PHẠM TẤN XUÂN CAO
Màu thời gian mà chiếc lá đi tìm lại thì cũng đã chìm vào trong những nẻo mờ xa lắc. Chiều về, và dường như, nắng đã dần héo mòn đi khi những dư vang của nó chỉ để lại trên những chiếc lá một vài vệt sáng khét đặc mùi vàng võ của cuộc đời.
Nhưng cũng đúng cho một chút gì đó được gọi là còn sót ở trên bề mặt của những chiếc lá đang phản chiếu ánh hoàng hôn khi về chiều. Lúc đó, cả tán cây cũng đã thả mình trôi vào trong không gian một cách nhẹ hẫng nhưng vẫn lại thảng thốt một điều gì mà cứ ngỡ như là nó có chất chứa vài điều nghi kị về phía những vệt sáng héo úa ấy. Và nếu như, thật sự điều đó có xảy ra đi nữa thì cũng không thể phủ nhận rằng, chiều hôm nay, những chiếc lá đang đi về cùng lúc với phía tây kia mặt trời đã chìm dần vào sâu thẳm. Chốn sâu thẳm đó, đã được khói phảng phất và cho ra đời biết bao nhiêu là điều để khiến thứ ánh sáng lay lắt ấy, có thể cảm biến được, những thay đổi khi có một cái nhìn hướng về phía nó.
Nhẹ thôi, chiếc lá thì thầm với gọi vào không trung thì cũng như thể nó vất vưởng trong một kiểu nhìn thiếu đi phần tinh tế về phía sâu thẳm mà lắm khi muôn đời nó không thể nhận ra được. Hay dù chỉ là việc nó có thể lấn vào đó khoảng chừng một đoạn, để khi ấy, nó trở nên thân thiết hơn cho những biểu hiện có còn gán vào nó được nhẹ đi bằng với chính điều mà nó cảm thấy như thế. Và rồi thì, một chốn ải để có thể vẽ ra bất kỳ điều gì mà theo nó gọi là một viễn tượng khó được hình dung nổi, và đồng thời, là hình dung về trong tiềm độ mà khoảnh khắc tách ra của vỏ cây được che chắn bằng với sự lui về với chốn ải thâm sâu ấy. Khi đó, có thể đã có rất nhiều những dòng chảy của thời gian gieo lên trên mình nó, nhưng thực sự thì nó khó có thể ý thức được, và cũng đặt trường hợp là nếu có thể không, nó ý thức được thì sao, vậy thì cũng vào lúc nó biết mình ngả sang màu vàng nhạt, thì đồng thời, chính khi đó, nó chợt nhận ra sự ẩn nấp của cái chết đằng sau những sự kiện âm thầm ấy.
Trời đã về chiều, trời về chiều, chiều trong khung cảnh của thời gian, một cảm giác xốn xang vang lên bên trên khoảng không gần như bất tận đó, như khi mà cái cảm giác đó nó kéo dài ra và chạy xa hút tầm mắt, nếu như nó có thể kéo hết được mọi cử động di cư đi từ các tế bào diệp lục của chiếc lá thì tốt biết mấy. Mà chỉ là sự di cư từng phần, nhưng thật bất ngờ, chiếc lá đã vội thầm cảm ơn điều đó, nó cảm ơn vì chính sự di cư từng phần của các tế bào diệp lục chứ không phải là sự di cư đồng loạt từ chúng, nếu không, có lẽ nó đã bị đột tử rồi, và giả dụ như điều đó xảy ra thì nó đã không có được những biến đổi như thế này, biến đổi mà chính khi các tế bào diệp lục trở mình một cách chầm chậm, sự chầm chậm đó không làm bằng một thứ chất liệu cụ thể nào cả, nếu có ai đó nói nó làm bằng một thứ chất dẻo rẻ tiền mà ai cũng có thể mua ở những cửa hàng gia dụng thì ôi thôi, có thể như thế, xem ra, cũng không kém đi cho một trò cười mạt hạng dành về phía những phường vô lại mang trong mình một thị hiếu thấp kém nhất.
Sự trở mình đó của chiếc lá, mà cụ thể hơn, là sự di cư của các tế bào diệp lục đã thôi thúc chiếc lá chú ý đến toàn bộ thớ thịt của mình, có lẽ, không gì có thể ngăn chặn điều đó xảy ra, cứ như thể có một sự tiên liệu bất khả di dịch về phía những nghi kỵ đang hối hả thúc giục chiếc lá thôi không nghĩ về phía ánh sáng héo úa ấy nữa. Và rồi thì cái cảm giác sợ bị đột tử khi chiếc lá nhận ra rằng, nó đã có thể may mắn biết nhường nào khi nhận ra sự trở mình của chính bản thân nó, mà sự rệu rã của những thớ diệp lục là một minh chứng tinh tường cho điều đó khi không một điều gì có thể thay thế được.
