Giá sách Sông Hương
Chuyên đề LÀNG
Tản mạn quê nhà
11:35 | 19/01/2009
NGUYỄN ĐẶNG MỪNGVề đêm ít ngủ, chợt giật mình nghe tiếng chim chèo hót kêu thảm thiết giữa không gian  thành phố. (Nhà tôi có nhiều chim về đậu vì xung quanh đô thị hóa hết rồi, còn một mảnh vườn thiên hạ chưa thèm làm, cây cỏ mọc um tùm, những loài chim không có chỗ nương thân thường về đậu chứ không phải đất lành).

Lại nhớ con chim chèo hót ở quê nhà, theo truyền thuyết là báo hiệu có người sắp chết. Nghĩ về kiếp nhân sinh, tôi viết:

Chim chèo hót kêu lời thảm thiết
Giấc mơ vàng nương bóng tre xanh.

Ừ, giấc mơ từ đâu nhỉ? Từ thuở lên năm ở nhà quê, bên luỹ tre, giấc mơ xa nhất của tôi là mặt trăng và hình ảnh chị Hằng, biểu tượng cho tình yêu, lại có thằng Cuội dối trá. Làng quê là bức tranh thanh bình, cần tình yêu thương biết bao, cần chi điều gian dối để đày đoạ nhau. Tôi lại viết:

Hãy quên đi những điều gian dối
Lịch sử rạch ròi cái trắng cái đen
Thằng Cuội ngàn năm trơ thằng Cuội
Chị Hằng muôn thuở chị Hằng EM

Thế đó, thơ văn của tôi bắt đầu từ lũy tre làng, từ ca dao tục ngữ. Tôi may mắn được làm nhà nông hai năm (1978-1980) ở quê nhà để cảm lại những câu ca dao mẹ hò ngày xưa, những câu tục ngữ mẹ tôi thường dạy những lúc chị em tôi bối rối trước một tình huống. Những bà mẹ quê xưa thường không biết chữ, bằng vào những câu ca dao tục ngữ đã nuôi nấng tâm hồn chúng ta nên người.
 
Có một số người thành đạt về kinh tế rất sợ nhắc đến "ngày xưa", họ thích khoe khoang kiến thức này nọ nhưng chưa hiểu nổi một câu ca dao tục ngữ. Hãy nghe người xưa ví von sự đó: "Khó chưa từng chộ của, mặc quần lụa chó sủa cả đêm". Ý của người xưa nhắc rằng cái giàu có về văn hoá mới là đáng quý.
 
 
CÂY RỰA, CÂY TRE VỚI NHÀ NÔNG
 
Mỗi lần về thăm quê, thấy làng xóm khang trang, đường sá được bê tông hóa, đèn điện sáng trưng thì mừng nhưng thấy thiêu thiếu một cái gì đó không giải thích được. Ở tuổi ngũ thập hay nhớ chuyện xưa, nhớ cái hồn của làng xưa mà bắt đầu từ đâu nhỉ? À, phải rồi, hình như đường xóm thẳng và rộng hơn, cây tre ít lại. Có nơi chặt hết tre vì vướng dây điện. Làng quê mà không có những lũy tre thì mất đi một phần hồn quê, điều mà trong tâm thức của những đứa con xa xứ luôn thương nhớ, khắc ghi.

Cha ông mình với nghề nông đã gắn với cây tre từ bao đời. Lũy tre là bức thành vững chắc ngăn gió bão. Hình như từ nhà cửa đến dụng cụ gia đình, nhà nông đều gắn liền với cây tre. Hãy nghe lời than vãn của người đàn ông về những bất hạnh gắn liền với cây rựa (quê mình gọi là rạ)
Thứ nhất vợ dại trong nhà
Thứ nhì trâu chậm, thứ ba rạ đùi

