Hội thảo “Thơ đến từ đâu”- Trên chiếc chiếu của tự tình dân tộc
KHÁNH PHƯƠNG
Diễn ra vào 18h ngày 6- 1- 2010 tại số 24- Tràng Tiền (Hà nội), do Trung tâm văn hoá Pháp (La Espace) và công ty TKK concert phối hợp tổ chức, Hội thảo văn học xoay quanh cuốn sách Thơ đến từ đâu (Tác giả Nguyễn Đức Tùng) là cuộc tập hợp và tao ngộ đầy may mắn và nhiệt huyết của các nhà thơ, các trí thức nhiều thế hệ từ trong và ngoài nước, từ ba miền Bắc- Trung- Nam, mang theo bản lĩnh- sự đa dạng, cá tính trong nghề nghiệp cũng như tinh thần hoà hợp, hoá giải.
Dẫu “ Người đi chưa đủ về quanh chiếu ngồi” thì vẫn có thể thấy ở đây, trên chủ toạ đoàn là các nhà phê bình, nhà văn đại diện cho nhiều thế hệ: Dương Tường, Hoàng Ngọc Hiến, Đà Linh, Nguyễn Thuỵ Kha, dịch giả Cao Việt Dũng, khách dự không thể thiếu rất đông các nhà thơ có mặt trong tập sách, đến từ trong và ngoài nước, nhiều tầng lớp độc giả yêu thơ, các bạn sinh viên học sinh, và những nhà văn, nhà báo, trí thức, nhà phê bình, dịch giả, dẫu có thể còn chưa cầm trên tay cuốn Thơ đến từ đâu (TĐTĐ), nhưng là những người biết lắng nghe.
Trong hoàn cảnh nảy sinh nhiều luồng dư luận trái chiều, sôi nổi, có cả những thái độ cực đoan, thêu dệt, đi xa hơn mức cần thiết của những tranh luận dựa trên văn bản tác phẩm, việc có một cuộc hội thảo mang tính chất khoa học đồng thời dung nạp càng nhiều càng tốt những kiến giải xã hội, đời sống xoay quanh TĐTĐ để rộng đường dư luận, công khai và dân chủ hoá trong phê bình tác phẩm là điều cần thiết và đáp ứng đòi hỏi của bạn đọc gần xa. Và đây quả thực là một hội thảo vô cùng sôi nổi: ngay trước giờ khai mạc, vẫn còn tham luận của bạn Trần Thiện Khanh (Viện Văn học) mới được gởi tới một phần hai. Các nhà phê bình Văn Giá, Trương Đăng Dung vì đi xa không có mặt, cũng đã gởi tham luận tới tham dự cùng Hội thảo. Các nhà thơ Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Khải Minh, nhà phê bình Đặng Tiến …, ở nước ngoài, cũng đã gởi những tham luận bổ ích, lý thú. Điều ít thấy tại các Hội thảo văn học tổ chức trong thời gian gần đây, đó là số bản in tài liệu dành cho khách tham dự do ban tổ chức phát ra, đã được bạn đọc chuyền tay hết toàn bộ khi chưa quá nửa thời gian hội thảo.
Người dẫn chương trình là nhà văn Đà Linh điềm đạm, lịch duyệt, trong vai trò hướng dẫn các đại biểu trình bày tham luận và điều tiết diễn tiến chương trình. Mặc dù Hội thảo còn “quy lát” theo mô hình truyền thống, đọc tham luận và thảo luận giữa diễn giả- độc giả, phần mở đầu còn hơi nghiêm nghị, căng thẳng, nhưng đã trình bày được với bạn đọc những ý kiến thú vị nhất xoay quanh vấn đề nghề nghiệp, chứng nghiệm sống- viết thơ- đọc thơ- tự ý thức về thơ, và ý nghĩa đời sống- văn hoá của tác phẩm thơ, hành động viết của nhà thơ, như một khát vọng nhân văn và hoà hợp to lớn của cộng đồng dân tộc. Các tham luận thu hút được nhiều sự chú ý nhất là: Một vài cảm nhận từ góc độ tâm lý học của nhà văn Châu Diên- Phạm Toàn (tác giả vắng mặt do bị kẹt ở miền Trung khi tham gia đoàn cứu trợ bão lụt phi chính phủ), phát hiện ý nghĩa tâm lý học giáo dục đặc sắc của TĐTĐ: giúp độc giả đi lại từ đầu con đường giống như con đường nhà thơ đã đi để hình thành và hiển hiện tác phẩm. Nó đặc biệt tương đồng với quan niệm dạy học văn của nhóm tác giả Phạm Toàn.
