Giá sách Sông Hương
Sáng Tạo Trẻ Huế
Biên niên ký về một chặng đường văn học trẻ
08:18 | 20/01/2015

YẾN THANH

Trong một bài viết gần đây, nhà phê bình thời danh Đỗ Lai Thúy có nhận định rằng, mảnh đất Cố đô Huế là “một trung tâm văn học, học thuật đang trong quá trình phục hưng lại chính mình” [Lời tựa cho tập sách García Márquez và nỗi cô đơn huyền thoại, Nxb. Văn học, 2015].

Biên niên ký về một chặng đường văn học trẻ
Các tác giả trẻ Fan Tuấn Anh và Lê Vũ Trường Giang

Danh hiệu đó không phải được tạo lập bằng những con số khô khan của sự phát triển kinh tế, hay sự xây dựng hoành tráng cơ sở hạ tầng, mà chính bởi những vỉa tầng văn hóa nghệ thuật truyền thống, được bồi đắp bởi biết bao thế hệ nhà văn tài danh một thuở như Tố Hữu, Nguyễn Khoa Điềm, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Khắc Phê, Võ Quê, Nguyễn Quang Hà… nay lại tiếp tục được thế hệ cầm bút trẻ kế thừa, phát triển, và kể cả khắc phục những giới hạn cũ. Có thể nói, cho đến nay, Huế vẫn là (một trong những) trung tâm VHNT lớn của đất nước, nơi nhạy cảm tiếp nhận, chấp nhận thể nghiệm và bao dung hơn tất thảy đối với những cái mới trong văn học trên cả hai phương diện, người cầm bút mới và những sáng tạo mới mẻ. Ở Huế ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và kinh tế thị trường lên ngôi, VHNT vẫn xác lập được chỗ đứng trang trọng và có ý nghĩa xã hội, tác động trí thức mạnh mẽ. Bởi vì, thứ nhất, những giá trị tinh thần ở xứ này, trong một chừng mực nào đó, vẫn được coi trọng hơn những giá trị vật chất thực dụng. Thứ hai, Huế vẫn còn những không gian nghệ thuật và truyền thống nghệ thuật bền vững, được bảo tồn khá hiệu quả. Thứ ba, nghệ sĩ trẻ, mà cụ thể ở đây là những nhà văn trẻ được có sân chơi riêng của họ, được phép cất tiếng nói hoặc được dấn thân trong nghệ thuật. Nhiều sân chơi quan trọng ấy, dĩ nhiên được tạo ra từ những hoạt động văn học do Hội Nhà văn tổ chức. Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế đã tỏ rõ sự năng động với Ban Chấp hành trẻ trung, mới chỉ bước qua tuổi trẻ chưa lâu, nên sẵn sàng tổ chức các chương trình quy mô, nghiêm túc có tính học thuật nhằm giới thiệu các gương mặt cầm bút trẻ như Lê Vũ Trường Giang, Fan Tuấn Anh, hay mời những nghệ sĩ thơ trình diễn đương đại trên toàn quốc đến biểu diễn trong các kì Festival Huế.

Sân chơi quan trọng thứ hai là Tạp chí Sông Hương, một diễn đàn văn nghệ có uy tín tầm quốc gia trong hơn 30 năm qua. Tạp chí đã chấp nhận đăng tải những sáng tác mới của các nhà văn trẻ, quan trọng hơn, trong thời gian dăm năm trở lại đây, là việc công bố những nghiên cứu văn học mới của các cây bút nghiên cứu trẻ như Lường Tú Tuấn, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Mạnh Tiến, Đoàn Ánh Dương, Nguyễn Văn Thuấn… Không ít người đã khẳng định tên tuổi từ trước đó, nhưng cũng không ít người chỉ thực sự được biết đến sau khi những bài nghiên cứu của họ được công bố trên Tạp chí Sông Hương, hoặc được tạp chí trao giải thưởng nghiên cứu xuất sắc trong năm. Một tạp chí dám mạnh dạn trao các giải thưởng nghiên cứu trong năm cho nhiều cây bút nghiên cứu trẻ như thế - ở một sân chơi lâu nay vốn dĩ thường dành cho các cây đa, cây đề, đã thể hiện sự dũng cảm và cấp tiến. Ngoài ra, Sông Hương còn mạnh dạn in các sách và tổ chức các sự kiện học thuật nhằm giới thiệu các trào lưu sáng tạo mới như thơ Tân hình thức, các chuyên san về văn học trẻ, hậu hiện đại, hậu thực dân, phân tâm học môi trường luận… góp phần tạo ra một đời sống văn học năng động, trẻ trung, cập nhật với trình độ triết - mỹ của nghệ thuật đương đại thế giới.

