Giá sách Sông Hương
Sáng Tạo Trẻ Huế
Thơ trẻ & những gương mặt trẻ
09:29 | 25/01/2010
MINH MINHGiữa rừng thơ nhan nhản hiện nay, sự xuất hiện của một giọng thơ trẻ mà đứng được, mà được lưu tâm trong những người yêu thơ là điều chẳng dễ gì. Nhưng với Tuệ Nguyên, Đồng Chuông Tử và Khánh Phương, qua “Những giấc mơ đa chiều”, “Mùi thơm của im lặng” và “Hai bầu trời”, ít nhiều họ đã làm được điều đó.

Đồng Chuông Tử, một bút danh lạ, nhưng “gặp” một lần lại khó quên. Thơ Đồng Chuông Tử xuất hiện ở nhiều diễn đàn thơ, nhưng chẳng mấy khi nghe nói nhiều về tác giả. Một người thơ ít nhiều khuất mặt, để vần điệu xuất hiện thay mình, cũng là một cách ứng xử quý. Trước “Mùi thơm của im lặng”, Đồng Chuông Tử đã có “Thèm ăn” (NXB Thanh niên - 2007), nhưng phải đến tập thơ này, mới hình dung rõ hơn về một gã lãng tử, nghêu ngao vần điệu, phiêu bạt nhiều nơi, có cả những gồ ghề qua cách nhìn đời sống và chút triết lý lơi lơi...

Một tập thơ có nhiều bài về sự im lặng (Im lặng sóng, Mùi thơm của im lặng, Một định nghĩa khác về im lặng, Im lặng chấp thuận yêu, Khí hậu của tiếng nói…). Im lặng làm nền. Im lặng làm đầy nhau. Im lặng luân vũ. Và, cuối cùng sự im lặng tỏa hương:
“Im lặng là không ai đi kiếm chuyện với ai
mỗi người là một miếng ngói
 lợp nên mái nhà”…
                        (Mùi thơ của im lặng)

Cái hình ảnh (hay gợi ý một hành động) “mỗi người là một miếng ngói/ lợp nên mái nhà” là “suất đẹp” đáng khen. Và, đọc thơ của Đồng Chuông Tử, nhiều khi có cảm giác được ngồi dưới mái nhà. Dù vẫn chưa thật bình yên. Vẫn nghe tiếng ngói vỡ. Vẫn tâm thức “nắng ăn” (chữ của Đồng Chuông Tử). Vẫn trôi đắm miền triền phược. Hình dung về một Chuông Đồng Tử-thi sĩ 8x phất phơ, chẳng biết “nên xanh mừng hay buồn héo vũ khúc lá” cũng là một hình ảnh hay trở đi trở lại, chông chênh, xáo trộn. Tôi thích gọi Chuông Đồng Tử là thi sĩ hơn là nhà thơ trẻ bởi những khoảnh khắc chân dung đột hiện của anh mà cũng bởi những bài thơ được viết từ anh, phía bên trong.

Đây chỉ mới là tập thơ thứ hai của Đồng Chuông Tử. Nhưng xem ra anh đã nhanh chóng loại bỏ những vần thơ “hoa hòe hoa sói”, để làm nên những câu thơ đẹp theo đúng nghĩa giản dị hơn. Chẳng hạn như những câu thơ này:
“Soi gương sớm mai còn để tạ ơn đôi mắt
 sự thâm quầng kia là những bông hoa quý thơm
 mọc lên cho triệu buồn lo thế tục”
                        (Soi gương sớm mai)

Rõ ràng, sự im lặng đã thúc đẩy những suy nghĩ một cách mạnh mẽ hơn, tăng tốc đường bay rõ nét hơn, đồng thời cũng làm nên sự nhòe mờ, nhạc tính nhiều hơn. Phải chăng khi thi sĩ ý thức được sự im lặng, nghĩa là cũng đã nhìn nhận nguy cơ “lảm nhảm” của công việc “làm thơ” và cũng nhìn thấy những giới hạn của lời. Khi bông hoa (im lặng), ngọn cỏ (im lặng), ngọn gió (im lặng)… thì có lẽ không ngôn từ nào mô tả được vẻ đẹp của sự im lặng đó. Mùi thơm của im lặng là cách nhận diện từ phía khác, hay phải tự bung mở tất thảy các giác quan của mình ra để nghe được mùi thơm đó. Và, đó là con đường thơ riêng của Đồng Chuông Tử.

