ĐỖ MINH ĐIỀN
Trong suốt chặng đường 40 năm (1983 -2023) kể từ khi ra đời, Tạp chí Sông Hương trở thành diễn đàn uy tín, góp phần truyền tải đến độc giả trong và ngoài tỉnh nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật giá trị; đồng thời, giới thiệu những nghiên cứu về các giá trị truyền thống văn hóa Huế.
Hiện nay, Tạp chí Sông Hương là một trong những xuất bản phẩm có mặt tại 16 thư viện lớn ở nước ngoài. Nhân dịp Kỷ niệm 40 năm thành lập Tạp chí, từ góc nhìn chuyên mục “Huế - dòng chảy văn hóa”, bài viết này lần lượt lược điểm đôi nét những đóng góp của Tạp chí đối với mảnh đất Thừa Thiên Huế sau đúng bốn thập kỷ hình thành và phát triển.
Sông Hương, 40 năm với “Huế - dòng chảy văn hóa”
Tham chiếu từ tuổi đời, Tạp chí Sông Hương có được cái vinh dự là “anh cả” của những tờ tạp chí ra đời ở Huế sau năm 1975. Tờ báo này thành lập trước tờ Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển (xuất bản tháng 6 năm 1991) và Tạp chí Huế Xưa và Nay (xuất bản năm 1992) của Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế gần 10 năm. Mang trên mình “danh vị của một tờ Tạp chí văn nghệ địa phương”, Tạp chí Sông Hương càng không phải là một tờ nghiên cứu lịch sử văn hóa chuyên sâu như một số tờ tạp chí khác, song từ rất sớm, các chuyên mục dành riêng cho vùng đất, con người xứ Huế, tuy nhỏ bé về dung lượng số trang, nhưng đây lại là nơi góp công rất lớn trong công cuộc giữ gìn bản sắc văn hóa Huế và đồng thời định hình rất nhiều tên tuổi vươn xa.
Tạp chí Sông Hương quy tụ đông đảo đội ngũ cộng tác viên trong và ngoài nước. Từ những số đầu, Tạp chí Sông Hương có sự góp mặt của một số tác giả tên tuổi trong giới sử học Việt Nam lúc bấy giờ, như cố Giáo sư Trần Quốc Vượng, Phan Ngọc, Trần Lâm Biền, Phạm Đức Dương, Vũ Ngọc Khánh, Từ Chi. Quan sát trong hơn 400 số báo của Sông Hương, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy đội ngũ cộng tác viên có sự nối tiếp liên tục qua nhiều lớp thế hệ khác nhau. Đầu tiên, đó là những tác giả sinh trưởng trước năm 1975, mà về sau trở thành những “cây đại thụ” của giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa Huế: Nguyễn Đắc Xuân, Hồ Tấn Phan, Nguyễn Xuân Hoa, Hồ Vĩnh, Trần Đình Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Phan Thuận An, Lê Nguyễn Lưu, Mai Khắc Ứng, Huỳnh Đình Kết, Phan Đăng (Phan Hứa Thuỵ), Nguyễn Hữu Thông,... Kể từ những năm 90 của thế kỷ XX trở đi, Tạp chí Sông Hương tiếp tục nhận được sự cộng tác của thế hệ các tác giả trưởng thành sau năm 1975, như Dương Phước Thu, Phan Thanh Hải, Trần Đức Anh Sơn, Nguyễn Phước Hải Trung, Phan Thuận Thảo, Võ Vinh Quang, Trương Trọng Bình, Trần Nguyễn Khánh Phong, Phạm Đăng Nhật Thái, Trần Văn Dũng…
Nằm ở vị trí trung độ của cả nước, mang đặc điểm tổng hợp các yếu tố địa lý của vùng lục địa hải đảo là núi đồi, châu thổ, biển; đồng thời, trong quá khứ, với vị trí trọng yếu, là địa bàn mang tính chiến lược, nên Huế luôn được lựa chọn để xây dựng trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa... Trong gần 7 thế kỷ, Huế là thủ phủ xứ Đàng Trong (1636 -1775), rồi kinh đô của hai triều đại Tây Sơn và vương triều nhà Nguyễn (1802 - 1945). Chính vì thế đã tạo tiền đề làm cho Huế có mật độ di sản dày đặc, nhiều loại hình phong phú. Ngày nay, Huế là Cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu... Nhằm phát huy lợi thế của địa phương, ngay từ khi mới thành lập, Sông Hương đã xác định tôn chỉ “từng bước giới thiệu truyền thống văn học nghệ thuật, những giá trị văn hóa của quê hương, thúc đẩy trách nhiệm giữ gìn và phát huy những giá trị đó trong tình hình mới”. Chính vì vậy, trong suốt bốn thập kỷ, Tạp chí Sông Hương đã và đang tiếp tục bám sát mục đích vốn có ban đầu của mình. Hầu hết những bài viết tâm huyết với văn hóa Huế được đăng tải trên chuyên mục “Huế -dòng chảy văn hóa” về sau đã được Ban Biên tập Tạp chí Sông Hương tuyển lựa và ấn hành trong hai tập sách: “Sông Hương - dòng chảy văn hóa (1983 - 2003)”, Nxb. Văn hóa Thông tin, 2003; và “Huế - dòng chảy văn hóa (2003 - 2013)”, Nxb. Thuận Hóa, 2013. Đây là hai ấn phẩm đánh dấu chặng đường 30 năm hình thành và phát triển của Tạp chí.
