Giá sách Sông Hương
Tưởng nhớ nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường
Để lại được “nhàn đàm” cùng Hoàng Phủ Ngọc Tường
15:02 | 11/09/2023

PHONG LÊ

Tôi viết bài này khi anh Tường còn nằm ở Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Tôi đã vào thăm anh một tối cuối tháng Sáu năm 1998. Lại vào thăm tiếp một chiều đầu tháng Bảy. Anh vẫn chưa thật tỉnh sau hơn hai tuần vào bệnh viện.

Để lại được “nhàn đàm” cùng Hoàng Phủ Ngọc Tường
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường - nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ với vợ chồng nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Ảnh: sưu tầm

*

Tôi quen anh Tường chưa lâu. Mới chỉ chừng trên dưới mười năm. Nhưng khi đã quen là trở nên thân; và tình thân ấy khá bền. Cũng từ đấy tôi mới chăm đọc anh; và thấy rất quý trong văn anh chất tài hoa bẩm sinh của một nghệ sĩ về ngôn từ. Gọi anh là nhà văn thật đúng. Tôi không là người bi quan, trái lại còn rất lạc quan về nền văn chương của ta; nhưng đứng về phía nghệ thuật ngôn từ trong văn chương, kể cả về sáng tác và nghiên cứu - phê bình mà nói, thì theo tôi là còn chưa nhiều. Chưa nhiều, còn hiếm, nên tôi rất quý anh Tường. Cũng là một cách để tự đòi hỏi ở mình. Phải nói anh là người thường gợi cho tôi, kích thích tôi ham đọc, chăm chỉ đọc. Đọc nói chung và đọc anh nói riêng. Cho đến cuốn gần đây nhất của anh là Nhàn đàm1.

Tôi thân anh còn vì nhiều lẽ khác nữa. Từ cuối 1980 đầu 1990 tôi có nhiều dịp vào công tác miền Trung, lần nào cũng được các anh chị ở Bình Trị Thiên, những Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khắc Phê, Nguyễn Quang Hà, Võ Quê, Nguyễn Khắc Thạch, Thái Ngọc San… đón tiếp rất thân tình. Đó là những chuyến đi rất cảm động và ấn tượng. Cũng như trước đó dăm năm, khi công tác ở Ban Văn học hiện đại, chúng tôi cũng từng được anh Nguyễn Khoa Điềm đón tiếp thân tình. Tôi rất nhớ có lần anh Điềm, nhà tuy ở xa phía dưới Vỹ Dạ, vẫn đạp chiếc xe cọc cạch lên tận nhà khách chỉ để thăm thoáng chốc chúng tôi trong một vẻ lặng lẽ, khiêm nhường, ít nói mà đầy tình cảm như cách anh vốn thế. Rồi lại còn “đi thực tế” với chúng tôi ở Thủy Phương, Thủy Dương. Chuyện buồn cười là trời rất nóng, buổi trưa miền Trung cứ ong ong, lại phảng phất vị gió biển, khiến tất cả anh chị em đều gà gật ngủ, chỉ có tôi và anh Điềm là phải chong mắt, căng tai chống buồn ngủ, để “chịu” chuyện… Nhớ lại các kỷ niệm cũ với bạn bè Bình Trị Thiên trong ngót 15 năm qua tôi luôn luôn lưu giữ cái bồi hồi không chút hoài cổ, về một thời quá vãng của tuổi trẻ và tuổi hàn vi chung của chúng ta sao mà đẹp, mà ấm áp thế, cố nhiên trong đó có đóng góp của gương mặt Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Tôi cũng đã từng là cộng sự nhiều năm với tờ Cửa Việt hồi anh là Tổng Biên tập. Nghĩ cũng tiếc và cũng khó tránh chuyện Tạp chí trong những năm đầu tồn tại gắn với sự bận rộn, niềm vui thú và những khó khăn của anh Tường. Kỷ niệm sâu sắc tôi còn giữ về anh là chuyến tôi đi cùng Tiến sĩ Niculin vào Quảng Trị, hồi tỉnh lỵ Quảng Trị dọn về Đông Hà còn ngổn ngang gạch vữa. Niculin cùng tôi ở chung một gian nhà khách không có buồng vệ sinh - cứ như câu chuyện giai thoại về “ngôi nhà năm tầng không có hố xí” - chúng tôi phải rất sáng kiến trong cách chăm nom và cảnh giác để vượt cái khó ấy cho khách Liên Xô. Chuyến đi ấy, sau khi nói rõ mọi điều, Niculin rất buồn cười và cảm động.

Tình bạn giữa chúng tôi, về phần tôi, vẫn bền chặt sau khi tôi thôi công tác quản lý Viện Văn học. Điều tự nhiên là chúng tôi ít có dịp gặp nhau so với trước. Lần gặp anh gần đây nhất là vào cuối tháng Năm vừa qua ở Viện Văn học. Hình như trước đó khá lâu anh đã ra Hà Nội và có dịp đi nhiều nơi, vừa lên núi, vừa xuống biển và viết được khá nhiều. Không kể trước đó anh đã sang Pháp… Vậy là, những cuộc đi khá dồn và khá dài. Không hiểu có chút dấu hiệu gì mang tính tiên liệu về việc hôm nay anh nằm bất động như một sự ngưng - nghỉ, thế kia?

