Giá sách Sông Hương
40 năm thành lập TC Sông Hương
Trang thơ Nguyễn Đông Nhật
15:55 | 10/06/2023

Nhà thơ Nguyễn Đông Nhật đã sống xa Huế tròn 40 năm. Trong những kỷ niệm đẹp của mình, anh nhớ hồi đó, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm - Tổng Biên tập Sông Hương - ghé đến anh (ở Thư viện, 20 Lê Lợi) đọc thơ và chọn bài “Khu nhà số 20” để in trong số đầu tiên.

Trang thơ Nguyễn Đông Nhật
Nhà thơ Nguyễn Đông Nhật - Ảnh: vansudia.net

Nhưng lúc đó với tâm trạng đang buồn nên anh đã cảm ơn và muốn giữ lại cho riêng mình. Bài thơ “Tạm biệt Huế” được sáng tác vào tháng 3/1983, cũng đã 40 năm.
Nhân dịp số tạp chí kỷ niệm 40 năm, Sông Hương giới thiệu hai bài thơ của nhà thơ Nguyễn Đông Nhật.
                        Sông Hương



NGUYỄN ĐÔNG NHẬT

Khu nhà số hai mươi

Cuộc sống đã dành cho chúng tôi căn phòng này
một khung cửa bên vòm long não
màu lá xanh sẫm dưới bụi mờ…

 đêm tôi mở cửa ra đường
nghe tiếng thì thầm trong hàng cây
tưởng tới những người đã khuất
những mặt đất những cánh rừng những năm tháng đi qua
cứ mất hút dần cứ sinh sôi như kỷ niệm.
Chúng tôi sống
với niềm vui với nỗi khổ tâm không che giấu
không trưng ra màu phấn son, đánh bóng sự thật
 những ảnh hình của ngày mai
không ngừng rung động lòng tôi
không ngừng bước theo ánh ngày vàng óng thanh âm
dưới bóng những nhịp cầu
những bàn tay đặt lên bờ bến mới.

Cuộc sống đã dành cho chúng tôi căn phòng này.
 nhiều nơi
cuộc sống còn chưa có chỗ trú.
Cho nên thấp thoáng sau màu xanh long lanh lá
những sân ga dọc ngang người tứ chiếng
những cánh đồng khô nứt, cơn lũ réo dưới trời xám đen
những lời nói ồn ào
những kẻ ngoảnh mặt
những lời nói ồn ào và những kẻ ngoảnh mặt
            giữa khi trong đêm cỗ máy còn rít lên
loang ra trên sàn vết dầu bẩn
những chuyến xe buýt chạy bằng than, băng qua trời mùa đông
những chiếc xe ngựa với điệu nhạc loong coong
             tiếng cười những đứa trẻ tròn hạt mít
những bàn tay im lặng
nghiêm trang đặt lên đòn bẩy mới
rọi xuống lòng tôi, thầm nói
không ở nơi nào cuộc sống chịu dừng chân.

Cuộc sống đã dành cho chúng tôi căn phòng bình dị này
nhiều lớp vôi bong đi
bày ra những màu sắc những hình thù kỳ dị.
Nơi ấy, chúng tôi sống và yêu nhau
Nơi dưới mái hiên xưa những cánh dơi trong ánh chiều chập choạng
nhắc đến hôm nay với bao điều cần nghĩ
về những đổi thay hằng ngày dưới bầu trời kia.
Và, mùi hương cùng sắc xanh hàng cây long não
còn soi chung bóng một nụ cười.

Những căn phòng những khung cửa mở
những cánh bay phát sáng dịu dàng.
                                                4/1980



Tạm biệt Huế

Hơn mười năm trước, bên dòng sông này
tôi nói với Huế lời tạm biệt.
Tạm biệt những ngôi nhà cửa đóng,
            những đời thuyền leo lét ánh đèn khuya.
Trời xám. Tiếng ca chìm thê thiết…
Giờ đây, cũng trước một dòng sông
tôi lại nói với Huế lời tạm biệt.
Tạm biệt, vì thấp thoáng sau hàng muối xanh
                     sông hay trong ánh chiều rực rỡ
những hồi quang của cuộc sống này
còn vẽ ánh thẳm xa lên bóng ngày sẽ tới;
tạm biệt,
 trong những viên đá đang kết thành
                        độ cứng của một nền móng mới
phẳng lặng mỗi đời người
đã thức dậy bài ca của gió.