Nhưng kì thực, im lặng cũng đồng dạng với nói ngập tràn. Thơ mọc lên như theo luân hồi. Điều đáng kể ở đây là Đồng Chuông Tử hướng đến thơ như một khả tính hơn là một nhiệm vụ hay những gì đại loại. Ý nghĩ, cảm xúc, buồn tủi, hạnh phúc… tất cả đều lẫn vào nhau, tạo tác nên thơ, đó cũng là cách đi của Đồng Chuông Tử.

Khác với Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên chất đầy nỗi khát khao, đang cố gắng khai phá và kiến tạo con đường sáng tạo nghệ thuật mới. Không hoài bão trở thành nhà thiện chí, thiên sứ, thiên thần, ma quỷ có nhiều phép thuật, Tuệ Nguyên chỉ muốn thật sự đời thường và tầm thường, làm sao giữ phong thái gần gũi với đời sống, vui vẻ cùng mọi người. Từ đó, giúp Tuệ Nguyên biết và nhận thấy rõ “Những vết bẩn”. Cuộc sống chỉ là một mớ hỗn độn nằm giữa làn ranh của phạm trù đối nghịch nhau. Nói cách khác, đó là những nghịch lí chỉ cần nhận thức là ổn thoả. Dẫu tự nhận mình là “kẻ không là gì cả” nhưng đọc Tuệ Nguyên hẳn người đọc sẽ không, không hề thấy rằng là vậy… Thơ Tuệ Nguyên sử dụng “chủng” ngôn ngữ thô tháp, gay gắt, trụi trần như khí hậu quê nhà của anh - một xứ sở nắng nôi, khô hạn, chói chang gió cát vùng cực nam Trung Bộ.

“Mảnh đất và
những sỏi đá phơi in trên bề mặt
tuổi thơ em rơi rớt dưới ánh nắng gắt
đôi bàn chân trần chạm
dấu in là lần bỏng rát và chai lì…”
                        (Sỏi đá, mảnh đất quê hương)

Hẳn cũng do vậy mà xứ trú thơ Nguyên là thế giới thực, thực đến cực thực, siêu thực của làng Chăm, cảnh vật và con người, sự chuyển động và ngưng đọng, ký ức và khát vọng, những tình yêu “trổ nở”, cây lá, tháp đền “trổ nở và tận hiến”, tất thảy, một dòng sống cứ cuồn cuộn, sục sôi với những biểu hiện “song trùng”: trôi chảy và rạn nứt, phồn thực và hạn thực, sinh thành và hủy diệt, rực rỡ và héo úa, tàn lụi và hồi sinh… như cặp đôi âm dương, đực cái, thiện ác, tốt xấu, linga và yoni… vốn có gốc rễ bền sâu trong tâm thức của cộng đồng làng. Ám ảnh “nước đôi” này dường vận vào từng câu, từng đoạn, từng bài trong suốt tập thơ. Có lẽ cũng là vì quá yêu nguồn cội, thơ Nguyên thể hiện đến cùng mọi thái cực: vinh, nhục, hoan lạc và cay đắng… của đời sống thực tại, kiểm kê từng được, mất của cả phần hữu thức lẫn vô thức để dự liệu một lộ trình vượt thoát, để phơi bày một khát vọng hoàn nguyên, phục dựng cái Đẹp đã từng va đập và vụn vỡ, cái “phông nền văn hóa” dần khuất vắng, làm thế nào để phần bản nguyên cao nhã mãi tồn tại và tương thích với những biến đổi “dữ dằn” của dòng sống hôm nay.

Thơ Nguyên còn có những trích ngắn nói được khá sâu sắc - tạm gọi là “cảm xúc trải nghiệm” của tác giả, “mọi cảm xúc đều cho tôi vơi đi thế giới thật và sự hiện hữu của tôi” (Trích 6), những cảm nghiệm khiến phút chốc, kẻ viết và người đọc hẳn cảm thấy trần gian nhẹ bẫng, cả linh hồn và thân xác đều được giải thoát, nhẹ bẫng cả chữ nghĩa, cả thơ.

Và cũng chính bởi cuộc độc/đối thoại đầy cam go đó mà nhiều, rất nhiều lần anh khiến người đọc phải vất vả, nhọc nhằn vì chẳng có thể ai “vừa yêu vừa triết lý”…
Một giọng thơ nữ mềm mại len lỏi trong tâm thức và sững ra bắt gặp những thi ảnh lạ. Những cảm thức tưởng như oái ăm đáo để mà thực ra lại được nhú lên từ cái gốc thật hiền lành thiện nguyện của tâm tính.