Trong một bài viết cách đây vài năm, cũng đăng trên chính Sông Hương, tôi đã từng nhận định rằng, ở Huế hiện nay trên văn đàn chứng kiến sự gối/ nối đầu nhau của ba thế hệ viết trẻ từng xuất hiện và khẳng định được tiếng nói nghệ thuật trên văn đàn, xét theo chiều lịch đại của lịch sử văn học. Thế hệ thứ nhất là những cây bút trẻ trưởng thành khoảng thập niên 70 của thế kỷ XX, là lực lượng được quy tụ bởi Câu lạc bộ Văn học Trẻ (I) với chủ nhiệm Phạm Tấn Hầu và những gương mặt nổi tiếng thuộc thế hệ 5x, 6x như Trần Thùy Mai, Phạm Phú Phong... Hiện nay họ vẫn đang tiếp tục viết và bồi đắp, nâng đỡ cho những thế hệ đi sau mình. Thế hệ viết trẻ Huế thứ hai chủ yếu được hình thành từ Gia đình Áo trắng khoảng thập niên 80 của thế kỷ XX, nên đa phần họ là thế hệ 7x như Phạm Nguyên Tường, Hải Trung, Nguyễn Lãm Thắng, Lê Vĩnh Thái, Lê Tấn Quỳnh, Đông Hà… Thế hệ viết trẻ Huế thứ ba được hình thành dựa trên sự tái thành lập Câu lạc bộ Văn học Trẻ (II) với chủ nhiệm Phan Tuấn Anh và sau này là Lê Minh Phong. Cái cấu trúc tam tài ấy cho đến nay vẫn được duy trì và liên tục được bổ sung những nhân tố mới. Một số người hiện nay thuộc thế hệ viết trẻ Huế thứ ba đã khẳng định được tên tuổi của mình ở tầm vóc quốc gia như Lê Minh Phong, Lê Vũ Trường Giang, Meggie Phạm,… Nói một cách nghiêm ngặt, đúng với tên gọi lực lượng viết trẻ Huế (tính về cả tuổi đời lẫn tuổi nghề), đây là thời điểm lịch sử mà lực lượng viết trẻ Huế thứ ba phải lập ngôn nghệ thuật, phải thể hiện được bản sắc riêng trong sáng tạo và nghiên cứu của mình, thông qua những cách tân, cách mạng về thi pháp, tư duy nghệ thuật. Theo tôi, văn đàn Huế hiện nay chủ yếu trông đợi vào những cách tân có tính hệ hình (paradigm) từ lực lượng viết trẻ này. Bước chuyển từ tiền hiện đại sang hiện đại, và đồng thời, là sang hậu hiện đại phải được đặt trên vai những người trẻ tuổi mới ngoài đôi mươi này, bởi họ là những người được sinh ra, lớn lên và viết trong trạng huống/ điều kiện hậu hiện đại (condition postmoderne), nơi toàn cầu hóa kinh tế kéo theo toàn cầu hóa về tri thức và toàn cầu hóa về nghệ thuật diễn ra một cách mạnh mẽ. Tôi nghĩ, những thế hệ viết lão/trưởng thành đi trước sẽ kiến lập thành tựu và đỉnh cao trong sự nghiệp của họ, còn sứ mệnh của những nhà văn trẻ là dịch chuyển hệ hình.

