Thế giới không gian
Ngẫm nghĩ dưới chân công trình
08:24 | 23/12/2008
NGUYỄN TRỌNG HUẤNNgười họa sỹ vẽ xong bức tranh, ký tên vào một góc nào đó và yên tâm rằng đấy chính là đứa con rứt ruột cuả mình, dù thai nghén đã nhiều năm, hay chỉ từ một cảm hứng xuất thần bắt gặp đâu đó. Bức tranh góp được tiếng nói vào đời sống nghệ thuật hay không còn tùy thuộc vào tài năng tác giả, nhưng chắc chắn là một dấu ấn cá nhân trong toàn cảnh nghệ thuật tạo hình.
Ngẫm nghĩ dưới chân công trình
Cao ốc văn phòng Tân Thuận - một trong 10 công ty kiến trúc hàng đầu tại Việt Nam 2006

Còn nhạc sỹ? Khi hợp âm cuối cùng vừa dứt, nốt nhạc sau cùng đã được ghi lên dòng kẻ khung nhạc, người nhạc sỹ nắn nót ghi vào sau tên tác phẩm vừa viết: “Nhạc và lời cuả...”. Và công bố. Việc tiếp nhận, định vị tác phẩm vừa được sinh thành trên thang bậc giá trị nghệ thuật thuộc thẩm quyền người nghe. Giao tiếp trong tương quan này là tự do. Hoàn toàn tự do.
Nhà thơ ký tên hoặc bút hiệu cuả mình dưới tên bài thơ. Nhà văn in tên mình trên bìa tác phẩm. Tên nhà văn có khi còn to hơn tên quyển sách.
Còn nhà kiến trúc? Anh ký vào đâu?
 
Ở nước ta, trừ một công trình nổi tiếng nằm giữa trung tâm Sài gòn do một nhà kiến trúc cũng nổi tiếng không kém vẽ ra - hầu như ít ai không biết- còn lại, thật khó trả lời câu hỏi: “Ngôi nhà này, công trình kia do kiến trúc sư nào thiết kế?”.
Vô danh là một thực trạng đáng buồn đã nhiều năm trong đời sống kiến trúc nước ta!
Suy cho cùng, định vị một công trình kiến trúc trong mặt bằng tác phẩm nghệ thuật hay chỉ đơn thuần là một sản phẩm hàng hoá phục vụ tiêu dùng quả thực không dễ. Tính hai mặt nằm ngay trong bản thân kiến trúc.
Không một loại hình nghệ thuật nào mà “tính sử dụng” thiết thực và triệt để như kiến trúc. Người ta “thâm nhập vào tác phẩm”, “sống trong nó,” với nghĩa đen từ ngữ. Và nếu có xẩy ra điều gì bất tiện, vẫn phải thoả hiệp với nó, chung chạ cùng nó, chịu đựng nó, có khi suốt đời!
Một ngôi nhà chưa đẹp, có thể tặc lưỡi. Cho qua. Một dãy phố chưa đẹp, có thể bình phẩm, bàn tán! Một thành phố chưa đẹp, nhiều thành phố không đẹp thì không thể tặc lưỡi nữa rồi?
Có một cái gì đó còn lớn hơn kiến trúc, nằm ngoài kiến trúc, không phải chỉ một vài tháng, một vài năm. “Tích tiểu thành đại”, những cái tặc lưỡi  ngày hôm qua góp lại thành bộ mặt một thành phố, một địa phương, bộ mặt đất nước, bộ mặt cuả thời đại ngày hôm nay. Và sự đòi hỏi đối với kiến trúc đã vượt cái ngưỡng tiêu dùng, trở thành một biểu tượng hoặc một bức xúc văn hoá.