Sự di cư của nhứng thớ diệp lục không tự làm cho bản thân chiếc lá mất cân bằng đi một chút nào, mà ngược lại, nó có thể ung dung hơn khi biết chắc rằng nó đang xa rời một cái gì đó, mà trước đây, nó đã cố gắng níu giữ dẫu cho mọi thứ có thể khiến nó bị thương tổn vì nó không ngần ngại chi trả cho những hao phí đó một sự cam chịu đến cùng độ như thế. Sợi tơ nắng cũng khét đi trong cùng một tiết điệu của chất diệp lục ngả màu. Tơ nắng thắt lên trên mình chút vàng võ, và y như thể, chính cái màu vàng võ đó nó mới không ngừng nhắc nhở bản thân những vệt sáng khi về chiều ấy, dẫu cho chúng đang cố gượng gạo để duy trì cường độ ánh sáng mặc dù nó không được mạnh mẽ lắm. Ở bên kia là chiếc lá, với từng hồi diệp lục đang ngã xuống và trở mình thành vàng võ, thì ở đây, cái chất màu vàng héo úa khô khốc đó cũng đã dần chuyển thành màu xám đặc trong từng vệt sáng của ánh nắng lúc về chiều. Chậm thôi, dẫu cho hai quá trình đó có thể nói ra được như thế này nhưng để biết nó, để theo nó, và nhận ra nó như thế nào, thì cả là một đoạn đường với nhiều ngã rẽ quanh co phức tạp theo cái kiểu bị lạc vào những đường hầm bí lối khi cứ đứng đối diện với cái thứ phức tạp kia.
Ở vào chính cái thời đoạn mà mọi quá trình cứ chuyển dần vào và đi về phía quá khứ, chiêc lá cứ thế nghiêng mình như nép lại, để có thể, nếu cố gắng, nó hi vọng rằng, nó có thể hiểu được ít nhiều về chính cái phần tinh vi nhất đó, khi mà trong một phần sự cố gắng ấy nó cũng đang hướng về phía sự ngả màu của những tế bào diệp lục bên trong bản thân mình. Sự tinh vi thì lúc nào cũng hướng về với vẻ đẹp toàn thiện của thế giới. Trong quá trình các tế bào diệp lục đi vào sự rệu rã, khi mà những thành phần có trong tế bào chất của nó dần dần mất đi khả năng thực hiện các chức năng trong trạng thái bình thường. Điều đó có nghĩa gì? Rõ ràng như thế, khi những tế bào diệp lục kia ngả màu hết thì cũng chính là lúc cuống lá cũng khô quánh lại, và chỉ một cơn gió nhẹ thoảng qua thôi, cũng đã đủ sức để tiễn đưa nó về với đất mẹ rồi. Thế mà, duy chỉ có một điều khó hiểu là với chiếc lá, nó biết nó đang tiến dần về với cái chết nhưng lại không nao núng gì, khi nó đang còn muốn nhìn ngắm sự chết đó là cái gì nữa mới thật kỳ lạ, ngay cả nó cũng không hiểu sao nó lại bình thản đến mức độ như thế khi chuyển cái nhìn của mình về phía sự ngả màu của các tế bào diệp lục ấy. Cái chết, phải chăng, chiếc lá thầm nghĩ rằng, nó chẳng qua cũng chỉ là một sự bảo toàn không hơn không kém đi mà thôi? Nhưng sự chết thì sao? Chính sự chết mới là điều khó hiểu nhất đối với chiếc lá.
Sự chết có đó như với bất kì một chiếc lá nào đang còn xanh mơn mởn kia. Cái chết mang đến một sự bảo toàn cho cái thứ dòng chảy tuôn theo dòng thời gian và hòa vào trong nguyên lý định sẵn nào đó, chiếc lá thầm thì, nhưng sự chết, liệu rằng nó có thể xảy ra cũng theo với cái chết như thế hay không? Sự chết bao hàm cả cái chết, chiếc lá chợt nhận ra điều đó, ngay khi cái cuống của mình không còn bám trụ lâu hơn được nữa thì cũng chính là lúc cái chết ập đến, chiếc là thừa hiểu sự kiện mà nó được gửi gắm về đất mẹ trong tư thế chao nghiêng, có khi lượn lờ quanh co rồi nằm xuống một cách nhẹ nhàng. Thì cũng chính là khi mà cái chết xảy ra thì sự chết cũng đã cất lên lời đệm tấu cho một bản mệnh được trở về. Sự chết không có nghĩa là sự kiện chiếc lá rời bỏ cành cây để trở về với đất mẹ, sự kiện đó chẳng qua chỉ là cái chết đang đến với nó mà thôi, xa hơn, sự chết làm nên điều đó, ngay đây, chiếc lá đã hiểu sự chết có tồn tại một sức mạnh to lớn đến như thế. Chết có nghĩa là được bảo toàn, và sự chết, việc nó có đó, nghĩa là để duy trì sự hội nhập cho mọi thứ được trở về cố hương của mình. Đến đoạn này, chiếc lá đã cảm thấy nặng nề hơn ban đầu rồi, dường như chất diệp lục đã ngả màu hết toàn bộ, cuống lá nứt dần, ngay vào đoạn nó nhận ra sức mạnh của sự chết thì cũng là lúc cuống lá đứt hẳn.
Chiều hôm nay, trong rừng cây xanh ngút đó, có một chiếc lá rơi về với đất mẹ.
P.T.X.C
(SH311/01-15)