Nhìn nhận lại tình hình phát triển của văn học trẻ Huế trong khoảng dăm năm vừa qua, tôi thấy có một số đặc điểm nổi trội như sau:

1. Sự cách tân hệ hình theo hướng hiện đại, hậu hiện đại để bắt kịp với trình độ, xu hướng phát triển của nền nghệ thuật đương đại thế giới

Nếu như văn học trẻ Huế trước đây chủ yếu hướng những sáng tác của mình vào những vấn đề của thời cuộc, nhấn mạnh chức năng xã hội dụng hành của văn học, mà đặc biệt là vào đấu tranh cách mạng (thế hệ thứ nhất); thế hệ văn học trẻ thứ hai chú trọng vào những đổi mới nội dung, chú trọng đi sâu vào khám phá cái tôi cá nhân của người nghệ sĩ, nỗi buồn đời tư và tình yêu thời áo trắng; thì lực lượng viết trẻ Huế thứ ba lại hướng sự quan tâm của mình vào những vấn đề bản thể của văn học, tư duy nghệ thuật và đổi mới về mặt thi pháp văn bản. Một ví dụ, nếu như những thế hệ trước chủ yếu vẫn viết dưới những hình thức thể loại và thi pháp tiền hiện đại, hiện đại như thơ tự do, truyện ngắn, tiểu thuyết hiện thực phê phán… đã có từ thời tiền chiến, những đổi mới của họ hướng về phía nội dung, thì ta có thể thấy những truyện ngắn của Lê Minh Phong đi theo hướng siêu hư cấu của văn xuôi hậu hiện đại rõ nét. Trong truyện ngắn của Phong, không còn một hiện thực rắn chắc, rõ nét nhằm phản ánh, mà là thế giới vạn hoa của vô thức, của ảo ảnh, của huyền thoại, của những cổ mẫu và ám thị chấn thương tâm lý. Thưởng thức truyện của Lê Minh Phong là thưởng thức cái cấu trúc, hình thức ngôn từ và những quan niệm triết học về thời gian, tồn tại và bản thể của anh, được ngụy trang và ẩn dấu dưới những ma trận mê lộ chữ nghĩa. Trong số những nhà văn trẻ ở Huế hiện nay, tôi đánh giá Lê Minh Phong là người mới nhất trong số những người mới, hậu hiện đại một cách có ý thức lý thuyết nhất. Thơ của Nhụy Nguyên cũng là thứ thơ siêu triết lý chiêm nghiệm, ra sức kiệm lời theo hướng vô ngôn và ẩn chứa những quan điểm triết học Phật giáo. Có bài đôi khi chỉ có hai câu: “Bao son phấn Tử Cấm Thành/ hòa màu trinh nữ sơn mành vương phi” (Cung oán ngâm - Tập thơ “Khi người ta cúi mặt”) nhưng ẩn sau đó là biết bao vỉa tầng văn hóa, thân phận người, cần được đọc và cắt nghĩa theo lối liên văn bản. Thơ Lê Tấn Quỳnh cũng thường xuyên nỗ lực nắm bắt cái mong manh, mơ hồ của những trạng thái tinh thần, xúc cảm không lời nhưng ám ảnh trong vô thức. “Người rồi còn một không gian dẹp/ Nơm nớp niềm điêu toa/ Nơi người đàn bà không quen biết/ Hái gió xuôi sông buông tiếc khóc òa/ Người rồi còn một dòng xanh để thở/ Ngút ngàn nay rơi rớt ngút ngàn qua…” (Một dòng xanh - tập thơ “Vông vang”).