Vợ dại trâu chậm thì làm sao ngóc đầu lên với bà con. Cái khổ thứ ba "rạ đùi" thì ngạc nhiên thật. Mà đúng thế, để chặt một cây tre chẻ lạt, đan lát các dụng cụ thì không thể thiếu cây rựa, mà "rạ đùi" thì có chi khổ bằng??? Cái rựa quê mình đẹp và thanh thoát lại rất tiện dụng, luôn theo nhà nông suốt cuộc đời. Từ cây rựa mà người nông dân sáng tạo ra cơ man nào là dụng cụ. Chuyện kể có anh nông dân khi chia gia tài với vợ, bà vợ bảo "cái gì giống đực thì của ông, giống cái thì của tui." Ông chồng đang tức tối, đồng ý ngay. Thế là tất cả gia sản từ cái sàng, cái dần, cái cối, cái chày, cái cày, cái bừa... đều giống cái . Đến khi bà vợ toan lấy cái rựa thì ông chồng giành lại và nói "Nó là đực rựa". Tiếng đực rựa bắt đầu như thế đó. Những dụng cụ nhà nông ở quê mình luôn mang dáng dấp giống đực giống cái, hay như cách nói của các cụ thì là "có đôi, có đụa": Cày thì có bừa, đòn xóc thì có đòn gánh, mỏ xảy thì có mỏ ngà, liềm thì có vằng, sàng dần thì có thúng mủng...
Thức khuya dậy sớm hỏi chàng
Tre non khẳm lá đan sàng được không.

Thiếu nữ hỏi chàng một câu thật dí dỏm. Sàng dần, thúng mủng đều phải dùng loại tre già để đủ độ chắc bền không mối mọt. Cũng như phụ nữ phải trưởng thành mới lấy chồng. Thiếu nữ chưa trưởng thành hay còn trong giai đoạn khẳm lá (vị thành niên) mà đòi được "đan sàng" thì ngộ nghĩnh và dễ thương biết bao. Tình yêu nam nữ đã được ví von bằng hình tượng rất gần gũi.
Rồi họ thương yêu nhau, lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái. Có những gia đình hạnh phúc nhưng cũng biết bao gia đình tan nát. Hãy nghe lời than vãn trách móc của thiếu phụ:
" Anh nói vớí em như rìu sa xuống đá, như rạ chém xuống đất, như mật rót vào tai.
Chặng chừ anh đã nghe ai, để tranh mòn rui mọt, để nụ măng mai tồi tàn."

Cảm động biết bao khi người vợ đôi lúc phải nói giọng đanh thép như "rìu sa xuống đá", trầm thống như "rạ chém xuống đất", êm ả ngọt ngào như "mật rót vào tai". Để... "chặng chừ anh đã nghe ai"... "để" để, để gì? "để tranh mòn rui mọt, để nụ măng mai tồi tàn”. Trách móc, giận hờn,  biết ví với cái gì đây? Nhìn cây rựa, cây rìu chồng để lại mà ví vào, nhìn lên mái nhà tranh dột nát rồi mà chồng chưa về, lại nghĩ đến tình cảnh của gia đình, mai kia đàn  con thơ  như “nụ măng mai” sẽ lớn lên thế nào khi vắng bóng cha, ai sẽ dạy dỗ chúng nên người, bà con sẽ dè bỉu là "con nhà không ai tra cán cuốc".

Như đã nói ở trên, những dụng cụ nhà nông thường mang dáng dấp giống đực giống cái. Hai loại dụng cụ ấn tượng nhất về điều đó là đòn xóc và đòn gánh. Đòn gánh thì khắp nơi đâu cũng có, cái đòn gánh của quê mình nó mảnh mai làm sao. Nó cong như cánh cung nhịp nhàng trên vai thiếu nữ, làm ta nhớ lại quê nhà thuở thanh bình.

Nhưng cái đòn xóc mới là độc đáo: Lựa cây tre già, có độ cong tương đối, cắt khoảng 1.6 m, chẻ đôi khúc tre theo kiểu "phá mắt" ta sẽ có được phía lưng làm đòn xóc, chiều ngược lại làm đòn gánh. Đòn xóc được vót nhọn 2 đầu (Có câu tục ngữ để ví người hay châm chọc người khác là "đòn xóc nhọn 2 đầu") dùng để gánh lúa bó từ đồng về. Lúa được bó thật chặt bằng lạt, dùng đòn xóc thọc vào khoảng 7 phân, 2 bó lúa được xóc đối xứng nhau. Đòn xóc cong ngược lên để bó lúa không bị "trơi". Có lẽ Phạm Duy ấn tượng về cách gánh lúa của quê mình mà viết nên bài "Gánh lúa" nổi tiếng , với hình ảnh thật lãng mạn:
"Chơi vơi, chơi vơi, gánh lúa chơi vơi, cánh đồng làng tôi mà làng tôi..."