Ôi thành phố của tuổi trẻ tôi
của những câu chuyện đẹp xưa và những mái vòm lượn cong
đang hiện lên, dịu dàng trong bóng tối.
Hiện lên trong ánh sáng của thời gian không mất
những người nông dân dầm thân trong gió bấc
tiếng chày vôi nghiêng một góc đêm dài;
những nhà thơ hát ca với cây đàn bất hạnh;
những gánh hàng rong cuối chợ đầu sông…
 họ là ai, tất cả
những người góp đời mình làm nên tiếng gió, tiếng mưa
những tên đất tên làng, những món ăn hay nét hoa văn mờ bụi…
Họ còn gửi lại nét cười trong một sáng trời vui
hay đôi mắt tối sầm trước điều bạo ngược.
Họ còn đó,
khuất sau màu lá rừng sâu thẳm
truyền đi những dấu hiệu không lời.
Những tín hiệu mà tôi tiếp nhận trong ngày trở về
những mặt người tháng Ba lấp lánh dòng sông hoa phượng.
Ôi thành phố của quãng đời long lanh tình yêu
của những tiếng động hôm qua và hôm nay nhịp đời khác
còn âm vang lời chuông chảy về khuất một nhánh sông
còn trải lòng ra trên chiếc áo đẫm mồ hôi sau ngày lao động
trong khu vườn thoảng mùi hương cổ kính
hay dưới mái tranh thấp thoáng buổi chiều cơn gió ngoại vi.

Huế ơi,
nơi em quê hương là con đường còn lắm mấp mô;
 chiếc cầu hình cánh cung treo trong gió biếc,
cái gạch nối vô cùng giữa hy vọng - hoài nghi;
 mặt đất đứng lên sau bao lần vấp ngã
 dẫn những bước đi dưới bóng trời xa.
Tôi không muốn làm kẻ che giấu lòng mình.
Cho nên, dù ngôi nhà thâm u dưới bóng cổ thành
hay đồi cát Vĩnh Dương nhìn ra biển sáng
tôi không tìm ra sự khác biệt.

 nét nhàn hạ người phụ nữ một triều đại đã qua
hay người phu xe còng lưng trên đỉnh dốc
 niềm tiếc thương vô ích vẻ đẹp đang tàn phai
hay những bài tụng ca huyên náo…
 tôi không thể yêu hết mọi người.

Đôi khi, nhớ một người bạn xa
những chiếc áo cũ và mới
nét buồn chiều thu nhạt trên vọng lâu
hội vật ngày xuân hay những mùa xuống đường rực lửa…
Đôi khi tôi đi dọc theo dòng sông
nghĩ đến chiếc ghế hỏng trong góc nhà và những trận bão
những mối tình sắp quên và những đứa con.
Thành phố mở rộng với núi đồi sau lưng và biển cả trước mặt
với vẻ đẹp muôn đời còn mãi.
Tôi là điểm lá li ti sẽ rụng xuống ven đường.
Huế ơi,
tôi nghĩ đến người như nghĩ về người con gái tôi yêu thương
với vẻ đẹp và những thói quen hằng ngày trong tôi tồn tại.

Trong bóng thẫm mềm mại của hồi ức
còn những dấu chân những con đường ngược gió dưới trời sao;
dãy hành lang dòng chữ chưa phai, một thời chống xâm lược…
Cho nên phải đâu chia tay là cách ngăn lòng
phải đâu chỉ còn chiếc ga tạm, giọt nước rơi không âm vang
 tấm vé tàu bỏ quên nơi túi áo.
Chia tay, tới những thời khắc khác
bầu bạn với niềm vui với nỗi khổ tâm.
Nhưng như đôi giày mới đã mang
bỗng trễ chuyến lên đường.

Trên sân ga
cánh quạt ngập ngừng trong gió sớm
 mùi lá bạc hà của ngày nắng êm.
Tạm biệt
Tạm biệt Huế.
                                    3/1983

(TCSH412/06-2023)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng