NGÔ KIM-KHÔI
Năm 1934, Victor Tardieu thành lập Hội An-Nam Khuyến khích Mỹ thuật và Kỹ nghệ (Société Annamite d’Encouragement à l’Art et à l’Industrie, viết tắt là SADEAI), trực thuộc vào trường Mỹ thuật Đông Dương.
Như tên gọi, Hội lập ra nhằm mục đích quảng bá và phát triển mỹ thuật và kỹ nghệ tại Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung.
Hội tổ chức triển lãm hàng năm, gặt hái được nhiều thành quả mỹ mãn.
Pierre Gourou 1 đã viết những lời bình luận thú vị về trường Mỹ thuật Đông Dương như sau: “Hàng năm, Victor Tardieu đều tổ chức Salon. Đó là một sự kiện đáng kể trong cuộc sống của người Hà Nội. Victor Tardieu biết cách tạo ra một phong trào sống động chung quanh học trò của ông, biết hướng dẫn họ đến nghệ thuật trang trí, từ đó, cung cấp những khả năng và bổ sung cho họ nguồn năng lực sáng tạo mới2. (Pierre GOUROU, “Mỹ thuật tại Đông Dương”, Tạp chí France-Illustration , số 190, 1949, đặc biệt về Đông Dương).
Từ ngày 03/12 đến 31/12/1936, SADEAI khai mạc “Salon 1936” tại số 12 phố Tràng Thi (garage Bainier, phố Borgnis-Desbordes), Hà Nội, với những thành công rực rỡ của tranh lụa và sơn mài.
Đặc biệt, “Salon 1936” do kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện thiết kế dàn dựng, họa sĩ Lê Phổ phụ trách phần trang trí.
Trong dịp này, Nam Sơn triển lãm 4 bức tranh lụa, một trong những tranh ấy là “Thôn nữ Bắc kỳ” (Paysannes du Tonkin), 65 x 50 cm.
Xem lại những tài liệu trong “lưu trữ thuộc gia đình Nam Sơn”, chúng tôi tìm được một vài tấm ảnh chụp bức tranh nói trên, với lời phụ chú “Nguyễn Nam Sơn - Thôn nữ Bắc kỳ - Lụa - Salon SADEAI 1936”.
Toàn thể bức tranh chủ yếu là sắc màu xanh lá cây chuyển sang lam ngọc, mềm mại, đa dạng và trong trẻo, vẽ ba thôn nữ miền kinh Bắc.
Người đứng trước là nhân vật chính, nhỏ tuổi nhất, vai gánh buồng chuối được diễn tả một cách tinh tế. Gương mặt xinh xắn, tóc vấn như một chiếc vương miện cài trên đầu. Cô mặc chiếc áo cộc trắng, cổ áo để lộ ra mảnh yếm đào. Một chiếc quần dài màu đen được cột bằng dải lụa xanh. Một dây bùa trừ tà đeo ở cổ, như một điểm trang.
Đằng sau là hai phụ nữ lớn tuổi hơn. Đó là mùa đông, trời lạnh nên họ mặc áo tơi, buộc khăn mỏ quạ, tông xanh nhấn mạnh thêm vẻ lạnh giá của không gian. Cả ba đều có dáng vấp truyền thống tượng trưng và quen thuộc của người nông thôn miền Bắc Việt-Nam.
Sàn đấu giá nhà Aguttes, 26/3/2018, tại trung tâm đấu giá Drouot, Paris |
Tiền cảnh, phía dưới bên phải, các cụm tán lá nhỏ nhắn xinh xinh diễn tả với nhiều sắc xanh, có phong thái nghệ thuật trang trí (art-déco) mượn từ trường Mỹ Thuật Paris. Phía sau, một chiếc nón quai thao trình bày rất khéo léo, như một vầng trăng đêm rằm. Xa xa, ẩn hiện thấp thoáng các bóng cây, tạo sự cân bằng trong bố cục sáng tác.
Ở trên góc phải, chữ ký quốc ngữ “NGUYỄN NAM SƠN” và một con dấu lục giác. Phía dưới bên trái, lạc khoản tiếng Hán 臣 剑 湖阮 南山 筆意 , “ Thần Kiếm hồ Nguyễn Nam Sơn bút ý ”, dưới là một triện hình vuông. Với thời gian, hai dấu triện đã phai mờ, khó có thể đọc được .