Tôi và anh Nguyễn Hữu Hương - Phó Tổng Biên tập báo Khoa học và Phát triển (Đà Nẵng) vào thăm anh trong gian phòng hẹp gồm hai giường của bệnh viện dành riêng cho anh. Dạ Thi đang chăm sóc bố. Tôi mới chỉ biết cuốn thơ Chiếc chuông vú của Dạ Thi do anh Tường tặng, chứ chưa được biết mặt cháu; không ngờ Dạ Thi đã lớn như thế kia, lại còn là sinh viên Khoa Báo chí - Ngữ văn. Tôi gắng đi rón rén, và khẽ khàng tự giới thiệu thì bỗng thấy Dạ Thi nói vang cả phòng, với một giọng ngỡ như là vui, dường như không có chút u sầu, ủ dột nào…

- Ba Tường ơi! Có bác Phong Lê vào thăm ba kìa! Ba mở mắt và nói chuyện đi!

Nghe Dạ Thi nói to, tôi tưởng như anh Tường sắp nhổm dậy; nhưng không, anh vẫn nằm yên.

Dạ Thi cứ tiếp tục nói, tựa như ba Tường đã nghe, và đang tiếp tục câu chuyện giữa hai cha con. Cháu liên tục vuốt lên tóc, lên mặt, rồi xoa xoa khuôn ngực và thân hình vẫn bất động của ba với chằng chịt các dây dợ, các chai lọ - cái thì thuốc, cái thì thức ăn, từ đầu đến chân.

Tôi bỗng ngạc nhiên vì sự rón rén và khẽ khàng của mình; và chợt nhận ra, hình như Dạ Thi đang cần có tiếng động. Gian phòng cách âm bằng kính và trong veo, thấy thông thống xuyên suốt ra ngoài mà lại lặng ngắt như tờ. Hình như khi không có khách Dạ Thi vẫn nói chuyện với bố; và gắng nói với một giọng vui, tựa như để cho bố vui, tựa như hai bố con vẫn đang tiếp tục trong một cuộc chuyện trò tự nhiên của thường ngày hoặc sau một chuyến đi xa về.

Và tôi hiểu.

Đó là cái “vui” bất thường của Dạ Thi, cái vui được giao thiệp với bạn bè của ba, vì ba là một người ưa giao thiệp, một người “ham vui” và “ham chơi”!

- Ông Tường ham chơi lắm bác ạ! - Tôi “đính chính” đừng gọi tôi là bác mà là chú, cho nó trẻ hơn một chút và vì tuổi tôi thua tuổi ba Tường.

- À, thế chú tuổi Dần, còn ba cháu tuổi Tý. Tý là hay rúc, hay đi, hay chạy.

Tôi nói tuổi Ngựa mới là tuổi chạy, còn Tý là tuổi lắm tài năng lớn đấy. Ba cháu chẳng phải “ham vui”, “ham chơi” đâu. “Chơi” mà “làm”, “làm” mà “chơi” đấy! Chơi mà là nghề đấy! Nghề là phải thế. Biết bao là “nhàn đàm” làm vui cho mọi người.

Dạ Thi rất cẩn thận trong chăm sóc bố. Cháu luôn tay. Và nói luôn miệng. Tôi có cảm giác cháu nói nhiều như để bù đắp cho một sự im lặng quá dài của ba; và dường như là để khỏa lấp sự vắng vẻ, trống trải của gian buồng kín. Tôi cũng muốn nói cùng cháu, và càng rất mong một động đậy trên cơ thể anh Tường. Một động đậy, hoặc chí ít một cử động trên đôi mắt hé mở, mà cứ như đăm đăm trong khoảng không.

Dạ Thi cho biết cả ba mẹ con và một người cháu phân công nhau trực bốn ca suốt 24 trên 24 giờ. Ai hết ca trực lại về khách sạn Faifo được anh em bè bạn văn nghệ chi trả.

Tôi hiểu niềm vui đón khách và giọng nói vang to hơi bất thường của Dạ Thi. Như là nói cho ba nghe. Như là cách kích thích ba phải nghe và mở mắt sau một giấc ngủ dài, sau hơn hai tuần bất động. Hình như ba có nghe được đấy! Quả là ba đã nghe được rồi! Chú thấy không, mắt ba đang chớp chớp kìa! Tất cả gian phòng như có chút chuyển động theo ý nguyện của Dạ Thi, chỉ có tôi là chưa thấy được thôi!

Tôi trở về cùng Hương trong đêm tấp nập người và xe Đà Nẵng. Bao giờ anh Tường ra viện để về Huế? Và bao giờ tôi lại được vào Huế, hoặc anh ra Hà Nội? Dịp đó, nhất định tôi phải tự đi tìm anh và kéo anh về được nhà riêng ở Thái Hà, hoặc bắt Phạm Xuân Nguyên và Nguyễn Quang Lập dẫn anh về nhà, ngồi với nhau cho thật lâu…

Phú Yên - Đà Nẵng, 1/7/1998
P.L
(TCSH415/09-2023)

---------------------------
1 Nxb. Trẻ; Tp. Hồ Chí Minh; 1997.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Tính cách Huế (11/09/2023)