Thơ của Khánh Phương không dụng tâm săn đuổi sự quái dị để làm mới mà cái mới ở chị được phát tiết chính là ở sự dám thành thực với chính mình. Ngoài cái tình thơ còn tính thơ. Tính nết ở thơ chị dàn ra những băn khoăn lưỡng lự để tìm chỗ cho thân tâm khả dĩ chấp nhận được trong trong sự giằng xé ngấm ngầm giữa văn minh và văn hoá. Qua rất nhiều phức cảm ngắt ngoéo rồi lắng xuống trong ra để giản dị:

- Takeshi, khi tớ bước đi hai tay vung vẩy cậu có nhìn không?
- Tớ thấy cậu biến vào căn phòng kín mít để con chó con đứng lại ở bên ngoài.
đến những câu như vậy tức là không còn (phải) quan tâm đến thi pháp, nó tự nhiên có thi pháp ở trong ấy. Còn:
chầm chậm ráp những đoạn thì giờ đứt gãy
một góc chiều tróc sơn.
thì đấy là thấy hay cảm thấy? Chắc là cả hai. Không mấy khi vừa thể chất vừa tinh thần dồn vào nhãn lực như vậy để phát hiện ra những day trở nhuốm màu phiền muộn ở cả hai chiều không gian và thời gian thật sự là đương đại như vậy. Tìm kiếm Phật tính trong văn hoá tinh thần phương Đông không phải là chuyện dễ. Nhiều khi nằng nặc dõi nhìn mà chẳng thấy. Vậy mà có lúc ở những va chạm ngẫu nhiên của vật chất hay ngôn ngữ như là sự ngớ ngẩn, ngô nghê lại đánh mạnh vào thức giác như một công án thiền. Thảng hoặc gặp ở thơ Khánh Phương cái mờ tỏ của những ẩn ý không biết là để sống hay để mộng; Song, dù sống hay mộng thì cũng trong nội hàm là đem sự tốt đẹp đến cho nhau. Sự tốt đẹp ấy đã dịch chuyển từ truyền thống sang hiện đại ở những ý tưởng, chi tiết từ:
... vị đắng còn lại trên lưỡi ta khi ngôn từ bị chối bỏ cho đến khi Đêm lăn thân thể anh tới em dưới ánh sao trời... Nhà thơ không phải là nhà đạo đức, nhưng cũng phải tốt bụng thì từ lòng mình ra chữ nghĩa may ra mới có một vài cảm hoá để rồi chính nhà thơ hay may hơn là độc giả sau cái sự viết và đọc, cùng nhau sống tốt hơn.

Đừng tưởng rằng trong tưởng tượng không có sự minh bạch. Dù hiện thực ngoài đời hay hiện thực trong tâm trạng cũng đều có độ thành thực ít nhiều quan hệ với tư cách của người viết. Chỉ có sự bịa đặt mới làm băng hoại trí tưởng tượng. Săn tìm cái mới lạ để đón lõng sự chú ý của dư luận mà không thể tất nhân tình, không điềm tĩnh rất dễ sa vào bịa đặt. Ở thơ, sự bịa đặt đang là một nguy cơ! Chân thực không phải là sự ràng buộc mà chỉ là điều kiện để người viết và người đọc có sự liên thông; Không có sự liên thông này, thơ không còn là nó nữa. Ta có thể nhẩn nha cùng Khánh Phương với những nỗi niềm thơ mà sự tưởng tượng và tính chân thực không bài trừ lẫn nhau mà xít xao tương tác, cộng hưởng. Thì đây:

Chỉ đêm mới ràng buộc ta, lại đến ngày rời rụng,
 hãy nhìn em trong ánh sáng ban ngày
Nếu từ chối tự nấu cho mình bữa trưa,
hãy trở về nấu lại cuộc đời anh... chẳng hạn.

Trở lên, sau những gì đã nói vẫn dấy lên một âu lo. Không biết phía trước con đường thơ của Khánh Phương sẽ ra sao. Chủ thể thì đã đành là người thơ nương níu. Còn khách thể, ai mà biết được rồi ra có làm khó chị không? Hy vọng chị là người có bản lĩnh.

Ở thơ Khánh Phương có nhiều cái (không loại trừ có cả cái lan man) nhưng trước hết là có cái để đọc. Ngày trôi trên những câu thơ, đêm tan trong những câu thơ. Thơ vì lẽ ấy mà sống, mà mới, mà huyền kỳ, mà đắm say.

M.M

(251/01-2010)





 

Các bài mới
Chiếc áo (02/02/2015)
Các bài đã đăng
Thơ Trẻ (19/01/2010)