Không biết mình có thiên vị không nhưng theo tôi những dụng cụ nông nghiệp của vùng quê xứ Huế mình nó có duyên hơn những vùng tôi đã đi qua. Thời đại văn minh càng ngày càng xa với những dụng cụ cổ truyền. Về quê thấy có làng văn hóa, có bảo tàng địa phương... Mà phần nhiều chỉ nói về thời chiến tranh. Quê mình có hằng trăm năm thanh bình, thịnh vượng với nền văn minh lúa nước. Biểu tượng của làng quê phải là thanh bình.

Nên chăng mỗi làng ở quê mình  lập một nhà bảo tàng  (có thể ngay ở đình làng) để lưu lại những dụng cụ ngày nay không còn dùng nữa như cối xay lúa, xe đạp nước, cày bừa, gàu tát nước...v..v... Để thế hệ trẻ nhớ về một thuở nhà nông của cha ông mình. Sợ đến một ngày nào đó lớp trẻ chẳng biết gì về đời sống vùng quê xưa...

Những người trên 50 tuổi hôm nay vài mươi năm nữa sẽ "ra đi" như câu ca dao buồn của người thôn nữ tiễn "chàng" về quê:
Chàng về thì đục cũng về
Dùi cui ở lại mần nghề chi ăn.

Vâng, những dụng cụ cần nhau như chàng, đục, dùi cui... Như con người của quá khứ, hiện tại và tương lai cùng cần nhau lắm lắm.
                                                                                  
CỎ TRANH VÀ SIM


Cỏ, không phải cỏ, tranh ấy mà.
Quê tôi gọi là tranh, không phải cỏ tranh, như một bức vẽ về một thời xa mà không xưa.
Muốn ngon thì ăn cỗ
Muốn khổ thì đi tranh.
Đi tranh, nghe có vẻ thơ mộng thế, thực ra đó là một trong những công việc nhọc nhằn nhất của nông dân.

Có ông trạng nào đó đi cắt tranh, cắt luôn cái đuôi cọp, lúc gánh tranh về nhà phơi mới biết. Những nông dân quê tôi, những người nói trạng dễ thương đó, con cháu thương đến bây giờ. Không  tiếu ngạo kiểu đó chắc đời họ buồn, buồn lắm. Những lều tranh phập phồng trong gió Nam Lào, run rẩy trong mưa bấc, ôm trong lòng những số phận hẩm hiu tủi nhục mang mác câu hát buồn đau: Mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn. Đến ngày tranh mòn rui mọt lại cùng nhau cơm đùm gạo bới lên rừng cắt tranh. Tranh như một phần đời của nông dân. Những năm chiến tranh không lên rừng được, đành lòng trồng tranh trên những khoảnh ruộng nương ít ỏi, ăn đói đi một chút để được thêm chút ấm dưới mái nghèo. Nhà dột cột xiêu là nỗi lo không kém gì cơm áo. Đánh tranh lợp nhà là việc con nhà nông phải biết. Đi làm rể mà không biết đánh tranh chẻ lạt là mất vợ như chơi. Hom để đánh tranh dài chừng 1,5 mét, được chẻ từ những thanh tre đã được ngâm nước, chống mối mọt. Tranh săng thường được đánh (bện) hom sáu, tranh tót (rạ) chỉ đánh hom bốn. Một người thạo đánh tranh một ngày có thể đánh được tám chục tranh.

Qua mùa nam nắng người nông dân lo sửa sang nhà cửa để chống chọi với mưa bão lụt lội. Bà con xóm giềng giúp gia chủ người một ngày công lợp lại mái nhà. Tùy theo lợp dày thưa, mái tranh thường vài ba năm lợp lại một lần. Người lợp tranh cũng phải thuộc bài: Xỏ mặt bắt trái, để không bị sừng trâu. Múi lạt phải buộc chặt, khít khao ôm thanh rui, bong dây là bị người đúng dưới nhắc nhở. Một mái tranh lợp đúng bài bản nhìn lên đều tăm tắp.