Nước ta, sau ngày “Bắc-Nam sum họp, núi sông liền dải”, đặc biệt, từ khi “Mở cửa”, “Đổi mới”, công trình xây dựng mọc lên đúng là như nấm sau mưa. Bộ mặt Đất – Nước “Rũ bùn đứng dậy chói loà” y như trong thần thoại!
Nhưng cũng không phải đợi lâu, khoảng gần hai mươi năm qua, từ những công trình đơn lẻ khi kết lại thành một tập hợp, một tổng thể, kiến trúc Việt nam đang từng bước trình diễn chân dung đích thực cuả chính mình. Và bức chân dung đó đang tạo ra trong xã hội một băn khoăn không nhỏ nếu không nói là một lo lắng thực sự! Tác giả bức chân dung đó là ai nếu không phải là các kiến trúc sư?
Nhưng có điều, kiến trúc sư Việt đóng vai trò gì và gánh vác trách nhiệm đến đâu trong bức tranh toàn cảnh cuả kiến trúc Việt trong vài chục năm qua là một nghi án cần được giải mã.
Trong lịch sử lâu dài cuả đất nước, kiến trúc - xây dựng được xếp vào hàng những nghề “thổ - mộc”, trong đó, người sáng tác và người thực hiện là một, thống nhất trong vai trò cuả người thợ cả. Đình Bảng, đình Chu Quyến, chuà Một cột, chuà Tây Phương, chùa Thiên Mụ, tổng thể kiến trúc đô thị Huế (mà đúng hơn nên gọi là kinh đô Phú Xuân) vv... là những mẫu mực sống động.

Sự phân công lao động trong kiến trúc như hiện nay chỉ bắt đầu từ 1925, khi người Pháp lần đầu tiên mở khoá đào tạo kiến trúc sư trong trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở phố Yết Kiêu, Hà nội. Vai trò sáng tạo với tư cách nghệ sỹ trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc bắt đầu từ đấy.
Nhưng những thế hệ kiến trúc sư cuả trường Mỹ thuật Đông Dương chưa kịp làm được gì nhiều thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Mười năm sau, năm 1955, những kiến trúc sư từng “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu” lần đầu tiên tập hợp lại trong một cơ quan Nhà nước được gọi là bộ “Thuỷ lợi và Kiến trúc”(?!), tiền thân cuả các bộ Kiến trúc và bộ Xây dựng sau này.
Trong nhiều năm ấy, thiết kế quy hoạch và thiết kế kiến trúc là một nghề được Nhà nước quản lý chặt chẽ, (mà thực ra, thuần túy chỉ mang tính hình thức), thậm chí, quy hoạch còn là công việc được đặt dưới một chế độ bảo mật nghiêm cẩn.
Bộ Kiến trúc mà sau này đổi tên thành bộ Xây dựng là cơ quan được giao trách nhiệm quan trọng này. Tuy nhiên, đúng như tên gọi, nhiệm vụ chính trị trung tâm cuả bộ Xây dựng là “xây dựng”, có nghiã là hoàn thành sản lượng xây lắp được giao trong kế hoạch hàng năm. Như vậy, bộ Xây dựng nghiễm nhiên trở thành một cơ quan kiêm nhiệm đồng thời cả ba chức năng: “sản xuất-kinh doanh”, “quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng”, đồng thời “chịu trách nhiệm lãnh đạo, tổ chức thực hiện một lĩnh vực “sáng tạo nghệ thuật” sẽ định hình diện mạo đất nước trong tương lai” thông qua những “tác phẩm kiến trúc”. Khá nhiều câu chuyện cười ra nước mắt, cứ tưởng như là chuyện tiếu lâm, nhưng lại là chuyện thực một trăm phần trăm. Thực đến nỗi, nếu không phải do cuộc sống này viết ra, không một nhà tiểu thuyết tài ba nào có thể hư cấu nổi.

Để thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, một phương châm nổi tiếng của ngành được quán triệt trong nhiều năm là: “Quy hoạch phục vụ thiết kế - thiết kế phục vụ thi công” (mà đúng ra trật tự phải hoàn toàn ngược lại). Còn với kiến trúc thì: “Thích dụng - rẻ tiền – mỹ quan trong điều kiện có thể”.
Trước đây là thế, còn bây giờ? Hình như chẳng có một định hướng, một phương châm nào cho cái gọi là “sáng tác kiến trúc” ngoài định hướng chung cho mọi ngành văn học-nghệ thuật: “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. (Chỉ riêng việc xác định cho được bản sắc dân tộc trong kiến trúc là gì, xem ra cũng còn tốn khá nhiều giấy mực và còn phải lao tâm khổ tứ trong nhiều năm nữa!)
Đã có những thời kỳ, để tăng cường công việc quản lý, không chỉ một lần, bộ máy nhà nước đã phải đẻ ra một cơ quan để thực hiện chức năng này. Đấy là các Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước và sau này, Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước. Nhưng những cơ quan dễ gây phiền hà này khó mà tồn tại lâu vì nhiều lý do!
Như vậy là, bộ Xây dựng vưà đá bóng, vừa thổi còi, và mọi việc trở về điểm xuất phát, bộ Xây dựng lại “một mình một chợ”.

