Giá sách Sông Hương
Sáng Tạo Trẻ Huế
Những gương mặt triển vọng
16:04 | 16/01/2015

DƯƠNG BÍCH HÀ

Huế vốn là một vùng đất có truyền thống văn hóa từ lâu đời. Từ giữa thế kỷ XVI đến nửa sau thế kỷ XVIII, Huế là thủ phủ của Đàng trong thời Trịnh - Nguyễn phân tranh.

Những gương mặt triển vọng
Ảnh: internet

Cuối thế kỷ XVIII, Phú Xuân - Huế chính thức trở thành Kinh đô của cả nước. Giữa thế kỷ XIX, Huế là trung tâm văn hóa lớn nhất và phát triển chưa từng thấy. Trải qua các giai đoạn lịch sử, Huế, với những danh thắng, và với nền âm nhạc cổ truyền phong phú… đã được Unesco công nhận di sản văn hóa thế giới. Tiếp nối, giữ gìn những thành quả, thành tựu mà ông cha chúng ta từ ngàn xưa đã gây dựng, bồi đắp, lớp trẻ ở Huế ngày nay vẫn giữ được truyền thống đó, vẫn tiếp nối nhau, không hổ danh là người kinh kỳ, làm rạng danh cho mảnh đất núi Ngự, sông Hương.

Huế vừa là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, vừa là nơi tiếp nhận cư dân ở các vùng, miền, nhất là khu vực cận kề như Quảng Bình, Quảng Trị… dù là người từ nhiều nơi đến, nhưng để có thể tồn tại và lập nghiệp ở Huế đều phải tự khẳng định mình về nhiều mặt, cũng từ đó mà không ít người làm nên sự nghiệp. Huế có một đội ngũ âm nhạc vững tay nghề, đầy kinh nghiệm, có một số lượng tác phẩm phong phú, chất lượng, làm cho nền âm nhạc Huế ngày một khởi sắc. Những đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ nói chung, âm nhạc nói riêng đối với Huế đã được cả nước công nhận, như PGS - NS. Hà Sâm, NS. Lê Anh, cố NS. Khắc Yên và Thân Trọng Bình, NS. Việt Đức, NS. Trần Hữu Pháp, NS. Vĩnh Phúc, NS. Lê Phùng, Dương Bích Hà, Đoàn Lan Hương...

Cũng như Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Huế cũng là nơi có các trung tâm đào tạo, biểu diễn âm nhạc chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp: Học viện Âm nhạc Huế, Trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh; các Nhà hát Nghệ thuật như Ca kịch Huế, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế… đó là cơ sở, là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nghiệp. Đây là nơi tạo ra một đội ngũ các nhạc sĩ, các nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ biểu diễn… mà trong chừng mực nào đó, cũng có không ít người thành danh. Ngoài những văn nghệ sĩ thuộc thế hệ trước, đội ngũ trẻ làm công tác âm nhạc ở Huế trong thời kỳ hiện nay đang đứng trước những thách thức cũng gay go không kém. Đó là sự phát triển không ngừng về mọi mặt trong thời kỳ đổi mới, hòa nhập, đó là sự “xâm nhập” đa chiều của các luồng văn hóa, trong đó có âm nhạc… đòi hỏi các bạn trẻ phải hết sức tỉnh táo, vững vàng mới có thể “trụ” vững, mới có thể phát huy được khả năng để khẳng định mình, để đóng góp công sức của mình cho nền âm nhạc chung của đất nước.

