Giá sách Sông Hương
Sáng Tạo Trẻ Huế
Một góc nhìn về văn học trẻ Huế hôm nay
08:11 | 27/01/2015

ĐÔNG HÀ

Mỗi thế hệ luôn có tiếng nói văn chương riêng của mình. Trong dòng chảy của văn học hôm nay, có một thế hệ nhà văn ở Huế đang cất lên tiếng nói của họ để khẳng định vị thế của người viết, đồng thời cũng định hình một nền văn học mới, tiếp nối những thành quả của các thế hệ đã qua.

Một góc nhìn về văn học trẻ Huế hôm nay
Nhà thơ Đông Hà với các văn nghệ sĩ tại tạp chí Sông Hương

Từ lâu, văn chương Huế đã được đánh dấu đậm nét trong bản đồ văn học Việt Nam. Tên tuổi những nhà văn, nhà thơ người Huế, sống ở Huế, trưởng thành từ Huế hay yêu Huế đã xuất hiện quá nhiều, khiến mảnh đất Cố đô được định danh là xứ sở của thi ca. Điều đó đến bây giờ vẫn được tiếp nối, Huế vẫn xuất hiện trong các trang viết của người sáng tác, người sáng tác vẫn được nuôi dưỡng cảm xúc từ Huế. Nên, một dòng chảy văn học mới ở Huế vẫn tiếp tục chảy một cách bền bỉ trong lòng bạn đọc.

1. Thứ nhất là thơ ở Huế

Thơ Huế giai đoạn này không xuất hiện nhiều trên văn đàn cả nước dù người làm thơ ở Huế vẫn bền bỉ sáng tác và thường xuyên xuất hiện trong đời sống hằng ngày. Vào những trang cá nhân trên các mạng xã hội, người đọc vẫn thấy những gương mặt quen thuộc đã xuất hiện từ những năm cuối của thế kỉ XX như Phạm Nguyên Tường, Hải Trung, Đông Hà, Lê Vĩnh Thái, Lê Tấn Quỳnh, Lê Huỳnh Lâm, Nhụy Nguyên,… nhưng nếu tìm họ trên các trang báo hay tạp chí chính thống thì không nhiều. Cảm giác thế hệ này đã bắt đầu lùi về quãng sau để một thế hệ mới bước tới. Trên Tạp chí Sông Hương, một diễn đàn văn học uy tín ở Huế, người đọc vẫn thỉnh thoảng bắt gặp những cái tên mới xuất hiện, bổ sung vào đội ngũ thơ Huế như Bạch Diệp, Châu Thu Hà, Fan Tuấn Anh, Thảo Nguyên, Trương Ngọc Hải, Nguyễn Hoàng Anh Thư…

Tuy không xuất hiện một cách đậm đặc theo tần suất nhiều trên báo chí cả nước như những năm 90 của thế kỉ trước, nhưng người đọc vẫn có thể thấy được các nhà thơ đang miệt mài đi theo con đường thơ ca họ đã chọn. Ít đăng đàn, lặng lẽ trước các cuộc tranh luận về thơ, hầu như không xuất hiện trước đám đông. Nếu có, họ cũng chỉ xuất hiện ở phạm vi nơi họ đang sống, đó là Tạp chí Sông Hương và trang thơ của báo Thừa Thiên Huế, hoặc một vài nơi quen thuộc… nhưng các nhà thơ Huế vẫn đều đặn trình làng những tác phẩm của mình dưới hình thức in thành tập.

Nếu trước đây, thế hệ các nhà thơ đàn anh thường phải cho đăng những tác phẩm của mình, sau đó khi có điều kiện mới tập hợp in lại thành tập, thì bây giờ, các nhà thơ đang làm quy trình ngược lại. Họ âm thầm sáng tác, gọt dũa, rồi in thành tập. Sau khi công bố mới bắt đầu trích in giới thiệu ở một vài nơi. Hoặc nếu không giới thiệu ở chỗ nào cũng không sao. Vì vậy khi đọc một tập thơ mới bây giờ, người đọc thường được đọc những tác phẩm mới trong đó. Nên thơ Huế dẫu âm thầm vẫn luôn chảy trong dòng thơ hiện đại.

