Tôi thường hình dung con đường phát triển của một nền văn học là cuộc “tiếp đuốc” lặng lẽ giữa các thế hệ nhà văn. “Ngọn lửa thiêng liêng” được thắp lên từ lòng nghĩa yêu nước, tinh thần nhân đạo hơn 10 thế kỉ qua đã bền bỉ cháy trong các tác phẩm văn học ưu tú của dân tộc Việt . Nói theo Raxun Gazatốp, “nếu khi có ai hỏi một dân tộc xem dân tộc đó là thế nào, thì dân tộc đó sẽ đưa ra giấy tờ của mình là các nhà bác học, nhà văn, nhà hoạ sĩ, nhạc sĩ, nhà hoạt động chính trị, các vị tướng lĩnh”(1), thì trong hơn 10 thế kỉ của nền văn học thành văn ấy, nhiều nhà văn, nhà thơ đã đủ sức đại diện cho dân tộc. Thế nhưng, bây giờ, trong lĩnh vực văn học, đặc biệt là văn trẻ lục tìm thứ “giấy tờ” ấy thật không dễ. Bất lực, đôi lúc tôi cũng băn khoăn tự hỏi, hay tại mình chưa thực sự có “con mắt xanh”? Cho dù, Nguyễn Ngọc Tư đoạt giải thưởng văn học ASEAN, Vi Thuỳ Linh có thơ trên tạp chí của Pháp và được mời sang một số nước nói chuyện thơ, Đỗ Hoàng Diệu được Japan Foundation mời sang Nhật nói chuyện về các sáng tác của mình… Nhưng liệu rằng, những cái tên ấy đã đủ sức đại diện cho văn học trẻ? Và một lần nữa, câu hỏi, văn học thực sự cần phong trào hay đỉnh cao lại được đặt ra. Nhiều khi mượn phép thắng lợi tinh thần của A.Q, tôi đã tự nhủ, với việc tự hăm hở dấn thân trên con đường văn nghiệp của người viết trẻ và sự vào cuộc của báo chí, truyền thông, nhà xuất bản, Ban công tác Nhà văn Trẻ… văn trẻ nền rộng ắt sẽ có đỉnh cao. Nhưng là đợi đến bao giờ?
Thế nào là văn trẻ? Đã có nhiều người đi tìm một định nghĩa đầy đủ cho khái niệm này. Một số cho rằng, văn trẻ là sáng tác của những người viết trẻ tuổi thuộc thế hệ 7x, 8x, 9x, số khác thì xem đó là “con đẻ” của các tác giả mới xuất hiện, tác phẩm của họ thực sự “trẻ” trong quan niệm về thế giới, con người và kĩ thuật viết. Trong khi chờ đợi một định nghĩa ổn định về văn trẻ, thiết nghĩ cũng phải khoanh vùng đối tượng để tìm hiểu. Theo tôi, văn trẻ là sáng tác của nhà văn trẻ, nhà thơ về tuổi đời lẫn tác phẩm. Thực ra, với người viết bài này, văn chương nghệ thuật chỉ có hay hoặc không hay, không thích tuỳ tiện gán ghép những định ngữ vào sau từ nhà văn như trẻ, già, nữ… cũng không quá khắt khe khi gọi người viết bằng danh tự nhà văn. Tài năng nghệ thuật tạo nên nhà văn tầm vóc luỹ tre làng, phố huyện, tỉnh lẻ, dân tộc hay thế giới chứ không hẳn là ở tuổi tác, danh xưng. Từ giã cõi đời khi chưa đầy 30 tuổi, Vũ Trọng Phụng, Hàn Mặc Tử đã đạt đến đỉnh cao nghệ thuật, khép lại một sự nghiệp văn học, hay Trần Đăng Khoa ở lứa tuổi vắt mũi chưa sạch đã là thần đồng thơ…
