HÀM NGHI (1871 - 1944), tên thật Nguyễn Phúc Ưng Lịch, là vị hoàng đế thứ tám của nhà Nguyễn, không chỉ nổi tiếng là một ông hoàng đế yêu nước (lịch sử Việt Nam xem ông cùng với các hoàng đế chống Pháp đó là Thành Thái, Duy Tân là ba vị hoàng đế yêu nước trong thời kỳ Pháp thuộc) mà còn được biết đến như một họa sĩ tài năng, một trong những người đi tiên phong của nền hội họa hiện đại Việt Nam.
Nhà sưu tập Gérard Chapuis - một người Pháp gốc Việt hiện đang sở hữu bức tranh “Chiều tà” của hoàng đế Hàm Nghi (do ông mua được từ một cuộc đấu giá tại Pháp hồi tháng 11 năm 2010, vừa cho biết, ông đang hoàn thành một tập sách tài liệu về hoàng đế Hàm Nghi và hoạt động nghệ thuật. Theo kế hoạch, tác phẩm có thể ấn hành tại Việt Nam vào năm 2020. Dịp này, nhà sưu tập Gérard Chapuis có cuộc trò chuyện với chúng tôi.
Trần Trung Sáng (thực hiện)
* Xin ông có thể tiết lộ nội dung cơ bản về tập sách về hoàng đế Hàm Nghi mà ông đang thực hiện?
- Tập sách sẽ có nhan đề “Hàm Nghi: Hồi ức con đường El Biar” với nhiều hình ảnh minh họa rất phong phú, vì tôi không chấp nhận truyền bá thông tin một cách mù quáng, dù những thông tin ấy đến từ nguồn chính xác nhất; đó là niềm vui của người điền dã. Xin cho một thí dụ: Sau khi cập bến Alger, hoàng đế Hàm Nghi được dẫn độ đến khách sạn La régence và ở đó 10 ngày trước khi được đưa về biệt thự Tùng Hiên/Villa des pins. Nếu như chấp nhận sự thật nầy như lời kinh thánh thì nhiều thế hệ sau tôi chỉ dẫn dắt chừng ấy thông tin. Theo tôi, thì chưa hẳn là đủ... Người Pháp tàn bạo và cho hoàng đế Hàm Nghi vào khách sạn một sao tồi tệ nhất ư? Thời đó, khách sạn La régence được dành cho ai và nếu là cho khách du lịch thì những khách đó ở đẳng cấp nào? Những khách đình đám của khách sạn trước và sau đó là ai? Những dịch vụ của khách sạn là gì? Giá tiền phòng bao nhiêu? Tiện nghi, trang trí phòng ra sao? Dầu căng thẳng đến đâu, Hàm Nghi cũng đã từng lướt nhìn qua cửa sổ và đã mục sở thị những cảnh quan nào trước khách sạn? Dân bản xứ mặc trang phục gì? Có những phương tiện di chuyển nào?
Đây là chưa nói đế n những thông tin mà độc giả Việt Nam chưa từng tiếp cận như vào nă m nà o hoàng đế Hàm Nghi đã trốn thoát khỏi tầm kiể m soá t củ a người Pháp, với nguồ n kinh tế nào hoàng đế Hàm Nghi xây cất được biệt thự Gia Long? Công chú a Như Mai là gia chủ trẻ của Lâu đà i De Losse? vv và vv.
* Theo ông, sự kiện đấu giá bức tranh “Chiều tà” mà ông đã thực hiện thành công vào năm 2010 có mang ý nghĩa nào quan trọng? Nó có khích lệ ra sao cho ông tiến hành thực hiện tập sách lần này?
