ĐOÀN MẠNH PHƯƠNG
Mới đó mà đã một hành trình 40 năm của một thương hiệu văn học mang tên Tạp chí Sông Hương. 40 năm của Sông Hương thì tôi có cơ duyên tròn 30 năm gắn bó cùng với những kỷ niệm in đậm những dấu ấn khó quên.
Tôi được in trên Sông Hương lần đầu tiên với chùm thơ 2 bài Lục bát chờ nhau, Chưa đặt tên trên số ra tháng 9 - 10/1993. Khi đó thông tin không được thuận lợi như bây giờ, nhà thơ Đoàn Thương Hải ở Huế (giờ anh đã đi xa hơn 20 năm rồi) lúc đó đã phô tô cả trang tạp chí gửi báo tin vui cho tôi. Khỏi phải nói lúc đó tôi mừng vui đến cỡ nào! Được in trên Sông Hương là cả một niềm mơ ước của các tác giả trẻ lúc đó. Và từ đấy như một cơ duyên, tôi luôn có thơ đăng đều trên Sông Hương và tôi luôn nhắc trong tâm mình là phải lựa chọn những tác phẩm thơ ưng ý nhất gửi tới Sông Hương.
Yêu Sông Hương lúc nào không biết nữa, và tình yêu ấy đã cho tôi mơ một lần được đặt chân tới Huế. Năm 1996, Sông Hương mở cuộc thi thơ. Như một tình cảm tự thân thôi thúc tôi đã viết bài thơ Tưởng tượng Huế bằng tình yêu chân thành của mình với Huế: Chưa một lần đặt chân tới Huế/ Mà Huế từng rót rượu vào tôi… Huế cổ xưa như tôi từng tưởng tượng/ Cắm trong lòng thương tím một hồn sông… Bài thơ Tưởng tượng Huế là bài thơ duy nhất tôi gửi dự thi. Và may mắn sao đã được vào chung khảo và qua vòng chung khảo để được là một trong những tác giả, tác phẩm được trao giải thưởng năm đó. Lần đầu tiên tôi đã được đến Huế, được cảm nhận Huế một cách hiện hữu nhất chính bằng một phần tiền giải thưởng thơ năm đó của mình.
Đến với Sông Hương tôi cảm nhận được sâu thẳm tình người từ những bậc văn nhân lớp cha chú, lớp đàn anh đi trước: nhà thơ Hồng Nhu, nhà thơ Nguyễn Quang Hà, nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch cùng những người bạn văn thân thương thời đó: Đoàn Thương Hải, Nhất Lâm, Ngàn Thương, Phương Xích Lô, Đỗ Văn Khoái… Các anh bây giờ người còn, người mất nhưng tôi không thể quên những ly rượu đêm bên dòng sông Hương và bữa cơm hến Huế do vợ chồng anh Ngàn Thương thiết đãi bạn thơ trẻ Hà Nội ngày đầu đến Huế: Tôi đã mơ bạn mời cơm hến Huế/ Mong một lần cay ứa mắt nhìn nhau/ Chân đặt bước lên kinh thành xưa cũ/ Mà ngợp chìm trong hồn Huế thẳm sâu…
Đầu những năm 2000, khi nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch đảm nhiệm Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và tôi được Tổng Biên tập Nguyễn Khắc Thạch giao cho làm chân đại diện cho tạp chí tại Hà Nội. Thời gian này, cộng tác viên của Sông Hương tại Hà Nội khá đông đảo và chúng tôi rất vui là những người bắc nhịp cầu để nhiều nhà thơ, nhà văn góp mặt trên chiếu văn sang trọng Sông Hương. Năm 2003, Sông Hương kỷ niệm 20 năm thành lập, nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch đã bàn với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và tôi phối hợp cộng tác cùng Ban Biên tập để biên soạn và tuyển chọn bộ tuyển tập Sông Hương bao gồm 4 cuốn: Thơ, Văn xuôi, Lý luận phê bình và Dòng chảy văn hóa để xuất bản và phát hành đúng dịp kỷ niệm 2 thập kỷ của Tạp chí Sông Hương. Bộ tuyển Sông Hương 20 năm đã trở thành một sự kiện văn hóa năm đó với những tên tuổi tham gia tác phẩm trong tuyển tập giúp cho độc giả càng yêu quý và trân trọng Sông Hương. Năm 2004, lần đầu tiên một Festival thơ Huế được tổ chức, anh em chúng tôi gồm Nguyễn Khắc Thạch, Nguyễn Trọng Tạo và tôi lại sáng kiến tuyển chọn và xuất bản tuyển thơ Dạ thưa xứ Huế và đi kèm theo tuyển thơ là bộ bưu ảnh Huế đẹp và thơ in thơ của 12 nhà thơ với 12 bài thơ hay về Huế. Bưu ảnh thơ lần đầu tiên xuất hiện tại một ngày hội thơ Huế đầy màu sắc lại thêm một lần khẳng định xứ Huế - xứ thơ.
Năm tháng trôi qua nhanh quá, những kỷ niệm với Sông Hương ngày ấy lại trở về lay động. Tôi vẫn luôn cộng tác với Sông Hương dù bận rộn và vị trí công tác đã qua vài thay đổi… tôi vẫn vẹn nguyên cảm nhận được cái tình nghĩa ấm áp ấy từ Ban Biên tập Sông Hương với những nhà thơ Tổng Biên tập tiếp nối các bậc đàn anh đi trước: nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc và giờ đây là nhà thơ Lê Vĩnh Thái… Các thành viên Ban Biên tập cũng đồng thời là những tác giả trẻ sáng giá trên văn đàn Việt Nam hôm nay: Nhà văn Nhụy Nguyên, nhà thơ Lê Tấn Quỳnh, nhà văn Lê Vũ Trường Giang…
Bốn thập kỷ Sông Hương đủ một hành trang sâu nặng những kỷ niệm khó quên.
Đ.M.P
(TCSH412/06-2023)