Điểm qua một số gương mặt trẻ điển hình hiện đang công tác ở Huế, đó là Mai Nga, Thu Hà, Minh Phương với chuyên môn chính là đàn Tranh, được đào tạo chính quy từ Sơ cấp đến Thạc sĩ. Đó là những tay đàn xuất sắc, vững vàng, đầy kinh nghiệm của Học viện Âm nhạc Huế, tham gia nhiều Liên hoan âm nhạc của Tỉnh, của Trung ương, đã có nhiều thành tích như Mai Nga, Minh Phương, Thu Hà v.v. Tiếp đến là Hoài Nam, Thùy Trang, Chí Thành với chuyên ngành đàn Violon, được đào tạo chính quy. Với tay đàn điêu luyện, các bạn đã chứng tỏ được bản lĩnh nghề nghiệp của mình, luôn tham gia độc tấu, hòa tấu trong các dàn nhạc, tay nghề không thua kém các bạn đồng nghiệp ở hai đầu đất nước. Bên cạnh chuyên ngành chính là Violon, Thùy Trang cũng rất say mê nhạc cụ dân tộc, sau khi tốt nghiệp Đại học Violon, Trang tiếp tục thi vào Đại học Nhã nhạc với chuyên môn là đàn Nhị, cũng đạt được kết quả cao như học Violon.

Cũng như Thùy Trang, Đăng Dương (Học viện âm nhạc Huế) cũng được đào tạo chính quy từ Sơ cấp lên Đại học, từ nhỏ, Đăng Dương học Arcodéon, chuyển sang học Organ, và học Sáng tác ở bậc Đại học, đã tạo sự thuận lợi cho Đăng Dương trong việc hòa âm, phối khí. Dương đã phối khí cho nhiều tác phẩm tham gia các Hội diễn chuyên và không chuyên, các cuộc thi sáng tác tác phẩm khí nhạc, ca khúc, hợp xướng… đạt được kết quả cao. Năng khiếu thiên bẩm cùng tài năng của Dương được bạn bè, đồng nghiệp không những ở Huế mà cả toàn quốc công nhận. Cùng với Thùy Trang, Đăng Dương thường xuyên cùng dàn nhạc đi biểu diễn, đệm cho các Hội thi chuyên và không chuyên trong và ngoài tỉnh. Dàn nhạc của Dương và Trang đã tham gia đệm cho các cuộc thi chuyên nghiệp toàn quốc như “Sao Mai điểm hẹn”, “Sao Mai” khu vực miền Trung tại Huế, tại Đà Nẵng; Đăng Dương vừa là người phối khí và dàn dựng dàn nhạc, vừa là người chơi Organ cho toàn bộ chương trình, được giới chuyên môn đánh giá cao.

Khắc Du, Trung Thành, Văn Vui (Học viện Âm nhạc Huế) có thể nói là ba tay đánh đàn Bầu vững vàng, chắc chắn, luôn có mặt hầu hết ở các dàn nhạc dân tộc. Cả ba bạn đều học từ Trung cấp đến Thạc sĩ. Khắc Du đã từng tham gia dàn nhạc trong “Trại sáng tác âm nhạc Quốc tế lần thứ nhất” tại Huế, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cử đi cùng Đoàn nghệ thuật giao lưu với Cộng hòa Pháp (2009); tài năng được thể hiện rõ trong các tác phẩm được giải: Thoáng quê, Tứ đại cảnh.

Đối với chuyên ngành Piano, cũng đã xuất hiện nhiều gương mặt trẻ đầy triển vọng, đó là hai anh em ruột Hữu Phương và Hữu Phong, là Tuấn Thành, Quý Trân (Học viện Âm nhạc Huế). Hữu Phương và Hữu Phong được cử đi tham dự Hội thi Concours Piano Mùa thu ở Hà Nội (2007). Hữu Phong được vào vòng bán kết tại Concours Piano Quốc tế tại Hà Nội (2012) và đạt giải Nhất độc tấu Piano tại Hội thi “Tài năng trẻ HSSV các trường VHNT, Thể dục thể thao và Du lịch toàn quốc”. Tuấn Thành tham gia và được vào vòng 2 “Cuộc thi Piano Quốc tế” tại Bắc Kinh. Quý Trân được học bổng “Toyota” (2014). Đối với chuyên ngành kèn Clarinete, gương mặt nổi bật là Vũ Long. Sau khi học xong Trung cấp tại Huế, bạn ra Hà Nội học tiếp Đại học, sau đó vào Học viện Âm nhạc Huế công tác và học Cao học tại Huế; được trao học bổng “Sinh viên xuất sắc” (2009). Tham gia dàn nhạc kèn, dàn nhạc Học viện; ngoài ra, bạn còn là người hoạt động xã hội năng động, là biên tập viên ở Ban Thông tin truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Thừa Thiên Huế. Về Guitare, Nam Anh (Học viện Âm nhạc Huế) nổi bật lên hẳn bởi tay đàn vững vàng, cá tính. Cũng được đào tạo chính quy từ nhỏ, nhờ sự đam mê nghề nghiệp, năng khiếu tốt, Nam Anh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: Giải “Tài năng trẻ Guitare Việt Nam”, giải Huy chương Đồng độc tấu Guitare tại Hội thi “Tài năng trẻ HSSV các trường VHNT (2012).