Tuyển tập “Sông Hương - dòng chảy văn hóa” xuất bản năm 2003 và Tuyển tập “Huế - dòng chảy văn hóa” xuất bản năm 2013 |
Căn cứ trên nội dung các bài viết đã được đăng tải trên Tạp chí Sông Hương, có thể thấy, trước thời điểm các tờ tạp chí chuyên ngành xuất hiện, thì Tạp chí Sông Hương được xem là kênh thông tin gần như là duy nhất tại Huế lúc đó có vai trò rất quan trọng trong việc giới thiệu hệ thống các di sản cung đình triều Nguyễn. Trước tiên là một số chuyên khảo của nhà nghiên cứu Phan Thuận An: “Nghệ thuật kiến trúc Ngọ Môn” (số 1, 1983), “Phu Văn Lâu một di tích văn hóa lịch sử” (số 14, 1985), “Minh Khiêm đường, một nhà hát độc đáo ở lăng Tự Đức” (số 1, 1993). Đó là những bài viết đã được đăng trước cả thời điểm quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO vinh danh.
Kể từ năm 1993 cho đến nay, Tạp chí Sông Hương tiếp tục chuyển tải rất nhiều bài nghiên cứu có giá trị. Trên phương diện nhận diện và đánh giá giá trị di sản văn hóa vật thể và hệ thống di sản tư liệu, phải kể đến các bài viết của tác giả Phan Thuận An, như: “Điện Long An một tuyệt tác kiến trúc ở Huế”, “Đàn Xã Tắc, đất của cả nước”, “Sách kim loại triều Nguyễn”, “Kỳ Đài Huế, một biểu tượng của cố đô”… Kế tiếp đó có “Những nét đơn giản có ích trong kiến trúc lăng Minh Mạng”, Mai Khắc Ứng; “Số phận của những khẩu thần công thời Nguyễn”, Hồ Vĩnh; “Chùa Phổ Quang”, Lê Nguyễn Lưu; “Mấy nhận xét về trang trí nội thất lăng Khải Định” của Trần Đức Anh Sơn; Điện Hòn Chén và các sắc phong triều Nguyễn”, Trần Thị Thanh; “Địa điểm Quốc Tử Giám Huế” của Huỳnh Đình Kết; “Tự Đức, Khiêm cung ký và lịch sử”, Phan Hứa Thuỵ; “Chùa Trúc Lâm với những pháp bảo vô giá”, Lê Nguyễn Lưu; “Kinh đô Bắc Kinh - Cố đô Huế tương đồng và dị biệt”, Phan Thanh Hải; “Những đàn tế ở Bắc Kinh và đàn Nam Giao ở Huế”, Phan Thanh Hải, “Gia Hội, khu phố cổ tuyệt vời”, Nguyễn Đắc Xuân; “Bình phong trong kiến trúc truyền thống Việt", Phan Thanh Hải, v.v.
