Giá sách Sông Hương
Kỷ niệm ngày thành lập TCSH
Vẫn một dòng xanh chan chứa
08:33 | 06/06/2023


HỔNG NHU

Vẫn một dòng xanh chan chứa
Nguyên TBT TCSH Nhà văn Hồng Nhu - Ảnh: tư liệu

“Tạp chí Sông Hương” chúng ta tiếp nối tiếng nói của “Văn Nghệ Bình Trị Thiên” ra đời đến nay đã tròn mười lăm năm (1983-1998). Trong khoảng đó, tôi có gần một nửa thời gian làm tổng biên tập.

Có mấy kỷ niệm đáng nhớ nhất xin ghi ra đây, trước hết là cho chính mình suy ngẫm.


* NHỮNG KHÓ KHĂN TRỤC TRẶC KỸ THUẬT BAN ĐẦU

Tôi nhận nhiệm vụ phụ trách cơ quan tòa soạn tạp chí từ cuối năm 1989 trong một hoàn cảnh thật đặc biệt: Tạp chí đang bị tạm ngưng xuất bản, tình hình văn nghệ tỉnh nhà trong giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới với bao nhiêu nhận thức chưa đúng như : cực đoan, ấu trĩ, ngộ nhận v.v... làm cho phong trào và đội ngũ từng mạnh mẽ, vững chắc vào loại nhất nhì trong nước bị chao chạnh, sóng gió... Nói tóm lại một câu - như đại ý của lãnh đạo Tỉnh lúc bấy giờ - là : “có những dấu hiệu của nguy cơ tan nát...”

Lúc này tòa soạn Tạp chí Sông Hương (TCSH) có gần 20 anh chị em. Hai mươi người nhưng không được phép ra báo, chỉ được phép duy trì ổn định tổ chức cơ quan và... chờ đợi! Hàng tháng, mọi người vẫn được lĩnh lương nhà nước, hàng ngày mọi người vần phải đến cơ quan, có điều đến để ngồi vào bàn “xơi nước” và ... “nghiên cứu”!

Gần một năm rưỡi sau, Đại hội Văn nghệ tỉnh (sau khi tách Bình Trị Thiên) mới chính thức mở, bầu ra các chức danh chủ chốt mới, trong đó có tổng biên tập TCSH; tôi bàn giao lại nhiệm vụ điều hành tạm thời, trở về văn phòng Hội.

TCSH bấy giờ bắt đầu được phép xuất bản lại, ra hàng tháng thay vì hai tháng một kỳ trước đây. Mới được ba số, đến số 4 thì có chuyện, Tỉnh và Bộ VHTT lại chỉ thị ngưng. Anh chị em tòa soạn lại “ngồi chơi xơi nước” lần thứ hai, lần này kéo dài 8 tháng. Đến tháng 11-1991 lãnh đạo Tỉnh, Ban Thư ký Hội cử tôi chính thức làm tổng biên tập, báo cáo ra Bộ xin quyết định bằng văn bản, giao làm Sông Hương bộ mới bắt đầu từ số 1-1992 (Tết Nhâm Thân).

Tình hình văn nghệ trong tỉnh, đặc biệt là tình hình nội bộ TCSH lúc này càng khó khăn, rắc rối. Bao nhiêu chuyện đã xảy ra : tư tưởng không ổn định, chân trong chân ngoài, nghi ngờ nhau, kiện cáo nhau... đủ cả. Sở dĩ tôi nhắc lại đôi điều như vậy, chẳng để làm gì cả - chuyện đã qua lâu rồi - mà chỉ để nhấn mạnh một điều cốt lõi này: Nếu không có sự chăm lo có tính “chiến lược” của lãnh đạo Tỉnh, nếu không có sự cố gắng tất cả vì sự nghiệp, vì đội ngũ của Hội, và rõ ràng thiết thực nhất là nếu không có quyết tâm phấn đấu, vun quén hết mình của toàn thể anh chị em tòa soạn TCSH, thì đã không có ngày nay, không có như Sông Hương giờ đây sau 15 năm nhìn lại. Chúng ta nên nhớ rằng ở một số địa phương khác, một số tạp chí văn nghệ khác, cũng có những “trục trặc” tương tự hoặc nhẹ nhàng hơn nhiều; nhưng tiếc thay, đã không giữ được, không trở lại hiện diện được cùng bạn đọc mến yêu...

