PHAN TUẤN ANH
Chảy đi sông ơi
Băn khoăn làm gì?
Rồi sông đãi hết
Anh hùng còn chi?…
[Chảy đi sông ơi - Nguyễn Huy Thiệp]
Tôi bắt đầu cuộc kiểm thảo văn học về thể loại truyện ngắn bởi một công việc trường quy, trong quá trình kiếm tìm tư liệu, điều làm tôi ngạc nhiên là có một tờ tạp chí văn học nghệ thuật ở địa phương lại có thể quy tụ hầu hết các tên tuổi truyện ngắn từ thời kỳ Đổi mới (1986) đến nay, trong đó, có nhiều truyện ngắn đã đăng tải xứng đáng là thành tựu quan trọng và tiêu biểu của tiến trình phát triển của truyện ngắn Việt Nam đương đại. Tạp chí Sông Hương (tôi viết tắt là Sông Hương) là cơ quan ngôn luận của Liên Hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế, là địa chỉ quen thuộc và uy tín dành cho những văn nghệ sĩ trên toàn quốc công bố các tác phẩm xuất sắc của mình. Tôi xin nhấn mạnh dù Sông Hương là tạp chí của một địa phương, song phạm vi tác giả gửi bài cộng tác không chỉ gói gọn ở những văn nghệ sĩ trong tỉnh Thừa Thiên Huế, mà sớm thu hút được sự tham gia cộng tác của những nhà văn lớn hoặc mới nổi trên văn đàn toàn quốc. Mặc dù cũng cần thừa nhận rằng, ngoài Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, thì hiếm có một địa phương nào lại quy tụ đội ngũ văn nghệ sĩ hùng hậu, đa dạng trong bút pháp, liên tục ý thức đổi mới chính mình như ở Huế. Uy tín của Sông Hương khiến tầm vóc và tầm ảnh hưởng trên văn đàn của tờ tạp chí này tương đương những tờ tạp chí, báo văn nghệ của các hội trung ương. Thậm chí, ở một vài phương diện nào đó, sẽ không quá khi nhận định rằng Sông Hương là tờ báo văn nghệ có tính tiên phong ở Việt Nam. Bởi vì, Sông Hương luôn là tạp chí văn nghệ có lối biên tập cởi mở, dân chủ, Ban Biên tập là những người chấp nhận những “cái mới”, “cái khác”, không có cơ chế quen biết, xin - cho trong việc xét duyệt và đăng bài ở tạp chí này. Hơn 40 năm qua, Sông Hương luôn là (một trong những địa chỉ) đầu tiên mà các văn nghệ sĩ nghĩ đến, khi gửi công bố những sáng tạo cách tân, khai phóng, có tính thể nghiệm và khai phóng của họ. Đằng sau những thành tựu và ánh vinh quang đó, là những “sóng gió hậu trường” trong cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, thói quen và thể nghiệm, cách tân và lối mòn. Điều Sông Hương làm được, đó là trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, với nhiều nhiệm kỳ với những Tổng Biên tập có cá tính, quan điểm sáng tạo rất khác nhau, tạp chí này vẫn giữ được bản sắc và nguyên tắc trong thẩm định tác phẩm, đó là chấp nhận và ủng hộ cái mới.
Cũng chính nhờ đặc trưng cốt lõi đã tạo nên uy tín cho Sông Hương trên văn đàn cả nước, có thể nói trên địa hạt truyện ngắn, đã có một dòng chảy xuyên suốt, liền mạch gần nửa thế kỷ qua. Tôi đọc lại những tư liệu có trong tay, thấy rằng thượng nguồn của dòng chảy truyện ngắn trên Sông Hương bắt đầu từ những năm thập niên 80 thế kỷ XX (1983), kéo dài liền mạch cho đến thời điểm hiện tại (2023). Dẫu có nhiều thăng trầm, có khi lở khi bồi, nhưng dòng chảy truyện ngắn trên Sông Hương vẫn luôn liền mạch, được kề vai tiếp sức bởi nhiều thế hệ nhà văn, và quan trọng hơn, vẫn luôn thu hút được sự tham dự từ những cây bút quan trọng nhất của nền văn chương nước nhà.
Giai đoạn 1983 - 2013 chứng kiến sự xuất hiện của những cây đa, cây đề trong làng truyện ngắn nước nhà như: Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Lê Minh Khuê, Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh, Nguyễn Quang Lập, Ma Văn Kháng, Nguyễn Việt Hà, Ngô Tự Lập, Đỗ Kim Cuông, Trúc Phương, Hồ Anh Thái, Nhật Chiêu, Dạ Ngân, Quế Hương… Những tác giả nói trên đã làm nên tên tuổi của nền văn học Việt Nam giai đoạn Đổi mới, chỉ riêng sự xuất hiện của họ đã làm nên uy tín, sự đảm bảo chất lượng cho một dòng chảy truyện ngắn trên Sông Hương. Dĩ nhiên, giai đoạn này không thể không kể đến những cây bút có quê hương/sinh sống ở Huế, hoặc từng công tác trực tiếp tại Sông Hương như: Thái Ngọc San, Tô Nhuận Vỹ, Tô Vĩnh Hà, Phạm Xuân Phụng, Nguyễn Quang Hà, Nhất Lâm, Nguyên Quân, Nguyễn Khắc Phê, Hồng Nhu, Trần Thùy Mai, Bạch Lê Quang, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Lê Vũ Trường Giang, Nhụy Nguyên, Việt Hùng, Trần Hạ Tháp, Lê Minh Phong, Võ Thị Xuân Hà… Đa số những nhà văn sinh/sống/viết ở Huế này đã tạo dựng được tên tuổi trên toàn quốc, với một quan niệm nghệ thuật và phong cách riêng, đặc sắc.