2. Thứ hai là văn xuôi ở Huế

Nếu thơ Huế đang chảy một cách thầm lặng thì văn xuôi Huế lại tạo được cho mình một mạch nguồn cuồn cuộn, mạnh mẽ hơn. Trong khoảng thời gian hai mươi năm về trước, văn Huế đã có những tên tuổi quen thuộc như Hà Khánh Linh, Tô Nhuận Vỹ, Hồng Nhu, Nguyễn Khắc Phê, Trần Thùy Mai, Trần Hạ Tháp… thì lúc này, bạn đọc cả nước có thể tiếp tục gọi tên những tác giả trẻ Huế một cách rõ nét, có thể kể đến những tên tuổi gây được nhiều tiếng vang như Nhụy Nguyên, Lê Minh Phong, Lê Vũ Trường Giang… và sau này đang xuất hiện nhiều cây bút trẻ sung sức như Kawi, Meggie Phạm, Nam Giao, Nguyễn Hoàng Anh Thư,…

Lớp tác giả trẻ bây giờ đã sớm khẳng định mình trên văn đàn cả nước với những tác phẩm chắc tay, đồng thời đã đạt được những giải thưởng trong các cuộc thi văn chương tên tuổi. Lê Vũ Trường Giang đã được tặng giải thưởng tác phẩm hay của tạp chí Văn nghệ Quân đội, gây được sự chú ý trên tuần báo Văn Nghệ. Lê Minh Phong lại được bạn đọc phía Nam chú ý nhiều hơn, xuất hiện một cách thường xuyên trên chuyên trang văn nghệ của các tờ báo uy tín như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Gia đình và Tiếp thị… Những tác phẩm của anh xuất hiện đã thu hút nhiều ý kiến bạn đọc, gây nên một hiện tượng đáng lưu tâm trong đời sống văn học ngày hôm nay. Nhụy Nguyên lại khẳng định mình ở Tạp chí Sông Hương, tuần báo Văn nghệ và được bạn đọc đánh giá cao khi anh xoáy sâu những trang viết của mình vào mảng đề tài của triết học Phật giáo. Sự chững chạc trầm tĩnh ở con người này được chuyển tải vào trang viết, khiến người đọc nhận ra được những cái chiều sâu ẩn khuất bên trong.

Ở mảng văn học dành cho tuổi teen, Kawi, tên thật là Lê Thị Hồng Phương, lại nổi đình nổi đám ở mảng văn học mạng từ năm 2010. Bắt đầu từ những trang viết vu vơ trên mạng xã hội, cuốn “Shock tình” ra đời và từ đó đến nay Kawi đã liên tiếp xuất bản 10 đầu sách. Những cuốn sách viết về thế giới tuổi teen luôn được các bạn trẻ đón nhận khiến cái tên Kawi trở thành một dấu ấn trong dòng văn học này. Đến bây giờ, trong cương vị là một kế toán viên vừa mới ra trường nhưng Kawi vẫn gắn bó với văn chương. Cô xem đó như một lối đi thú vị trong cuộc đời mình. Meggie Phạm cũng là một tác giả nằm trong dòng văn học này. Khởi đầu cho sự nghiệp của mình, cô chọn truyện dài dành cho tuổi teen để bắt đầu. Giám đốc và em là một tác phẩm đầu tay của cô, tạo nên một tên tuổi đứng trên kệ sách với các anh chị đi trước. Tiếp theo là cuốn Hoàng tử và em, Người xa lạ và em, Chàng và em… cũng đã chứng minh được sự dài hơi của một cây bút mới trong làng văn. Nam Giao lại là một cây bút trưởng thành từ tập san Áo trắng, một sân chơi dành cho lứa tuổi học sinh, sinh viên. Bắt đầu viết từ khi còn là học sinh, đến bây giờ có gia đình, có con, Nam Giao vẫn trung thành với dòng văn này. Những trang viết nhẹ nhàng, trong sáng giàu sức gợi cảm của chị vẫn được đăng tải đều đặn trên các trang báo. Nguyễn Anh Dân cũng là một người viết văn xuôi ở dòng văn Áo trắng. Anh xuất hiện đều ở các tờ báo dành cho học sinh - sinh viên. Tuy nhiên, khi ở cương vị một giảng viên văn chương, người đọc dường như không được đón nhận những tác phẩm của anh nhiều như trước. Phải chăng, văn chương chỉ đem lại niềm vui khi người ta chưa trưởng thành, chỉ tập viết cho vui. Còn khi đã lựa chọn được một con đường riêng cho cuộc sống của mình, thì họ lại nói lời chia tay dù lòng luôn hoài niệm?