Khác với văn học, âm nhạc, hội hoạ, điêu khắc vv...; kiến trúc, khi được đặt vào môi trường kỹ thuật, thuật ngữ “sáng tác” được thay bằng hai chữ: “thiết kế”, còn “tác phẩm” được gọi là “công trình”, như giao thông, như thuỷ lợi vv... được quản lý như bất cứ hoạt động kỹ thuật nào, với sản phẩm được quy định bằng một hệ thống quy phạm - tiêu chuẩn chặt chẽ như thiết kế máy nổ, máy bơm... và là thành quả của lao động đám đông, cuả sự đóng góp ý kiến tập thể ở mọi tầng nấc trách nhiệm. Kiến trúc sư rút cục chỉ còn là người thể hiện ý kiến được chỉ đạo cuả một “sếp” nào đó, hoặc kết luận cuả một “Hội đồng”.
Không cần chuyên môn, bất cứ một cán bộ trung cao nào cũng có thể phụ trách, đứng đầu một cơ quan kiến trúc. Một kỹ sư trắc địa (đo đạc bản đồ), một kỹ sư san nền, thoát nước, giao thông, một cán bộ chính trị thâm niên, đều có thể làm viện trưởng một viện quy hoạch đầu ngành. Một kỹ sư kết cấu, một kỹ sư vật liệu vv... cũng có thể làm hiệu trưởng một trường đại học kiến trúc trong nhiều năm. Kỹ sư xây dựng được giao nhiệm vụ giám đốc lãnh đạo một đơn vị thiết kế kiến trúc, một sở xây dựng thì nhiều không thể đếm! Còn trưởng phòng thiết kế kiến trúc thì có thể là bất kỳ ai, một kỹ sư điện, một kỹ sư cống rãnh, thậm chí chẳng cần “một kỹ sư” gì cả. Con đường đi đến những chức vụ, những trách nhiệm cao hơn thường không phải bằng tài năng kiến trúc.

Rồi đến một thời kỳ: “Phải chuẩn hoá cán bộ”, muốn làm lãnh đạo phải có bằng cấp trên đại học. Các phó tiến sỹ kiến trúc thời nào được đào tạo ở các nước xã hội chủ nghĩa trở thành những mặt hàng “quá đát”. cần được nhanh chóng lên đời, nay gọi chung là tiến sỹ. Một trào lưu mới hình thành không kém phần sôi động: Đua nhau đi làm luận văn thạc sỹ, tiến sỹ.
Ở đây không bàn đến những người khao khát yêu nghề, lặn lội đến những chân trời xa để thực hiện bằng được những ước mơ cháy bỏng thực hiện lý tưởng nghệ thuật.
Cái đáng buồn hay đáng cười là những thạc sỹ, tiến sỹ nội hoá này, phần lớn lại do những “phó tiến sỹ hết đát, mới được lên đời trên” hướng dẫn luận văn. Với những học vị, học hàm mới, các nhà khoa học mới này lại nhanh chóng tìm cho được một chỗ ngồi thơm, béo, nhanh chóng in danh thiếp giao dịch với những phụ đề in chữ hoa GS-TS-KTS – GĐ.... hay hèn hơn một chút Ths - KTS mà chả cần phải trăn trở nghề nghiệp gì nhiều cho chóng già. Tất nhiên, không ai ngây thơ để cột chung tất cả vào một mớ, nhưng có một thực tế khó phủ nhận là những “nhà khoa học kiến trúc” này, (số lượng lên đến hàng ngàn), đã quá lâu, không hề thấy công bố một công trình khoa học nào trước tình hình ngày càng rối rắm của cái gọi là “sáng tác kiến trúc” hay “phát triển đô thị” của nước ta.

