NGUYỄN TRỌNG HUẤN
Những điều tôi nói sau đây rất có thể bị xem như là "ngớ ngẩn" khi khẳng định rằng “Kiến trúc là một nghệ thuật", và ở nước ta, từng có thời, có những công trình kiến trúc được xem là “Tác phẩm nghệ thuật".
Điều đó chắc chắn như "Sáng hôm nay mặt trời vừa mọc vậy!".
Có lẽ không ai có ý định tranh cãi cùng tôi khi tôi khẳng định rằng: “Gác Khuê Văn là một kiến trúc nghệ thuật. Lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức, tổng thể công trình cung điện Huế là một tổng thể kiến trúc nghệ thuật!”
Cùng với tháp Bình Sơn, tháp chuông chùa Cổ Lễ, gác chuông chùa Keo, Văn miếu, tháp chàm Trà Kiệu, Mỹ sơn v.v... và nhiều công trình lớn nhỏ khác đã từng có thời làm nên một nền nghệ thuật kiến trúc Việt nam độc đáo, rực rỡ, chẳng thua kém bao nhiêu những nền nghệ thuật kiến trúc của các dân tộc khác, quốc gia khác cùng thời.
Nhưng:
Tháp Rùa không phải là một kiến trúc nghệ thuật! Nhà bia trong lăng Tự Đức ở Huế không phải là một kiến trúc nghệ thuật, thánh thất Cao Đài ở Tây Ninh không phải là một kiến trúc nghệ thuật. Và nhiều công trình kiến trúc một thời làm nên bộ mặt thủ đô Hà nội, Huế, Sài gòn và nhiều thành phố khác ở nước ta chưa phải là những kiến trúc nghệ thuật.
Ý kiến này, chí ít là của riêng tôi.
Như vậy là có những kiến trúc nghệ thuật, có những kiến trúc chẳng nghệ thuật gì cả và còn có cả những kiến trúc phản nghệ thuật. Đơn giản là không phải tất cả những khung vải được trát màu đều được gọi là tranh, là “tác phẩm” nghệ thuật tạo hình, không phải cứ ghép chữ thành vần thì gọi là “thi ca”, ghép âm thành điệu thì được coi là “âm nhạc”. Đặc thù của sản phẩm nghệ thuật có chỗ giống và không giống với các sản phẩm khác. Và lao động nghệ thuật cũng có những cái chung, riêng, giống và không giống với lao động sản xuất, lao động bình thường.
*
Chắc rằng sẽ không ai nỡ rầy la khi tôi nói lên tại Đại hội này những suy nghĩ chân thật và ngây thơ trên đây của mình. Nhưng tôi thành thật e ngại rằng nhiều đồng nghiệp đáng kính sẽ phẫn nộ khi tôi nói:
"Nền nghệ thuật kiến trúc mang bản sắc Việt nam từng một thời rực rỡ đã chết, đã đi qua cùng với những người thợ cả vô danh đã hóa thân trong những kiệt tác kiến trúc của đất nước, của dân tộc, không màng lợi danh”.
Lịch sử thành văn của ta ghi lại rất nhiều tên tuổi những người viết văn, làm thơ bên cạnh những danh nhân đánh giặc, giữ nước, giữ làng mà gần như không giữ lại tuổi tên của một nhà kiến trúc nào! Việt sử thông giám cương mục, Quốc sử quán triều Nguyễn là trường hợp duy nhất có chép một cái tên: “VŨ NHƯ TÔ”, đời Lê Tương Dực, lấy mía xếp mô hình đền đài trăm nóc và là tác giả Cửu Trùng đài dưới danh hiệu “một người thợ khéo ở Cẩm Giàng”. Còn chúng ta biết đến NGUYỄN AN, tác giả quy hoạch thành Bắc kinh và Cố cung là một người Việt bị bắt đưa về Trung quốc trong đám thợ thuyền khi Hồ Quý Ly thất bại, là nhờ Minh sử.