Theo dõi hành trình thơ Lê Vĩnh Thái, ta càng thấy rõ sự chuyển hướng cách tân hệ hình này. Đi từ những vầng thơ áo trắng, sân trường nhiều tình cảm học trò kiểu chủ nghĩa lãng mạn giai đoạn đầu trong “Ký ức xanh” (Nxb. Thuận Hóa, 2004), Lê Vĩnh Thái bắt đầu chuyển hướng trong “Ngày không nhớ” (Nxb. Thuận Hóa, 2010), rồi hoàn tất diễn trình dịch chuyển hệ hình trong “Trôi cùng đám cỏ rẽ” (Nxb. Văn học, 2012). Thơ Lê Vĩnh Thái lúc này không hướng theo những ngôn từ đẹp, hình tượng bóng bẩy, ngôn ngữ giàu nhạc tính như giai đoạn trước, mà câu thơ trở nên góc cạnh, tự do tung phá hơn, khước từ vần điệu và cố gắng xây dựng một mỹ học khác, mỹ học của những cái thường nhật, đời thường, mỹ học của những tiểu tự sự. “Người đàn bà ngồi một mình/ chiếc muỗng chìm đáy cốc/ mòn nhẵn đường tay/ lăn vệt bầm của nước…” (Người đàn bà một mình - Tập thơ “Trôi cùng đám cỏ rẽ”). Những truyện ngắn của Lê Vũ Trường Giang, trong những hình hài thi pháp tự sự hư cấu tiền hiện đại, vẫn mang những tâm thức sáng tạo mới theo hướng hậu hiện đại. Những hư cấu của anh đã phảng phất hư cấu siêu sử kí (historiographic metafiction), với việc đưa quan niệm lịch sử như là hư cấu vào trong truyện ngắn của mình. Có thể thấy truyện ngắn nổi tiếng nhất của anh là Ngủ giữa trùng sơn không nhằm diễn giải hoặc tái diễn giải lịch sử dưới góc độ các đại tự sự về các bậc vĩ nhân, về các điểm mốc lịch sử quan trọng của dân tộc. Cái Lê Vũ Trường Giang quan tâm trong những hư cấu lịch sử của mình, đó là thân phận của con người cá nhân, của nhân dân dưới đáy xã hội trước những trò chơi của lịch sử, theo cái nhìn của riêng anh. Dẫu không đi theo lối giễu nhại và giải thiêng lịch sử như Nguyễn Huy Thiệp, nhưng những sáng tạo của Lê Vũ Trường Giang vẫn đậm tâm thức hậu hiện đại.

Nhiều cây bút trẻ ở Huế hiện nay, mạnh dạn thể nghiệm sáng tạo theo những thể loại văn học hậu hiện đại như truyện phi lý, truyện huyền ảo, thơ Tân hình thức, dưới những hình thức sân chơi nghiêm túc, sang trọng do Tạp chí Sông Hương đứng ra tổ chức, những sách chuyên khảo và số báo chuyên đề, từ đó, đã tạo ra những cơ hội mà ở đó, chính tuổi trẻ là một lợi thế, một căn cước và phẩm tính thuận lợi nhất để tiến hành cách tân hệ hình.

2. Sự xuất hiện của một lực lượng viết lí luận phê bình trẻ

Theo dõi sự phát triển của lực lượng viết trẻ Huế những năm gần đây, có một điều tôi nhận ra sự khác biệt cơ bản so với các thế hệ trước, đó là song hành với lực lượng sáng tác trẻ, là việc xuất hiện một lực lượng viết lí luận phê bình trẻ hết sức năng động, có tư duy nghiên cứu mới mẻ, áp dụng thành công những hệ lý thuyết hiện đại và hậu hiện đại vào trong quá trình nghiên cứu. Lâu nay, với thói quen đề cao tư duy kinh nghiệm bởi sự ảnh hưởng của nền văn hóa lúa nước, nhiều nhà quản lý văn nghệ, lãnh đạo các báo, tạp chí văn nghệ vẫn thường cho rằng giới trẻ chỉ nên học sáng tác, còn việc viết lí luận phê bình - với tư cách thẩm định, xét duyệt, bà đỡ cho tác phẩm văn học phải thuộc về những người lớn tuổi, có trải nghiệm, mà cốt lõi là có quyền uy, cho dù là quyền uy của chữ. Quan niệm này đã bị phá bỏ trong thời gian gần đây, thể hiện trong những hoạt động của Sông Hương và Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế. Chúng ta thấy một loạt những cây bút lí luận - phê bình trẻ của Huế dần trình hiện và khẳng định vị thế, tên tuổi lẫn những suy tư nghệ thuật hết sức chững chạc, có giá trị khoa học. Có thể kể đến gương mặt của thế hệ 8x Nguyễn Mạnh Tiến, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Văn Thuấn, Lường Tú Tuấn, Nguyễn Anh Dân, Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Văn Hùng…và gần đây là thế hệ 9x với Hồ Tiểu Ngọc, Phan Trọng Hoàng Linh… Họ đa phần mới chỉ trên dưới 20 tuổi, nhưng sớm lĩnh hội được nền tảng tri thức phong phú, chuyên sâu bởi đều là giảng viên, sinh viên ngành ngữ văn ở các trường đại học lớn tại Huế. Nhiều người trong số họ đã là thạc sĩ, tiến sĩ khi chưa đầy 30 tuổi. Sự xuất hiện của họ, không phải ngẫu nhiên, mà là thành quả của một quá trình chuyển/đổi hướng trong quan niệm về lí luận - phê bình trẻ của các cấp quản lí. Sự xuất hiện đều đặn của lực lượng này trên văn đàn Huế là bởi họ có những sân chơi cần thiết, những cơ hội cất tiếng nói trên mặt báo, những sự tôn vinh từ các giải thưởng, những sự kiện giới thiệu gương mặt phê bình trẻ (trường hợp Phan Tuấn Anh), việc đề cử các cây bút lí luận - phê bình trẻ đi dự Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc… Nhiều người trong số các cây bút trẻ viết lí luận - phê bình ấy đã vượt ra khỏi được ranh giới địa phương, vùng miền nhằm xuất hiện một cách đĩnh đạc, với tiếng nói nghiên cứu uy tín trên toàn quốc, đăng tải các bài viết trên các tạp chí chuyên ngành quốc gia như Nghiên cứu văn học, Văn nghệ quân đội, Văn hóa - nghệ thuật, Châu Mỹ ngày nay… cũng như các hội thảo văn học quốc gia và quốc tế, có người đã in công trình nghiên cứu văn học khi chỉ chưa tròn 30 tuổi. Tất cả những tín hiệu đáng vui mừng đó báo hiệu những mùa quả bội thu trong tương lai trên địa hạt lí luận - phê bình.