Ý Linh (Học viện Âm nhạc Huế) được đào tạo để trở thành nghệ sĩ Ca Huế, vốn là con nhà nòi (bố mẹ đều là diễn viên của Đoàn Ca kịch Huế), Ý Linh sớm được làm quen với loại hình nghệ thuật này từ nhỏ, nên khi hát, em rất điêu luyện trong kỹ thuật hát Ca Huế từ nhả câu, rung, ngân… đến xử lý sắc thái, với giọng ca ngọt ngào, truyền cảm. Ý Linh cũng đã được tham gia biểu diễn ở các cuộc thi, liên hoan âm nhạc chuyên và không chuyên, và đã đạt được một số giải thưởng trong Hội thi “Tài năng trẻ HSSV các trường VHNT, Thể dục thể thao và Du lịch toàn quốc”. Mảng Thanh nhạc có những gương mặt nổi trội, được công chúng yêu thích, như Đình Xuân, Lan Anh (Tứ Hạ), Hữu Quang, Đình Phương, Hà Vy, Bạch Trà (Học viện Âm nhạc Huế), Phan Thu (Đoàn Ca kịch Huế). Đình Xuân được đào tạo chính quy từ Sơ cấp, với chuyên ngành Sáo trúc, ở bậc Đại học. Xuân học Sư phạm Âm nhạc, hiện công tác tại Trường TH số 1 Hương Xuân, Hương Trà. Đình Xuân có chất giọng Bariton đặc biệt, trầm, ấm, trữ tình, xử lý tốt; đã tham gia nhiều chương trình biểu diễn và đạt nhiều kết quả khi thể hiện thành công các ca khúc: Trên biển quê hương, Bài ca xây dựng, Xin cho tôi… Lan Anh được đào tạo tại trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế, nhưng có giọng hát chuyên nghiệp, điêu luyện. Hiện Lan Anh công tác tại trường THCS Nguyễn Khánh Toàn, Hương Trà. Với chất giọng Soprano ngọt ngào, đằm thắm, Lan Anh đã được khán giả yêu mến, hâm mộ, đã tham gia nhiều chương trình biểu diễn, thành công lớn với ca khúc Bóng cây Kơ nia, Ngọc lan…      

Cũng với giọng Bariton như Đình Xuân, nhưng chất giọng của Hữu Quang lại “mảnh mai” hơn, nhưng cũng sắc sảo không kém. Với giọng ca da diết, truyền cảm, xử lý tác phẩm thông minh, Hữu Quang nổi trội lên hẳn và được công chúng hâm mộ. Quang đã tham gia nhiều cuộc thi, liên hoan chuyên và không chuyên, đạt được những giải thưởng nhờ thể hiện ca khúc: Quảng Bình đánh rất hay, Đêm hoang sơ, Tên anh là Tổ quốc… Đình Phương thì lại nổi bật lên với giọng Téno sáng, khỏe, chắc chắn. Phương cũng tham gia nhiều cuộc thi, hội diễn. Ai đã từng viết, dàn dựng Hợp xướng, hoặc thu âm… thì chắc chắn không thể bỏ qua được giọng của Phương. Giải thưởng đầu tiên của Phương là giải Nhất, ca khúc Trên đỉnh Trường Sơn ta hát, Liên hoan “Đơn ca hè” do thành phố Huế tổ chức (2006), Chung kết Sao Mai toàn quốc với ca khúc Tôi là người thợ lò (2009), giải Nhì tại Quảng Bình với ca khúc Sông Lô (2009)…