Ý nghĩa quan trọng đầu tiên khi thương vụ thành công là làm sống lại ký ức một vị hoàng đế Việt Nam lưu đày biệt xứ. Hoàng đế Hàm Nghi qua đời vào ngày thứ sáu 14 tháng 1 năm 1944 và có thể ông sẽ chết mãi mãi, nếu ngày 24 tháng 11 tháng 11 năm 2010 không có một cuộc đấu giá về bức tranh “Chiều tà” đó. Theo truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, ngày 24 tháng 11 năm 2010 là cột mốc để biết khi nào mỹ thuật Việt èo uột đã thật sự chuyển mình để trở lại với công chúng như công chúa ngủ trong rừng sau cơn mê dài... Năm ấy ít người còn nhớ, giản dị là thời đó rất ít người sưu tập mỹ thuật Việt, một bức tranh được rao bán từ văn phòng Millon với cái tên mà bây giờ được coi rất gần gũi, thân thương là “Chiều tà”. Bức tranh nầy đã một thời làm dậy sóng trong giới am hiểu lịch sử không chuyên... vì đây là bức tranh khai sinh lần thứ hai Hàm Nghi - cựu hoàng lưu vong. Nếu không có bức tranh “Chiều tà” đó thì hoàng đế Hàm Nghi có thể sẽ mãi mãi ở trong quên lãng và không được hồi sinh, nhắc tới ở Pháp và nước ngoài.
Điều thúc đẩy tôi ra tập sách là muốn đạt đến một công trình đồ sộ về Hàm Nghi, muốn tra hỏi quá khứ để tìm kiếm sự thật mà theo tôi, sự thật sẽ xuất hiện và là sở hữu của những ai đi tìm nó nhưng không thuộc về những người tuyên bố độc quyền nắm giữ nó.
* Theo thông tin báo chí, được biết, cô Amandine Dabat (một trong những hậu duệ của hoàng đế Hàm Nghi) cũng thực hiện một tập sách về những tác phẩm nghệ thuật của hoàng đế Hàm Nghi và cho ra mắt vào vài tháng sắp đến, ông có quan tâm điều này không? và nhận định ra sao?
- Năm 2010, khi đọc lại thông tin trên các báo, tôi hiểu được rằng cô Amandine Dabat thời đó đã có mặt ở trong cuộc đấu giá. Cô ấy là một sinh viên khoa mỹ thuật có lẽ đang học năm thứ ba. Nhờ cuộc đấu giá, cô đã đặt câu hỏi: “Tại sao tranh của cựu hoàng Hàm Nghi trong gia đình cô đã được đấu giá lên cao đến như vậy?” Để rồi sau đó, trở thành nghiên cứu sinh, cô tìm một đề tài làm luận án, cô không chọn nghệ thuật tranh của các danh họa nào khác như Leonardo da Vinci, Pablo Picasso, Vincent van Gogh, Edouard Manet… mà cô đã chọn Hàm Nghi làm đề tài cho luận án của mình “Hàm Nghi (1871 - 1944) Empereur en exil, artiste à Alger/ Ông hoàng lưu vong, Nghệ sĩ tại Alger” dưới sự bảo trợ (patronnage) của bà Edith Parlier-Renault, Đại học Paris 4. Chính những sự kiện như vậy, đã góp phần thúc đẩy tôi nỗ lực dành thời gian thu thập lại thông tin tìm hiểu về một hoàng đế Hàm Nghi quá cố, nhất là giai đoạn hoàng đế bị đày qua Algérie.
Tôi rất quan tâm việc sách từ hậu duệ của Hàm Nghi ra mắt độc giả tháng 10 2019. Với tôi, việc nầy là chuỗi dài nối tiếp sự xuất hiện tranh Hàm Nghi vào tháng 11/2010 và sẽ đem lại thông tin hữu ích cho giới sử gia Việt Nam.
* Theo ông, để thực hiện luận án của mình, cô Amandine Dabat đã tiếp cận được những nguồn tư liệu nào? Ông đã từng tiếp xúc được nguồn tư liệu đó hay không?
- Tất nhiên là có. Những tư liệu tôi có có thể tìm được tự chính bản thân sưu tập là hai Carte de visite, một của cựu hoàng Hàm Nghi và một của Marcelle Laloe, có tiếp cận được thơ từ Pierre LOUYS, một nhà văn đã từng giới thiệu cựu hoàng Hàm Nghi với bà Judith Gautier. Bà Judith Gautier cả đời viết về người Nhật, người Trung Quốc và cũng rất yêu Việt Nam nhưng chưa từn g rời Pháp ra nước ngoài. Bà đã giải bài tình yêu đó với những lời lẽ như sau:
- “Vâng, thiếp cảm mộ Á châu với tình yêu chân thành và thống thiết, không chỉ dưới khía cạnh thi vị ca; một tình yêu hàm chứa đầy nỗi thương đau, tức giận và sự hối tiếc cho một quê hương đã mất. Và giờ đây, tình yêu ấy được gởi trọn cho chàng. Dưới ánh mắt thiếp, chàng là vì sao và là loài hoa tích tụ muôn ngàn ánh hào quang và tinh hoa hương trầm bát ngát của giang sơn mà thiếp đã hằng mơ tưởng.”