Nhìn lịch sử văn học từ năm 1975 đến nay, đặc biệt là sau Đổi mới, chúng ta có thể khẳng định, thực sự đã có một lớp nhà văn, nhà thơ thuộc thế hệ mới. Nếu phải kể ra đặc điểm của thế hệ nhà văn này, tôi đồng tình với nhà văn Nguyễn Đình Tú: Họ là lớp nhà văn được sinh ra từ sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, dấu ấn chiến tranh đọng lại trong ký ức không nhiều, sinh ra và lớn lên giữa hai cơ chế, tiền và hậu đổi mới nên giàu ẩn ức với cơ chế cũ và nhiều hoang mang với cơ chế mới; được học hành cơ bản, có nhiều cơ hội tiếp cận với khoa học kỹ thuật, với các nền văn hóa khác nhau trên thế giới; một số ra nước ngoài học tập và sinh sống nên họ có tri thức nền cao, vững, toàn diện; cơ chế hậu đổi mới tạo cho họ sự giải phóng tư tưởng ở mức độ cao nhất để có thể viết những gì mình muốn.(2) Nói tóm lại, họ thuộc một thế hệ có thể viết chưa chắc đã hay hơn nhưng chắc chắn đã khác trước. Những người viết trẻ có những ưu thắng như vậy thì tại sao đã sắp hết thập niên đầu của thế kỉ XXI rồi mà đỉnh cao của văn học Việt Nam hậu đổi mới vẫn còn xa tít tắp? Những người lạc quan thì bảo hãy đợi đấy, người bi quan thì nói nhỏ với nhau, viết thế còn lâu mới có đỉnh.
Vậy đâu là điểm yếu của người viết trẻ?
Họ thích trình bày câu chuyện và cảm xúc riêng tư của mình ư? Viết về mình thì có gì là không được? Vấn đề là viết bằng cách nào để từ câu chuyện của cá nhân, người viết có thể gọi dậy sự cộng cảm ở người đọc. Thơ mới là tiếng nói của những cá nhân, cá thể “mất bề rộng ta đi tìm bề sâu” (Hoài Thanh) mà vẫn khiến bao thế hệ thổn thức.
Có người cho rằng, do tri thức, vốn văn hoá hạn hẹp nên nhà văn trẻ viết như người chạy hụt hơi, “đẻ” được vài đứa con tinh thần là hết vốn. Tôi thì thấy ngược lại, nhà văn trẻ ngày nay được học hành khá bài bản và với sự hỗ trợ của truyền thông đa phương tiện, họ có thể nhanh chóng sở hữu lượng tri thức khổng lồ, được tiếp cận nhiều nguồn văn hoá. Trong một bài viết về văn trẻ, nhà phê bình Bùi Việt Thắng đã bắt mạch và chỉ ra bảy căn bệnh của họ, trong đó trầm trọng nhất là họ đã “tùy tiện “xẻ thịt” tiếng Việt; tiếng Việt trong tay các “phù thủy chữ” nhiều khi chỉ còn là “xác chữ; dung tục hóa ngôn từ văn chương, lạm dụng khẩu ngữ, thiếu trí tưởng tượng…”(3) Có thể, đó chỉ là biểu hiện bề ngoài của “con bệnh”. Qua những tác phẩm mình đã đọc, theo thiển ý của người viết bài này, điểm yếu của một số nhà văn trẻ nằm ở chỗ: Họ không đủ kiên nhẫn để đợi những suy tư và cảm xúc của mình chín muồi và biết diễn dịch chúng vào văn bản bằng một hình thức phù hợp mà lại nôn nóng trình ra những tác phẩm chưa chín trong cảm xúc, tư tưởng, hình thức xủng xoẻng… Cách viết kiểu “bán lúa non” như vậy, nhiều khi khiến nhà văn trẻ chỉ dừng lại ở mức thử nghiệm, khó có thể đi xa được. Nhìn từ góc độ này, họ là “vật cản” của chính mình. Người viết bài này, tuy chưa có điều kiện đọc hết tác phẩm của nhà văn trẻ hiện nay, song từ những gì đã đọc, có thể thấy, họ chịu tìm tòi, khám phá, thử nghiệm hoặc chịu ảnh hưởng từ nhiều sáng tác của nhà văn lớn và tư tưởng triết mỹ hiện đại từ nước ngoài. Mượn ý tưởng và chịu ảnh hưởng cũng tốt, vấn đề là phải nghiền ngẫm và chắt lọc được điều gì đó cho riêng mình. Như cách một nhà phê bình Pháp đã nói, nhà văn tài năng phải giống như con tằm ăn dâu nhả ra tơ chứ không phải lại oẹ ra dâu. Điều quan trọng là, người viết trẻ phải biết mình nên bắt đầu từ đâu, phải thấy được sức ỳ, lực cản từ người đi trước, từ chính bản thân mình.