Giai đoạn 2014 - 2023 chứng kiến sự trình làng một thế hệ cầm bút mới thâm canh thể loại truyện ngắn (Nguyệt Chu, Lê Vũ Trường Giang, Lê Minh Phong, Đinh Phương, Bảo Thương, Lữ Mai…), bên cạnh những người đã thành danh (Lê Anh Hoài, Đỗ Tiến Thụy, Phạm Duy Nghĩa, Sương Nguyệt Minh…) trên Sông Hương. Như vậy, có thể nhận định rằng, trải qua hơn 40 năm lịch sử, khởi nguồn từ trước thời điểm Đổi mới kéo dài cho đến thời điểm hiện tại, song truyện ngắn trên Sông Hương vẫn giữ được dòng chảy thao thiết, đầy ắp tính nhân văn cũng như lấp lánh ý thức cách tân, chủ động hợp lưu với những trào lưu văn chương đương đại thế giới như chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, chủ nghĩa hậu hiện đại, văn học sinh thái, văn học nữ quyền… Nhìn nhận lại hai giai đoạn truyện ngắn Sông Hương, bao gồm 30 năm từ 1983 đến 2013 và 10 năm từ 2013 đến 2023, tôi nhận thấy có một số đặc trưng nghệ thuật riêng của từng giai đoạn, sự khác biệt giữa đặc trưng nghệ thuật hai thời kì này cũng báo hiệu cho sự chuyển hướng tư duy nghệ thuật của nhà văn Việt Nam đương đại.
1. Chiến tranh và hiện thực hậu chiến -mối quan tâm của văn học hiện đại
Hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước gần như để lại một vết lằn trong tâm thức sáng tạo của nhà văn Việt Nam cuối thế kỷ XX, vắt sang những năm đầu tiên của thế kỷ XXI. Dẫu đau đớn, bi kịch, hay tự hào, ngợi ca, thì có thể nói, hai cuộc kháng chiến trường kỳ vĩ đại đã sản sinh ra một thế hệ cầm bút mới, họ sống, viết, trưởng thành, hoài niệm và cả hy sinh trong chiến tranh. Chiến tranh luôn là chủ đề trung tâm, mối quan tâm thường trực, là không gian và thời gian nghệ thuật cơ bản trong những sáng tác của họ. Chúng ta có thể kể đến Tô Nhuận Vỹ, Hà Khánh Linh, Nguyễn Quang Hà, Bảo Ninh, Ma Văn Kháng… Điểm thú vị trong hành trình truyện ngắn 40 năm trên Sông Hương, đó là người đọc có thể hình dung ra quá trình trưởng thành trong cách phản ánh, nghiền ngẫm về hiện thực chiến tranh, từ chỗ miêu tả thời sự đến việc chiêm nghiệm, phân tích những bi kịch hậu chiến. Cũng qua hành trình truyện ngắn 40 năm của Sông Hương, người đọc có điều kiện nhận ra sự “vỡ giọng” thành công của rất nhiều cây bút văn xuôi gạo cội, ở những tác phẩm đầu tay khởi nghiệp của họ. Trong giai đoạn 30 năm từ 1983 đến 2013, chiến tranh là hiện thực lớn lao cần phản ánh trực tiếp và có tính thời sự, âm hưởng sử thi vẫn còn bao trùm.
Các đời TBT Tạp chí Sông Hương qua 40 năm |
Tiêu biểu là Tiếng nói mặt đất của Tô Nhuận Vỹ. Truyện ngắn này của Tô Nhuận Vỹ được viết vào tháng 12 năm 1972, khi ông đang là học viên của lớp Bồi dưỡng khóa 5 của Hội Nhà văn Việt Nam. Những học viên ưu tú của khóa 5 khi ấy là thành viên chủ yếu của Tổ phóng viên xung kích chi viện cho báo Hà Nội Mới. Truyện Tiếng nói mặt đất chính là bản tường trình một cách trực tiếp và thời sự về những năm tháng oai hùng quân dân Thủ đô ta chiến đấu chống máy bay B52 của Mỹ. Truyện được đăng trên Tạp chí Sông Hương vào tháng 9 năm 1984 - tờ tạp chí mà sau này chính Tô Nhuận Vỹ trở thành Tổng Biên tập và góp phần quan trọng trong việc xây dựng nên lịch sử cho tờ báo. Hiện thực chiến tranh trong Tiếng nói mặt đất được viết với lối hành văn đơn giản, trực tiếp và gãy gọn như các tường thuật gấp gáp từ chiến trường. Dẫu tính thời sự được đề cao, song trong truyện ngắn này Tô Nhuận Vỹ cũng đã miêu tả “thân phận của tình yêu” của con người trong thời chiến. Đó là thứ tình yêu đặc biệt, đầy khắc khoải, hy sinh và đợi chờ của những người đàn ông và những người đàn bà đời thường, không tên, sống và chết một cách giản dị, lặng lẽ song đã viết nên khuôn mặt hiện đại của dân tộc này. Nét lãng mạn, trữ tình trong bút pháp của Tô Nhuận Vỹ, qua hình tượng những con thiên nga trong chiến tranh cũng được thể hiện, nó báo hiệu một phong cách sáng tạo ổn định của ông sau này.
Truyện ngắn Chuyện tâm tình bên sông của Nguyễn Khắc Phê - một vị Tổng Biên tập đầy nhân ái, chân thành của Sông Hương cũng gợi ra cho chúng ta nhiều quan sát thú vị khác. Truyện ngắn này đăng trên Sông Hương vào tháng 4 năm 1999, và đó chính là tác phẩm đầu tay của một nhà văn với sự nghiệp văn xuôi đồ sộ, với đỉnh cao là Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Chuyện tâm tình bên sông không trực tiếp miêu tả chiến tranh, mà kể về đời sống thường nhật trong giai đoạn Hợp tác xã ở miền Bắc. Truyện ngắn kể về tình yêu “đơn phương” của cô gái tên Hoan, với chàng trai tên Bồng từ miền Nam ra lập nghiệp. Bồng quê ở Trà Kiệu, năm 1953, theo chỉ đạo của chi bộ, sau khi dìm chết một tên lý trưởng gian ác trên sông, buộc anh phải thoát ly ra Bắc để tiếp tục sự nghiệp cách mạng kháng chiến. Những năm tháng dài sống ở miền Bắc, người con trai cách mạng phải đè nén tình cảm riêng tư với cô Hoan, để giữ vững phẩm giá cũng như để giữ trọn lời thề với người vợ tên Lâm ở quê nhà. Mới cưới nhau tròn 12 ngày thì Bồng đi tập kết. Đó không phải là số phận của riêng ai, mà làsố phận chung của cả một thế hệ giữa hoàn cảnh chiến tranh, phân ly Bắc - Nam đầy khắc nghiệt. Không hiếm người như Long, lừa dối tổ chức để lấy lại vợ mới ở miền Bắc, song cũng không phải không có người như Bồng, giữ trọn khí tiết và tình riêng. Cuối cùng, dẫu vẫn có rung động, song nhân vật Bồng y hệt tính cách của tác giả - chung thủy trong hôn nhân, đã dùng lý trí để chiến thắng bản năng và cảm xúc đời thường. Tôi vẫn luôn cho rằng, Nguyễn Khắc Phê là một người chân thành/ thật trong cả đời thường lẫn trang văn. Ông luôn sống như khi ông viết. Và tôi cũng tin, nếu có một người đàn ông cuối cùng trên trái đất này không phản bội vợ mình, thì đó sẽ là Nguyễn Khắc Phê.