“Lộng giả thành chân”, “mưa dầm thấm đất”, lâu ngày, các kiến trúc sư cuả chúng ta cũng quen, thấy “cũng chẳng có vấn đề gì, ai sao mình vậy”, miễn là được trả lương đều đặn, đến đợt lại tăng. Có người chịu trách nhiệm thay, chữ ký tác giả bé bằng ngón tay trong khung tên bản vẽ đã xếp vào kho lưu trữ. Thảng hoặc, cấp trên có chút lưu tâm đã có ông viện trưởng, ông giám đốc đứng ra giải trình, chống đỡ. Công trình cuả viện nọ, viện kia, công ty này, công ty nọ, cũng ít ai hỏi đến mình. Ý thức sáng tác cùn mòn, chỉ còn sự mẫn cán cuả một công chức, kiếm chút tiền còm nuôi sống vợ con!
Thời “Đổi mới”, kiến trúc trở thành một nhu cầu xã hội, không chỉ cuả Nhà nước, mà còn cuả đông đảo nhân dân nay đã có tiền, luật lệ quản lý  không theo kịp sự bừng nở cuả cuộc sống, làm kiến trúc đã là một vận hội. Sống bằng “hít thở không khí trong lành” và những “vinh quang vô ích” đã nhiều năm, giới kiến trúc nhanh chóng nắm bắt thời cơ, khai thác vận may hiếm có. Thôi thì “trăm hoa đua nở”, mạnh ai nấy làm. Tương ứng với cơ chế quản lý mới, nhiều văn phòng thiết kế, nhiều công ty tư vấn mọc ra.

Với “thẩm - độc quyền” quản lý và cấp phép trong tay, bộ Xây dựng, sở xây dựng thoải mái đẻ ra các công ty tư vấn thiết kế - xây dựng tổng hợp, các văn phòng tư vấn - thiết kế, thiết kế - tư vấn (một ma trận từ ngữ!?) mọc lên như nấm. Thị trường kiến trúc - xây dựng trở nên sôi động hơn bao giờ hết và tình trạng giành dật, tranh cướp hợp đồng, chà đạp lên lương tâm chức nghiệp và chuẩn mực nghệ thuật theo quy luật kinh tế thị trường không thể không diễn ra. Tài năng, sự thành đạt cuả một kiến trúc sư nào đó sẽ được đo bằng xe hơi, nhà lầu chứ không bằng những sáng tạo có giá trị đóng góp cho nền nghệ thuật kiến trúc Việt đang buổi sơ khai và khá là èo uột.
Còn sự lập lờ giữa chức năng quản lý Nhà nước và sản xuất kinh doanh càng có cơ hội, có đất để “dụng võ”, nuôi dưỡng những “mảng, miếng” trong thủ đoạn làm ăn. Những tỷ lệ phần trăm “lại quả” cho chủ đầu tư, cho cơ quan xét duyệt, những khoản tiền “lót đường” để có được hợp đồng là những chuyện làm đau đầu người kiến trúc sư chứ không phải là phương châm phấn đấu “xây dựng một nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Nhưng xem ra thi cũng “gà què ăn quẩn cối xay”, phần lớn các công ty tư vấn, văn phòng tư vấn nội địa chiếm lĩnh thị trường xây cất nhà dân theo mọi yêu cầu của mọi ông chủ. Thống nhất trong toàn quốc từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau đều một kiểu, một phong cách: “nhà ống, mái chóp với đủ thứ màu” Cũng phải thừa nhận một thực tế là với tư duy quản lý đô thị, quản lý kiến trúc trên nền tảng “kinh tế mặt tiền”, “quy hoạch phân lô”, sẵn sàng “chiều” mọi sở thích của ông chủ, kiến trúc sư Việt Nam làm được như vậy cũng đã là quá giỏi! Hiếm thấy một công ty tư vấn nào của người Việt kiếm được một hợp đồng thiết kế cho một công trình có vốn đầu tư nước ngoài. Những cao ốc như Diamon Plaza , Métropolital, Saigon Center vv... ở thành phố Hồ Chí Minh, những khu du lịch nổi tiếng ở miền Trung như Furama, Victoria , vv... hay ngay tại thủ đô như khách sạn Daiwoo vv... và nhiều công trình có vốn đầu tư nước ngoài khác nữa, ngay cả một khách sạn năm sao bé tý, life resorts Đồi Vọng Cảnh (Huế) với vốn đầu tư chỉ có 4,9 triệu USD, trong đó đến một phần ba là vốn góp của phía Việt Nam tính bằng đất cũng không phải là chỗ để kiến trúc sư Việt Nam lui tới.
Cộng đồng trách nhiệm cùng bộ Xây dựng còn có hội Kiến trúc sư Việt Nam, thành viên cuả UIA (Liên hiệp các Hội Kiến trúc sư quốc tế), với một hệ thống chân rết đến tận cơ sở.