Riêng về bản thân, thú thật lúc bấy giờ trước bối cảnh đó, tôi nhận việc mà thấy hơi “hốt”! Tôi mới trở về quê hương Huế được vẻn vẹn gần “một mùa sáng tác”, nghĩa là mới khoảng dăm năm, chưa hiểu biết gì mấy sâu sắc con người và mảnh đất quê hương sau gần bốn mươi năm xa cách; lại “đứng đầu” một tạp chí từng lừng tiếng không chỉ ở trong nước về cái tầm văn hóa của nó - mà chủ yếu là do các anh tổng biên tập tiền nhiệm gây dựng nên; giờ đến lượt tôi, tôi sẽ “làm ăn” ra sao đây? Rồi những “sức ép” nữa, vô hình và hữu hình, tất yếu xuất hiện, và đã xuất hiện. Có ý kiến đây đó nhắn tới tai tôi, ví dụ như : “Để rồi coi, thằng cha nớ được mấy nả!”. “Sức mấy mà ông ta dám chui đầu vô tổ kiến lửa hè ?” vân vân và vân vân...

Sau rồi thì tôi cũng “tự trấn an” được, bởi vì chẳng có cách nào! Tôi nghĩ vui mà cũng rất thành thực rằng : Mình vốn là cái anh viết văn, nghĩa là người ở dưới đất (ngồi viết thì chả lẽ ngồi ở lưng chừng không khí à?), giờ họ bắt mình “cất cánh”, chẳng đặng đừng thì phải “bay” thôi. Không nói chi đến bay cao như chim, bay thấp thấp như chuồn chuồn cũng được, nếu hoảng quá thì bay lẹt xẹt như gà vịt... cũng là bay ! Vả lại, một khóa đại hội ở đây 3 năm chứ mấy, người ta thấy mình không “bay” được, chả lẽ họ để yên à? Lúc đó, cầu trời khấn phật cho chuyện này xảy ra, mình lại được trở về Hội làm “phong trào”! Phong trào nói lái lại là “trao phòng”, tức là được ngồi viết. Làm cái anh nhà văn được “trao phòng” sướng quá còn gì?

... Rồi thì mọi chuyện ban đầu cũng qua. Qua một cách khá vất vả. Vì hoàn cảnh bắt buộc, đẩy đưa... nhiều anh em lâu năm ở TCSH, sành nghề, thạo việc đã ra đi; bộ phận biên tập chỉ còn lại có 4, 5 người. Chúng tôi đầu tiên ngồi lại và bảo nhau rằng : “Việc là việc tòa báo, nhưng chúng mình nguyện đoàn kết nhau như anh chị em con trong một nhà, quyết không để một sơ hở nhỏ nào để “người ngoài” có thể lợi dụng, khoét to ra, hoặc có ít xuýt thành nhiều v.v... Đại khái là tự mình phải đủ sức thuyết phục, cái tâm, cái tình của mình phải trọn phải đầy, từ đó mọi thứ nhiêu khê rắc rối khác sẽ tự xóa tan”. Mọi người không ai thề thốt gì nhưng chẳng khác gì lời thề : “Từ nay phải chấm dứt sự “thăng trầm” của tờ tạp chí”.

Chúng tôi làm việc trong tháng đầu tiên cho số báo đầu tiên “tái xuất giang hồ” gần như liên miên ngày đêm. Ấy vậy mà khi cầm ấn phẩm còn thơm mùi mực trên tay, chưa kịp vui mừng, thì tôi đã thót tim. Trong lời “Chào bạn đọc” sau nhiều tháng năm vắng mặt, gồm tất cả chỉ có 114 từ do tôi chấp bút, câu cuối như sau :

...Mùa xuân không quay lưng, không dè sẻn với bất cứ ai: chúng tôi nghĩ như vậy và tự dặn rằng, từ đáy Sông Hương phải cầm giữ cho được mãi chất sáng tươi phóng khoáng của mùa xuân . Có mấy câu thôi nhưng khi nhà máy in xếp chữ, in thử, tôi đã tự tay chữa mo-rát, xem đi xem lại hai ba lần cẩn thận từng dấu chấm dấu phẩy. Vậy mà khi giấy trắng mực đen in ra, thế quái nào cầm giữ lại thành câm giữ!