Nhiều người cho rằng, sở dĩ Thơ mới có thể làm nên “một thời đại trong thi ca” bởi những nhà thơ thời kì đó đã thấy được sức cản từ sự bó buộc về niêm luật, vần điệu, đề tài, thi liệu từ thơ cổ. Họ gửi hồn mình vào thể thơ tự do, tôn trọng dòng chảy tự nhiên của cảm xúc cá nhân, cá thể, dù vẫn có sử dụng thể thơ cũ nhưng âm điệu đã khác xưa nhiều lắm. Về sau, những người tuyên bố “chôn Thơ mới” như Trần Dần, Lê Đạt lại xem làm thơ là việc sáng tạo ngôn ngữ tự thân. Họ không những “đồng nhất thơ là chữ” mà còn nguyện làm “phu chữ”. Và bản thân các nhà thơ mới, nếu cứ mãi quẩn quanh với cái tôi nhỏ bé, bế tắc chắc cũng chán. Cách mạng và những cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc đã dẫn đường cho những cái tôi ấy đến với cái ta rộng lớn, trữ tình công dân trở thành cảm hứng chủ đạo. Ba mươi năm văn học kháng chiến, khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn là dòng chủ lưu. Sau năm 1975, chiến tranh đã kết thúc, với mẫn cảm thời cuộc, nhiều nhà văn đã thấy không thể viết theo quán tính với cái âm hưởng hào hùng ấy nữa, khuynh hướng văn học phản sử thi xuất hiện từ các sáng tác của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải… Chính nhờ nhìn thấy được giới hạn của văn học trước mà các nhà văn thế hệ tiền đổi mới đã biết viết khác.
Cái khác nằm ở cách nhìn về hiện thực và kĩ thuật viết. Nhìn về thế hệ nhà văn tiền đổi mới, lúc ấy cũng là nhà văn trẻ, mặc dù họ không tuyên ngôn, không “đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh hoạ” nhưng những khát khao viết khác đã rục rịch từ thời Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh… Họ là những đại diện cho một thế hệ nhà văn biết hoài nghi những gì đã được “niêm phong” sau hai từ Sự Thật. Bởi vậy, hiện thực trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp là thế giới “Không có vua”, chỉ có những “Huyền thoại phố phường”, ông đã dạy chúng ta “Những bài học nông thôn” và an ủi người tha hương “Không khóc ở California”. Ông đã viết những truyện cổ tích không có hậu, những đoạn kết giả định, những siêu hư cấu lịch sử, đặt nhân trong các cuộc hành trình tìm kiếm những hoang tưởng, danh vọng bất định… Thế giới người trong sáng tác của Phạm Thị Hoài phần lớn là những dị nhân méo mó, vô hồn, sống vô nghĩa. Cách hành văn lệch chuẩn ngữ pháp, giọng điệu chế riễu, rẻ rúng. Chiến tranh trong sáng tác của Bảo Ninh được nhìn từ phía nỗi buồn nên những thân phận người đã kinh qua cuộc chiến ấy khó có thể sống bình thường. Dư chấn của quá khứ khủng khiếp ấy không thể nào lặng yên trong tâm hồn họ. “Nỗi buồn chiến tranh” là một câu chuyện không có đầu không cuối, tiểu thuyết lồng tiểu thuyết, các thủ pháp của dòng ý thức được sử dụng phù hợp. Có thể nói, những nhà văn tiên phong trên đã dọn đường cho tâm thế của những nhà văn trẻ. Họ dám khước từ cách viết truyền thống - nhà văn là “chủ nhân ông” biết tuốt, luôn giữ ở vai trò là người kể chuyện. Họ đã dám từ giã những “siêu truyện” của một thời yêu căm chiến hận để quan tâm đến thân phận con người cá nhân trong muôn mặt đời thường.