Nét đáng ghi nhận ở lực lượng viết lí luận - phê bình trẻ ở Huế, đó là họ sớm biết cách đưa ra những phát hiện có tính đột phá trong nghiên cứu, dựa trên việc ứng dụng, tiếp biến các hệ lý thuyết phê bình mới, tức đường hướng làm việc khoa học, có lí thuyết, có tính hàn lâm, khác với lối bình tán phê điểm dựa trên “phương pháp” phê bình ấn tượng, cảm nhận chủ quan của các cây bút phê bình tay ngang vốn chỉ quen sáng tác, hoặc dựa trên kinh nghiệm. Có thể thấy Nguyễn Mạnh Tiến đã làm chủ lý thuyết Thông diễn học hiện sinh nhuần nhuyễn trong việc nghiên cứu, đặc biệt là khi anh khảo sát các trường hợp văn nghệ miền Nam như Lê Tuyên, Phạm Công Thiện, Nguyễn Đức Sơn… Nguyễn Quang Huy đã áp dụng hết sức thành công Phân tâm học, mà cụ thể là phân tâm học cổ mẫu của C.G.Jung vào trong việc nghiên cứu tác phẩm Mẫu thượng ngàn (Nguyễn Xuân Khánh). Lường Tú Tuấn với việc ứng dụng ngôn ngữ học và thi pháp học của R.Jakobson nhằm giải mã ngôn ngữ thẩm mỹ thơ Lê Đạt, Phan Trọng Hoàng Linh vận dụng lí thuyết carnaval trong nền văn học trào tiếu dân gian theo quan điểm của M.Bakhtin nhằm nghiên cứu Don Kihote (Cervantes), Nguyễn Văn Thuấn áp dụng lí thuyết liên văn bản nhằm khảo cứu Nguyễn Huy Thiệp (có thể tham khảo các bài viết này trên web hoặc phiên bản giấy của tạp chí Sông Hương)…

Lực lượng viết lí luận - phê bình trẻ ở Huế hiện nay, nhìn tổng quan, sớm thể hiện mình là những người viết chuyên nghiệp, có nội lực, có trình độ ngoại ngữ, là những người kiên nhẫn, chấp nhận gian khó để trở thành những người thâm canh, gieo gặt những mùa quả chất lượng cao. Trong tương lai, tôi nghĩ rằng, đời sống văn học Huế sẽ được vinh danh trước tiên và chủ yếu bởi lực lượng này, sự tương tác của họ với lực lượng sáng tác trẻ tại mảnh đất này lại càng tạo ra hiệu ứng cộng hưởng đáng mừng cho mảnh đất Cố đô. Nhận định ấy càng làm cho chúng tôi nhớ đến lời của W.J.T.Mitchell trong tiểu luận Bảy luận đề về thời hoàng kim của phê bình văn học rằng: “Chúng ta đang sống trong thời hoàng kim của phê bình văn học. Thể loại văn học chủ đạo vào cuối thế kỷ 20 này không phải là thơ, kịch, tiểu thuyết, điện ảnh mà là phê bình và lý luận văn học. Với khái niệm “chủ đạo”, tôi không muốn nói là nó được phổ cập nhất, có uy tín hay có thẩm quyền mà chỉ muốn nói là nó tiến bộ, nổi bật và tiên phong”.