Một giọng ca cũng tạo được sức hấp dẫn của công chúng bởi sự truyền cảm, bởi phong cách dân gian, đương đại, vừa hiện đại, vừa dân dã, đó là Hà Vy, cũng là một “cá tính” sắc sảo trong các gương mặt ca sĩ tại Huế. Hà Vy rất bản lĩnh, tự tin, và có khả năng thẩm thấu tác phẩm, nên khi biểu diễn, Vy rất thu hút người nghe và có khả năng làm cho công chúng hòa nhịp với mình. Vy đạt được giải thưởng với ca khúc Miền xa thẳm, Hạt cúc Thăng Long, giải Nhất “Tiếng hát mùa thu” tại Hà Nội (2008)… Với Bạch Trà, cô ca sĩ tuy tuổi đời còn non trẻ, nhưng lại có giọng Soprano cao vút, khỏe khoắn, đầy đặn và duyên dáng không kém các bậc đàn chị. Trà cũng đã tham gia nhiều Hội diễn: “Liên hoan nghệ thuật quần chúng toàn quốc”, “Liên hoan sân khấu kịch hát dân tộc HSSV các trường VHNT toàn quốc”, “Sao Mai” dân gian toàn quốc (2013).

Đó là Diễm Thi với chuyên ngành là Flute, một chuyên ngành mới mẻ, nhưng cô bé nhỏ nhắn này, bằng khả năng, đam mê nghề nghiệp, đã nỗ lực, và rất xứng đáng khi Diễm Thi luôn được tham gia trong các dàn nhạc, cũng như độc tấu trong các chương trình biểu diễn. Với các nhạc sĩ chuyên ngành Sáng tác, tuy tuổi đời còn trẻ, tay nghề chưa được già dặn, nhưng do đam mê nghề nghiệp, cộng với ý thức, nhiệt tình, các bạn cũng đã đạt được những thành công nhất định, đó là Trầm Tích, Hoàng Chiến, Đình Tiến, Anh Dũng (Học viện Âm nhạc Huế), là Phạm Phước Nghĩa, Lê Văn Đình (Huế). Trầm Tích, một tay viết “hoang dại”, có cá tính, luôn tìm tòi những điều mới lạ trong tiết tấu, chất liệu, nhất là chất rock ảnh hưởng rất nhiều đến Tích, nên tác phẩm của Trầm Tích có điều gì đó hư hư ảo ảo, nhưng lại rất thật, đúng với bản tính của mình. Trầm Tích đã tham gia nhiều cuộc thi sáng tác ca khúc, và đã đạt được một số thành công với một số tác phẩm như Cơn khát, Người thành Huế nhớ Bác, Tình Bác gửi Huế.

Cũng là một tay viết có cá tính, nhưng Hoàng Chiến lại “đằm” hơn Trầm Tích. Chiến thích khám phá những chất liệu âm nhạc dân gian, cũng như những nội dung mới mẻ. Giai điệu âm nhạc của Chiến ít đột phá, nhưng lại có sự phá cách. Chiến là người rất ham mê sáng tác, đó là điều rất cần đối với những ai muốn đi theo “nghiệp” sáng tác. Hoàng Chiến, bằng tâm huyết của mình, đã đạt được giải thưởng với các tác phẩm Nhịp chèo nghiêng, Khói quê... Đối với Đình Tiến, Anh Dũng, tuy tuổi đời, tuổi nghề chưa theo kịp với Trầm Tích, Hoàng Chiến… nhưng sự say mê và yêu thích, cũng như ý thức nghề nghiệp thì cũng không thua kém. Tiến viết khỏe, có nhiều tác phẩm, và cũng rất chịu khó đi thực tế, không ngại khó, ngại khổ. Tiến cũng đã đạt được một số thành công, đặc biệt với ca khúc nổi trội Lời cầu hôn trên nương. Còn Anh Dũng là bậc đàn em nhỏ tuổi nhất, hiện đang là sinh viên. Tác phẩm Về Điện Biên đã “le lói” cá tính của sự tìm tòi, bứt phá, của ý thức và lòng yêu nghề.