Bà chỉ vỏn vẹn một lần đi qua Algérie vào mùa hè năm 1914 để thăm hoàng đế Hàm Nghi, bà Laloe và ba người con của hoàng đế Hàm Nghi mà thôi. Nhưng lúc đó trong tim bà Judith Gautier, tình yêu của bà đối với quá khứ của cựu hoàng Hàm Nghi đã sâu đậm trong tâm hồn bà. Tình yêu đôi lứa khước từ bởi Hàm Nghi đã biến thành tình bạn tri kỷ với cựu hoàng.
* Ông có thể nói rõ hơn mối quan hệ của hoàng đế Hàm Nghi và bà Judith Gautier? Bà đó có ảnh hưởng ra sao trong hoạt động nghệ thuật của hoàng đế Hàm Nghi? Bà Judith Gautier có một số bài thơ nói về cảm tưởng của bà đối với cựu hoàng Hàm Nghi, ông có nhớ không?
JUDTH GAUTIER
Ngày 18/03/1913, khi Hàm Nghi đã được ba con, tình yêu đơn phương đã biến thành tình bạn tri kỷ, Judith GAUTIER gởi cho cựu hoàng bài thơ:
Đắm say trong hoan lạc
Sự tổn thương ơi, xin giùm tha!…
Vì đã khóc tháng dài ngày tận
Gói ghém trong khăn voan màu tím thương tang
Ở lòng người, tôi vùi kính nỗi vọng tuyệt. Diễm phúc thay!
Người thấy đấy, hạnh phúc hân hoan chào đón trong vòng tay
Tiên nữ giáng trần nắm lấy bàn tay
Bên nàng đời đổi chiều thay hướng
Với nàng tôi đã quay lưng với tương lai u hoài
Vì nàng dìu dắt tôi trên trần giới muôn sắc ngàn hoa.
Say men tình quên bẵng mối thù câm
Bất ngờ lòng tôi thốt sướng ca thiên điệp khúc!
Hờn căm dìm dưới ghền thác yêu thương
Tôi đã dâng linh hồn lúc trao vuốt đổi ve.
Dẫu trên chín tần mây mộng, than ôi! tôi vẫn thấy người
Với chiếc khăn voan màu tím thương tang,
Người ngước nhìn tôi với bờ mi đau xé
Đơn độc khóc khi châu tôi đã ngừng trôi...
Trong bài thơ nầy, bà Judith Gautier có sự am hiểu tường tận đáy lòng của hoàng đế Hàm Nghi... nhưng theo cảm nhận cá nhân, có gì đó báo với tôi vẫn còn một sự ghen hờn chôn dấu trong thi ca?
Những bài thơ đó được viết bằng tiếng Pháp. Muốn chuyể n qua tiếng Việt phải nắm được cái hồn, sự khắc khoải của bà Judith Gautier đối với hoàng đế Hàm Nghi mới chuyển được. Tôi xin giới thiệu mấy câu:
Lần đầu hạnh ngộ
Cơn đau vời vợi mà thiếp không gánh chịu
Cảnh ngộ người dầu chưa kiến diện ám ảnh giấc mơ
Sụp đổ trong tim trăm khối thép
Thập niên đọa đài biến ngàn cân giờ hội ngộ mong manh.
Trước ngự mạo thấu hiểu tội ác kẻ cường quyền
Thiếp cuồng khổ khi thành kẻ địch
Muôn ngàn tiếc thay! Những oán thù đã là cho thiếp
Dầu vật vã cảm thông chỉ xứng đáng với miệt khinh.
Quá khứ tương lai hiện ra lần một
Đấm chìm thiếp giữa bể oan cừu; nghị lực điêu tàn
Thiếp kêu la xin được cứu rỗi; vọng lên tiếng nói dịu hiền
Trấn an lòng người thiếu nữ; bàn tay ấy cứu vãn cuộc đắm thuyền
Ngài phán: “Khóc mà chi? Nên tìm quên lãng! Tất cả đều là vô nghĩa
Chỉ cần giữ cho linh hồn nghĩa khí vô tì vết”.