3. Hai xu hướng phát triển chính của văn học trẻ Huế hiện nay

Theo dõi khá kĩ những thành tựu của các cây bút trẻ đang sống và viết tại Huế hiện nay (hoặc trong thời gian gần đây), chúng tôi nhận thấy có hai xu hướng phát triển cơ bản, ngược chiều nhau nhưng lại bổ sung, bù đắp cho nhau. Một hướng đi theo việc phát triển hình thức nghệ thuật, sáng tác của họ là một nỗ lực cách tân tư duy nghệ thuật và hệ hình thi pháp, hướng còn lại nỗ lực trong những khuôn khổ hình thức cũ, thể loại cũ, tạo ra những nội dung, cốt truyện mới mẻ, được đông đảo quần chúng bạn đọc yêu thích. Tôi gọi hướng thứ nhất là hướng phát triển hàn lâm (academy), và hướng thứ hai là hướng phát triển đại chúng (popular). Hướng phát triển hàn lâm có đóng góp là tạo ra những bước ngoặt về mặt phát triển nghệ thuật, tác phẩm của họ là những thể nghiệm, nó có tính chất thách thức và khiêu chiến đối với tầm đón nhận của đa phần người đọc, buộc người đọc phải có một căn nền tư tưởng, lí thuyết nhất định. Chính vì vậy, nhược điểm của hướng phát triển này là kén người đọc, có thể sinh ra những hiểu lầm và ngộ nhận (tạm thời) đối với một số (đông) người đọc. Ở Huế hiện nay, chúng tôi đánh giá những cây bút như Lê Minh Phong, Nhụy Nguyên… là phát triển theo đường hướng này. Sự kiện Lê Vũ Trường Giang và Fan Tuấn Anh đoạt giải B - Giải thưởng Cố đô về VHNT lần thứ V lại cũng khẳng định cho sự phát triển văn học theo đường hướng academy. Những truyện ngắn và thơ của họ được giới nghiên cứu đánh giá có đóng góp trên phương diện cách tân tư duy nghệ thuật và đổi mới thi pháp theo hướng hậu hiện đại. Hướng phát triển đại chúng có đóng góp trên phương diện tạo ra những sự kiện best-seller, những sự kiện xuất bản nổi bật cùng với việc thu hút đông đảo một lượng người đọc biết đến văn học trẻ Huế. Hướng phát triển này chủ yếu sử dụng lại những mô thức văn học cũ, nhưng nỗ lực nắm bắt tâm lý, thị hiếu của bạn đọc đương đại nhằm tạo ra những câu chuyện hấp dẫn, có tính thời sự với cốt truyện ngôn tình thú vị. Trong đời sống văn học Việt Nam nói chung và ở Huế nói riêng hiện nay, hiện tượng Meggie Phạm với series tiểu thuyết (dự tính 9 cuốn, mới xuất bản 5 cuốn) về những chị em thiên thần Muse là rất đáng chú ý. Chỉ với 5 cuốn tiểu thuyết, xuất bản vỏn vẹn trong vòng chỉ 3 năm trở lại đây, Meggie Phạm đã có gần 1 vạn bản sách, tính cả tái bản lẫn xuất bản lần đầu. Đó là con số đáng mơ ước đối với toàn bộ sự nghiệp bất kỳ một nhà văn nào, chứ không chỉ tính riêng đối với một nhà văn trẻ. Tuy nhiên, hướng phát triển đại chúng đôi khi lại dễ làm nhà văn ngủ quên trên sự chiến thắng của những con số bản in và số lần xuất/tái bản, khiến họ viết ngày càng chiều theo thị hiếu và tầm đón nhận đa phần ở mức phổ thông của người đọc, mà quên rằng, bản chất phát triển của nghệ thuật, thực chất là sự khiêu chiến với những giới hạn của sự diễn giải và thông hiểu bình thường của người đọc đại chúng.