Văn trẻ ngày nay đã dám đi vào những đề tài mới, thám hiểm cõi vô thức, khám phá những vùng cấm kỵ như tình yêu đồng tính, sex… biết vận dụng những kĩ thuật viết của dòng ý thức, văn học phi lý, hậu hiện đại… Bên cạnh những tập truyện ngắn, tôi thường dành sự quan tâm cho tiểu thuyết - thể loại theo Bakhtin là đang ở thì hiện tại chưa hoàn thành, có đóng góp quan trọng vào việc định danh một tác giả, một nền văn học. Trong những năm gần đây, tiểu thuyết của nhà văn trẻ có dấu hiệu khởi sắc, tất nhiên nhiều không phải bao giờ cũng đồng nghĩa với hay. Hai cây bút nổi danh từ thời tác phẩm tuổi xanh, sớm ra mắt tiểu thuyết khi còn rất trẻ là Nguyễn Đình Tú và Đặng Thiều Quang đã chứng tỏ được sức viết của mình với việc liên tiếp cho ra đời hai tiểu thuyết. Với Đặng Thiều Quang là Đảo cát trắng và Bóng giai nhân, còn Nguyễn Đình Tú là Nháp và Phiên bản. Cả hai tác giả đều có nhiều nỗ lực thay đổi bút pháp.
Ở Đảo cát trắng câu chuyện về cuộc sống của một viên chức trẻ được kể bằng kĩ thuật phân mảnh, soi chiếu cái tôi ở nhiều góc độ, sử dụng các đoạn chat… Trong Phiên bản, câu chuyện về cuộc đời của một người con gái bị xô đẩy trở thành nữ hoàng quyền lực trong thế giới tội phạm được kể từ 3 điểm nhìn, 3 ngôi kể. Bên cạnh hai cây bút đã có trong tay 4 tiểu thuyết và bắt đầu viết sang cuốn thứ 5 đó, trong hai năm qua, hàng loạt cây bút trẻ cho ra đời cuốn tiểu thuyết đầu tay với nhiều nét riêng như Hư thực (Phùng Văn Khai), Gọi con người (Hòa Bình), Thể xác lưu lạc (Tiến Đạt), Trại hoa đỏ (Di Li), Blogger (Phong Điệp)... Ở Hư thực, tác giả khước từ đối thoại, chương mục, cốt truyện, đưa người đọc vào một không gian lạ, gặp những nhân vật lạ lùng qua những giấc mơ, dòng ý thức triền miên. Gọi con người có 3 nhân vật chính cùng xưng “tôi”, cuốn tiểu thuyết được chia làm 35 phần nhỏ gọi là 35 Cửa Chữ, người đọc có thể bắt đầu đọc từ phần họ muốn. Thể xác lưu lạc là cuộc hành trình tìm kiếm của nhân vật về những kí ức ẩn sâu trong tâm hồn được đan xen giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, có bóng dáng của văn học hiện sinh. Trại hoa đo là tiểu thuyết trinh thám hiếm hoi, bắt người đọc phải tò mò về những câu chuyện kì bí bắt đầu ở một trang trại được kể khá hấp dẫn với nhiều chi tiết rùng rợn.