Khai thác chủ đề cuộc sống hậu chiến trong giai đoạn 30 năm đầu, ta đã có thể gặp gỡ nhiều truyện ngắn hay trên Sông Hương, với sự góp mặt của rất nhiều những cây đại thụ truyện ngắn của văn học Việt Nam Đổi mới. Thái Ngọc San trong truyện ngắn Gã kéo chuông nhà thờ kể về cuộc đời bi kịch của một người lính miền Nam sau khi giải ngũ. Viết về cuộc đời của những người ở bên kia chiến tuyến, vào thời điểm tháng 2 năm 1983 là một sự dấn thân dũng cảm trong ngòi bút sáng tạo. Truyện ngắn này lại viết về bối cảnh đời sống người dân theo Công giáo, với không gian Nhà thờ và những nhân vật ngoan đạo, Cha cố, một đề tài gần như cấm kỵ và nhạy cảm vào năm 1983. Chúng ta cũng cần biết về Thái Ngọc San - nguyên Thư ký Toà soạn Tạp chí Sông Hương, là một trong những người đầu tiên xuống đường trong những phong trào sinh viên, thanh niên đô thị tranh đấu ở miền Nam. Ở một vị thế và tâm thế như vậy, mà Thái Ngọc San vẫn quyết định thử bút vào Gã kéo chuông nhà thờ, đó là điểm sáng tạo đáng ghi nhận. Sông Hương cũng luôn là địa chỉ chấp nhận những sáng tạo mới mẻ, dấn thân đó ngay từ khi mới ra đời trên làng báo Việt Nam. Nguyễn Việt Hà trong truyện ngắn Rửa tội đăng trên Sông Hương tháng 1 năm 2000 cũng phác thảo cho chúng ta hiểu hơn về đời sống bà con Công giáo. Cuộc sống thời Đổi mới với những chuyện đời tư thị phi, sự đổ vỡ của những đại tự sự, khiến mọi tín điều đều bị đổ vỡ và bị tương đối hóa. Nguyễn Việt Hà khác Thái Ngọc San ở chỗ ông là một con chiên tín đồ Công giáo đích thực. Song cái nhìn phê phán, đời thường hóa các đại tự sự thì Nguyễn Việt Hà còn khai thác quyết liệt hơn Thái Ngọc San. Về tổng thể mà nói, tôi luôn đánh giá Nguyễn Việt Hà là tài năng lớn bậc nhất, có những kỹ thuật cách tân và cảm quan hậu hiện đại rõ nhất trong làng văn xuôi Việt gần 40 năm qua.
Nguyễn Quang Lập với truyện ngắn Đợi đến mùa hoa phượng lại kể về những thân phận thầy cô giáo ở trên những rẻo cao đầy cô đơn, bi kịch. Cô Mị trót một đời yêu thầm đơn phương anh bộ đội thuở thiếu thời, trong khi ấy, cô giáo Diệp của chị lại có quan hệ thân xác với chính anh bộ đội ấy. Thế là Mị đau khổ suốt một đời và có một quãng bỏ học vì không thể đối diện với cô Diệp. Hình tượng người bộ đội trong chiến tranh hiện ra thật đẹp, cao cả và anh dũng, đầy chất hy sinh bi tráng đối với những cô gái trẻ mới dậy thì. Hà Khánh Linh trong truyện ngắn đặc sắc Vĩ thanh màu hồng phấn lại đưa bạn đọc quay lại không gian lịch sử tại Huế vào tháng Giêng năm 1968 lịch sử. Vĩnh Tuấn và Ngọc Mai là những người Huế đứng ở phía bên kia chiến tuyến so với cách mạng. Song đứng trước thực tiễn lớn lao, sự thấu hiểu và cao cả của những người chỉ huy cách mạng, cả hai đã có cảm tình lớn và đưa tin cổ động cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Một phần lịch sử quan trọng trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước đã được Hà Khánh Linh xới xáo lại đầy dũng cảm, khách quan và đầy tính nghệ thuật. Những trắc trở, éo le trong tình yêu của Vĩnh Tuấn (vợ Ngọc Mai phản bội anh trong một mối tình loạn luân với Tân - em con cô ruột; trong khi đó Vĩnh Tuấn sau này lại phải lòng một cô gái bia ôm là Giáng Tiên, song Giáng Tiên lại là con của vợ cũ Ngọc Mai với Tân) thực chất là những ẩn dụ về những hy sinh, mất mát, nhầm lẫn trong cuộc chiến. Dẫu sao, chiến tranh đâu phải trò đùa.
Võ Thị Xuân Hà - một nữ nhà văn quê mẹ gốc Huế trong truyện ngắn Quê nhà không có bệnh phấn hoa lại trình diện một phương diện khác của chiến tranh - đời sống hậu chiến và sự hàn gắn vết thương sau chiến tranh trên đất Mỹ. Nhân vật “tôi” có người cậu ruột là Trần Sao vốn học trường Sĩ quan Đà Lạt, chưa kịp tham chiến thì cách mạng thành công, bị đem đi cải tạo. Trần Sao sau đó được qua Mỹ theo diện HO, song lại sớm rơi vào cảnh tù tội do những bi kịch hôn nhân, ngoại tình trên đất Mỹ với cáo buộc âm mưu giết vợ để lấy người tình. Những bi kịch trắc trở thời hậu chiến, ngay trên đất Mỹ xa xôi vẫn bám riết lấy những chứng nhân đi qua chiến tranh. Võ Thị Xuân Hà dũng cảm dấn thân đến một miền đất xa lạ với phần đông văn sĩ đương thời.
