Giá sách Sông Hương
Về cuốn "Thơ đến từ đâu"
Thơ đến từ khát vọng hóa giải
10:16 | 08/01/2010
NGUYỄN THỤY KHARa mắt độc giả mới tròn một tháng, vậy mà tập "Thơ đến từ đâu" cuả Nguyễn Đức Tùng đã tạo ra nhiều tranh luận, nhiều điều khen chê. Có thể nói, "Thơ đến từ đâu" là một sự kiện xuất bản năm 2009.
Thơ đến từ khát vọng hóa giải
Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha - Ảnh: giadinh.net.vn

Còn riêng về lĩnh vực thơ, "Thơ đến từ đâu" là một hiện tượng sau 70 năm "Thi nhân Việt " của Hoài Thanh- Hoài Chân. Nếu "Thi nhân Việt " chọn cách bình thơ làm linh hồn cuốn sách, thì Thơ đến từ đâu" lại chọn cách phỏng vấn các nhà thơ ở nhiều nơi khác nhau, phong cách thơ khác nhau, thời đại thơ khác nhau làm linh hồn cho mình. Ở "Thơ đến từ đâu", cách bình thơ được tác giả đưa vào lời phỏng vấn một cách hết sức tự nhiên, gần gũi, không cao giọng. Bình thơ nằm trong phỏng vấn. Giữa thời đại bùng nổ thông tin, con người bị cuốn theo những sôi động bề mặt, thơ đang có nguy cơ bị thu hẹp ảnh hưởng, nhất là so với âm nhạc đại chúng và bóng đá, "Thơ đến từ đâu" chợt khiến cho ta nhận ra "thơ đến từ khát vọng hóa giải". Để có thể hóa giải những bất ổn của dân tộc, giữa các quốc gia với quốc gia và toàn nhân loại, cuối cùng sau những trận cầu đỉnh cao, những đêm pop-rock thu hút hàng triệu người như vua nhạc pop Michael Jackson với những thông điệp hòa bình, người ta vẫn rất cần sự lắng lại và chiêm nghiệm của những câu thơ màu nhiệm của W. Szymborska:

Phải có người lúc này lúc kia
Đào lên được những tranh cãi rỉ sét
Dưới bụi bậm và liệng chúng ra xa...

Ngoái lại lịch sử Việt , mới thấy thông điệp "Thơ đến từ khát vọng hóa giải" trong tập chuyên luận "Thơ đến từ đâu" của Nguyễn Đức Tùng vừa rất truyền thống, lại vừa rất hiện dại. Ngay từ hơn ngàn năm trước, từ thời Tiền Lê, khi vua Tống (Trung Quốc) sai sứ là Lý Giác sang Đại Việt để xem cái xứ sở nhỏ bé này ra sao, vua Lê Đại Hành đã chọn sư Thuận giả làm giang lệnh đi đón. Muốn hiểu Đại Việt, Lý Giác chọn cách làm thơ. Ngồi trên thuyền nhìn thấy hai con ngỗng bơi trên sông, bèn thủng thẳng tức hứng hai câu thơ:

Nga nga lưỡng nga nga
Ngưỡng diện hướng thiên nha
( Thiên nga đôi thiên nga
Ngẩng mặt ngắm trời xa )

Đấy là câu khai và câu thừa. Để tạo ra một tứ tuyệt cần câu chuyển và câu hợp . Sư Thuận đang chèo thuyền đưa Lý Giác về kinh thành. Nhận biết ý đồ của Lý Giác nên đã hóa giải ý đồ đó bằng hai câu chuyểnhợp thật đáng giá.