Huế vốn nổi tiếng là xứ sở của thi ca và nhạc họa, nơi đây từ lâu đời là địa bàn hội tụ đầy đủ của nhiều loại hình di sản văn hóa cung đình - văn hóa dân gian độc đáo khác như: ẩm thực, Ca Huế, Ca kịch Huế, Tuồng, lễ hội, làng nghề thủ công truyền thống… thể hiện đời sống tinh thần của cư dân xứ Huế qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Với nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau, các bài viết được đăng trên chuyên mục “Huế - dòng chảy văn hóa” tiếp tục làm cầu nối truyền bá kho tàng tri thức văn hóa truyền thống quý báu đến với tất cả độc giả xa gần: “Chợ Gia Lạc trong ngày lễ xuân”, Tôn Thất Bình; “Vật võ Làng Sình”, Nguyễn Đắc Xuân; “Thực phổ bách thiên và 100 món ăn nấu theo lối Huế”, Nguyễn Xuân Hoa; “Lễ Nguyên đán ở Hoàng cung Huế”, “Từ yến tiệc Hoàng cung đến nét tinh tế trong món ăn Huế”, Phan Thuận An; “Ngày Tết nói chuyện chơi ở Huế”, Trần Đức Anh Sơn; “Giá trị của nhạc Cung đình Huế”, Trần Văn Khê; “Nghe hò nhớ Huế”, Võ Quang Yến; “Lên đồng ở Huế xưa”, Võ Hương An; “Ẩm thực nhà lam xứ Huế tiếp cận từ góc độ văn hóa", Tôn Nữ Khánh Trang; “Tìm hiểu tổ nghề Hát bội”, Phan Thuận Thảo; “Một nét đặc trưng của di sản văn hóa ẩm thực Huế - Gạo de An Cựu”, Hồ Vĩnh…
Kể từ năm 2013 đến nay, theo thống kê sơ lược, chúng ta có thể tạm thời dẫn ra dưới đây một số bài viết tiêu biểu sau: Trần Đình Ba “Ruộng tịch điền và vị vua khởi xướng dưới triều Nguyễn”; Trương Trọng Bình “Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của nghệ thuật diễn xướng cung đình Huế”; Trần Văn Dũng “Châu Hương Viên: Nơi lưu giữ ký ức văn hóa vùng đất đế đô”; Trần Văn Dũng “Di sản phủ đệ của các ông hoàng bà chúa thi sĩ”; Nguyễn Khoa Điềm “Thơ Miên Triện, 10 bài”; Đỗ Minh Điền “Mỹ Hòa hội - Hội Văn chương, Mỹ thuật và Thể thao đầu tiên tại Huế”; Trần Viết Điền “Về Tổ sư môn phái Võ ta Ngọc Trản”; Trần Viết Điền “Danh xưng Thuận Hóa Quảng Nam đẳng xứ”; Dương Bích Hà “Hơi nhạc Huế và hơi nhạc Tài tử”; Phạm Minh Hải “Ý nghĩa các biểu tượng “hóa” trong trang trí mỹ thuật thời Nguyễn (Nhân 150 năm ngày khai sinh hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường)”; Nguyễn Xuân Hoa “Huế đã từng có tờ báo Sông Hương như thế”; Nguyễn Xuân Hoa “Huế và những dấu ấn đầu tiên của nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam”; Nguyễn Thị Hòa “Một số họa sỹ hiện đại ở Huế đầu thế kỷ XX”; Võ Vinh Quang “Đôi điều suy nghĩ về giá trị di sản Hán Nôm Huế”; Võ Vinh Quang “Quốc phục - Áo dài ngũ thân truyền thống Việt Nam”; Võ Vinh Quang, Hồ Xuân Thiên, Hồ Xuân Diên “Họ Hồ làng Nguyệt Biều - Hương Cần và dấu ấn của Đức Xuyên tử Hồ Quang Đại với lịch sử xã hội xứ Thần Kinh”; Võ Vinh Quang “Chữ Lễ trong gia giáo Huế nhìn từ di chúc Trị mạng thị nhi từ của Hiệp tá Hồng Khẳng”; Thơm Quang “200 năm trường thi Thừa Thiên”; Phan Thuận Thảo “Một số biến đổi của Ca Huế trong thế kỷ XX qua câu chuyện về bài Tương tư khúc”; Nguyễn Lãm Thắng “Một số đặc điểm của văn bia đình làng Thừa Thiên Huế”; Dương Phước Thu “Về ngày thành lập Tạp chí Sông Hương”; Nguyễn Phước Hải Trung “Chơi chữ, một giá trị đỉnh cao trong thơ trên kiến trúc cung đình Huế”; Nguyễn Phước Hải Trung “Loại thể trong thơ trên kiến trúc cung đình Huế”…