Cũng cùng chung trong cái nhìn ra thế giới bên ngoài biên giới Việt, song Minh Đức Triều Tâm Ảnh trong truyện ngắn Bức tranh thay đổi thế giới đăng trên Sông Hương tháng 2 năm 1994 đã trình hiện cuộc đối thoại lớn giữa hai nền văn minh phương Đông và phương Tây. Tôi khá ngạc nhiên vào thời điểm đó, một tu sĩ lại có thể viết nên một truyện ngắn đầy tính chất đa thanh và đối thoại theo tinh thần của M.M.Bakhtin như vậy. Jabindu - người Nepal đại diện cho văn minh phương Đông; còn Robinson - người Mỹ đại diện cho văn minh phương Tây. Một người đứng về phía tâm linh, tự nhiên, người kia cổ xúy văn minh công nghiệp. Bức tranh thay đổi thế giới dày đặc những đối thoại triết học đầy uyên áo. Điều tôi chỉ chưa thích ở truyện ngắn này đó là tính tư tưởng lấn át tính nghệ thuật, nhân vật đôi chỗ trở thành cái loa phát ngôn cho tư tưởng của tác giả.
Một nữ văn sĩ nổi tiếng khác của đất Cố đô Huế sớm vươn tầm ảnh hưởng ra văn đàn cả nước đó là Trần Thùy Mai. Với truyện ngắn Trăng nơi đáy giếng đăng trên Sông Hương số tháng 6 năm 2001, có thể nói, tờ tạp chí này đã may mắn và vinh dự công bố một trong những truyện ngắn hay nhất và nổi tiếng nhất của văn đàn Việt Nam đầu thế kỉ XXI. Không cần phải đến bộ phim chuyển thể cùng tên với nhiều giải thưởng điện ảnh danh giá cùng diễn xuất tuyệt vời của nghệ sĩ ưu tú Hồng Ánh, Trăng nơi đáy giếng vẫn xứng đáng là một truyện ngắn xuất sắc, tiêu biểu nhất cho những gì tinh túy tạo nên phong cách riêng của Trần Thùy Mai. Xuất phát từ một câu chuyện có thật ở Trường Đại học Sư phạm Huế, Trần Thùy Mai đã hư cấu nên một tác phẩm buồn, đầy bi kịch. Cốt truyện và khả năng tạo tình huống kịch tích luôn là thế mạnh cố hữu của Trần Thùy Mai, khi chị viết về cuộc hôn nhân không con cái giữa thầy Phương và cô Hạnh - vốn là những đồng nghiệp trong một ngôi trường phổ thông xứ Huế. Vì Hạnh không thể sinh con, cô đã chủ động đi kiếm “vợ lẽ” cho chồng nhằm sinh con nối dõi tông đường, khi chồng cô là người đàn ông phong kiến gia trưởng điển hình. Câu chuyện thầy Phương hiệu trưởng “có vợ lẽ” bị nhà trường phát giác, để “cứu chồng”, cô Hạnh bèn li dị chồng và đồng ý cho Phương qua nhà vợ lẽ ở để chính danh ngôn thuận. Sau một thời gian, chuyện giả thành thật, thầy Phương chính thức thành chồng “của người ta”, làm đủ việc nội trợ gia đình mà không bao giờ anh động tay trong những tháng ngày ở với Hạnh. Đứa con trai của vợ chồng Phương (với vợ hai) trước đó nhờ cậy Hạnh chăm sóc, sau một thời gian cũng bị mẹ ruột mang về không cho qua chơi nữa, không gọi Hạnh là mẹ nữa. Hạnh chìm trong bi kịch vỡ mộng, cô tìm lối thoát trong mối tình âm dương với “ông cậu”, nuôi những đứa con tâm linh bằng tượng sứ. Trăng nơi đáy giếng không chỉ có cốt truyện, tình huống hay, mà cái nhìn nhân bản, nữ quyền của Trần Thùy Mai mới tạo ra giá trị lớn nhất cho tác phẩm. Không bạo liệt, không đả phá hay tung hê, song Trần Thùy Mai luôn là một nhà văn có ý thức nữ quyền mạnh mẽ, kết hợp với phong cách nữ tính hiếm thấy trong làng văn chương đương đại.
Viết về đề tài chiến tranh không thể nào thiếu cây đại thụ Bảo Ninh; trên Sông Hương, ông đã cho trình làng truyện ngắn Bằng chứng đầy đặc sắc. Nhân vật tôi là một người lính trận đi qua chiến tranh. Cả Lan với Minh đều là những người bạn cũ của “tôi”, dù họ chọn con đường du học, còn anh chọn cầm súng. Tuấn “bột” là người yêu cũ của Lan, cũng là người bạn chí thân, người đồng đội trên chiến trường với nhân vật tôi. Tuấn đã hy sinh anh dũng trong chiến tranh, song khi Lan lấy Minh rồi đẻ ra Hùng, chồng cô vẫn ghen với Tuấn và cho rằng Hùng mang tính cách của Tuấn. Minh đã nghi ngờ về sự chung thủy của vợ, dù thực tiễn Tuấn đã hy sinh từ rất lâu trước khi Lan lấy Minh. Không thể nào có chuyện Lan ngoại tình với Tuấn (một người đã mất) để sinh ra Hùng. Những bi kịch chiến tranh vẫn mãi ám lấy thân phận của người lính, dẫu cuộc chiến đã im tiếng súng từ lâu, và những người hy sinh thân xác đã rữa tan trong lòng đất mẹ.
