NGUYỄN UYỂN
(Nhà văn - Trưởng ban công tác Hội - Hội Nhà báo Việt Nam)
Tôi có được tờ Tạp chí Sông Hương ngay từ những năm đầu thập kỷ 80, ấy là nhờ anh Tô Nhuận Vỹ cho, khi chúng tôi gặp nhau ở Hà Nội.
Bây giờ Sông Hương đã đầy tuổi hai mươi. Hai mươi năm trải nghiệm, biến đổi, đổi mới của đất nước, cũng là ngần ấy thời gian Sông Hương đi qua nhọc nhằn, trắc trở làm nên bản sắc đậm đà, tinh chắc của tờ tạp chí sáng tác lý luận phê bình nghiên cứu văn học nghệ thuật - văn hoá. Người ta bảo rằng, tạp chí có sức lưu giữ lâu bền ở tính uyên bác, ở chất bác học, ở hàm lượng chất xám - tôi đem những lời ấy soi vào Sông Hương, càng nhận ra hàm lượng tâm trí, chất cốt văn học, văn hoá và sắc thái Sông Hương rất đỗi đậm đà. Ở mọi thời điểm, dù nhìn nhận khe khắt đến mấy thì các ấn phẩm của Sông Hương vẫn luôn bắt nhập với nhịp sống của thời đại, giàu sức thuyết phục người đọc vì cái mới tốt đẹp, vì những vấn đề nhân tâm thời đại...
Được như thế, có nhẽ trước tiên bởi Sông Hương có đội ngũ người viết rất giàu bút lực, giàu thực tiễn và cũng rất giàu tâm huyết. Không thể kể hết, nhưng với tôi, nhiều tác giả ở Thừa Thiên - Huế quen thân như đồng nghĩa với Sông Hương vậy. Đấy là các nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Khắc Thạch, Ngô Minh, Võ Quê, Vĩnh Nguyên; là các nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hồng Nhu, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Quang Hà, Hà Khánh Linh, Trần Thuỳ Mai, Nguyễn Khắc Phê...
Cũng còn bởi nhẽ, suốt 20 năm qua, Sông Hương đã toả hương khắp bốn phương trời hút bạn viết theo về, hút người đọc tìm đến: Cũng vì thế Tạp chí Sông Hương thành điểm nhớ trong tôi.
Hà Nội, tháng 4-2003
N.U
(TCSH172/06-2003)