Giá sách Sông Hương
Kỷ niệm ngày thành lập TCSH
Sông Hương ngày ấy...
14:49 | 09/06/2023

Nhà văn TÔ NHUẬN VỸ
Sinh ngày 25 - 8 - 1941 tại Mai Vĩnh, Vinh Xuân, Phú Vang, TT.
Huế.
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Tổng Biên tập Sông Hương từ tháng 5 - 1986 đến tháng 8 - 1989.

Sông Hương ngày ấy...
Ảnh: tư liệu

Tôi có đắn đo khi viết bài này. Đắn đo bởi nhiều bạn bè anh em nói tôi nên viết “một cái gì đó” nhân dịp Sông Hương (SH) tròn hai mươi tuổi, nhưng viết “một cái gì đó” là cái gì? Lúc tôi làm thì SH mới chập chững bước vào đời. Đất nước, quê hương cũng mới bước vào giai đoạn đổi mới. Chuyện được - mất, vui - buồn chen lẫn nhau. Viết cái chi?... Nhất là có chuyện ngày ấy, mà cho đến nay vẫn còn sự đánh giá khác nhau, vả lại, dù viết ngắn ở một bài báo, cũng là một đoạn hồi ký. Mà hồi ký... của không ít văn nghệ sĩ... “kỳ” lắm, cứ hay “sáng tạo” những sự kiện không có thực, cũng chỉ đánh bóng mình lên một cách rất khổ sở. Người đọc biết chữ nghĩa không ít lần “cười vào mũi” người viết. Tôi ớn chuyện đó lắm, cho dù tôi viết sự thật.

Nhưng không viết, tôi cũng có lỗi với anh em, có khi bị coi là cao ngạo.

1. Bạn đọc thường chú ý SH thông qua việc đọc tạp chí Sông Hương (dĩ nhiên), ít người còn nhớ (hoặc chưa biết) về Tủ sách Sông Hương ngày ấy. Chúng tôi cho rằng, ngoài việc phản ánh hiện thực xã hội, hoạt động văn hoá nghệ thuật và “lập ngôn” phải thông qua chủ yếu trên tạp chí SH, nhưng với khuôn khổ hạn chế của một tạp chí tổng hợp, có nhiều nội dung cần kíp khác, tờ tạp chí không ôm nổi. Vì vậy, chúng tôi cho ra đời Tủ sách Sông Hương (TSSH) để xuất bản một số tác phẩm đặc biệt có chất lượng hoặc cần thiết. Một kiểu phụ bản mà bây giờ nhiều tờ báo vẫn làm. Chỉ có khác là ngày ấy chúng tôi làm không phải trước hết vì mục đích kinh tế. Trong nhiều cuốn sách đã xuất bản của TSSH, tôi nhớ nhất đến việc ra đời của ba cuốn: Bài thơ thôn Vỹ (BTTV) năm 1987 (thơ viết về Huế trước 1945), Nguyễn Huy Thiệp, tác phẩm và dư luận (NHT) năm 1987 và Tình yêu thời thổ tả (TYTTT) của G.Macket. Từ đánh giá nhiều tác giả và nhiều bài thơ xuất bản trước 1945 đã đóng góp một phần rất quan trọng và “rất riêng” vào dòng chảy của thơ ca thế kỷ hai mươi của Việt Nam, chúng tôi quyết định in một “tuyển tập thơ” về đề tài này. Để cho nhanh và gọn, chúng tôi khoanh vùng chỉ là những bài thơ viết về Huế.

Vì nhiều lý do, dĩ nhiên vì lý do về quan niệm và đánh giá, cho đến khi BTTV được xuất bản (6/1987), chưa có một tuyển tập dù là một tập tuyển chọn nhỏ thơ tiền chiến nào xuất bản sau Cách mạng tháng Tám. Vì vậy, ngay trong toà soạn cũng có sự ngại ngùng. Nhưng nhìn chung anh chị em ủng hộ. Cả ở sở VHTT Bình Trị Thiên cũng có người ủng hộ, nơi chúng tôi phải xin giấy phép xuất bản nhất thời. Nhưng các anh giục làm lẹ lên vì để lâu có lúc bàn lui bàn tới nhiều sẽ “rách việc”.