Tham luận của nhà phê bình Đặng Tiến (Paris) khẳng định: “… trong thực tế thì từ 30 năm nay, văn chương đã và đang làm việc này như lời Thanh Thảo phản ánh ý kiến của các nhà thơ khác: « Chỉ có những người làm văn nghệ mới làm được giải oan cho dân tộc » ; như vậy trong hoàn cảnh Việt Nam, câu hỏi tổng quan Thơ đến từ đâu đã có câu trả lời cục bộ: thơ đến từ những vết thương chung của dân tộc đang đòi hỏi được kéo da non. Các nhà thi pháp thế giới sẽ ngạc nhiên trước câu trả lời cục bộ này. Nhưng mỗi dân tộc trong điều kiện lịch sử và địa lý của mình đều có Nguồn Thơ riêng.”
Đồng thời, nhà phê bình Đặng Tiến cũng cho rằng, không có một bản thể thi ca bất biến, mà nó- thi ca là kết quả của trạng thái thơ, “ trạng thái thi ca nhập tâm, phát triển và cuối cùng tan rã trong chúng ta… Trạng thái thi ca ấy hoàn toàn bất thường, bất định, vô ý, mong manh, mà chúng ta mất đi hay đạt tới, do tai nạn (Valéry nhấn mạnh).”
Cũng theo phát hiện của ông, Nguyễn Đức Tùng đã sớm đặt ra vấn đề đối thoại trong quan niệm thơ, khi lịch sử thi ca nước nhà thời kỳ trước đó là lịch sử của sự “đồng chí đồng tình”.
Nhà thơ Dương Tường “ mừng vui còn có hôm nay” và chân thành chia sẻ “Bình tĩnh và khách quan nhìn lại, tình hình bây giờ đã khác xa thời chúng tôi. Tin tôi đi”. Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật tha thiết trong tham luận Thơ đã thất lạc quá lâu: “ Văn học Việt nói chung, thơ Việt nói riêng đã thất lạc quá lâu, đã xa nhau quá dài, đã chối từ nhau như những kẻ đối nghịch. Điều ấy như tay chối bỏ chân, như răng chối bỏ miệng, nó trở nên bi hài trớ trêu.
Không gì có thể phủ nhận, vùi dập văn hoá, văn học nghệ thuật. Nền văn học Việt Nam đích thực, tựu trung phải hội tụ đủ cả mọi miền Nam, Bắc, trong nước, hải ngoại, không phân biệt chính kiến chính trị, tôn giáo, tín ngưỡng, sắc tộc. Văn hoá là tinh hoa, tinh tuý, phản ánh đúng bản chất lịch sử xã hội, thể hiện khát vọng muôn thuở của con người. Văn hoá cao hơn tất cả, nằm ngoài dòng chảy quy định của xã hội. Văn hoá, văn học nghệ thuật phi biên giới.
Bởi vậy Thơ Đến Từ Đâu là một cuốn sách, đồng thời là một thang thuốc đầu tiên ràng rịt vết thương văn hoá Việt Nam sau hàng chục năm thương tổn.
Nhà thơ Đỗ Quyên cho rằng thơ- không- đến- từ- đâu mà nó sẵn nằm trong mỗi con người. Nhà thơ Inrasara so sánh TĐTĐ như một bài thơ hậu- hiện đại còn đang mở ra với rất nhiều khoảng trống dành cho bạn đọc suy gẫm, bổ sung và phản biện. Được tán thưởng nồng nhiệt, nhân danh “ cái xấu “ (hiểu trên góc độ mỹ học, là cái tạm thời đối trọng với - ở bên ngoài- cái được quan niệm là đẹp- một cách thuần nhất), nhà thơ Đặng Thân phản biện TĐTĐ ở những trạng- tính từ mà anh cho là “sáo ngữ” được dùng để khen tặng, (dịu dàng, nhã nhặn, tinh tế…) đồng thời e ngại (cầu chúc) cho “cây thập giá” tốt lành, cao đẹp mà Nguyễn Đức Tùng trót mang khi đứng về phe cái đẹp. Dù đứng về phía cái đẹp, hay “cái xấu”, thì thơ, tiếng nói của tâm trí, tâm hồn con người, xuất phát từ cái thật- bản nguyên, sẽ tự tạo ra những giá trị của nó, vượt khỏi giới hạn của ngôn từ, mà hôm nay còn là ngổ ngáo cách tân, ngày mai đã trở thành êm đềm sáo rỗng.
K.P
|