Nhà văn HỒNG NHU
Sinh ngày 1 - 12 - 1934 tại Mỹ Lợi, Vinh Mỹ, Phú Lộc, TT.Huế.
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Tổng Biên tập Sông Hương chính thức từ tháng 1 - 1992 đến tháng 7 - 1997. Trước đó, với cương vị lãnh đạo của cơ quan chủ quản được trên chỉ định phụ trách Sông Hương cả năm 1990.
Tạp chí Sông Hương là tạp chí nổi tiếng từ trước tới nay, đó là một sự thực - dĩ nhiên mỗi lúc mỗi khác, mỗi mức độ.
Cho phép tôi nói điều này: Nó nổi tiếng không phải trước hết do chất lượng tác phẩm mà là do đội ngũ, do sức nặng và sắc độ của nền văn hoá vùng đất. Một vùng sông Hương núi Ngự, một vùng cố đô của vương triều cuối cùng của nước ta kéo dài hơn một thế kỷ, trong lòng nó chứa chất bao nhiêu là lộng lẫy, bao nhiêu là điệp trùng và cũng bao nhiêu là bí ẩn!... Một vùng đất mà con người ở đó có khả năng thâu tóm được tinh hoa của văn hoá hai đầu là Đàng Ngoài và Đàng Trong, để làm lấp lánh thêm, ảo huyền thêm màu sắc diệu vi của nền văn hoá bản địa. Một vùng đất với đội ngũ có thể nói là tài năng đương thời về văn học nghệ thuật như Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Lâm Mỹ Dạ, Tô Nhuận Vỹ, Võ Quê, Bửu Chỉ, Xuân Hoàng, Lê Thị Mây, Hà Khánh Linh và nhiều tên tuổi khác nữa, ... đã làm cho nhiều nơi trong nước ngưỡng vọng. Chúng ta có thể giở lại những số tạp chí đầu tiên những năm 80 của thế kỷ vừa qua mà xem cái danh sách ban biên tập thời đó: thật là hùng hậu, thật là tiếng tăm!
Cái lợi thế không đâu có được của tạp chí Sông Hương - tôi nghĩ - là từ đó. Còn nhớ lúc bấy giờ tôi đang công tác ở Nghệ Tĩnh - vùng đất văn hoá núi Hồng sông Lam cũng nổi tiếng không kém - không chỉ tôi là người góc Huế, rất nhiều bạn bè tôi ở xứ Nghệ mỗi lần tạp chí Sông Hương phát hành số mới, là vồ vập, là vui mừng y như chính bản thân mình vừa sinh được một đứa con mạnh khoẻ và xinh đẹp.
Sau này (1987) về làm việc tại Hội tỉnh nhà, được cấp trên và Hội cử làm tổng biên tập trong hơn hai nhiệm kỳ (1990-1997) xuất bản được 55 số tạp chí, tôi chủ yếu là học tập và suy nghĩ, suy nghĩ và học tập...
Đó là điều có vẻ “lý thuyết suông”, hoặc “khiêm tốn giả vờ” nhưng thật lòng, rất thật lòng đối với tôi - một người con đã xa quê hương Huế từ năm 1948. Lúc bấy giờ, cái gì tôi cũng thiếu, cũng yếu. Nhận chức mà tôi lo thắt cả ruột gan, một mặt bản tính riêng tôi vốn là một anh nhát gan; lại nữa lúc này là lúc khó khăn nhất của văn nghệ tỉnh nhà về nhiều phương diện. Của đáng tội, tôi cũng có một thuận lợi nhỏ: đã có một thời gian dài làm báo chí văn nghệ, phụ trách tờ báo rồi tạp chí văn nghệ Nghệ Tĩnh, dưới quyền các bậc đàn anh như các nhà thơ Trần Hữu Thung, Minh Huệ; mọi công việc lớn nhỏ về chuyên môn, kể cả các việc “bếp núc” của một toà soạn, tôi đã tích lũy được đôi chút kinh nghiệm.
Nhưng cũng chẳng ăn thua gì, nếu chỉ duy nhất dựa vào kinh nghiệm thì chỉ có thất bại. Thế cho nên tôi phải học, phải đầu tư khả năng và thì giờ vào việc học tập trong thực tế công việc, vừa làm vừa học, rút ra những bài học tốt và có lợi nhất, phân tích, suy nghĩ sâu mỗi khi gặp thuận lợi; thành công, không vội ồn ào vui mừng; và khi vấp phải khuyết điểm, gặp khó khăn nẩy sinh, tôi lại lòng tự dặn lòng phải bình tĩnh, thật điềm tĩnh, cố gắng động não tìm cái chìa khoá để mở ra cái mấu chốt nhất, làm giản đơn mọi vấn đề phức tạp, cố gắng chiến thắng nỗi bực bội, không vội qui trách nhiệm, đổ lỗi cho nhau, kiểm điểm nội bộ căng thẳng; để làm yên lòng mọi thành viên trong tòa soạn làm cho họ cùng mình thanh thản và sáng suốt đóng góp vào việc giải quyết khó khăn, khắc phục khuyết điểm.
Rất nhiều điều tôi đã học tập được trong quá trình làm tổng biên tập, nhưng có hai vấn đề “hóc búa” mà cho mãi đến nay khi đã nghỉ hưu, tôi vẫn tiếp tục suy nghĩ và vẫn chưa lý giải được rành rẽ, khúc triết. Thiết nghĩ đây là hai điều không nhỏ:
1- Vấn đề bản sắc của một tạp chí văn học nghệ thuật địa phương. Mà đây lại là bản sắc Huế. Đâu là nét đặc trưng nhất của bản sắc văn hoá Huế trong văn nghệ? Làm sao cho cái bản sắc đó nổi bật đậm đà, không bị hoà trộn lẫn vào bản sắc chung, nhưng mặt khác, không lấy cái bản sắc đó làm “trung tâm chân lý” để suy ra mọi vấn đề hoặc đối lập với các bản sắc các vùng đất khác.
2- Vấn đề giữa địa phương và toàn quốc trong đội ngũ tác giả và tác phẩm; từ đó đặt nên cái tầm của một tạp chí văn học nghệ thuật. Làm sao để nhào nặn thật nhuần nhuyễn vấn đề này để tạp chí Sông Hương chúng ta tầm cỡ quốc gia thì cũng xứng đáng, mà địa phương Thừa Thiên Huế cũng ngon lành; không khập khiễng, khuôn bó, không gò ép, không làm ra vẻ cởi mở, trong ngoài đều nhuần nhị, đều vui vẻ và đều... hay!
Nhân kỷ niệm 20 năm ngày tạp chí Sông Hương chúng ta ra số đầu tiên, tôi viết đôi dòng tâm sự và cầu chúc cho Sông Hương bước vào tuổi 21 cường tráng, tự tin và mê hồn như con sông mà nó mang tên.
H.N
(TCSH172/06-2003)