Cũng để cho “chắc ăn”, chúng tôi mời anh Chế Lan Viên viết bài giới thiệu. Bài giới thiệu của anh Chế Lan Viên thật công phu và tâm huyết, như một tiểu luận với tựa đề SÔNG THƯƠNG, SÔNG HƯƠNG TRONG DÒNG VĂN HỌC. Anh thông minh lắm nên biết một phần chủ định của SH, “Ồ, chả hiểu sao anh chị em SH lại giao cho tôi giới thiệu tập thơ về Huế trước Cách mạng này! Giá các anh chị làm sớm đi một năm, Xuân Diệu viết cho thì có tuyệt vời không, hôm nay đúng một năm ngày Xuân Diệu mất... Nhưng giao cho tôi chắc anh chị em ở Huế còn có thâm ý khác. Giao cho cái anh chàng từng dứt khoát với thơ Tiền chiến, bây giờ xử lý nó, xem thử tình anh ta ra sao và lý thế nào...

Anh trích rất đắc địa lời đồng chí Trường Chinh: “Đối với trào lưu văn nghệ lãng mạn, chúng ta không nên mạt sát vơ đũa cả nắm” hoặc “Việc uốn nắn lại những thái độ hẹp hòi, máy móc đối với những giá trị văn nghệ cũ không những có tác dụng sửa chữa những thái độ bất công đối với nhiều tác phẩm mà còn có tác dụng mở rộng con đường cho sáng tác văn nghệ hiện thời”... Đây chính là ước muốn sâu xa của chúng tôi khi xuất bản BTTV.

Ở tập tuyển chọn lần đầu của tập sách một trăm bảy sáu trang này, chúng tôi đã giới thiệu chín mươi sáu bài thơ về Huế trước Cách mạng tháng Tám của năm mươi mốt tác giả như Anh Thơ, Chế Lan Viên, Thế Lữ, Phan Bội Châu, Huy Cận, Xuân Diệu, Tố Hữu, Lưu Trọng Lư, Thanh Tịnh, Hồ DZếnh, Trần Tuấn Khải, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Trọng Cẩn, Henri Guibier, Mai Bình, Manh Manh, Nam Trân, Nguyễn Bính, Mộng Tuyết, Nguyễn Đình Thư, Nguyễn Nhược Pháp, Phạm Hầu, Quách Tấn, Tương Phố, Thái Can, Thúc Tề, Ưng Bình...

Sách xuất xưởng và nộp lưu chuyển tháng 6/1987, in 40.000 cuốn (bốn mươi ngàn) và bán hết sau một thời gian ngắn (nhiều nơi đã mua sỉ để bán dần - với giá khác - hàng năm sau).

Cuốn sách thứ hai là Nguyễn Huy Thiệp, tác phẩm và dư luận (7/1989).

Sau truyện ngắn Tướng về hưu, hầu như mỗi truyện mới của NHT ra đời đều gây nên sự bàn tán, tranh luận khắp nơi từ Nam chí Bắc. Có người ca ngợi hết lời, có người lên án, thậm chí có người đòi khởi tố, đòi bỏ tù tác giả.

Lúc này cũng phải nói ngay rằng, tại toà soạn SH cũng có người e ngại NHT, nhất là khi chúng tôi quyết định đăng các vở kịch Quỷ ở với người, Nguyễn Thái Học. SH là tờ báo duy nhất đăng kịch của NHT cho đến lúc ấy (về một mặt nào đó, ở các vở kịch này sức công phá của vấn đề NHT đặt ra còn hơn cả ở truyện ngắn).

Chúng tôi đánh giá cao NHT và cho rằng, cho dù xuất hiện không lâu, cho dù có những vấn đề cần tranh luận trao đổi, truyện ngắn NHT đứng trên một mặt bằng khác hẳn, thậm chí cao hơn mặt bằng của truyện ngắn Việt Nam lâu nay. Nhưng để cho khách quan và khoa học, chúng tôi cho đăng cả ý kiến khen lẫn chê trong phần DƯ LUẬN với bài viết của các tác giả Hoàng Ngọc Hiến, Tạ Ngọc Liễn, Thuỳ Sương, Đỗ Văn Khang, Văn Tâm, Mai Ngữ, Vũ Phan Nguyên, Trương Hồng Quang, Trần Thanh Đạm, Đặng Anh Đào.

Phần tác phẩm, chúng tôi cho in Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết, Những bài học nông thôn, Những người thợ xẻ, Cún.

Chúng tôi liên kết với NXB Trẻ, lúc đó anh Trương Văn Khuê làm giám đốc, NXB Trẻ chịu mọi trách nhiệm về phép tắc, in ấn và phát hành. TCSH chịu trách nhiệm hoàn toàn về nội dung.