Blogger dùng kĩ thuật cắt dán, sử dụng những tiểu đoạn mang đầu đề tựa như một truyện ngắn, entry, tạp văn, các đoạn chat, mẩu rao vặt, một vài cái tin, cách tạo ra biểu tượng âm thanh. Giá trị của tác phẩm trên còn phụ thuộc vào thời gian và sự thẩm định của công chúng nhưng những sáng tác đó ít nhiều cho thấy sự chuyển dịch của đời sống văn học trẻ theo hướng tích cực. Điều quan trọng của người viết trẻ là phải chọn được dòng riêng và đẩy tận cùng sự sáng tạo theo hướng đó. DiLi đã chọn dòng trinh thám thuần Việt và đang viết cuốn thứ hai có tên Giáo phái. Trong khi Đặng Thiều Quang còn mãi quanh quẩn với câu chuyện của mình ở những không gian quen thuộc, thì Nguyễn Đình Tú đã khu biệt được đối tượng phản ánh, đẩy lên cực độ câu chuyện về thế giới tội phạm đặt vào một vùng đất nghịch “ngã ba sông” nơi có “truyền thống” sinh ra những nữ tặc.
Thơ trẻ bây giờ công khai bày tỏ những khát vọng, dục vọng thầm kín mà nhà thơ một thời chỉ dám bóng gió qua các biểu tượng ẩn dụ. Nhà thơ trẻ xem làm thơ là trò chơi ngôn ngữ, thể loại, khước từ sự tương ứng giữa chữ và nghĩa, lấy yếu tố dung tục làm thi liệu, hô hào đổi mới theo tân hình thức… Ở lĩnh vực thơ ca, gần đây không xuất hiện những “ngôi sao” kiểu như Phan Huyền Thư, Vi Thuỳ Linh, Ly Hoàng Ly… những nhóm thơ lạ như Mở miệng, Ngựa trời nhưng chúng ta có quyền hy vọng 8 tác giả trẻ qua tập Thơ trẻ 360 độ. Họ là Nguyễn Quang Hưng, Phạm Thị Điệp Giang, Nguyễn Anh Vũ, Thuỵ Anh, Nguyễn Phan Quế Mai, Lệ Bình Quan, Huyền Minh và Lữ Thị Mai. Mỗi người một nghề nghiệp, đến từ những địa phương khác nhau nhưng đều đến với thơ một cách nghiêm túc. Thơ của họ không kì bí, lạ mà vẫn thân thuộc, cảm xúc tươi mới. Những cái tên kể trên, xuất hiện không ồn ào, phá cách, họ dù mới nhưng khá giản dị, dân tộc. Có lẽ tột đỉnh của sự sáng tạo là từ nhân loại tìm về với dân tộc chăng?
Để con đường văn học trẻ hanh thông, một mặt, người viết trẻ phải xác định vị trí của mình và định hướng được bạn đọc. Vị trí phụ thuộc vào tài năng. Nếu người viết trẻ dùng yếu tố sex như một phương tiện để tác phẩm mình nổi tiếng thì bạn đã sai lầm. Bởi cuộc cách mạng tình dục trong văn học bắt nguồn từ đòi hỏi phải trả nó về với tự nhiên, là phương tiện giải phóng bản ngã, thể hiện sự cảm thông, cách thoát khỏi tư tưởng nam quyền chứ không đơn thuần là khoái cảm. Nhiều nhà văn lầm tưởng nên cứ hồn nhiên tả các bộ phận kín của cơ thể, miêu tả cảnh ái ân dày đặc mà không nghĩ nó có cần thiết cho việc thể hiện tâm lý, bộc tính cách của nhân vật, thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện hay không. Haruki Murakami có thể viết hay về sex bởi bản thân văn học Nhật Bản thường coi trọng mỹ học sắc dục hơn luân lí, nhưng quan trọng hơn ông đã dùng nhã ngữ để xây dựng những biểu tượng tính dục mang lại cảm giác về sự bùng nổ cảm xúc của nhân vật hoặc thể hiện sự cảm thông, cô đơn của con người. Tác phẩm của Haruki Murakami rất ăn khách nhưng vẫn đậm chất văn chương. Tuy vậy, có nhiều bạn đọc không hẳn là tác phẩm đã hay. Nếu có bạn đọc, nghĩa là bạn đã thành công, đừng băn khoăn khi tự xếp mình vào dòng văn nghệ thật hay thương mại. Ở Nhật Bản, nếu Banana Yoshimoto giành các giải thưởng mang tính hàn lâm thì Yamada Amy lại đoạt giải thưởng dành học văn học đại chúng và họ đều được công chúng của riêng mình đón nhận nhiệt liệt. Chúng ta trân trọng những nỗ lực tìm tòi đổi mới ở các nhà văn, nhà thơ trẻ vì mọi giá trị đều có quyền tồn tại miễn đó là giá trị đích thực. Với riêng tôi, viết theo đề tài nào, sex hay không sex, dùng thi pháp nghệ thuật của văn học cổ điển, hiện đại hay hậu hiện đại đều được, miễn là hay. Nếu dung hợp được các ảnh hưởng từ bên ngoài vào với các yếu tố nội sinh như trong văn học Nhật Bản đương đại thì thật hấp dẫn.