Ôi rồi! “trời xui đất khiến” thế này ư? Không cho cầm ư? Phải câm à? Nghĩ tới nghĩ lui mà buồn cười. Cũng may là báo chưa phát hành. Thế là cả tòa soạn phải lật ra từng cuốn một, thêm một cái dấu huyền oái oăm vào cái chữ “câm” ấy!

Chưa hết, trong một số khác tiếp theo, tác giả là một nhà báo kỳ cựu ở xa gửi đến một bài ký sự về súng thần công Huế “phóng bom” trong kháng chiến chống Pháp. Vì quá tin tưởng người viết và người biên tập, tôi đã không đọc kỹ từng chi tiết, từng câu. Và khi in ra đến tay bạn đọc, tôi phải xin lỗi ròng rã gần một tháng qua những cú điện thoại tới tấp của các bạn xa gần gọi về, cho đến khi số tạp chí tiếp theo đăng được lời cáo lỗi của tòa soạn. Số là trong bài viết, tác giả nói chín khẩu thần công đặt trong Đại Nội Huế là vì thiếu 1 khẩu do Pháp chiếm, đưa về Pháp (!) Ở Huế, chuyện “Cửu vị thần Công’’ thì ai mà không biết? Sự nhầm lẫn này thật quá sơ đẳng! Nhưng gì thì gì, là người duyệt in cuối cùng và chịu trách nhiệm, lỗi trước hết là tổng biên tập...

Cũng phải nói rằng trong những tháng đầu ấy, và cả về sau này nữa, không ít những thiếu sót trong các công việc “bếp núc” của anh chị em tòa soạn chúng tôi. Nhưng cứ mỗi lần như thế, việc cấp thiết trước hết là chúng tôi bàn bạc tìm cách cùng nhau sửa chữa; sau đó mới đến chuyện khác như tìm nguyên nhân, quy trách nhiệm thuộc về ai... hết sức tránh và cụ thể là đã tránh được chuyện vặc nhau, hạch nhau, đổ lỗi cho nhau v.v...

Chúng tôi liên tiếp nhận được những tấm lòng ưu ái, sự ủng hộ động viên, cùng những lời góp ý nhiệt tình, những mong muốn, hi vọng... của đông đảo bạn đọc bạn viết, trong đó không thiếu của các nhà văn tên tuổi, những học giả, giáo sư... nổi tiếng, theo những cánh thư ấm áp bay về. Tất cả những điều đó thổi vào lòng chúng tôi không ngừng một luồng sinh khí nồng nhiệt, mới mẻ...


* Đl TÌM GƯƠNG MẶT TRUYỆN NGẮN HUẾ.

Một năm sau, để kỷ niệm 10 năm ngày TCSH ra đời đồng thời nhằm tập hợp, mời gọi các nhà văn, các tác giả trong tỉnh trong nước đóng góp thêm tiếng nói; qua đó mà phát hiện tìm kiếm những cây bút trẻ, mới, đầy sức sống, nhiều “phong vị” cho Tạp chí trong giai đoạn mới, chúng tôi mạnh dạn tổ chức cuộc thi truyện ngắn 1993 trong toàn quốc.

Vì bức bách mà làm chứ thật tình đây là công việc quá mới mẻ của TCSH, lại thiếu thốn đủ thứ: kinh nghiệm, tổ chức, kinh phí... Cũng là một sự lựa chọn, vì lúc bấy giờ do hoàn cảnh cụ thể, truyện ngắn trên bàn biên tập gần như số không. Chúng tôi nghĩ rằng truyện ngắn đăng trên TCSH không thể là cho có truyện mà phải đạt chất lượng nhất định, nếu không muốn nói là phải hay. Đó là sự tôn trọng bạn đọc, cũng là đòi hỏi cho chính mình. Nhưng để có thể làm được điều này thật vô cùng khó khăn. Và không chỉ gói gọn trong 1 cuộc thi. Đã từ lâu, dường như người ta chỉ nói “Huế thơ”, chưa nghe ai nói đến “Huế văn xuôi” “Huế truyện ngắn”… giờ đây TCSH quyết dấn thân làm cái anh “thám tử”, người “dò mìn”, hoặc nói theo cách khác là người “đãi cát”..., không biết rồi sẽ tìm được cái gì đây?