Sách in năm nghìn bản, nộp lưu chiểu 7/1989. Sách bán hết vèo trong một thời gian ngắn.

Hai cuốn sách trên đây, dù trầy trật vất vả nhưng cuối cùng cũng đã đến tay bạn đọc và được hoan nghênh, là hai trong những cuốn sách đồng thời với TCSH góp phần nói lên thái độ của SH đối với những vấn đề lớn của văn hoá văn nghệ Việt Nam. Nhưng nói đến TSSH lại không thể không nói đến những sự cố của nó. Vì vậy, tôi kể qua để bạn đọc biết về số phận cuốn thứ ba, cuốn Tình yêu thời thổ tả của G.Macket. Về việc xuất bản cuốn tiểu thuyết này, nhà thơ Thanh Thảo cũng đã có đề cập đến khi nhà văn Nguyễn Trung Đức, là bạn thân của anh và là dịch giả của TYTTT, qua đời. Nhưng chúng tôi là người trong cuộc nên muốn nói thêm cho rõ.

Biết được anh Nguyễn Trung Đức đã dịch xong TYTTT, chúng tôi xin để TSSH xuất bản. Anh Đức vốn quý SH nên đồng ý, chứ nếu vì kinh tế thì chắc chắn gởi nơi khác. Lần này, chúng tôi cũng đi tìm người hợp tác, dĩ nhiên là người có tâm và có lực. Phải có lực vì riêng chuyện giấy in đã là một số lượng lớn vì cuốn sách dày cộp. Và chúng tôi đã dự tính in vài chục ngàn cuốn. Chúng tôi đã tìm được “đồng minh” ý hợp tâm đầu: Báo Vũng Tàu - Côn Đảo do anh Trần Quốc Toàn làm Tổng Biên tập.

Sách in ở thành phố Hồ Chí Minh. Ruột sách đã in xong bỗng có lệnh từ “các cơ quan chức năng” TP. Hồ Chí Minh phải dừng lại chưa được in tiếp và chưa được xuất bản. Chúng tôi hết sức kinh ngạc khi (mãi sau đó) biết rằng trong sách “có những đoạn đồi trụy”. Tôi biết ngay là vấp phải hòn đá tảng rồi. Vì đến như G. Macket - giải thưởng Nôbel, người bạn thân thiết của Fidel Castro và rất yêu quý Việt Nam, có lẽ trên thế giới chưa hề có ai nói ông ta có những trang viết đồi trụy và nếu có trang nào viết về cơ thể đàn bà, về “chuyện ấy” thì với không ít độc giả Việt Nam có khi phải đọc đi đọc lại cộng với sự tưởng tượng mới “thấy”... Với tất cả những “gạch đầu dòng” như vậy mà sách vẫn cứ bị đình lại thì, ôi thôi rồi, chúng tôi khó có khả năng đối thoại. Chỉ còn cách đi năn nỉ. Tôi và anh Toàn (tội cho anh Trần Quốc Toàn và các bạn ở báo VTCĐ lần đầu có hảo ý liên kết, động viên SH mà lại mang vạ vào thân vì kẹt vô đây một khối tiền đâu phải nhỏ) cùng một số anh chị em, bạn bè ở thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có cả mấy người lãnh đạo các báo, đã đến đủ cửa từ chị Đỗ Duy Liên Phó Chủ tịch thành phố đến các cơ quan chức năng và cả đại diện Bộ Văn hoá Thông tin tại phía Nam... Tất cả đều lắc đầu.

Sách in niêm phong mãi, không một lời giải thích tiếp. Không một giải pháp. Năm này qua năm kia. Không còn cách nào khác, ít ra là để “cứu” anh Toàn bớt lỗ, đành cắn răng “chấp nhận” đề xuất của cơ quan trách nhiệm là... cho xay bột số sách đã in rồi đấy, ít ra còn thu được một ít giấy! Chỉ sau vụ đó một thời gian ngắn, TYTTT xuất bản đàng hoàng ở Hà Nội! Thành thật tôi không hiểu điều gì đã xảy ra.

Nhớ lại và kể việc xuất bản ba cuốn sách này, tôi muốn nói với bạn đọc SH rằng, chỉ mới hơn mười năm, đất nước đã đổi thay quá nhiều, trên cả những lĩnh vực báo chí xuất bản, đến mức bây giờ nghe những chuyện đó chắc có người không tin, cười mà rằng “thằng cha nói láo”.