Phạm Phước Nghĩa cũng được xem như là một hiện tượng đáng để bàn. Từ lúc trình làng cho đến nay, Nghĩa cũng đã gây được sự chú ý của đồng nghiệp. Những ca khúc của Nghĩa tuy chưa được trau chuốt lắm, nhưng có hồn. Chất liệu âm nhạc của Nghĩa khá đa dạng, lời ca mộc mạc, chân chất. Tuy không hoạt động trong môi trường chuyên nghiệp, nhưng không vì thế mà Nghĩa không dám dấn thân, mà khi đã dấn thân, Nghĩa rất hồn nhiên để cho dòng âm thanh chảy theo cảm xúc. Nghĩa đạt được một số giải thưởng với những ca khúc như Kinh chiều, Đây quê tôi. Gần như trái ngược với các bạn đồng nghiệp, Văn Đình dường như có hướng đi riêng của mình, đa phần tác phẩm của Đình đều dành cho trẻ em. Phải nói rằng, viết ca khúc cho trẻ em rất khó, bởi bài phải ngắn gọn, âm vực hẹp, lời ca phải đơn giản, dễ hiểu, và phải phù hợp với trẻ thơ, nên hầu như ai cũng “tránh”. Vậy mà Đình “liều”, cái liều ở đây không phải là liều mạng, mà là liều vì yêu, vì thích, và “nhờ” cái “liều” đó, Đình đã “rinh” được một số giải thưởng cho ca khúc thiếu nhi.

Nhân đây, chúng tôi cũng muốn “đá” sang sân khác một tý, bởi điều này cũng có sự liên quan rất mật thiết với âm nhạc, đó là đội ngũ múa của tỉnh. Phải công nhận rằng trong khoảng thời gian từ những năm 2000, trường Văn hóa Nghệ thuật của tỉnh bắt đầu đào tạo chuyên ngành múa, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của cuộc sống. Từ đó đến nay, đội ngũ múa cùng những biên đạo múa đã đạt được một số thành tích đáng kể, như biên đạo múa - thầy giáo Phan Tuần (Trường VHNT tỉnh), đã rất nhanh nhạy, thông minh trong đào tạo, cũng như dàn dựng tác phẩm cho các tập thể tham dự các Hội diễn trong tỉnh và toàn quốc, đạt được kết quả tốt. Nhiều tác phẩm chất lượng như Hương quê, Thành phố lung linh nét Huế, Khúc sông trăng,… đã giành được giải thưởng. Rồi biên đạo múa Quang Sáng, Thu Hồng, Thu Hiền… đều mang lại thành công lớn.

Còn rất nhiều những gương mặt trẻ khác mà chúng tôi chưa có điều kiện đề cập ở đây… Có thể nói rằng, lực lượng trẻ, với tài năng, cộng với việc được đào tạo chính quy, bài bản, là nòng cốt, là nền tảng tạo sự lớn mạnh cho nền âm nhạc tỉnh nhà. Nhân đây, chúng tôi cũng muốn nói đôi lời, thay cho lời kết: Một lực lượng hùng hậu như vậy, lại được tập trung rất nhiều tài năng vào cùng một chỗ như vậy, quả là sự thuận lợi và là sự ao ước của những nơi không có được, nhưng thực tế thì không được như ý! Các em hầu như chỉ hoạt động nghề nghiệp đơn lẻ, mạnh ai nấy làm. Thực sự chưa có ai nhìn thấy và đánh giá đúng khả năng, năng lực của các em! Chúng tôi thấy rất tiếc, và ao ước, giá như có được sự quan tâm đúng mức của các cấp, các ban ngành, và giá như có ai đó “nhìn” ra được điều đó, đứng ra để tập hợp các em lại, hỗ trợ, đầu tư về kinh phí, tạo cho các em có chỗ đứng vững vàng, yên tâm để tập trung cho nghề nghiệp… thì nền âm nhạc của tỉnh nhà sẽ mạnh lên biết nhường nào!

D.B.H
(SH311/01-15)





 

Các bài mới
Chiếc áo (02/02/2015)
Các bài đã đăng
Thơ Trẻ (19/01/2010)