Những năm sau chiến tranh, nhà cửa đổ nát, lại lên rừng cắt tranh bắt đầu cuộc sống mới. Những đồi sim chạy theo con đường ngoằn ngoèo ký ức tuổi thơ và câu hát, màu tím hoa sim tím cả chiều hoang biền biệt. Những đồi tranh phơ phất bông trắng lẫn vào những bụi sim tím ngắt lòng, bông tranh như những vành khăn tang quấn lên đầu thiếu phụ SIM. Màu tím… màu tím ấy, sau mùa hoa tím hoang hoải những vùng đồi sẽ cho những quả chín mọng nước tím đen. Trái sim là của trời cho, là loại trái cây dại hào phóng với những người đi  tranh đi củi. Những mối tình đau thương quắt queo dưới ngọn gió Nam Lào hực lửa, qua bao đồi hoang khát cháy, vẫn sắt son chia sớt, tìm nhau:

Đói lòng ăn nửa trái sim

Uống lưng bát nước đi tìm người thương.
Phải chăng khi viết:
Những ruộng đói mùa những đồng đói cỏ
Những đồi sim không không đủ quả nuôi người

Nhà thơ Chế Lan Viên cũng từng khắc khoải một tấm lòng CỎ và SIM.
Những chân đồi thoai thoải, sim thường mọc lẫn vào cỏ tranh. Hai loại cây hai bản sắc trái ngược lại mọc chung với nhau, hài hòa da diết. Tranh và sim ở những triền dốc thường có chất lượng: Tranh thì săn chắc, sim thì hoa trái trĩu cành. Ở thung lũng ẩm thấp, cây sim to lớn nhưng không đơm hoa kết trái, chỉ để làm củi. Sim sinh ra để tỏa hương sắc, cho đời trái mọng, không để làm củi. Tranh cũng thế, đất tốt cho cây tốt nhưng không dùng được, dễ mối mọt.

Năm tháng đi khai hoang vùng đồi trung du để trồng sắn, ngoài bom mìn nông dân sợ nhất là cây cỏ tranh. Những củ sắn quắt queo bằng ngón tay cái bị rễ tranh đâm xuyên qua, như những mũi tên đâm vào lòng người dân quê khốn khổ. Để phá cỏ tranh tốt nhất là trồng khoai lang. Thiên nhiên rất lạ lùng, cây khoai lang thân củ mềm mại thế lại triệt được cỏ tranh. Muốn tận diệt cỏ tranh cách tốt nhất là đánh vồng khoai lang, một tháng sau khoai xây bàng thang, dùng cuốc văm thêm một lần những chồi tranh còn sót, khoai phủ vồng là tranh không lên nổi.

Hai loại cây tượng trưng cho vùng đất và người, nơi cày lên sỏi đá, vẫn trải lòng với những tình yêu. Nơi có những mối tình buồn hoang hoải màu sim, ngút ngàn cỏ tranh đó, nhắc con người luôn chung thủy với quê nghèo. Đừng bao giờ quên những năm chiến tranh, mái tranh bắt lửa cháy ngút xóm làng. Lửa ngọn  quằn quại cháy rát lòng người, bao bà mẹ nhìn gia tài thiêu rụi hưng hức khóc.  Tiếng ù ù của gió Nam Lào hất tung những mái tranh bốc lửa. Gia tài cha ông để lại may ra còn chiếc cối đá sứt tai. Bao chàng trai rắn rỏi khắc khổ miền Trung bỏ quê vào ra Bắc, để lại những mái tranh nghèo xác xơ hoang vắng. “Nửa đêm thanh vắng không một bóng trai, có tiếng o nghèo thở dài…”*.

Chiến tranh bỏ quê đã đành, hòa bình rồi cũng không sống nổi,  lại bỏ làng đi xa, để lại tiếng o nghèo thở dài “dưới mái tranh vỗ về trẻ thơ bùi ngùi”. Để rồi khi tóc muối tiêu, lang bạt quê người, ngồi nhớ về một mái nhà tranh, một vùng quê vời vợi màu sim.

Mây trắng bay về phương xa lắm

Toát trắng hồn tranh hoa phất phơ
Bạn bè tóc trắng nhìn mây hát
Hoa tím đồi sim nhớ người xưa.

Bạn bè mỗi năm mất đi vài đứa, đứa đòi đưa về làng để gần ông bà, đứa nằm lại nơi đất khách mãi mãi. Dù thế nào, đừng quên nghe anh nghe chị: "Quê hương anh nghèo lắm ai ơi…**.

N.Đ.M
(nguồn: TCSH số 239 - 01 - 2009)


------------
*  lời trong bài hát Quê nghèo của NS Phạm Duy
** Lời trong bài Tiếng sông Hương của NS Phạm Đình Chương.



 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Giậu thưa (19/01/2009)
Họa sĩ làng (19/01/2009)