2. Đầu năm 1988, Ban Văn hoá Văn nghệ TW Đảng cử một đoàn cán bộ sang học chuyên đề “Đảng lãnh đạo Văn hoá - Văn nghệ” tại Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội (AOH) trực thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Đoàn do nhà lý luận Nguyễn Văn Hạnh, Phó Ban, làm trưởng đoàn và các thành viên phần lớn là các uỷ viên thư ký hoặc Tổng thư ký các Hội chuyên ngành TW như Calê Thuần, Trung Kiên, Trọng Bằng, Đặng Thị Khuê, Từ Sơn, Nguyễn Khoa Điềm (lúc đó anh Điềm là uỷ viên Ban Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, đang đảm trách chức vụ Trưởng ban Tuyên giáo Bình Trị Thiên)... Ngoài ra, đoàn còn có năm đồng chí là Phó Ban Tuyên giáo hoặc Phó Chủ tịch UBND một số tỉnh thành (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Quảng Ninh và Đắc Lắc). Tôi là người gần như ngoại lệ, chức vụ chỉ là Tổng biên tập tạp chí Sông Hương.

Trong thời gian học tại AOH, qua Hội Nhà văn Liên Xô, tôi biết được, cùng lúc đó tại AOH cũng đang có một lớp học của Tổng biên tập một số báo, tạp chí của Liên Xô, trong đó có Tổng biên tập Tạp chí NHÔ MAN, là tạp chí của Hội Nhà văn Biêlôruxia. Thời gian này tỉnh Bình Trị Thiên đang có quan hệ kết nghĩa với nước Cộng hoà Biêlôruxia. Đoàn của đồng chí Vũ Thắng, Bí thư tỉnh uỷ Bình Trị Thiên, đã sang thăm và được đón tiếp nồng hậu tại nước Cộng hoà này. Ngay lúc đó tôi đã nghĩ là sẽ tìm cách kết nghĩa với Nhô Man, tìm cách mời Tổng Biên tập Nhô Man sang dự lễ kỷ niệm năm năm ra đời tạp chí Sông Hương. Trước hết, tôi bàn với anh Điềm tìm cách về Minxcơ thăm Nhô Man đã. Anh Điềm nhất trí, tôi nhờ Hội Nhà văn Liên Xô giúp, chúng tôi đã về Minxcơ thăm bạn bằng tàu hoả. Tổng Biên tập và một số cán bộ tạp chí Nhô Man cùng mấy anh em cán bộ giảng dạy Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Huế đang học tại Minxcơ như anh Lê Xuân Việt, anh Hà Văn Lưỡng... ra ga đón chúng tôi.
 

Tổng Biên tập NhôMan (thứ 2 từ trái qua) làm việc với anh Nguyễn Khoa Điềm (thứ 3 từ trái qua) và anh Tô Nhuận Vỹ (thứ 5 từ trái qua) tại Toà soạn Tạp chí NhôMan


Chúng tôi đến thăm Hội Nhà văn và nhiều địa điểm văn hoá, lịch sử ở Biêlôruxia, thăm và làm việc với tạp chí Nhô Man. Trụ sở của Nhô Man khang trang, rộng rãi. Nhưng chính ở đây tôi mới thấy hết sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh đối với Sông Hương khi đã cấp tiền mặt giá ba mươi hai cây vàng ngay sau vụ đổi tiền (lại phải trả bằng tiền mặt sau vụ đổi tiền chấn động cả nền kinh tế, là một quyết định rất “ghê gớm” của tỉnh) để có nhà số 5 Đinh Tiên Hoàng làm trụ sở tạp chí, cơ ngơi lớn hơn cả Nhô Man và là toà soạn Tạp chí văn nghệ đàng hoàng nhất trong cả nước cho đến lúc ấy. Tại tạp chí Nhô Man, tôi chính thức mời Tổng Biên tập Anatoli Busưvest sang dự lễ kỷ niệm năm năm ra đời của tạp chí Sông Hương vào mùa hè. Thủ tục theo cách: Anatoli nhờ Hội Nhà văn Liên Xô giúp đỡ để xin phép xuất cảnh Liên Xô và nhập cảnh Việt Nam (chúng tôi đã đề nghị với Hội Nhà văn Liên Xô). Từ lúc đến sân bay Hà Nội cho đến lúc đi, việc ăn ở đi lại ở Việt Nam, Sông Hương lo. Ngay hôm đó, tôi đã gửi ngay giấy mời (nhờ anh em đánh máy luôn) vì có đem theo giấy khống chỉ của tạp chí Sông Hương. Cũng bằng cách đó, chúng tôi mời IRina Zitman, phát ngôn viên và phóng viên của Ban Tiếng Việt Đài phát thanh Matscơva, cho đến lúc đó là người có quan hệ thân thiết với Hội Nhà văn Việt Nam và các lao động Việt Nam sang làm việc tại Liên Xô, nhất là những lúc họ gặp khó khăn cần giúp đỡ. Cả Anatoli và Irina Zitman đều ngạc nhiên về việc này, vì theo những gì họ biết từ trước tới nay chưa có một tờ báo “tỉnh lẻ” nào lại dám tự mời khách nước ngoài như vậy. Nhưng, thấy nhiệt tình và sự tự tin của chúng tôi, họ cũng... tin tưởng theo. Thực ra, tôi đã có sự liều mạng. Thủ tục “Đoàn ra đoàn vào” ngày ấy tôi chưa biết gì, chỉ nghĩ đơn giản là việc ra vào Việt Nam bạn đã tự lo, mình chỉ việc đón đưa ăn ở trong nước, có sự vui vẻ của Tỉnh và giúp đỡ rất cụ thể của một số ngành và huyện, thị... thì chắc không có trục trặc lớn.