Qua nghĩa cữ diệu tuyệt ngài đã ân xá
Gỗ hương đốn hạ ngát hương lưỡi rìu.
Premiere vision
Le poids de tes douleurs dont je n’ai pas souffert
Lorsque sans t’avoir vu, ton sort hantait mes rêves,
S’écroule sur mon cœur comme des blocs de fer
Et dix ans de torture écrasent l’heure brève,
Devant toi je comprends:le crime des vainqueurs
Me fait ton ennemie et j’en porte la peine
Hélas! Hélas! Aussi pour moi tes rancœurs
Même en pleurant sur toi je n’ai droit qu’à la haine.
Tout le passé tout le présent, en une fois,
Me submergent de leurs flots amers; sans courage
C’est moi qui crie: à l’aide, et c’est ta douce voix
Qui m’apaise; ta main me sauve du naufrage.
Tu dis: “Pourquoi pleurer?... Oublions! Tout est vain
Hors de garder son âme et son honneur sans tache”.
Car il pardonne et semble en son geste divin
Le santal abattu parfume la hache.
Những bài thơ của Judith Gautier đã được dịch tiếng Việt là những tư liệu cực kỳ quý hiếm. Một tình yêu lạ lùng. Tôi có linh cảm như đám cưới của Cựu hoàng Hàm Nghi với bà Laloe là một tình yêu được sắp đặt và mà cuộc sống cựu hoàng Hàm Nghi với người vợ đã chứng tỏ điều tôi nhận định là đúng.
* Được biết, trong sưu tập của ông về hoàng đế Hàm Nghi, có một tờ báo Pháp viết về chuyện một nhà báo đã theo dõi sự cô đơn của cựu hoàng, đã chứng kiến chuyện cựu hoàng vẽ tranh Cung điện Versailles, sau đó có cuộc đối thoại với cựu hoàng. Ông có thể tóm tắt nội dung bài báo đó được không?
- Một nhà báo thấy cựu hoàng Hàm Nghi mặc áo dài khăn đóng khác lạ hơn những người đang viếng thăm Versailles. Anh ta lấy làm lạ bèn hỏi một trong những nhân viên của cung điện: “Người đó là ai vậy?” Người ta nói đó là ông hoàng An Nam. Nắm bắt được chuyện lạ, nhà báo rất kín đáo theo dõi ông hoàng An Nam và sau đó ông ta đi nhón gót theo cựu hoàng cho đến nơi cựu hoàng ở lại tại Hotel de France tại Versailles. Theo thông tin của nhà báo, hằng ngày cựu hoàng Hàm Nghi đến thăm cụ bà Wenck, cư dân tỉnh Versailles, bà ngoại của vợ sắp cưới của cựu hoàng. Như trên vừa nói cựu hoàng Hàm Nghi qua Pháp xin Tổng thống Pháp cho phép cưới vợ, nhân đó ông ra mắt gia đình bên ngoại của vợ cũng ở gần Versailles. Chúng ta có thể mường tượng rằng bà ngoại không đi tới dự đám cưới ở Algérie được, vì thế cựu hoàng đến để tự giới thiệu cũng tiện. Ông nhà báo đó đi theo hoàng đế Hàm Nghi và tới đó xin phép được diện kiến ngự mạo. Hoàng đế thoải mái và nói được, anh cứ tự nhiên. Người nhà báo đó hỏi rất nhiều câu, tôi đánh giá bài báo này là lần đầu tiên hoàng đế thổ lộ những điều sâu thẳm trong thâm tâm của ông. Tại vì tới bây giờ, tôi đọc - nhất là những người đã từng quen với hoàng đế Hàm Nghi viết lại - những gì hoàng đế Hàm Nghi suy nghĩ nhưng đó không phải là một bài phỏng vấn. Lần đầu tiên tôi được đọc một bài phỏng vấn, hoàng đế Hàm Nghi thổ lộ tâm tình của chính mình chính thức trên giấy trắng mực đen.
