Giá sách Sông Hương
Về cuốn "Thơ đến từ đâu"
Vài cảm nhận với tác phẩm “ Thơ đến từ đâu”
10:38 | 08/01/2010
PHẠM TOÀN1Tôi không phải là nhà thơ; nhưng cũng như mọi người, tôi yêu thơ, và tôi cùng với mọi người yêu thơ trở thành một phần lẽ sống của các nhà thơ. Vì lẽ rằng, cho dù sống khép kín đến đâu chăng nữa, thì nhà thơ cũng cần độc giả chứ nhỉ?
Vài cảm nhận với tác phẩm “ Thơ đến từ đâu”
Nhà nghiên cứu Phạm Toàn - Ảnh: tuoitre.com.vn

Hơn là những độc giả, nhà thơ cần những người yêu thơ chúng tôi như cần những người cùng hòa điệu với họ, có phải thế không nhỉ? Chẳng nhẽ nhà thơ nào cũng là một tháp ngà với bên trong duy nhất một ngăn kéo có duy nhất một chìa khóa sẽ trao cho duy nhất một người thừa kế chỉ có sứ mệnh vào lúc nào đó sẽ vứt tòm cả chìa khóa lẫn ngăn kéo cùng tháp ngà xuống một cái giếng thật sâu?

Thế vậy thì cuộc đời này sẽ nghèo đi biết bao! Thôi đành hết sức tự tin vào tài năng để kiên trì nhẫn nại được như cụ già Nguyễn Du, chờ hẳn dăm ba trăm năm, đến một thời sẽ được bạn đọc mua Thơ không bằng tiền, mà mua bằng nước mắt?

Xin các bạn nào đã định lấy Thơ làm cái nghiệp cho cuộc đời hữu hạn của mình hãy lưu ý thêm điều này nữa. Trong những người yêu thơ làng nhàng chúng tôi, nhiều người và có khi rất nhiều người cũng vẫn làm thơ đấy. Chính vì ở họ tiềm tàng cái hồn thơ, nên họ vừa thích thưởng thức thơ vừa thích tự mình cũng làm được ra thơ, và vì làm ra thơ nên họ càng thêm hiểu và càng thêm quý thêm yêu thơ của quý vị nhà thơ chuyên nghiệp.

Những nhà thơ hẩm hiu chúng tôi chỉ trở thành vô danh vì họ vừa thích đem Thơ ra cho Đời và lại vừa cả thẹn. Nên chi, số lượng độc giả của những nhà thơ không chuyên nghiệp này thường rất nhỏ bé. Có khi bạn đọc chỉ là một người (chính tác giả, có một trường hợp tự khai ra là Nam Dao); may mắn lắm có khi đó là hai người (thêm em gái Cao Xuân Hạo nữa); hãn hữu bị một anh tên Hiệp ở Paris bắt chẹt thì còn có thêm một bạn đọc thứ ba làm nghề bán tiết canh trên đất Pháp (trang 76- tpđb).

Xin được kể ra một lý do thứ ba khiến tôi yêu tập sách có tên rất hay Thơ đến từ đâu của anh Nguyễn Đức Tùng. Lý do này liên quan đến nghề nghiệp, đến công việc. Nghề dạy học. Và dạy trẻ em bậc tiểu học.

Tập sách của Nguyễn Đức Tùng (và sẽ còn những tập tiếp theo) có ích cho tôi cũng như cuốn Thi nhân Việt , song lại khác hẳn cuốn sách đã ra đời dăm bảy chục năm trước đó.

Trong vai trò nhà nghiên cứu, Hoài Thanh giảng giải nhiều quá, mặc dù giảng giải tuyệt đối hay. Hoài Thanh uyên bác, khéo léo và duyên dáng đấy, nhưng vẫn lộ ra cái tư thế áp đặt thị hiếu của một ông Thánh Thán tân thời cho một nền thơ Việt giai đoạn Thơ Mới.