Bằng cả hai xu hướng phát triển kể trên, theo chúng tôi, văn học trẻ ở Huế vừa phát triển cả theo bề rộng lẫn bề sâu, trên phương diện thị trường lẫn phương diện suy tư nghệ thuật. Cả hai hướng ấy tạo nền một tương lai vững chắc, lành mạnh cho văn học Huế luôn được nối dài và phát triển. Dĩ nhiên, không phải không còn đó những hạn chế và tồn tại cần chỉ ra trong việc phát triển văn học trẻ ở Huế. Trước tiên là sự cũ kỹ và hoạt động thiếu hiệu quả của mô hình câu lạc bộ Văn học trẻ, cho đến nay, sau khi được tái thành lập cách đây chừng 4 năm, mô hình này chỉ để lại khoảng chục sự kiện ngoại khóa và hai ấn phẩm xuất bản, để rồi nhanh chóng lụi tàn bởi thiếu kinh phí lẫn cách phương thức hoạt động/quản lý mới. Thứ hai, cần phải nhận ra rằng, Huế là nơi chắp cánh, nuôi dưỡng và giới thiệu những tài năng, nhưng chưa hẳn đã là mảnh đất có sự đãi ngộ nhân tài, thu hút nhân tài từ các nơi đến hội tụ, hay có điều kiện giữ chân những nhân tài xuất hiện trên mảnh đất này. “Đất lành” nhưng đôi khi tài năng chưa an tâm để đậu. Một loạt những tài năng trẻ của văn học Huế thời gian qua, nhất là trên địa hạt lí luận - phê bình đã ra đi và tỏa sáng ở các thành phố lớn khác như Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Mạnh Tiến, Lường Tú Tuấn… là những khoảng trống/lặng đáng tiếc. Họ học tập, thành danh tại Huế và yêu quý mảnh đất này, muốn cống hiến xây dựng văn học nghệ thuật Cố đô nhưng vì thiếu cơ hội mưu sinh mà phải ra đi. Theo chúng tôi, trong tương lai, cần phải có chiến lược thu hút tài năng như chúng ta đã từng giữ chân Nhụy Nguyên, Lê Minh Phong, Lê Vũ Trường Giang, Lê Vĩnh Thái, Lê Tấn Quỳnh… tại tạp chí Sông Hương, hay Nguyễn Văn Thuấn, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Phan Trọng Hoàng Linh… tại các khoa văn của trường đại học thuộc Đại học Huế, cần cho họ sân chơi và nguồn sống, thì nền văn nghệ tỉnh nhà mới có tương lai, hậu vận vững chắc.

Nhìn chung, trong bối cảnh nhiều giá trị, bản sắc Huế đang dần nhạt đi, hòa tan trong thời hậu hiện đại với sự toàn cầu hóa về kinh tế và thế giới phẳng về thông tin, nhiều lĩnh vực Huế từng là trung tâm (kinh đô), nay chỉ còn là ngoại biên (Cố đô), thì với tôi, văn học nghệ thuật là lĩnh vực Huế còn/ sẽ giữ được vị thế tiếng nói có trọng lượng, nhằm đối thoại (dialogic) với bên ngoài và thế giới. Một thực tiễn theo tôi, đó là khi Huế ý thức được mình không còn là trung tâm, hoặc đã bị/được giải trung tâm, thì các giá trị văn hóa nghệ thuật lại càng được/dễ bồi đắp, càng có nhiều cơ hội và điều kiện nhằm cách tân và cách mạng hệ hình trong sáng tạo, vừa như một cách kháng cự nhằm bảo vệ ánh hào quang trong quá khứ, lại vừa như một cách kiến tạo bản sắc và quyền lực (văn hóa) mới. Trong diễn trình ấy, những đỉnh núi cũ vẫn sừng sững ở đó, nhưng họ là điểm tựa ở phía sau, còn tương lai, dĩ nhiên, bao giờ cũng chỉ có thể “bắt trẻ đồng xanh” vào những người viết trẻ.

Y.T
(SH311/01-15)





 

Các bài mới
Chiếc áo (02/02/2015)
Các bài đã đăng
Thơ Trẻ (19/01/2010)