Nội dung của những nghiên cứu này được đầu tư khá tốt về nguồn tư liệu, đã góp phần xác định về lịch sử hình thành và phát triển của các công trình kiến trúc, công tác bảo tồn di sản, làng nghề, giới thiệu danh nhân văn hóa, văn hóa tộc người, góc nhìn văn hóa, du lịch, những gương mặt tiêu biểu của văn hóa xứ Huế, từ đó tìm ra giải pháp phù hợp để quy hoạch, bảo tồn và quan trọng hơn hết là gắn kết di sản với phát triển kinh tế cho người dân địa phương trong định hướng phát triển chung của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đồng thời, chuyển tải một khối lượng lớn những bài viết mang hơi thở của văn hóa đương đại, văn hóa truyền thống, phản ánh đa dạng các sắc màu văn hóa của đất và người xứ Huế tiếp nối từ truyền thống đến hiện đại, từ miền núi đến trung du, đồng bằng và miền biển, thể hiện mối liên hệ gắn kết giữa Thừa Thiên Huế với các tỉnh, thành trong khu vực miền Trung.
Có thể nói, trong 40 năm qua, chuyên mục “Huế - dòng chảy văn hóa” của Tạp chí Sông Hương đã mang đến cho người đọc rất nhiều khảo cứu có giá trị học thuật, từ những vấn đề lịch sử, đến kiến trúc kinh đô Huế, con người Huế, âm nhạc, ẩm thực, văn hóa làng xã…, góp phần không nhỏ trong việc định vị giá trị di sản văn hóa Huế, làm chuyển biến sâu sắc đến sự phát triển kinh tế, xã hội, tạo ra thế và lực trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cùng với truyền thống lịch sử văn hóa, là tiền đề để Thừa Thiên Huế tiếp tục ổn định và phát triển trong xu thế hội nhập với thế giới.
Kết từ
Bốn thập kỷ không phải là quãng thời gian quá dài so với sự tồn tại của một tờ tạp chí, nhưng cũng vừa đủ để Tạp chí Sông Hương khẳng định vai trò, vị trí của mình trong việc góp sức bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. 40 năm xây dựng và trưởng thành, những thành quả của Tạp chí Sông Hương có được hôm nay là kết quả của sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của cơ quan chủ quản, sự hỗ trợ giúp đỡ của rất nhiều tổ chức, cá nhân, đội ngũ cộng tác viên, đặc biệt là tâm huyết, tình cảm và cả những nỗi lo toan, trăn trở của các thế hệ lãnh đạo, Ban Biên tập Tạp chí Sông Hương qua các thời kỳ.
Tạp chí Sông Hương song hành với tất cả các giai đoạn lịch sử của địa phương, cũng như bối cảnh về chính trị, kinh tế, xã hội của cả nước. Từ những năm đầu thành lập, tuy phải đối mặt nhiều khó khăn, nhưng Tạp chí Sông Hương đã nhanh chóng cùng hệ thống báo chí Việt Nam thực hiện tốt vai trò tiên phong trên mặt trận văn hóa, tư tưởng.
Sau ngày đất nước đổi mới, Tạp chí Sông Hương dần khẳng định được vai trò, uy tín của mình trong sự nghiệp xây dựng văn hóa của tỉnh nhà. 40 năm qua, Tạp chí trở thành diễn đàn uy tín truyền bá kho tàng tri thức văn hóa truyền thống quý báu của quê hương, phản ánh kịp thời, đa diện đời sống văn hóa, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đặc biệt, Tạp chí còn là nơi quy tụ, tập hợp đội ngũ những nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, văn học nghệ thuật trong và ngoài tỉnh… Và hiện nay, Tạp chí Sông Hương vẫn liên tục đổi mới cả hình thức lẫn nội dung, chung tay phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Huế trong sự phát triển của Thừa Thiên Huế, nhằm “xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô”, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 54-NQTW, ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị.
Đ.M.Đ
(TCSH49SDB/06-2023)