Tuy nhiên, truyện ngắn trên Sông Hương giai đoạn 1983 - 2013 không chỉ có đề tài chiến tranh, mà còn là những vấn đề nhức nhối của đời sống hậu chiến, cũng như những chiều kích sáng tạo mới mẻ khác. Ma Văn Kháng với truyện ngắn Hoa gạo đỏ đã hư cấu trong một chiều kích không gian mới mẻ - không gian văn hóa miền cao của người dân tộc thiểu số U Ní. Thời gian nghệ thuật cũng bị đẩy về quá khứ của những triều đại phong kiến. Chuyện kể về ông Lý A Lừ người dân tộc thiểu số U Ní cùng ba người trong thôn gánh một cục đá to đại diện cho vua để lên miền biên giới. Phiến đá nặng đó biểu trưng cho lòng yêu nước, quyết tâm giữ toàn vẹn lãnh thổ trước phong kiến phương Bắc, ý thức tự cường dân tộc cũng như nghị lực tuyệt vời của Nhân dân Việt Nam. Khi những bạn đồng hành cùng khiêng đá với mình lần lượt bỏ mạng hay kiệt sức, một mình ông Lừ đã gánh được phiến đá lên biên giới để đóng vai trò cột mốc quốc gia. Ở đường hướng ngược lại, Hồ Anh Thái trong truyện ngắn Một bước sau quận công thì lại hướng bạn đọc nhìn ra thế giới bên ngoài trong chiều kích lịch sử đương đại. Cái hài châm biếm, đả kích tràn ngập trong truyện ngắn của Hồ Anh Thái - một trong những người khai màn cho văn học hậu hiện đại ở Việt Nam. Hồ Anh Thái vốn là người giỏi ngoại ngữ, có lợi thế đi ra nước ngoài để quan sát nhiều, do ông là quan chức của Bộ Ngoại giao. Truyện Một bước sau quận công kể về thói quen đi vệ sinh của những đất nước khác nhau trên thế giới, như Ấn Độ, châu Âu, Mỹ, và đương nhiên là Việt Nam. Đằng sau tiếng cười có vẻ “mất vệ sinh” và khá thô lỗ, Hồ Anh Thái muốn bóc tách bản sắc và tính cách dân tộc, thông qua hành vi rất người đó là đi vệ sinh.
Nhà văn lớn của truyện ngắn Việt Nam hiện đại cũng góp vui trên Sông Hương với tác phẩm Cún. Mở đầu truyện là giọng điệu giễu nhại các nhà phê bình văn học, Nguyễn Huy Thiệp chứng tỏ năng lực “cà khịa” bậc thầy của mình trong truyện ngắn Cún. Nhân vật Cún - cha của nhà lý luận văn học K được Nguyễn Huy Thiệp công nhiên hư cấu thành một đứa bé tàn tật với khuôn mặt đẹp. Cún được một lão già ăn xin nhận nuôi, và dành cả cuộc đời của mình đi ăn xin sống qua ngày ở ngoài xó chợ đầy bẩn thỉu. Sau khi người nhận nuôi chết, Cún gom hết tài sản để được một lần quan hệ tình dục với đàn bà, điều mà anh chưa bao giờ có thể thực hiện được trong thân phận một kẻ ăn xin tàn tật. Một người đàn bà bị chồng phản bội trong chợ đã đồng ý quan hệ tình dục với Cún để nhận tiền, sau đó không may mang thai và sinh ra nhà nghiên cứu văn học K. Mặc dù K kiên quyết chống lại hư cấu “phi sự thật lịch sử” này của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, song ông vẫn trình làng truyện ngắn như một tuyên ngôn đòi hỏi quyền được tự do hư cấu và sáng tạo của nhà văn. Thái độ áp đặt văn học tòng thuộc chính trị hay tòng thuộc sự thật lịch sử đã bị nhà văn thời kỳ Đổi mới kiên quyết xóa bỏ. Nguyễn Huy Thiệp với sự nghiệp truyện ngắn đồ sộ vẫn luôn là thành tựu lớn nhất của văn học Việt Nam thời kỳ Đổi mới. Cùng chủ đề phân tích đời sống những người ăn xin dưới đáy xã hội với Nguyễn Huy Thiệp còn có nhà văn lão thành xứ Huế là Hồng Nhu. Truyện ngắn Lễ hội ăn mày của ông đăng trên Sông Hương tháng 7 năm 2000. Đó là một truyện ngắn rất dài, đầy ắp văn hóa truyền thống của người Huế, đặc biệt là văn hóa làng xã vùng sông nước, văn hóa cộng đồng của những người ăn xin. Đào - nhân vật nữ chính bị những người đàn ông vùng sông nước vạn chài xứ Huế bắt cóc khi còn bé để làm vợ. Khi lớn lên, rồi sinh con đẻ cái, cô đã quyết tâm chạy trốn vùng đầm phá để tìm về quê cha mẹ. Sau rất nhiều đấu tranh về mặt tư tưởng và tình cảm, cô đã chọn quay về với chồng con ở miền sông nước, đó là cả câu chuyện dài đẫm nước mắt. Hồng Nhu qua truyện ngắn không hề ngắn này đã thể hiện sự hiểu biết đáng kinh ngạc của mình trước những truyền thống văn hóa làng xã, những lễ hội và tập tục địa phương ở đất Huế. Hồng Nhu luôn xứng đáng là niềm tự hào của văn chương xứ Huế trong thế kỷ XX, một vị Tổng Biên tập đầy tính nhân ái của Sông Hương.
Nguyễn Quang Hà - một Tổng Biên tập khác của Sông Hương bên cạnh Hồng Nhu, Tô Nhuận Vỹ và Nguyễn Khắc Phê cũng là một cây văn xuôi lừng danh khác. Nguyễn Quang Hà với truyện ngắn Người bán mai vàng đăng trên Sông Hương tháng 2 năm 1995 cũng tạo nhiều dấu ấn, với sự quan tâm đến đời sống người dân nghèo trong thời hòa bình, chiến tranh đã đi qua song những bi kịch vẫn còn ở đó. Trong chiến tranh, những người trồng mai ở Huế như cha con Mai đã chịu bao khổ đau bởi sự đàn áp của lính miền Nam. Khi mua cây mai quý không được, chúng đã đốt cây bằng xăng, xịt hơi cay làm mù mắt người cha già trồng mai. Khi hòa bình lập lại, người vợ tên Lan đã phản bội tình yêu của Mai, đã bỏ anh và con để di cư sang Mỹ. Cha của Mai lại phải đi bán mai mỗi dịp tết đến để nuôi cháu ăn học nên người. Sự bội bạc của lòng người trong thời bình còn nguy hiểm, đớn đau hơn sự cường bạo của quân thù trong thời chiến. Nguyễn Quang Hà luôn là cây bút dấn thân, quyết liệt và gai góc, song những truyện của ông luôn giản dị đi vào lòng người.