Nghề kiến trúc và xây dựng ở nước ta xưa, theo truyền thống vốn đồng nhất trong vai trò người thợ, vừa thiết kế, vừa thi công, kể cả trang trí, chạm trổ, như một loại hình lao động tự do. Và chính bằng tâm hồn của người nghệ sỹ, và một tính cách hoàn toàn phóng khoáng được thể hiện qua bàn tay tài, khéo, cảm hứng nghệ thuật của người xưa, trải qua thời gian, năm tháng, trải qua thời tiết, rêu phong vẫn như còn ngưng đọng trên những đầu đao run rẩy chùa Tây Phương, những đường diềm chạm trổ như thêu hoa dệt gấm trên gác chuông chùa Keo, trong cái vững chãi vĩnh hằng của tháp chuông chùa Thiên Mụ. Tác phẩm nghệ thuật trường tồn, còn tác giả hầu như hoá thân vào gỗ đá, để lại cho muôn đời con cháu những cảm hứng đã một lần ngưng đọng.
Nền nghệ thuật kiến trúc Việt nam một thời huy hoàng đó đã lụi tàn mau chóng vì không còn đất sống trong thân phận tôi đòi của một dân tộc đã bị tước đoạt quyền độc lập khi người Pháp hoàn tất cuộc xâm lăng vào cuối thế kỷ thứ XIX, và đã du nhập vào Việt nam một cách sống khác, một kỹ thuật xây dựng khác và một hệ thống quan niệm khác về cái đẹp.
Trong cuộc giao hoà Đông-Tây đó, lăng Khải Định ở Huế là sản phẩm vụng về của một ông Tây nói tiếng ta. Còn sự bùng nổ những công trình xây dựng của các thế hệ thầu khoán ít được học hành buổi đầu thế kỷ XX đã tạo nên bộ mặt kiến trúc đô thị Việt nam theo kiểu người Việt nói tiếng bồi. Nền nghệ thuật kiến trúc chân chính Việt nam đã hòa nhập vào một thế giới mới không phải với những giá trị trong sâu thẳm truyền thống của chính mình, mà nhanh chóng, vội vàng, vụng về sao chép một khuynh hướng xa lạ đến từ những chân trời xa xôi khi chưa kịp hiểu biết và nhận thức nó một cách thấu đáo. Riêng chứng vọng ngoại này của người Việt nam không chỉ trong kiến trúc. Cách tiếp thu ảnh hưởng từ bên ngoài hoàn toàn khác với cách tiếp nhận mà người Nhật đã làm.
Phải hàng chục năm sau, trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương mới cho ra đời thế hệ kiến trúc sư Việt nam đầu tiên. Và cũng là lần đầu tiên có sự phân công xã hội trong kiến trúc- xây dựng, tách người thầy ra khỏi người thợ, khoa học hơn nhưng cũng xa vời truyền thống hơn.
Rất tiếc là những thế hệ kiến trúc sư đầu tiên này đang trên đường tìm tòi, thử nghiệm, chưa kịp làm quen với nghề thì đã phải cùng dân tộc, cùng đất nước “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”.
Rõ ràng là trong cuộc tiếp thu những ảnh hưởng từ bên ngoài, so với nghệ thuật tạo hình, cùng một “lò Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương” thì giới kiến trúc sư tỏ ra thích ứng chậm hơn. Bên những công trình lớn ở Hà nội, Sài gòn, Huế vv... do các kiến trúc sư Pháp vẽ, bên mảng kiến trúc thầu khoán rộng lớn, các công trình ít ỏi và khiêm tốn mà thế hệ các anh để lại, còn mang nhiều vẻ rụt rè, e ấp buổi dò đường, tìm kiếm một thế giới quan, tìm kiếm một phong cách. Thế hệ kiến trúc sư Việt nam đầu tiên đã không đủ thời gian cần thiết để tự khẳng định mình, và xã hội Việt nam cũng chưa kịp làm quen với một loại hình lao động mới: "Lao động sáng tạo của người kiến trúc sư".
Không biết có phải vì thế không mà buổi sinh thành chính thức của ngành kiến trúc Việt nam với tư cách là một hoạt động Quốc gia, kiến trúc đã được xếp chung trong cùng một bộ, có tên là Bộ Thủy lợi và Kiến trúc (Có lẽ được hiểu là cùng một ngành thổ, mộc như nhau) và phương châm chỉ đạo của ngành là: "Bền vững – Rẻ tiền - Thích dụng – Mỹ quan trong điều kiện có thể".Yếu tố kinh tế -kỹ thuật đứng đầu, còn nghệ thuật, được đặt thứ tư, sau cùng, và cũng chỉ trong giới hạn được chăng hay chớ! Hoạt động quy hoạch và kiến trúc, có vai trò và tác động rộng lớn và sâu sắc trong đời sống xã hội không thể coi nhẹ thì vẫn chỉ là một thành phần “ăn theo, nói leo” trong cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng xây dựng!