Nguyễn Đức Tùng thì khác. Anh mời các nhà thơ đang còn sống cùng tuyển chọn, cùng giảng giải, cùng thắc mắc, cùng gây rối, cùng chia rẽ, cùng xí xóa, cùng nhâm nhi, cùng hội nhập, cùng mê mải, cùng liều lĩnh, cùng tọc vạch, cùng xấu tốt, cùng tốt xấu, …, nói chung lại là đã có một cung cách làm ăn hết sức khác và cách đó trở nên đáng yêu ở chỗ đã tạo ra cái cớ để các đồng tác giả luôn luôn cùng kề cà được với nhau – một sự kề cà dễ dàng đi tới chân lý hơn là thẳng băng lô-gich, mặc dù trong lĩnh vực Thơ, trong một cuốn sách in năm 1991 tôi có nói rằng muốn nổ ra Chiến tranh thế giới thì chỉ việc chê thơ của các nhà thơ! Một sự kề cà nhưng lại rất bài bản, tưởng như dễ dãi nhưng cũng rất chặt chẽ: có những câu hỏi làm xương sống được chuẩn bị công phu, và có cả những câu hỏi bất chợt tạo thành vài ba cái xương sườn, cũng được chuẩn bị hoàn toàn không kém kỹ lưỡng.
Và đặc biệt thú vị là những câu hỏi để các nhà thơ đang đối thoại tự phơi thân ra mà vẫn không để ý xem thân mình sắp được bọc trong da ngựa hay là đang chuẩn bị cưỡi ngựa phi lóc cóc qua Khải hoàn môn!

2
Xong phần lý do, bây giờ xin cho tôi trình bầy một chút về phương pháp của cuốn sách.
Tên cuốn sách được đặt thành câu hỏi, có dấu chấm hỏi đàng hoàng, cho thấy vấn đề quán xuyến cả tập sách được đặt ngay trong cái tên đó, Thơ đến từ đâu?

"Thơ đến từ đâu?" là một cái tên hấp dẫn, như một câu thơ nhỏ của nhà thơ Nguyễn Đức Tùng. Loại câu thơ chỉ riêng các nhà thơ mới tạo ra được (các nhà khoa học và triết học đặt câu hỏi kiểu khác). Như nhà thơ vô danh hỏi bâng quơ "Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai?". Như Trần Đăng Khoa tự hỏi "Trăng ơi, từ đâu đến?". Như Philippe Souppault thắc thỏm "Chuyện lạ kỳ, mặt trời lại đi ngủ?". Như Robert Frost Ghìm cương bên rừng một chiều xuống tuyết chỉ để tự hỏi "Rừng của ai vừa lạ vừa quen?".

Bên cạnh tính gợi ý và sự hấp dẫn mang chất thơ, đó tưởng đâu chỉ như một câu hỏi viển vông, song câu hỏi mang hình thù một cái tên sách đó lại thành ra có đất cho việc phân tích và tranh luận mang tính khoa học, dù là nội dung tranh biện có dính dáng đến Thơ.

Câu hỏi lớn như cái đầu đề cuốn sách kia đã được Nguyễn Đức Tùng pha loãng ra, đặt thành rất nhiều câu hỏi nhỏ, mà theo tôi chúng gồm ba loại chính như sau.
Một loại câu hỏi để mở đầu: bao giờ cũng là kiểm chứng cái cảm nhận bao quát nhất của Nguyễn Đức Tùng về người sắp cùng anh đối thoại.

