Giá sách Sông Hương
Kỷ niệm ngày thành lập TCSH
Hệ lụy thơ
12:13 | 04/06/2023


NGUYỄN KHẮC THẠCH

Hệ lụy thơ
Nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch - Ảnh tư liệu

Vì yêu thơ hoặc vì duyên nợ gì đó nên mặc dù đã có chứng chỉ hành nghề ổn định và có phần “béo bở” ở một lĩnh vực chuyên môn khác nhưng tôi vẫn đeo đẳng nó như trò chơi thả mồi bắt bóng để rồi lòng dòng mãi, cuối cùng cũng về được với “cội nguồn”. Dẫu rằng, cội nguồn ấy là “cội nguồn bạc bẽo”.

Tôi về Hội Văn học Nghệ thuật đúng vào dịp khai sinh tờ Sông Hương nhưng vẫn phải ngước lên phấn đấu bền bỉ bằng “công việc lặt vặt” gần chục năm ròng mới trở thành biên tập viên của tạp chí này. Thoạt đầu, tôi phải lúng ta lúng túng vì cái mặc cảm đẳng cấp khi bước vào thế giới “văn mình vợ người”. Những biên tập viên của Sông Hương trước tôi là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, nhà thơ Lê Thị Mây đều sáng giá hơn tôi về phương diện “văn kỳ thanh”. Song, dù sao thì tôi cũng có một chút năng lực tự biết để khỏi phải ví mình với “Tào ngu” hoặc sánh mình với “Đoàn giỏi”...

Rồi tôi cũng thực thụ trở thành một “gác cổng thơ” cho Sông Hương ở cái thời thập thò thi pháp “nhân bản... vi tính” thơ. Thơ nhiều thật nhưng phần lớn thơ thời nay đều do người ta nghĩ ra trong lúc vô cớ, trong trạng thái vô hồn. Hễ đọc là biết liền. Xưa nay, thơ có đánh lừa được ai đâu. Đã thế, thơ lại rất giàu “tính tập thể”. Bài bài giống nhau, người người giống nhau. Thậm chí có lần, tôi còn nhận được cả “dị bản” bài Dòng sông một bờ của chính mình với bút danh của một giám đốc xây dựng ở Đà Nẵng nhờ nhà báo Thanh Tùng chuyển đến tận tay! Tôi thích in cho vui nhưng anh Hồng Nhu, Tổng biên tập lúc đó đã can. Dường như anh Hồng Nhu cũng biết bài thơ ấy đã làm cho ngài giám đốc kia nổi tiếng hơn tôi. Điều này, dù chua chát một chút nhưng cũng dễ nhịn cảm trong cái gọi là “Cơ chế thị trường”. Chỉ khi là “con đẻ” của những người có tiền, có quyền thì nó mới được báo này đưa ra in, báo kia xúm vào bình ! Nghe đâu theo đà hứng khởi, ngài giám đốc còn chuẩn bị khắc “tác quyền” vào đá nhưng bất ngờ bị một tờ báo khác phanh phui sự thật nên đành phải gác lại. Tôi không buồn, không vui và cũng chưa bao giờ phiền lòng hoặc cố chấp việc này nhưng nhân dịp viết vài dòng kỷ niệm về nghề biên tập thơ trên Sông Hương thì cũng đưa ra như một kiểu lấy chuyện làm quà. Điều khích lệ hơn cả đối với tôi là thơ Sông Hương vẫn còn người ái mộ. Dù thơ của ai, viết ở đâu nhưng một khi đã tràn lên Sông Hương thì nó cũng hòa vào dòng thơ Huế. Có lẽ nét riêng của thơ Huế chính là sự nhẫn nại thanh lọc, là yếu tố giao thoa hội ngộ của những tâm hồn cá biệt không biên giới.

Cái nghề biên tập thơ hẳn giống như cái hàn thử biểu của đời sống thi ca. Nó là sự ăn theo những vui buồn, thành bại của các nhà thơ đi qua “bàn biên tập”. Mỗi lần đọc được những câu thơ hay, những bài thơ hay tôi đều bị ám ảnh đến giày vò, cảm khoái đến rưng rưng. Nghĩa là hiệu ứng thẩm mỹ cũng xui khiến người ta hao tổn ca lo trong sự dịu êm đau đớn. Với cái đẹp, cái hay còn thế huống hồ chi cái xấu, cái dở. Chuyện ứng xử những bài thơ không dùng được với tác giả của nó thật không dễ dàng chút nào. Qua nhiều thể nghiệm, tôi thấy điều tối kỵ đối với người biên tập không phải là việc chê phụ nữ xấu trước mặt họ mà là việc chê thơ dở trước mặt tác giả của nó.

Hệ lụy thơ là vậy đấy. Cả thơ dở lẫn thơ hay, cả hai cực đều khổ cho người biên tập.

(TCSH112/06-1998)

 

Các bài mới
Chiều (09/06/2023)
Các bài đã đăng