Trên một góc độ khác, Phạm Thị Hoài -một trong những người dẫn đường cho văn học Đổi mới lại thể hiện một giọng điệu, góc nhìn riêng trong truyện ngắn Người đoán mộng giỏi nhất thế gian. Một thế giới của hư cấu, của mộng mị chiếm lĩnh truyện của Phạm Thị Hoài, hiện thực và phản ánh luận đã bị bỏ lại phía sau. Một quá khứ cũ của chiến tranh vẫn còn quyền lực, song dần lãng quên bởi bụi thời gian. Phạm Thị Hoài đã viết một truyện ngắn đầy tính khiêu khích và cảm hứng giải thiêng. Tuy đây không phải là một truyện xuất sắc, tính chung trong sự nghiệp của bà, song vẫn là truyện ngắn gợi ra nhiều suy ngẫm, nhiều trăn trở, thậm chí có thể là những phản biện khi cần thiết từ phía bạn đọc.
“Bữa tiệc truyện ngắn” trên Tạp chí Sông Hương không thể thiếu vắng Tạ Duy Anh - một trong những cây bút cách tân mạnh mẽ, táo bạo nhất của nền văn học Đổi mới. Truyện ngắn Dịch quỷ sứ của ông đăng năm 1990 trên Sông Hương thực sự đáng ngạc nhiên bởi tính khiêu khích, mới lạ của nó. Một người mắc bệnh “câm” lại làm đơn gửi cho tòa án. Những chiêu trò, thủ đoạn trong đời sống chính trị đầy bẩn thỉu dần khiến nhân vật Bùi Bằng Hữu (xưng tôi đóng vai trò người kể chuyện) trở nên câm lặng dần. Chính thứ ngôn ngữ xảo trá, bỉ ổi đã đẩy nhân vật "tôi" vào con đường câm. Nhân vật ông già dạy thú trong truyện lại đối mặt với vấn nạn nói dối trong thời đại của chúng ta. Vào những năm 1990, Sông Hương đã có thể, và dám đăng một truyện ngắn như Dịch quỷ sứ của Tạ Duy Anh thì thực sự rất đáng kinh ngạc, ngay cả ở thời điểm đọc đương đại.
Ở một góc độ bình dị hơn, Tô Vĩnh Hà với Hoàng hôn biển đăng Sông Hương số tháng 6 năm 1993 lại thể hiện một tâm thế rất mới của con người hậu hiện đại. Nhân vật “tôi” được tự giới thiệu là một thầy giáo dạy đại học -như chính thân phận thật của tác giả. Trong một chuyến đi du lịch biển với sinh viên, nhân vật tôi công nhiên thừa nhận những tình cảm, khát khao xác thịt đời thường khi đối diện với những cô gái trẻ trung xinh đẹp vốn là học trò ông. Cái mặt nạ đạo đức Nho giáo giả tạo của người trí thức được cởi bỏ, đó là một ý thức rất mới vào năm 1993. Tuy vậy, nhân vật tôi không buông thả theo cảm xúc, anh ý thức về sự tàn tạ của thân thể mình trước thời gian, và luôn cảm thấy cô đơn trước biển. Đây là một truyện ngắn hay ở tầng sâu của những ẩn dụ mà nó gợi ra cho bạn đọc tinh tế.
2. Đời tư thế sự và những giấc mơ huyền ảo
Truyện ngắn trên Tạp chí Sông Hương giai đoạn thứ hai (2013 - 2023) chứng kiến nhiều cách tân quan trọng theo hướng hậu hiện đại, đây cũng là xu thế chung của nền văn học trên toàn quốc. Quán tính viết về chiến tranh và đời sống hậu chiến trong giai đoạn này đã được cởi bỏ, nhà văn mới say mê thể nghiệm ngòi bút của mình trong những địa hạt hư cấu mới, chú trọng vào bề sâu bi kịch cá nhân cũng như những hiện tượng huyền ảo, siêu thực.
Có bốn tác giả đặc biệt tôi muốn phân tích đầu tiên là Hồ Đăng Thanh Ngọc, Lê Minh Phong, Lê Vũ Trường Giang và Nhụy Nguyên. Họ đều là những người lãnh đạo, biên tập đương thời của Tạp chí Sông Hương, và có lẽ cũng là những người tài năng, nổi tiếng nhất đầu thế kỷ XXI của tờ báo văn nghệ này. Cả bốn người nói trên đều có những truyện ngắn hay in trên Sông Hương trước mốc 2013. Thực tế tôi chọn 4 truyện tiêu biểu nhất của họ in vào những năm 2011 đến 2012, nhưng nhận định họ là những đại diện điển hình cho văn học giai đoạn thứ hai, bởi nếu như giai đoạn trước họ chỉ mới là những người tiềm năng, thì trong khoảng gần 10 năm qua, “nhóm bộ tứ” đã trở thành những người dẫn đường cho văn học Huế, thậm chí văn học Việt Nam ở một phương diện nào đó. Lê Minh Phong và Lê Vũ Trường Giang vinh dự đạt nhiều giải thưởng văn học danh giáở trung ương và địa phương, trở thành niềm hy vọng chính cho thế hệ văn học 8x trở đi ở Huế. Họ cũng chính là những gạch nối liền giữa hai thế hệ nhà văn ghi dấu ấn trên Sông Hương, đó là thế hệ lão thành cầm súng đi qua chiến tranh và thế hệ sinh ra lớn lên trong thời bình, viết bằng mười đầu ngón tay trên bàn phím máy tính.
Ngày cuối cùng của một diễn viên hài của Hồ Đăng Thanh Ngọc với lối viết cách tân mạnh mẽ, vượt thoát khỏi những quán tính cũ của hiện thực và phản ánh luận của truyện ngắn giai đoạn trước để viết về cuộc đời của một diễn viên hài. Diễn viên này 26 tuổi, một người luôn ý thức về sự cô đơn, nhưng trớ trêu thay lại trở thành “người điều khiển tiếng cười của thế gian”. Thế giới hình tượng trong truyện của Hồ Đăng Thanh Ngọc đầy huyền ảo và siêu thực. Đó là những chiếc xe chạy bằng xác ruồi, không gian là sa mạc tiếng khóc, chiếc xe có thể bốc khói tan biến kỳ ảo. Truyện ngắn này gợi nên thứ văn chương phi lý từng nổi tiếng ở châu Âu trong nửa sau thế kỉ XX. Hồ Đăng Thanh Ngọc đại diện cho thế hệ Tổng Biên tập mới của Sông Hương (sau này là nhà thơ Lê Vĩnh Thái) - anh viết và sống trong một sinh quyển mới thời 4.0. Nhụy Nguyên trong Vòng luân hồi của chữ cũng vượt thoát sự cương tỏa của hiện thực vật lý, để hướng sâu vào những chiều kích của tâm linh. Nhụy Nguyên có thế mạnh trong việc tạo ra những mê lộ ảo giác về không gian và thời gian. Trong số các nhà văn trẻ đương đại, có lẽ Nhụy Nguyên là người có bút pháp nghệ thuật gần gũi nhất với thuyết Giải cấu trúc, cho dù chất phương Đông rất đậm đặc trong từng câu chữ của anh. Truyện ngắn của Nhụy Nguyên như một công án thiền hậu hiện đại, rất khó để nắm bắt cốt truyện, dụng ý bởi nhà văn có chủ ý đánh mất tính chủ thể của ngôn ngữ. Cái anh trình hiện chỉ là tâm thức và thứ ngôn ngữ trung tính. Đọc Nhụy Nguyên bao giờ cũng là một thử thách thú vị, một nỗ lực nhìn thấu triệt căn nguyên khổ đau của kiếp người.
