹn những khám phá của mình, ích lợi của mình trong cuộc sống. Chúng ta không thể đem ra so sánh sự hơn thua giữa các đối tượng thuộc những trường phái không giống nhau. Giá trị nghệ thuật của họ khi đặt vào đúng vị trí để soi chiếu thì sẽ bộc lộ ra. Những họa sĩ lấy hiện thực làm căn nền, thông qua thời gian, bút pháp của họ có sự thay đổi nhưng cuộc sống hiện thực vẫn luôn tuôn chảy trong nguồn mạch của họ như chính những giá trị nghệ thuật mà họ đã dày công biểu đạt.

T.T.N
(TCSH369/11-2019)




 

Các bài mới
Xem tranh (03/01/2020)
Các bài đã đăng