"… tôi có ấn tượng chị là người hài hước. Vậy xin phép được hỏi một câu hỏi vui. Chị bắt đầu "so găng" với đàn ông tự bao giờ?" (Với Nguyễn Thị Hoàng Bắc, trang 13, tpđb). Với Hoàng Cầm (trang 33, tpđb): "Thưa anh Hoàng Cầm, sức khỏe của anh trên giấy điệp…?" Với Nam Dao (trang 62, tpđb). "Xin chào anh Nam Dao con người hạnh phúc. Anh được cô tiểu thư toán học để mắt tới, lại được nàng công chúa thơ ca mỉm cười vẫy gọi". Với Trần Hữu Dũng (trang 95, tpđb):"Thơ anh đầy hương vị nông thôn miền . Đây là điều khá hiếm thấy trong thơ Việt hiện nay. Anh có tự coi mình là nhà thơ của nông thôn không?" Với Đỗ Quyên (trang 307, tpđb): "Bài thơ của anh bắt đầu ra sao? Xin cho một bài thơ làm thí dụ." Với Lê Vĩnh Tài, (trang 344, tpđb): "Anh có thấy mình giống như con chim hình thi sĩ mà Xuân Diệu đã từng khắc họa: Tôi là con chim / Đến từ núi lạ / Ngửa cổ hót chơi…?"

Tiếp đó, thuộc loại thứ hai, là những câu hỏi nhỏ hơn để đi tìm "Thơ đến từ đâu", được Nguyễn Đức Tùng chế tác, chẻ nhỏ ra từ câu hỏi lớn; so với câu hỏi loại một thì chúng càng lúc càng khó trả lời.
Loại câu hỏi thứ hai này cốt để Nguyễn Đức Tùng và người đối thoại cùng tìm và cùng kiểm chứng động lực tạo ra Thơ – thứ động lực nội tại thúc giục nhà thơ, như cảm hứng chẳng hạn, cũng có khi là động lực do không khí thơ tạo ra từ cuộc đời rộng lớn bên ngoài, cũng có khi là động lực từ thành công và thất bại của chính mình, vv. Điều thú vị là đối với loại câu hỏi thứ hai này, đôi khi có những câu rất quan trọng thì hình như người đối thoại lại quên khuấy mất rằng đó là quan trọng. Chẳng hạn như,… à mà thôi, xin bạn kiểm tra lấy, và nếu tôi nhận xét sai, thì xin ỉm đi cho anh em nhờ, chớ "dọn vườn" vì mình hay cả thẹn…

Đây, hỏi Nguyễn Thị Hoàng Bắc: "Chị không làm thơ nữa có được không?" "Chị thường đọc nhà thơ nào?" "Thơ cần thiết cho ai?" "Các nhà thơ Việt đang thiếu điều gì?" "Cái gì là quan trọng nhất trong thơ?"

Hỏi Hoàng Cầm: "… nhà thơ tự biến thành một phương tiện của nữ thần thơ ca?" "Trong thơ anh có những thông điệp mà người đọc cần rút ra hay không?" "Có một thi pháp Hoàng Cầm hay không?" "Anh làm thơ từ lúc mấy tuổi?" "Có ai đã từng buộc anh không làm thơ không?" "Cái gì làm cho anh có quyết định suốt đời làm thơ như thế?"

Hỏi Dao: "Tự nhủ thôi không làm thơ nữa. Nhưng rồi anh lại … làm thơ. Điều gì thúc đẩy anh trở lại với nó?" "Làm thế nào để biết một tác phẩm là một bài thơ mà không phải là một cái gì khác?" "Khi đọc thơ, làm cách nào để anh nhận ra một bài thơ dở (để khỏi mất thì giờ cho nó nữa)?"… anh có những suy nghiệm gì về lẽ thành bại ở đời? Và của một dân tộc? Bài học nào anh muốn kể lại cho con cháu của mình?"