Hội Kiến trúc sư Việt Nam đóng góp được gì trong sự nghiệp xây dựng nền nghệ thuật kiến trúc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một chủ đề lớn trong nhiều năm vẫn là một ẩn số. Nhưng qua việc Thủ tướng Chính phủ quyết định giải tán “Hội đồng Tư vấn kiến trúc cho Thủ tướng” thì ít ra cũng biết được rằng tiếng nói của Hội không gồm không ít “cụ hưu trí” có được bao nhiêu trọng lượng? Và sự còn, mất của hội đồng cũng chẳng gây ảnh hưởng gì đến quá trình phát triển kiến trúc nước nhà?!
Thời gian gần đây, Hội Kiến trúc sư Việt biến thành chỗ lui quân, dưỡng già cho một số chức sắc chính quyền khi đến tuổi hưu. Thậm chí có ông khi rời chức vụ, không làm chủ tịch hội này thì sang làm chủ tịch hội khác, cứ như chọn nhà hàng, quán nhậu nhân dịp cuối tuần vậy! Vai trò của Hội Kiến trúc sư Việt thực sự mờ nhạt trong tiến trình phát triển kiến trúc nước nhà. Giỏi lắm, Hội kiến trúc sư Việt Nam làm được một việc, chỗ hạ cánh cho một số quan chức đã đến tuổi, không thích làm dân hoặc đã mất khả năng tự kiếm sống bằng nghề nghiệp. Hội Kiến trúc sư Việt đã tự “hành chính hoá”, sống chủ yếu bằng nguồn sữa ngân sách, đứng bên lề cuộc sống kiến trúc của đất nước.

Để rõ hơn, xin trích ở đây một thông tin báo chí, ít nhiều xem ra vẫn mang tính thời sự.
“Khi Công ty tư vấn xây dựng thuộc Hội Kiến trúc tỉnh L. ra đời, Công ty Khảo sát thiết kế xây dựng tỉnh này và các doanh nghiệp cùng lĩnh vực trở nên khốn đốn. Đơn giản vì công ty trên danh nghiã là cuả Hội Kiến trúc nhưng thực ra Hội Kiến trúc chỉ là nơi bán pháp nhân, còn những ông chủ thực sự cuả nó là các sếp lãnh đạo Sở Xây dựng và phòng Quản lý xây dựng cuả Sở. Những chủ đầu tư muốn được cấp phép dễ dàng buộc phải dùng bản vẽ cuả công ty tư vấn. Cuộc cạnh tranh hoàn toàn không cân sức mà phần thắng nghiêng hẳn về công ty tư vấn.” (Báo Pháp Luật Tp.HCM số 14/2000(484) – thứ Ba-18-4-2000. Trang 4-mục Nhà nước - Công dân)
Như vậy là rõ.
Ký tên vào bản vẽ một công trình kiến trúc, “chịu trách nhiệm với cơ quan” phần việc được giao là trách nhiệm cuả mỗi một kiến trúc sư.

Còn “chịu trách nhiệm với Lịch sử, với Đất - Nước”, ký tên vào “Bộ mặt kiến trúc Việt Nam trong hơn năm mươi năm qua” không thể ai khác chính là Bộ Xây dựng, một cơ quan nhà nước được giao trọng trách mà từ khi thành lập đến nay, trải sáu, bảy đời bộ trưởng, đã không thể vạch ra được một “chiến lược phát triển kiến trúc Việt Nam lâu dài và hoàn chỉnh” làm phương hướng cho tương lai nghệ thuật kiến trúc nước nhà.
Ông Bộ trưởng bộ Xây dựng nghĩ gì khi trong không gian vẫn còn vang vọng ước mong và lời dặn dò tha thiết cuả Bác Hồ trước lúc đi xa:
 “XÂY DỰNG LẠI ĐẤT NƯỚC TA ĐÀNG HOÀNG HƠN, TO, ĐẸP HƠN?”
 Thành phố Hồ chí Minh, 4/ 2000 - 5/ 2006
 N.T.H

(nguồn: TCSH số 210 - 08 - 2006)

 

 

 

Các bài mới