Giá sách Sông Hương
Kỷ niệm ngày thành lập TCSH
Sông Hương mãi mãi phải là Sông Hương
14:10 | 08/06/2023

Nhà văn NGUYỄN QUANG HÀ
Sinh ngày 15 - 1 - 1941 tại Quang Biểu, Quang Châu, Việt Yên, Bắc Giang.
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Tổng Biên tập Sông Hương từ tháng 8 - 1997 đến tháng 10 - 2000.

Sông Hương mãi mãi phải là Sông Hương
Ảnh: tư liệu

Năm nay tạp chí Sông Hương kỷ niệm 20 năm thành lập (1983-2003). Ngay từ đầu Sông Hương đã được bạn đọc yêu mến, đợi chờ từng số. Thời anh Tô Nhuận Vỹ làm tổng biên tập, Sông Hương ra 2 tháng một số! Từ thời anh Nguyễn Khắc Phê làm Tổng Biên tập, đáp ứng lòng mong mỏi của bạn đọc, Sông Hương ra mỗi tháng một số. Tạp chí Sông Hương đã thật sự là một nét văn hoá Huế kể từ ngày thống nhất nước nhà đến nay. Dẫu ai làm tổng biên tập thì cũng phải có trách nhiệm giữ cho Sông Hương đúng như Sông Hương đã từng in dấu ấn vào trong lòng bạn đọc không chỉ của Huế, mà của cả nước này. Xứng đáng với lời đánh giá của anh Nguyễn Đình Thi tại nhà hát lớn Hà Nội trong dịp họp các hội văn học nghệ thuật toàn quốc đầu năm 2000: “Sông Hương vẫn là tạp chí đứng đầu trong tất cả các tạp chí văn nghệ địa phương”.

Là một người công tác lâu năm ở Sông Hương kể từ khi Sông Hương ra đời, trong đầu óc tôi lúc nào cũng chỉ nghĩ một điều: làm thế nào cho tạp chí Sông Hương ngày một hay lên, để không phụ lòng mong chờ của bạn đọc. Vui nhất là được làm ở một tạp chí mạnh, có tiếng trong nước, được bạn đọc yêu mến, tin cậy. Tin cậy mua để đọc, tin cậy gửi bài. Nhà văn Nguyễn Bản nói một câu rất cảm động: “Bài được chọn in ở tạp chí Sông Hương thì sang lắm”. Lúc đông nhất, cộng tác viên của tạp chí Sông Hương lên tới 700 người. Mảng khó nhất là lý luận phê bình có tới 70 phần trăm các nhà lý luận văn học trong nước gửi bài tới cho Sông Hương. Những lúc tạo được những cơn lốc tranh luận trên tạp chí, những lúc tặng giải thi truyện ngắn, thi thơ trên Sông Hương, những lúc tổ chức cuộc thi giỏi văn cho học sinh phổ thông do Sông Hương thì thú vị lắm. Người cứ lâng lâng như đang bay. Tỉnh cho Sông Hương cả một chiếc U-oát thùng để hàng tháng chở tạp chí vào bán trong Sài Gòn, biên tập viên nào cũng thấy lòng hừng hực.

Song, trong niềm vui còn có những nỗi buồn. Nỗi buồn chung là hai lần Sông Hương bị đình bản. Một thời Tô Nhuận Vỹ, một thời Nguyễn Khắc Phê. Lần thứ nhất đúng dịp đại hội IV Hội nhà văn. Trước khi đi đại hội, ông Nguyễn Trung Chính, trưởng ban tổ chức tỉnh uỷ triệu tập toàn ban biên tập tới. Sau khi trao đổi với nhau, ông Chính nói: “Sông Hương còn đó, tỉnh uỷ còn đây. Các anh cứ yên trí đi họp, có gì khi các anh về, ta sẽ nói tiếp với nhau”. Nhưng, sau đó Sông Hương vẫn cứ phải đình bản, không trì hoãn được.

Có một lần nhà thơ Thu Bồn về thăm Huế, anh là một người bạn lớn của Sông Hương. Thu Bồn đến thăm Sông Hương. Tôi hỏi anh: “Thu Bồn ơi, ông đã từng trải nhiều, ông giúp tôi trả lời được câu hỏi này: “Làm thế nào để Sông Hương hay lên”. Thu Bồn trả lời: “Hay là chết”. Một câu trả lời thật khó lý giải. Tôi cho là Thu Bồn cực đoan. Nên không hỏi tiếp gì nữa. Nhiều người khuyên tôi: chạy đôn chạy đáo làm gì. Cứ coi tạp chí là cái sân chơi tà tà. Như vậy mới yên. Nhưng đã cầm tờ tạp chí trong tay, lấy đó làm cái sân chơi tà tà thì thật là vô trách nhiệm. Tạp chí Sông Hương phải mãi mãi xứng đáng là Sông Hương vốn được bạn đọc yêu mến. Sông Hương phải là một nét văn hoá mới của Huế.

Trong một cuộc họp tất niên cách đây cũng chưa lâu lắm (tôi nhớ là dịp tết 2001) anh tổng biên tập có nói: “Sông Hương bây giờ là một tờ báo không có biên tập viên, không có phóng viên”. Thế thì thật nguy hiểm. Lo nhân sự cho Sông Hương thuộc Hội văn nghệ. Sông Hương thế nào thì trước tiên người chịu trách nhiệm đầu tiên là hội văn nghệ.

N.Q.H
(TCSH172/06-2003)

 

 

Các bài mới
Chiều (09/06/2023)
Các bài đã đăng
Hệ lụy thơ (04/06/2023)