Lê Minh Phong cũng có những thể nghiệm đặc sắc với truyện ngắn Những bức ảnh. Đây là một cây bút trẻ đa tài ở nhiều lĩnh vực ngoài văn chương, nhưng có lẽ lĩnh vực thâm canh nhất và cũng gợi nhiều đam mê nhiều nhất trong sáng tạo đối với anh chính là truyện ngắn. Dù xuất hiện chưa lâu trên văn đàn, song Lê Minh Phong đã xác lập một vị thế, chỗ đứng riêng trong làng truyện ngắn Việt Nam đương đại nói riêng và văn chương Việt Nam nói chung. Truyện của anh phi cốt truyện, dày đặc những ẩn dụ phân tâm và triết mỹ cùng hệ thống hình tượng huyền ảo và phi lý. Rất khó rút ra một thông điệp cụ thể đối với truyện ngắn Lê Minh Phong, mà chỉ có thể cảm nhận bằng cảm giác. Truyện Những bức ảnh kể về một gia đình mà những người đàn ông lần lượt chết, được đưa về cho người mẹ, trong khi đó, người cha/chồng thì chỉ mỉm cười trong những bức ảnh. Bi kịch của kiếp người, đó là tất cả những kẻ sống đều phải chết, và cái chết nào cũng thê lương theo một cách nào đó, nhưng hệ trọng là tất cả rồi cũng sẽ rơi vào lãng quên. Lê Minh Phong giỏi gợi ra những suy diễn riêng trong lòng bạn đọc. Trong khi đó, Lê Vũ Trường Giang là nhà văn trẻ mạnh về mảng đề tài lịch sử. Song truyện ngắn tôi muốn chú ý của anh trên Sông Hương lại nằm chung trong quỹ đạo cách tân theo hướng hậu hiện đại như Lê Minh Phong, Nhụy Nguyên và Hồ Đăng Thanh Ngọc. Tôi đã nôn ra những đứa trẻ là một truyện ngắn ghê gớm theo nhiều nghĩa. Lê Vũ Trường Giang giỏi vận dụng chất liệu huyền ảo, phi lý để viết về thân phận một cô gái xưng “tôi” là gái massage, mắc chứng nghiện tình dục vào năm 20 tuổi. Cô liên tục phải ngủ với đàn ông, và mỗi lần như vậy, cô đều nôn một đứa trẻ ra đường miệng như một sự sám hối, tự vấn lương tâm. Cái hay của câu chuyện phi lý này đó là đến cuối truyện, độc giả vẫn không chắc chắn cô đã thực sự nôn ra những đứa trẻ hay không, hay đó chỉ là ảo giác thần kinh do một tổn thương sang chấn tinh thần nào đó của cô gái trẻ. Cái nhìn nhân văn và nữ quyền đọng lại trong bạn đọc, hơn là những chi tiết huyền ảo. Lê Vũ Trường Giang không đi theo hướng sáng tạo này nhiều, song anh vẫn cho thấy khả năng nhạy cảm trước những xu hướng văn chương mới mẻ của thời cuộc.
Nguyệt Chu trong truyện ngắn Kẻ đi tìm huyền thoại cũng làm bạn đọc sửng sốt trước những hư cấu huyền ảo của mình. Được lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Trăm năm cô đơn của nhà văn đạt giải Nobel G.G.Márquez, nữ văn sĩ Nguyệt Chu đã hư cấu về câu chuyện cuộc đời nhân vật “gã” với một cái đuôi lợn sau mông. Lối viết liên văn bản hậu hiện đại được Nguyệt Chu nhấn mạnh, khi chị công khai cho nhân vật gã đọc Trăm năm cô đơn và ám ảnh bởi hình tượng cái đuôi lợn loạn luân của dòng họ Buendía. Mọi nỗ lực của bác sĩ nhằm cắt cụt cái đuôi của gã đều không thành công, và cuộc đời, xuất thân của gã đều bị phủ dưới một màn sương huyền hoặc. Nguyệt Chu giỏi vận dụng những chất liệu huyền ảo có sẵn, áp dụng vào trong cuộc đời của một kẻ bé mọn, tầm thường. Cái chết tự sát của gã là một kết cục không thể nào đổi khác.
Cũng cần nhắc đến Đinh Phương với truyện ngắn Người từ thị trấn đi. Nổi lên trong khoảng một thập niên qua, Đinh Phương sớm khẳng định mình như một trong những cây bút truyện ngắn đặc sắc nhất của làng văn chương Việt Nam đương đại. Truyện của Đinh Phương thường có cốt truyện mê lộ, với một thứ ngôn ngữ giàu chất thơ, bảng lảng như một giấc mơ không đầu không cuối. Không thể lẫn Đinh Phương với bất cứ một nhà văn nào khác trên văn đàn, bởi anh đã xác lập một giọng điệu rất riêng, đầy ma mị. Cũng giống như Lê Vũ Trường Giang, Đinh Phương có mối đam mê với những đề tài lịch sử, dùng chuyện quá khứ để cắt nghĩa những câu chuyện đương đại, hoặc nhìn quá khứ khác đi, dưới cái nhìn cá nhân, thiểu số. Truyện Người từ thị trấn đi kể về một cuộc đoàn tụ gia đình đầy gượng gạo, giữa người chị từng ra đi biền biệt (nhân vật người bác) nay đột nhiên quay về sống cùng gia đình người em trai (cha của nhân vật “tôi”). Năm 1954, người bác vào Nam (thực chất là bà bị bắt cóc vào Nam), lấy một người chồng của quân lực Sài Gòn. Trong khi đó, người em trai của nhân vật bác lại là bộ đội, từng tham gia giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Người con trai đầu của ông cũng bị giặc giết chết trên sông mất cả xác. Do đó, trên một bàn thờ lại có hai người lính ở hai bên chiến tuyến, họ mãi ôm súng trẻ trung mỉm cười. Bi kịch phân ly Bắc - Nam hiển hiện trong mối quan hệ của một gia đình thời bình. Lịch sử lúc này là lịch sử cá nhân, được Đinh Phương kéo sát lại thời điểm đương đại.