Ông nhà báo hỏi:
- “Dạ chào Ngài, Ngài sẽ cưới vợ người Annam ở Alger? là một người Công giáo? Ngài là một hoàng đế Việt Nam? Vậy Ngài có nghĩ sau này Ngài trở về đất nước của Ngài hay không?”
Hoàng đế Hàm Nghi trả lời:
- “Tôi rất muốn nhưng họ không cho phép!”
Người nhà báo đặt những câu hỏi trân trọng, kín đáo và thẳng thắn.
- “Nhưng mà Ngài là một vị quân vương trên ngôi đế thì Ngài cũng có quyền nhất định đối với mình chứ?”
Hoàng đế Hàm Nghi trả lời:
- “Đó là sự thật, tôi là đấng quân vương trong Hoàng gia, điều không thể chối cãi nhưng chính họ không thừa nhận điều đó.”
Qua đó tôi thấy tâm trạng của hoàng đế Hàm Nghi, nếu không có cuộc phỏng vấn sẽ không thấy được.
* Ông ấn tượng điều gì nhất về hoàng đế Hàm Nghi? Quan điểm giữa cô Amandine Dabat và ông có điều nào khác biệt không?
Tôi ấn tượng nhất về bản lĩnh cựu hoàng Hàm Nghi. Dù ông được đối đãi rất tử tế, ăn trên ngồi trước, ông vẫn thầm lặng đương đầu hoàn cảnh bị lưu đày của ông. Dù ông không được về Việt Nam, không được tiếp xúc với người Việt Nam, ông vẫn giữ văn hóa Việt Nam, là người Việt Nam với trang phục khăn đóng áo dài, từ lúc đến Alger cho đến cuối đời ngay cả trong ngày hạnh phúc cưới vợ và làm lễ trong nhà thờ. Khi nghe cô Amandine Dabat nói rằng cựu hoàng Hàm Nghi không có chính kiến thời gian ở Alger tôi không đồng tình. Tôi khẳng định rằng cựu hoàng Hàm Nghi nhớ tới Việt Nam một cách sâu sắc đặc biệt. Chúng ta không thể chối cãi được là áo dài và khăn đóng từ đầu cuộc lưu vong đến cuối đời là một cuộc kháng chiến thụ động. Mặc áo dài khăn đóng là đương đầu với người Bắc Phi, với người Pháp mặc Âu phục. Cựu hoàng Hàm Nghi yêu nước theo kiểu của ông, yêu nước trong hoàn cảnh bị lưu đày bó buộc. Đó là hình ảnh ấn tượng nhất đối với tôi.
* Được biết, mới đây, trong chuyến về Việt Nam, ông và nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân có cuộc gặp gỡ trao đổi tập sách về hoàng đế Hàm Nghi mà ông đang thực hiện. Câu chuyện giữa hai bên có tiến đến một sự hợp tác nào để ấn hành tác phẩm này không?
- Sau khi trình bài những gì tôi biết về hoàng đế Hàm Nghi, Nguyễn Đắc Xuân đồng tình, khuyến khích và chấp nhận viết lời mở cho tập sách.
* Sau này, cùng với việc ra mắt tập sách về hoàng đế Hàm Nghi, ông có dự đem bức tranh “Chiều tà” cũng những hiện vật quý hiếm mà ông đã sưu tập được về Việt Nam để công chúng chiêm ngưỡng hay không?
Cái chắc chắn là lòng mong muốn được đem bức tranh về cho người Việt Nam chiêm ngưỡng vẫn còn rất lớn trong lòng tôi. Giản dị rằng không có lý do gì mà người Việt Nam không được chiêm nghiệm lịch sử đẹp nhất, kiên trì nhất của đất Việt. Nhưng mà một lần nữa không bao giờ bức tranh đó rời khỏi tay tôi khi mà tôi không có tất cả những điều kiện chính xác nhất cho biết rằng bức tranh có thể trở về với tôi một cách an toàn nhất. Sau đó tất cả điều phải có văn bản, chỉ có lòng thành thật mới làm cho bức tranh đó trở về Việt Nam mà thôi.
TTS
(TCSH369/11-2019)
...........................................
(*) Chiều tà là dịch từ tên tiếng Pháp Le Déclin du Jour, còn có tên khác Chemin d’El Biar, Con đường ElBiar