Mặt khác, truyền thông đa phương tiện, phê bình báo chí, xuất bản cũng góp phần tạo làm nên diện mạo của người viết trẻ. Đã qua rồi cái thời kì văn chương hữu xạ tự nhiên hương, tri âm tri kỉ. Truyền thông, báo chí là kênh chính giúp nhà văn có thể tương tác, tiếp cận với độc giả nhanh chóng nhưng có khi lại khiến họ dễ ảo tưởng về hào quang của mình. Không hẳn số lần nhà văn xuất hiện lại tỷ lệ thuận với tài năng và giá trị tác phẩm của anh ta và ngược lại. Sự quan tâm của giới phê bình với sáng tác trẻ, phần nào cũng giúp họ biết mình đang ở đâu. Tuy vậy, nếu ồn ào, bốc thơm hoặc nặng lời quá với văn trẻ cũng là điều không nên. Người viết trẻ rất cần có người động viên để vững bước trên con đường văn đầy thử thách vô cùng thú vị của mình nhưng cũng cần khoảng trống vô danh để tài năng (nếu có) thực sự chín. Cơ chế xuất bản mới cũng giúp nhà văn có điều kiện nhanh chóng đưa tác phẩm đến với bạn đọc nhưng sự biên tập chưa kĩ có thể để lại sạn trong tác phẩm, hoặc việc xuất bản những cuốn sách chạy theo thị hiếu nhất thời của một số bộ phận độc giả cũng khiến vàng thau lẫn lộn. Việc không minh bạch trong số lượng sách xuất bản, nối bản cũng khiến nhà văn bị ăn chặn khó sống bằng nghề viết chuyên nghiệp.
Văn học trẻ là tương lai của văn hoá một dân tộc. Để họ có thể rộng bước trên con đường văn học vạn dặm, ngoài nỗ lực của bản thân cần sự hỗ trợ từ phía Hội Nhà văn, giới phê bình, truyền thông, xuất bản. Song cũng cần phải nhắc lại ý kiến của nhà văn Nguyễn Minh Châu: “Công việc chuẩn bị cho thế hệ trẻ của Hội Nhà văn hôm nay không phải là chuẩn bị cái lò ấp hàng trăm hàng ngàn quả trứng gà trứng vịt, mà là chuẩn bị cho những tư cách nghệ sĩ và tài năng lớn ra đời”.(4) Và tôi tin rằng, tài năng văn học trẻ đích thực sẽ xuất sớm hiện trong bầu trời văn học Việt Nam.
T.T.L (251/01-2010)
------------------------------- (1) Raxun Gamzatốp, Đaghextan của tôi, Phan Hồng Giang dịch, Nxb Tác phẩm mới, 1977, tr 33. (2) Nguyễn ĐìnhTú, Văn trẻ, đội ngũ và một vài khuynh hướng sáng tác gần đây báo Giáo dục và Thời Đại số Tết Mậu Tý. (3) Bùi Việt Thắng, Bắt mạch văn trẻ, http://www.anninhthudo.vn. (4) Nguyễn Minh Châu, Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh hoạ, báo Văn nghệ, số 49 & 50 (5-12-1987).
|