Cần chú ý đó là Tạp chí Sông Hương giai đoạn khoảng 10 năm qua đã quy tụ được gần như mọi gương mặt truyện ngắn xuất sắc, thế hệ cầm bút mới từ 8x trở đi trên toàn quốc đều có sự hiện diện. Ngoài Đinh Phương, Nguyệt Chu, ta còn có thể điểm đến Lữ Mai với truyện ngắn Núi cựa. Lấy không gian bối cảnh miền cao, Lữ Mai đã viết nên một truyện ngắn có dung lượng khá đồ sộ, kể về những bi kịch gia đình đời tư của nhân vật “tôi” tên Doanh. Người thím xinh đẹp tên Dinh bị xem ngoại tình nên rủa chồng chết để theo trai. Người chú lại có tài tiên tri, trong dòng họ tương truyền chỉ có một người có năng lực đặc biệt ấy. Cuộc đời Doanh sau khi vào Nam cũng đầy trắc trở và bất hạnh. Cũng viết về không gian miền núi, song nhà văn quân đội Đỗ Tiến Thụy trong truyện ngắn Vị thần trên nóc nhà rông lại đi sâu phân tích những nét văn hóa cổ truyền, cùng những bi kịch tình yêu trong cuộc đụng đầu đầy khốc liệt với văn hóa truyền thống. Y Than là một thiếu nữ đẹp chưa chồng, nàng là con gái của già làng A Nuk đầy quyền uy. Trong một lần tình cờ gặp gỡ, nàng đã yêu và nhanh chóng trao thân cho người thợ săn voi của tộc người Mơ Nông có tên Krol. Do vi phạm luật tục kiêng tình ái (khi đi săn) của những người thợ săn voi, Krol buộc phải một mình cưỡi một voi nhà chiến đấu với đàn voi hoang dã dữ dằn để bắt voi con đốm sao đầy quý hiếm. Cuối cùng, dù chiến đấu rất anh dũng với đàn voi dữ để bắt con voi quý hiếm, song chàng vẫn phải bỏ mạng nơi rừng xanh. Y Than đau khổ khi bị cha trừng phạt, dân làng xua đuổi, và sau khi chứng kiến cái chết người yêu, cuối cùng cô cũng ra đi vĩnh viễn. Cái chết của cô đã tạo nên huyền thoại về chiếc gỗ lũa có thần trú ngụ. Đỗ Tiến Thụy đã viết một truyện ngắn có độ căng về cả sự kiện, hành động lẫn những chiều ý nghĩa. Trong cuộc đụng đầu giữa truyền thống với tình yêu, thất bại cuối cùng cũng thuộc về tình yêu. Cũng cần nhớ đến Lê Anh Hoài với một truyện ngắn đầy ắp tiếng cười giễu nhại có tựa đề Hóa thơ dâng thánh. Lê Anh Hoài - một cây bút khét tiếng của làng văn chương hậu hiện đại Việt Nam đã công khai giễu nhại những câu lạc bộ thơ đầy náo nhiệt song thiếu tài năng của những kẻ hám danh nhiều tiền.
Mặc dù có vô số những truyện ngắn xuất sắc của những cây bút tài năng và tiềm năng, song trong khoảng mười năm qua, truyện ngắn hay nhất trên Sông Hương theo tôi vẫn là Gió xanh của nhà văn quân đội Phạm Duy Nghĩa. Gió xanh đầy ắp những ẩn dụ ẩn sâu dưới hệ thống hình tượng đầy huyền ảo và lãng mạn: dưới thung lũng có một đợt gió màu xanh thổi tới suốt cả mùa hè. Qua hình tượng những cơn gió có màu xanh, Phạm Duy Nghĩa đã phê phán ngầm ẩn, thông qua sự lột trần những ngộ nhận của chúng ta trong cuộc sống thường nhật đương đại. Con người luôn phán xét các hiện tượng đầy tính chủ quan, chúng ta cũng “mắc bệnh yêu đời, bệnh trong sáng” đến mức không thể sinh sản vì quá lý tính. Chúng ta đã lãng quên hạ tầng thân xác của mình, trong khi đó, một nhóm nhỏ như nhân vật Mũ Nan Trắng thì lại sống quá ư nhục dục như loài dê. Phạm Duy Nghĩa đã cảnh báo chúng ta: “Cái gì dù đẹp đến mấy mà trái với quy luật tự nhiên, trước sau cũng tự rút lui hoặc bị đào thải”.
Bốn mươi năm trôi qua, đối với thể loại truyện ngắn, thời gian trôi nhanh như một giấc mơ trên Tạp chí Sông Hương. Sở dĩ tôi nói nhanh là bởi những thế hệ cầm bút liên tục kề vai sát cánh, lớp sau xô lớp trước, tre chưa già nhưng măng đã mọc. Những trào lưu, trường phái, hệ hình nghệ thuật đương đại cũng đua nhau nở rộ trên tạp chí này, báo hiệu cho một môi trường thâm canh cái mới, cái khác. Nói cách khác, không quá khi nhận định rằng, Tạp chí Sông Hương là không gian quảng diễn của những sáng tạo mới, những cách tân táo bạo. Đây cũng là nơi trình làng những tác phẩm đầu tay của những nhà văn trẻ, cũng như là nơi, để những cây bút thành danh lão làng quay về sau sự nghiệp đầy vinh quang. Nền văn học Việt Nam chính vì vậy, may mắn có được một Tạp chí Sông Hương như thế.
P.T.A
(TCSH49SDB/06-2023)