Lo ngại lớn nhất của tôi là lẽ ra phải báo cáo xin phép lãnh đạo trong Tỉnh trước mới gởi giấy mời đi. Nhưng hết báo cáo lại bàn bạc... thì cũng quá ngày kỷ niệm mất! Dựa vào quan hệ tình cảm giữa Bình Trị Thiên và Biêlôruxia, giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Hội nhà văn Liên Xô lâu nay, tôi vẫn hy vọng Tỉnh và TW sẽ ủng hộ trước chuyện “tiền trảm hậu tấu” này. Dĩ nhiên, tôi có bàn bạc, tranh thủ ý kiến anh Điềm. Anh không phản đối nếu tôi làm được, nhưng mặt khác tôi không kéo anh dính vào việc này quá sâu, lỡ có chuyện trục trặc thì kẹt cho anh.

Khi tôi và cô Thái Cẩm Thuỷ (phiên dịch tiếng Nga của Sông Hương) đi xe ra đón tại Hà Nội, khi Anatoli và Irina đã bay trên trời trên đường qua Việt Nam rồi, mấy thủ tục quan trọng vẫn chưa làm xong. Tôi phải lên gặp cả chị Nguyễn Thị Bình lúc đó phụ trách Ban đối ngoại TW để cầu cứu mới hanh thông!

Tôi muốn nói thêm một chút, sở dĩ tôi hăng hái trong việc mời này, cũng như mời đại diện Hội Người yêu Huế tại Pháp (cả Chủ tịch và Tổng thư ký) về dự nữa (Hội người yêu Huế tại Pháp là đại diện phát hành tạp chí Sông Hương tại Pháp và Tây Âu lúc đó) cũng là các hoạt động trong việc thực hiện vế Nhìn ra thế giới trong phương châm lớn của tạp chí Sông Hương là: Cái mới phải mạnh mẽ, cái cũ phải sâu và nhìn ra thế giới (đây cũng là đầu đề bài phát biểu chính của tôi trong buổi lễ kỷ niệm).

Tôi quan niệm rất rõ là không thể có một tạp chí có chất lượng thu hút nhiều độc giả trí thức, văn hoá và ham hiểu biết mà chỉ bó rọ chuyện trong nhà, không cung cấp cho độc giả những thông tin về các mặt của thế giới đang chuyển động vô cùng nhanh chóng. Mà không ít văn nghệ sĩ lại hay dễ bằng lòng với vốn sống tự có, ít đọc, ít nghiên cứu những cái gì xa và sâu. NHÌN RA THẾ GIỚI lúc đó đối với chúng tôi mở ra được hai hướng: mở rộng quan hệ qua hướng Paris và Matscơva, Minxcơ và việc gấp rút xây dựng Bộ phận tư liệu - Thư viện của tạp chí. Tôi ao ước nhanh chóng mở rộng bộ phận này. Tài liệu ngoại ngày ấy quá ít, Internet thì còn lâu mới có. Chúng tôi tìm mọi cách để có các tạp chí, báo tiếng Nga mới nhất, cố gắng có báo tiếng Pháp tiếng Anh (chú ý văn hoá văn nghệ) từ Paris, Bangkoc hoặc qua ngả thành phố Hồ Chí Minh. Tìm mua về và dịch những tài liệu cần thiết ra, để cho anh chị em trong toà soạn đọc tham khảo và dùng những tư liệu thích hợp trên tạp chí. Để làm việc này, tôi tìm cách xin biên chế và lấy về các nhân viên dịch: Thái Cẩm Thuỷ (tiếng Nga - nay công tác ở Hội Văn nghệ), anh Phạm Anh Tú (tiếng Pháp, nay là Phó trưởng khoa tiếng Pháp Đại học Sư phạm Huế), Lê Hùng Vọng (tiếng Anh, nay là phóng viên Việt Nam NEWS). Tiếc rằng khi tôi không còn làm nữa, không biết vì lý do gì, bộ phận này bị giải tán.