“Thần” là một cách xưng hô khiêm cung, ở đây có nghĩa tự cho mình là “kẻ hèn”.
“Kiếm hồ”: Hồ Hoàn Kiếm, nghĩa là “Hà Nội” (Nơi có hồ Hoàn Kiếm danh tiếng).
Lạc khoản trên nên hiểu “Bức họa này do kẻ hèn ngụ bên hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) tên là Nguyễn Nam Sơn sáng tác”.
Bức tranh được trình bày trong chiếc khung nguyên thủy. Sau tranh là mộc của nhà sản xuất khung: “Tam Thọ Bồi Tranh - Bùi Ngọc Lưu - 58, phố Bắc Ninh (rue Maréchal Pétain), Hà Nội”. Nhà Tam Thọ nổi tiếng với việc đóng khung tranh và đặc biệt là phương pháp bồi tranh lụa theo kỹ thuật làm hồ dán cổ truyền. Nam Sơn có thói quen đặt khung ở đây và thậm chí còn gửi con gái lớn của mình đến học kỹ thuật bồi tranh danh tiếng ấy. Theo lời kể lại của bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm, con gái thứ ba của Nam Sơn, loại hồ dán đặt biệt này, trong khâu sản xuất, phải chôn một thời gian dưới đất rồi mới đem ra sử dụng.
Phố Bắc Ninh thời Pháp có tên Maréchal Pétain, sau này đổi tên đường Nguyễn Hữu Huân. Xưa lắm, phố Bắc Ninh còn có tên Bè Thượng, cùng các phố chung quanh như Hàng Tre, Hàng Muối, Bờ Sông…, là trung tâm buôn bán đồ gỗ. Nhà Tam Thọ mở cửa hàng sản xuất khung tranh ở đây cũng là điều bình thường và hữu lý.
Ngày 26/3/2018, bức tranh lụa “Thôn nữ Bắc kỳ” (Paysannes du Tonkin) của Nguyễn Nam Sơn đã có mặt tại sàn đấu giá nhà Aguttes, trung tâm đấu giá Drouot, Paris. Giá khởi điểm 35.000€ / 50.000€ (khoảng 1 đến 1,5 tỉ vnd). Giá gõ búa 205.000€ (gần 6 tỉ vnd).
Có cần nhắc lại hay không vai trò đồng sáng lập trường Mỹ Thuật Đông Dương của Nam Sơn với Victor Tardieu?
Phải dành một vị trí riêng biệt cho ông Nguyễn Nam Sơn, là cộng tác viên người An-Nam chính yếu của ông Tardieu. Những bức tranh màu nước hoặc những tranh vẽ trên enduit3 của ông đã tạo nên sự chú ý đặc biệt, vì những phẩm chất quý hiếm của tâm hồn và phong cách sáng tạo của nó4. (Tập san Đông Dương Kinh Tế Cục, tháng 3/1932, trang 115).
N.K.K
(TCSH369/11-2019)
..................................................
1. Pierre Gourou, 1900 - 1999, giáo sư tại Đông Dương. Ông đã viết nhiều tác phẩm về địa lý học như “L’Asie moins l’Asie Russe”, “L’Indochine française”, “Le Japon”, “Le Tibet”, “Le Tonkin”… Đáng kể nhất là “Les paysans du Delta tonkinois” (Nông dân đồng bằng Bắc bộ), là một nghiên cứu về địa lý và con người có giá trị rất lớn.
2. Victor Tardieu organisa un Salon annuel, qui était un événement de la vie hanïenne ; il sut créer un vif mouvement d’intérêt autour de ses élèves, il sut les orienter vers les arts décoratifs et, par conséquent, leur assurer des possibilités nouvelles d’intérêt et des ressources supplémentaires.
3. Chúng tôi không biết dịch chữ này như thế nào? Đó là những lớp đắp nổi trên toan, Nam Sơn dùng màu hay mực nho để vẽ lên. Lưu ý, đây là phong cách sáng tạo riêng biệt của Nam Sơn, sau này không thấy ai dùng nữa.
4. Il faut faire une place à part à M. Nguyen Nam Son qui fut le principal collaborateur annamite de M. Tardieu. Ses peintures à l’eau ou sur enduit se font remarquer par de rares qualités d’esprit et de facture.