Hỏi Đỗ Quyên: "Trường ca có phải là một bài thơ dài không?" "So với những người đi trước, đâu là nét khác biệt chính của trường ca Đỗ Quyên?" " … lựa chọn thủ pháp ngay từ ban đầu, hay là kết quả buông lỏng của quá trình sáng tác?" "Làm thơ và đọc thơ có khác nhau không?" "Anh có thường viết đi viết lại một câu thơ, một đoạn thơ, hay cả một bài thơ không?" …
Và loại câu hỏi thứ ba, tưởng như là được "bốc" lên trong khi trò chuyện, với những tác phẩm được dẫn ra một cách như là ngẫu hứng, cốt để cùng đi tìm và cùng kiểm chứng những khía cạnh kỹ thuật của đời làm thơ và nghề làm thơ. Đó là những câu hỏi đi kèm với những giao đãi xuất hiện cùng những bằng chứng là những bài thơ đủ sức nêu ra những vấn đề của thơ nào đó (làm thơ, dịch thơ, cảm thơ), những tình huống thơ đủ sức lý giải những trạng thái nhà thơ nào đó, và có cả những khía cạnh thời sự, chính trị, triết học trên những hành trình tìm kiếm thơ nào đó.

Điều quan trọng là tất cả ba loại câu hỏi này đều chỉ là những biến điệu khéo léo, hấp dẫn, cốt tránh đặt ra câu hỏi Thơ là gì? mà tìm cách đi vào Thơ thông qua một cách đặt câu hỏi khác, Cái gì làm nên một bài thơ? (Thí dụ như ở trang 73, tpđb).

Đi tìm "cái gì làm nên một bài thơ?" ở cuốn sách này không phải là cơ hội để tán về chữ nghĩa, mà là phương pháp để đi tìm sự phát sinh một bài thơ. Đi tìm sự phát sinh bài thơ từ trong tâm lý nhà thơ và sự tác động trở lại của từng mảnh và toàn bộ bài thơ vào bên trong tâm lý nhà thơ như thế nào.

Cách đặt câu hỏi "một bài thơ ra đời như thế nào?" mang một mối quan hệ sinh thành lẫn nhau giữa nhà thơ và bài thơ. Nhà thơ gửi gắm và phù phép những gì vào những mảnh ghép âm thanh và quãng lặng, những mảnh ghép vần hòa hợp nhau và trêu tức nhau, những mảnh ghép con chữ thân thiện và thù nghịch nhau … để chúng tạo thành bài thơ? Và bài thơ sẽ có đời sống như thế nào để kẻ tạo ra nó được thừa nhận và được nhớ nhung như là một nhà thơ?

Đó chính là việc đi tìm phương pháp làm thơ nhờ gửi vào trong câu hỏi Một bài thơ ra đời như thế nào? và thay thế cho câu hỏi chung chung Thơ là gì? Nêu câu hỏi như vậy là cách xử lý rất khôn ngoan. Vì trả lời cho câu hỏi Thơ là gì? sẽ rất dễ dẫn người được phỏng vấn đi vào vô số những thành phần thuộc cái bóng của Thơ thay vì đi vào bản chất của Thơ. Còn việc đi tìm bản chất của Thơ thông qua đi tìm sự tạo ra một bài thơ để cho thấy được hình thù của việc một bài thơ ra đời như thế nào thì hoàn toàn tránh được việc sa đà vào cái Bóng-Thơ để đi vào chính cái Vật-Thơ mình định tìm hiểu.

Nói một cách dễ hiểu, những lời "tán" về Thơ, lời tán cả của tác giả lẫn bạn đọc lẫn nhà phê bình, đều chỉ là những cái bóng của Thơ, đều không đích thực là Thơ. Nó tương tự như buổi bình luận bóng đá so với trận đấu trên sân với đầy đủ hồi hộp, cáu kỉnh, ghen tức, lo âu, mồ hôi, nước mắt, và thắng và thua. Với Thơ cũng vậy, tán về Thơ khác hẳn với cái lời lẽ đang diễn ra dù chỉ là những nghêu ngao của đứa trẻ – Bùi Giáng hình như là một trong những đứa trẻ như thế, với sự khác nhau duy nhất là những nghêu ngao trẻ thơ của ông đã được ghi nhận thành Thơ.

3
Phương pháp của Nguyễn Đức Tùng trong cuốn sách đang bàn đã củng cố hộ chúng tôi quan điểm về cách tổ chức việc học thơ của trẻ em ở nhà trường phổ thông.