3. Cũng nên nói đôi chút “chuyện bếp núc” của toà soạn. Việc cụ thể hàng ngày, chuyện cơm gạo áo tiền đã có các anh Nguyễn Khắc Phê, Thái Ngọc San, Võ Mạnh Lập lo. Tôi thường tập trung và luôn tự nhắc mình tập trung vào những vấn đề thực sự cần đến vai trò Tổng Biên tập hoặc những bài tiêu biểu cho một xu hướng cần mở, những “chủ điểm thời sự” cần khai thác, công tác đối ngoại... Riêng để thực hiện các bài thuộc “chủ điểm thời sự” có chất lượng, toà soạn (mà ở đây là Tổng Biên tập) cần phải nắm rõ và trực tiếp bàn bạc, chỉ đạo những cây bút ký nóng hổi, vững của toà soạn như anh Nguyễn Quang Hà, Vĩnh Nguyên. Từ đó mới có thể có những bài Luận chứng những tâm hồn đa cảm, Tiếng gõ cửa cuộc đời, Cà xèng chon von, Theo thuyền đánh cá mập...

Viết đến đây tôi chợt nhớ anh Chu Văn. Lần đó vào dự một Trại sáng tác của Hội Nhà văn Việt Nam tại Huế, có hôm anh chân thành hỏi tôi:

- Tạp chí của bọn mình cũng có những mục, những phần như Sông Hương, nhưng đọc Sông Hương vẫn thích hơn, tìm mãi không ra lý do - Ông có mẹo gì thế?

Tôi không nín được cười. Mẹo luật gì nơi tôi! Nhưng thấy anh thân tình quá, tôi có nói cho anh nghe một chuyện mà nhiều bạn đọc chắc buồn cười. Thường sau khi biên tập viên chọn bài vở, thư ký toà soạn ghi ý kiến của mình... gửi lên Tổng Biên tập, trước khi chuyển bài cho bộ phận Trị sự đưa đi in, tôi thường đóng cửa phòng lại, trải các mảng bài ra trước mắt rồi... nhắm mắt lại “nghe”! Đúng là tôi “nghe” bài vở thật. Vào lúc ấy, tất cả các loại bài vở mới thực sự hiện lên trước mắt tôi như một bức tranh toàn cảnh. Trên cái toàn cảnh đó, tôi mới phát hiện được sự khập khễnh hay đã hài hoà theo kinh nghiệm thực tế mà tôi đã rút ra cho riêng mình.

Đó chính là hiệu quả của sự hài hoà, như kinh nghiệm của ông Calisto cựu huấn luyện viên đội tuyển bóng đá Việt Nam. Ông loại cầu thủ giỏi hơn vào một vị trí quan trọng bằng một cầu thủ không nổi tiếng và không kinh nghiệm bằng nhưng biết chắc rằng cầu thủ yếu hơn này sẽ hoà đồng được cách chơi của toàn đội và từ đó phát huy năng lực của anh ta hơn và cả tập thể hơn. Chọn bài cho một số, có khi không phải chọn tất cả loại A của các thể loại thơ, văn xuôi, dịch, phê bình. Mà có khi phải chọn loại A của thơ, loại B của văn xuôi, loại A của dịch, loại B của phê bình...

Tôi nghĩ mà ngạc nhiên: hoá ra bóng đá của ông Calisto lại có điểm “hoà hợp” với việc làm báo của mình hai mươi năm về trước.

Nhà Sáng tác Nha Trang, ngày 12/5/2003
T.N.V
(TCSH172/06-2003)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chiều (09/06/2023)