Quyết liệt, say mê và cuồn cuộn chảy là dòng văn của một gương mặt vừa mới xuất hiện trên văn đàn khoảng hơn một năm trở lại đây, đó là Nguyễn Hoàng Anh Thư. Với bút danh Nhật Thu, chị đã xuất hiện nhiều và đậm đặc trên các trang báo, tạp chí văn chương hiện nay, ở cả hai mảng thơ và văn xuôi. Phong cách lạ, cái nhìn mới của một cây bút mới vào nghề nhưng lại có được một vốn sống tích lũy giàu kinh nghiệm của người đứng tuổi khiến tác phẩm chị làm người đọc nhận ra nhiều vỉa tầng của chữ nghĩa. Cảm giác ngợp khi đọc văn của Nguyễn Hoàng Anh Thư khiến người đọc vừa thú vị và chờ đợi sự dài hơi ở cây bút này.

3. Thứ ba là những “nụ hồng” văn chương ở Huế

Bên cạnh những cây viết đã xuất hiện trước bạn đọc, còn có một dòng chảy âm thầm bên trong, đó là những cây viết trưởng thành ở thế hệ mới vừa được ươm mầm từ những CLB Sao Khuê, những cuộc thi Cây bút tuổi hồng của Nhà thiếu nhi Huế phối hợp với Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế thực hiện hằng năm cũng đưa lại những gương mặt mới. Có thể kể tên ở đó những tên tuổi gây được ấn tượng như Trương Ngọc Hải, Đỗ Việt Cường, Phan Thế Dương Tôn, Lê Quang Trưởng, Xuân Cao, Nguyễn Trương Khánh Thi, Võ Đoàn Đồng Tâm, Hoàng Thị Hồng Hiệp…

Với những “nụ hồng”, khó có thể đoán định được những gì phía trước. Nhưng với một số “nụ”, người đọc đã nhận ra nội lực của các em và dự đoán được con đường văn chương phía trước đang chờ. Trường hợp Nguyễn Trương Khánh Thi là một ví dụ. Viết văn khá sớm, giọng văn chững chạc, những trang viết đầu tay của em trên Tạp chí Sông Hương đã báo hiệu một cây văn xuôi đầy hứa hẹn. Nhưng người đọc chờ vẫn cứ chờ. Còn bao giờ người viết viết tiếp thì… chưa rõ.

Không kể đến lớp tác giả đã thành danh và gắn bó với con đường văn chương, những “mầm xanh” ngày nay dường như vẫn chưa quyết định có lựa chọn con đường nhọc nhằn này hay không. Có thể, các em còn quá sớm? Hoặc trách nhiệm với con đường học vấn mà gia đình các em lựa chọn không có lối rẽ cho văn chương? Hoặc thiếu những trang viết dành riêng cho các em trong vai trò là một “bà đỡ” vẫn còn thiếu và chưa nhiệt tâm nhiệt tình?

Lý giải cho điều này, tôi tạm nghĩ, có lẽ, do thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin, mỗi người viết, đặc biệt là người viết trẻ có thể dễ dàng đăng tải bài viết của mình trên các trang blog hoặc trang mạng xã hội. Ở đó, sự tương tác với người đọc nhanh hơn, rộng hơn khiến họ không có nhu cầu đăng tải trên các trang báo, tạp chí chính thống chăng? Sự thuận tiện của các trang blog, mạng xã hội sẽ tạo chất xúc tác khiến người viết có nhiều hứng thú hơn trong việc sáng tác. Mặt khác, những người viết trẻ hiện nay, họ có nhiều mối quan tâm, nhiều sự chia sẻ, nhiều sợi dây ràng buộc, nên quan niệm viết cho vui, viết như một cách giải tỏa tâm hồn. Thành thử việc được đăng tải trên các phương tiện chính thống không phải là điều quan tâm của họ.

Nhưng dù như thế nào, qua cái nhìn xuyên suốt, chúng ta cũng đã thấy được những thế hệ văn chương đã qua, đang đến và sẽ đến, vẫn miệt mài cống hiến cho người đọc một dòng văn bất tận. Để Huế ngày càng được tô đậm trên bản đồ văn chương Việt.

Đ.H
(SH311/01-15)




 

Các bài mới
Chiếc áo (02/02/2015)
Các bài đã đăng
Thơ Trẻ (19/01/2010)