Theo tâm lý học dạy học như đã được chúng tôi thực nghiệm và tổng kết cho tới lúc này, thay thế cho việc giảng giải nhồi sọ "cái hay cái đẹp" của thơ để học sinh nhại lại và nhận điểm cao, việc tổ chức cho trẻ em đi lại con đường nhà thơ đã đi khi làm một bài thơ là cái trục xuyên suốt con đường học Thơ của các em ở bậc tiểu học.

Chắc chắn điều đầu tiên cần có ở nhà thơ để làm ra một bài thơ là cảm hứng. Xuất phát từ đâu mà có cảm hứng? Chắc chắn phải từ một cái ý nào đó nảy sinh và nằm chờ trong cuộc sống tình cảm của nhà thơ. Phải là nảy sinh và nằm chờ do sự nung nấu của cường độ tình cảm. Và phải là cuộc sống tình cảm, chứ không chỉ là "cuộc sống" nói chung. Nếu đã như thế rồi, thì lại nảy sinh vấn đề: tại sao một bà mẹ chết con lại không làm được bài thơ về đứa con chết khiến cho chị em khóc đứng khóc ngồi, mà việc đó lại rơi vào tay một người có thể là chưa có con, thậm chí chưa có gia đình, thậm chí ngại có con và ngại có gia đình? Thế là, ở đây chắc hẳn còn phải có thêm một yếu tố gì đó mà ta chỉ có thể gọi tên là một "tư chất nhà thơ".

Vậy là, một bên, ta có cái yếu tố tinh thần (tạm đặt tên vậy) tạo nên bởi một bộ ba yếu tố cảm hứng, xúc động, phẩm chất của nhà thơ. Ba yếu tố này quan hệ chặt chẽ với nhau. Để tạo cảm hứng, ngày xưa các nhà Thơ Mới rủ nhau đi tìm Yên sĩ phi lý thuần (cách phiên âm Hán-Việt của inspiration) bằng nàng tiên nâu (có thêm phụ kiện khác nữa, khó kể ra cho hết). Nhưng biết bao người chỉ vì thiếu một phẩm chất nhà thơ, chỉ vì thiếu những xúc động thực tình và trong sáng, nên họ chỉ có nổi thành tích là cái tai bẹp, chứ nào đâu có được thơ thẩn gì?
Song cuộc sống không tồn tại chỉ bằng những yếu tố tinh thần: nó còn phải vật thể hóa cái tinh thần trong những sản phẩm rất cụ thể. Với Thơ, cái yếu tố tinh thần với bộ ba yếu tố bên trên nhất thiết khi nào đó, vào một cơ hội bất ưng nào đó, phải hiện hình ra thành một cái hạt mầm. Cái yếu tố vật chất này (tạm đặt tên như vậy) trong nghề làm thơ có tên gọi là một tứ thơ. Cái tứ thơ đó không thể nằm lơ mơ lờ mờ trong bụng nhà thơ, mà phải bật ra thành ngôn ngữ.
Để có một thí dụ, có thể lấy từ trong cuốn sách của Nguyễn Đức Tùng, mấy câu
Thành cổ nát tan cùng hàng phượng,
Dọc đường Nguyễn Hoàng mà em vẫn hát Diễm xưa
để thấy đó là một tứ thơ theo cách hiểu chúng ta đang bàn.

Nó là tứ thơ, vì mấy con chữ đó đã vật chất hóa được vô vàn nung nấu trong lòng một nhà thơ. Tứ thơ đó gói trọn được cái cảm hứng chứa đựng đầy đủ một ý thơ rồi sẽ được triển khai. Cái tứ thơ đó giống như một hạt mầm. Nó khỏe như một hạt mầm lành mạnh, và tuy chỉ là một cái hạt nhỏ nhoi nhưng lại đủ sức đủ sức nảy thành cái cây sống rất nhiều thế kỷ. Cái tứ thơ mang vỏn vẹn mấy hạt chữ đó cũng đủ sức nảy nở hẳn thành cả một áng thơ.