Bạch mao phô lục thủy
 Hồng trạo bãi thanh ba
(Lông trắng phơi dòng biếc
Chân hồng lướt  sóng qua )

Lý Giác có lẽ bị bất ngờ và thần phục. Bởi thế khi về đạo quán, lại tức cảnh một bài thơ nữa. Vua đem thơ ấy cho sư Khuông Việt xem. Sư tâu rằng bài thơ này tôn trọng Vua Việt như vua Tống. Khi Lý Giác hồi triều, Vua truyền sư Khuông Việt làm một khúc tiễn biệt. Tuy rất có tình nhưng giữa khúc tiễn biệt vẫn nhắc Lý Giác cần nói rõ với vua Tống phân minh biên giới với ta: "Xin lưu ý việc biên cương- Tâu rõ lên thánh hoàng". Một hợp duyên trong bài tứ tuyệt, một khúc tiễn biệt nao lòng đã khiến cho một miền biên giới bình yên từ thời Lê Đại Hành đến thời Lý Nhân Tôn, chừng một trăm năm. Câu chuyện dùng thơ để hóa giải những bất ổn giữa Việt và Trung Quốc thời nào cũng có. Còn câu chuyện dùng thơ để hóa giải những bất ổn trong nước thì rõ nhất là thời Lê- Mạc cùng Trịnh - Nguyễn. Giữa một thời vua chúa rối ren, quân thần biến loạn ngỡ không gỡ ra nổi. Vậy mà chỉ cần ba lời khuyên bằng thơ của Trạng Trình mà đã tạo ra ổn định tương đối trong nhiều năm. Ông khuyên nhà Mạc: "Cao Bằng tàng tại. Tam Đại tồn cô" (Đất Cao Bằng ẩn- Cũng thuận ba đời).  Ông khuyên Nguyễn Hoàng: "Hoành sơn nhất đái- Vạn đại dung thân" dường như đó cũng là một ý chí mở cõi thời Chúa Nguyễn. Còn với chúa Trịnh, lời khuyên của ông giữ vững cho cả nhà Lê : "Chịu khó mà thắp nhang- Thờ Phật thì ăn oản". Cũng với Trạng Trình- Nhà thơ, nhà tiên tri thì những bài tứ tuyệt của ông đoán định về thời thế của dân tộc, của thế giới đã khiến ta mãi mãi ngạc nhiên:

Long vĩ, xà đầu khởi chiến tranh
Can qua xứ xứ khổ đao binh
Mã đề, dương cước anh hùng tận
Thân, Dậu niên lai kiến thái bình

Bài thơ làm để đoán về sự thành công của nhà Mạc nhưng hình như sức mạnh tiên tri của Trạng Trình đã chắp cánh cho nó bay ra thế giới. Bài thơ dường như còn đoán định được khởi sự và kết thúc của chiến tranh thế giới Lần thứ 2 vào năm Ất Dậu- 1945. Và có khi vẫn còn tác dụng để xem xét các biến động diễn ra đầu thế kỷ mới của thiên niên kỷ mới.

Đúng là thơ đến từ khát vọng hóa giải. Từ chiêm nghiệm của Trần Thái Tông trong "Khóa hư lục": "Mưa xuân không cao thấp. Cành hoa có ngắn dài", đến tiếng thở dài về con người của Nguyễn Trãí: "Sống ở đời điều gì cũng biết- Duy chỉ lòng người cực hiểm thay" hay tiếng chép miệng xót xa của Nguyễn Du: "Mai sau dù có bao giờ " thì cũng đều là sự hướng tới hóa giải giữa con người với con người. Thơ ta đã thế, thơ toàn cầu cũng là như thế. Từ thiên cổ đến giờ, các nhà thơ đều tiềm ẩn trong mình một khát vọng hóa giải để tiến tới nhân bản. Khi Pusskin kêu lên trong "Đoàn người xứ Gan": "Hỡi các người- Đến túp lề lang bạt của các người cũng không còn bình yên nữa- Đâu đâu dục vọng cũng hoành hành- Đâu đâu tiền tài cũng chiến thắng" thì chính từ khát vọng ấy, thơ mới bật ra cay đắng đến vậy. Với cách nghĩ như vậy, có lẽ cuộc kết hợp hôm nay để tạo ra cuộc hội thảo này giữa Trung tâm Văn hóa Pháp và Công ty TKK Concert cũng là một cử chỉ rất thơ với ước muốn hóa giải mọi băn khoăn về thơ hôm nay./.  

N.T.K





Các bài mới