Chúng tôi mời hai nhà văn nổi tiếng về truyện ngắn ở hai đầu đất nước: Bùi Hiển Hà Nội và Nguyễn Quang Sáng Sài Gòn làm giám khảo cho cuộc thi. Vì văn nghệ Huế, vì Sông Hương, hai anh dù rất bận việc nhưng đã không chối từ, không ngại tuổi cao và đường xa, đã đi lại thư từ với Huế nhiều lần, từng động tác, từng chăm chút, từng gợi mở chuyện trò... đã cùng với Ban tổ chức cuộc thi làm cho các vía truyện dần dần lộ rõ.

Trong vòng 1 năm, 250 tác giả với gần nửa nghìn truyện ngắn gửi về Tòa soạn, với gần như đủ các địa chỉ các tỉnh trong nước. Tuy cuộc thi này không trao giải nhất, chỉ trao 2 giải nhì, 4 giải ba và 4 giải khuyến khích (số giải thật khiêm tốn) nhưng cái được lớn nhất là cuộc thi đã hình thành, và về sau, càng khẳng định được một đội ngũ mới tại chỗ viết truyện ngắn ở Huế, thường xuyên có mặt và gần như đảm bảo chủ yếu cho thể loại này trên TCSH. Đó là những cây bút: Quế Hương, Phạm Xuân Phụng, Lê Thị Hoài Nam, Tô Vĩnh Hà, Nguyên Quân, Đoàn Thương Hải, Nguyễn Văn Vinh... và nhiều tác giả khác nữa, cho dù các anh chị có được giải hay không được giải.

Cuộc thi với gương mặt riêng của nó đã có tiếng vang trong nước. Nhiều tác phẩm được giải được nhiều báo chí và nhà xuất bản in lại như “Bức tranh thiếu nữ áo lục” của Quế Hương, “Tầm tã mưa ơi” của Nguyễn Bản, “Ngõ đạo miền hoang dã” của Trần Duy Phiên, “Quăng gươm xuống hồ” của Trần Thanh Tâm... Nhiều tác giả từ cuộc thi này mà làm nên một cái tên trên văn đàn, họ không còn lạ lẫm nữa đối với giới văn chương và bạn đọc: Quế Hương, Nguyễn Việt Hà v.v...

Xin nói thêm một chi tiết vui : Mở cuộc thi, chúng tôi vì hăng hái quá mà quên không “báo cáo” với ai cả: Hội cũng không mà Tỉnh cũng không. Đáng lẽ ra thì phải có ý kiến đồng ý của hai cấp ấy: một đằng là cơ quan chủ quản, một đằng là cơ quan chủ “ngân”. Phải có tiền chớ, không thì nguy to, chả lẽ đến lúc tổng kết trao giải lại ú ớ “khất nợ” các tân khoa! May sao, nửa chừng cuộc thi, qua các tác phẩm đăng tải trên TCSH và nghe TBT báo cáo kết quả bước đầu, Tỉnh “ký cái rẹt” ngay về bản dự toán kinh phí của Tạp chí. Hú vía! “Tiền trảm hậu tấu” mà được chấp thuận!


*THƠ SONG HÀNH VỚI CUỘC SỐNG CỦA ĐẤT NƯỚC CỦA QUÊ HƯƠNG.

Đầu 1996, anh chị em Tòa soạn TCSH rất hào hứng sôi nổi khi được Ban Thường vụ Hội báo tin : Hội vừa tranh thủ được một khoản tài trợ của Công ty nước giải khát quốc tế IBC. Sông Hương nên tiếp tục mở một cuộc thi sáng tác. Chúng tôi như được mở cờ trong bụng. Ban biên tập đề nghị Hội chủ trì, tổ chức, còn TCSH là người thực hiện. Và cuộc thi lần này là nhằm vào thế mạnh cũng là chỗ đang còn nhiều điều phải suy nghĩ của văn nghệ Huế : Thơ !