Vậy là, ngay từ lớp Ba, khi cho trẻ em chính thức đi vào với thể loại trữ tình, chúng tôi để các em làm lại cái quá trình nhà thơ đã từng sống qua để có một tứ thơ. Các em được huy động sức tưởng tượng để hình dung cảm xúc nào trong cảnh huống nào đã tạo cho mình một cảm hứng đặc thù khiến cho mình đúng vào lúc ấy chứ không vào lúc khác, đã chợt nảy ra cái tứ thơ như thế ấy. Nhà trường không giảng giải cho các em về cái đẹp của tứ thơ ấy như tấm ảnh rất đẹp của đôi trai gái chụp để làm hồ sơ đăng ký kết hôn. Cái đẹp của tứ thơ phải được tìm thấy trong suốt tiến trình người nghệ sĩ tạo ra nó; trong suốt tiến trình đôi trai gái hồi hộp đến với nhau để mãi mãi mới có nổi một tấm ảnh đăng ký kết hôn.

Xin bạn thông cảm: tôi đâu có định viết ra một câu chuyện sư phạm qua một việc trong hệ thống công việc tổ chức cho trẻ em học Thơ không áp đặt! Tôi viết về một cách học Thơ của trẻ em chỉ nhằm củng cố thêm cái ý về một tiến trình làm ra một bài thơ những bài thơ như là lẽ sống một đời của một nhà thơ. Tôi viết về cách học của trẻ em, song đó cũng là cách tôi từng tự đặt mình vào vai trò trẻ em để hình dung cách làm lại một bài thơ theo cách làm từng diễn ra ở nhà thơ. Nhà sư phạm trong tôi chỉ làm công việc ý thức hóa những cách làm vô thức có khi chính tôi đã từng tiến hành từ biết bao nhiêu năm trước. Nhưng đừng tưởng mọi chuyện đều dễ dàng: nhà sư phạm bướng bỉnh trong tôi đã phải vất vả tự thuyết phục mình trước khi dám lên đường đi truyền giáo.

Thế rồi, qua việc so sánh những trải nghiệm của riêng mình với hai mươi lăm trải nghiệm được Nguyễn Đức Tùng thu thập lại trong cuốn sách này nhằm giải đáp một câu hỏi ngơ ngác Thơ đến từ đâu? tôi càng thấy các nhà thơ thật là dễ thương.

Họ thật thà như con trẻ. Và vì họ thật thà, nên họ dễ bị xúc phạm. Hiểu rõ nhà thơ như hiểu rõ chính mình nên Sully Prudhomme mới nhắc mọi người xin nhẹ tay thôi, nó rạn vỡ rồi.

Những bé em lớn tuổi đó lại cực kỳ lão luyện trong cái nghệ chữ nghĩa. Vì vậy mà lời thơ của họ ngay khi như thể vụng dại trẻ thơ song vẫn chứa đựng biết bao thần thái loài người. Ai bảo đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông là của người lớn dùng thủ pháp chữ nghĩa này nọ mà thành? Không, đó là con mắt nhìn trẻ thơ nhất hạng, nhưng là trình độ trẻ thơ mang tính loài, không phải trẻ thơ như một cá thể.

Thơ đến từ đâu?
Theo thiển ý của tôi, Thơ đến từ cõi lòng trẻ thơ của nhà thơ. Nhưng từ trẻ thơ đến nhà thơ là một đoạn đường nhiều khi không vượt được. Nhà thơ vừa là trẻ thơ lại vừa lịch lãm như một người yêu tiếng Việt và yêu cả những tiếng nói bốn phương, như một người yêu dân tộc mình và yêu nhân loại cái mái nhà chung của mọi dân tộc, như một kẻ mơ mộng có trách nhiệm đến cùng với cái Đẹp của Thơ. Thơ đến từ đó chăng?

Hà Nội, 22 tháng 12-2009
                  P.T



Các bài mới
Các bài đã đăng