Thống nhất chủ trương rồi bắt tay vào chuẩn bị. Để cho chắc ăn, chúng tôi đề nghị Hội khi nào nắm được tiền tài trợ trong tay hẵng công bố thể lệ. Đến 30 tháng 4 thì chính thức nhận bài vở. Ngẫu nhiên làm sao, thời gian cuộc thi lại trùng khớp với thời gian mang thai của một người mẹ : Chín tháng mười ngày ! Khi có bạn phát hiện ra điều này, mọi người cười ồ, không mấy chốc tin đã bay đi khắp nơi trong giới văn nghệ, trong bạn đọc bạn viết mọi miền. Chắc chắn là có một điều gì hệ trọng sắp xảy ra trong cuộc mang thai này. Và điều đó đã thành hiện thực. Hơn 800 tác giả với hơn 4000 tác phẩm được gửi về từ 46 tỉnh thành trong cả nước. Niềm vui đi kèm với nỗi bận bịu, vất vả : hàng ngày tòa soạn TCSH phải đọc, phân loại, thẩm định một khối lượng lớn thơ, ngoài việc thường kỳ của mình: ra báo hàng tháng và bao nhiêu việc khác nữa của một cơ quan báo chí.

Thu hoạch lớn nhất của cuộc này có thể gói gọn một câu: Trách nhiệm công dân của từng người cầm bút đặc biệt là các cây bút trẻ Huế đã hòa nhịp và nâng cao với sự lớn mạnh mỗi ngày của sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, cùng những biến đổi lớn lao của nó, cùng những thử thách ác liệt của nó. Vì thế, thay vì những buồn sầu u uất cá nhân, những ồn ào đao to búa lớn, những sùng bái “mô-đéc”, hào nhoáng bên ngoài là những tầm sâu, những khát vọng đóng góp vào sự hoàn thiện con người, hoàn thiện xã hội, cũng chính là hoàn thiện của nền văn học đất nước chúng ta.

Không thể nói là cuộc thi viên mãn nhưng với một thời gian rất ngắn, 16 giải thưởng và tặng thưởng được công nhận đánh dấu một thời kỳ mới của thơ Huế, nó hiện hữu dáng vẻ của mình không thể nói là mờ nhạt trong tầm vóc chung của thơ Việt Nam hiện đại. Các tác giả được giải cuộc thi mà trong số đó nhiều anh chị nhanh chóng được người đọc cùng giới văn nghệ kể đến nhắc đến như Nguyễn Quốc Việt, Văn Cầm Hải, Xuân Chuẩn, Vi Thùy Linh, Lê Tấn Quỳnh, Đỗ Văn Khoái... Họ đang và sẽ xứng với niềm tin cậy của người đọc, chúng tôi tin như vậy. Bởi vì, các anh các chị - nói theo một cách - được “đẻ” ra từ cái cuộc “mang thai 9 tháng, 10 ngày” khá chính xác và cũng khá độc đáo kia!

Mười lăm năm. Biết bao điều cần nói trong đời sống của một tờ tạp chí như Sông Hương. Ví như vấn đề văn hóa Huế chẳng hạn, vốn là một mặt quan trọng không thể thiếu hoặc yếu xưa nay của Sông Hương. Đội ngũ người viết tại chỗ mà tên tuổi của họ không còn tại chỗ nữa đã từ lâu: Phan Thuận An, Mai Khắc Ứng, Lê Nguyễn Lưu, Nguyễn Xuân Hoa... Kế tiếp là các cây bút trẻ trong các lĩnh vực nghe chừng chẳng trẻ tí nào là nghiên cứu: Trần Đức Anh Sơn, Phan Thanh Hải, Nguyễn Phước Hải Trung, Dương Bích Hà v.v.. và v.v...

Mười lăm năm. Với tuổi của một tạp chí văn nghệ thì đã qua buổi thiếu thời khá lâu, đã vào kỳ “lập nghiệp”. Chặng đường trước mặt còn mênh mông dằng dặc, nhưng là chặng đường với biết bao vẫy gọi của tuổi thanh xuân mà bao giờ, ở đâu cũng đầy kỳ vọng đầy hấp dẫn. Mọi điều tốt đẹp, may mắn đang dành cho Sông Hương giờ đây bước vào tuổi thứ 16.

Vậy là, cái dòng xanh ấy vẫn chan chứa, vẫn chảy theo cách của mình. Trên mặt thì lặng lờ, nhưng dưới sâu thì xiết đấy. “Sông chảy vào lòng”..., xin mượn ý tưởng sâu xa của nhà thơ Thu Bồn để một lần nữa, cầu chúc cho Tạp chí Sông Hương yêu mến của chúng ta.

Tháng 6-1998
H.N
(TCSH112/06-1998)

 

 

Các bài mới
Chiều (09/06/2023)
Các bài đã đăng
Hệ lụy thơ (04/06/2023)