Và từ đó đến nay, đối với xã hội chúng ta, kiến trúc là gì và kiến trúc sư, họ là ai? vẫn tồn tại như một nghi án, chưa dễ gì một sớm một chiều có thể làm sáng tỏ!
*
Sau hơn ba mươi năm hoạt động, đến nay, toàn bộ hệ thống tổ chức ngành cũng chỉ mới có hai đơn vị mang danh hiệu kiến trúc, hai đơn vị rất vô hại, không tác động được bao lăm trong sự nghiệp kiến trúc nước nhà: Hội Kiến trúc sư Việt nam và Trường Đại học Kiến trúc. Riêng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, một thời đã được sáp nhập thành một khoa của Trường Đại học Xây dựng, thuộc hệ thống quản lý của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, đồng hạng với các trường đại học kỹ thuật khác, không tính đến đặc thù nghề nghiệp. Sau ngày giải phóng, có thêm Trường Đại học Kiến trúc Sài gòn, nay là Đại học Kiến trúc thành phố Hồ chí Minh. Và điều trớ trêu là trong rất nhiều năm, hai trường đại học này, một trường được giao cho một kỹ sư vật liệu, một trường giao cho một kỹ sư kết cấu làm hiệu trưởng trong nhiều năm. Còn các cơ quan hành nghề kiến trúc được giao cho kỹ sư các ngành khác, có khi chẳng liên quan gì đến kiến trúc làm giám đốc, lãnh đạo thì nhiều vô kể, không thể đếm hết. Có cả một viện quy hoạch-kiến trúc lớn mà người lãnh đạo trong nhiều năm là một phó tiến sỹ mà đề tài khoa học khi bảo vệ luận án là một đề tài về cống rãnh.
Thân phận Hội Kiến trúc sư Việt nam lại còn “bèo, mây” hơn cả cô Kiều! Lúc thì thuộc hệ thống chỉ đạo của Bộ Xây dựng, lúc lại thuộc Ban Công nghiệp trung ương, lúc lại thuộc sự "bảo trợ"(?) của Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước, khi lại về với Ban Văn hoá -Văn nghệ trung ương, long đong không bút nào tả xiết! Chỉ riêng một điều, ngần ấy năm, hầu như Bộ Văn hoá chưa bao giờ coi kiến trúc là một bộ phận hợp thành của văn hoá Việt nam trong tất cả chủ trương và việc làm cụ thể của mình! Trong gia đình văn hoá, kiến trúc được xem như một người bà con nghèo. Điều đó không phải là không có lý khi cho đến tận ngày hôm nay, bản thân người kiến trúc sư, trong phân loại lao động, vẫn được xem là một loại “kỹ sư thiết kế”, “kỹ sư kiến trúc” thuộc “thang lương kỹ sư”!
Trong Mặt trận Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật mà Hội Kiến trúc sư là một thành viên đã không phải không có nhiều cái nhìn ngờ vực. Tại sao lại có "một ông sư” lọt vào tổ chức của “các ông sỹ”? Còn trong Liên hiệp các hội Khoa học – Kỹ thuật không thể giải thích được tại sao lại có một tổ chức thuộc sự chỉ đạo của Ban Văn hoá – Văn nghệ trung ương?!
Đặc thù nghề nghiệp này không có trong bất cứ ngành văn hoá nghệ thuật nào, cũng như trong bất cứ ngành khoa học kỹ thuật nào và thực trạng đó để lại trong giới kiến trúc một di chứng lâu dài, cực kỳ tai hại: “Thái độ nhẫn nhục”.
Có thể vì sự thâm nhập quá nhanh và khá sâu của khoa học, kỹ thuật vào kiến trúc đã gây nên tội nợ, đã làm mờ nhoà đi yếu tố biểu hiện, yếu tố sáng tạo hình tượng vốn là đặc trưng của kiến trúc, của sáng tạo nghệ thuật, mà ở nước ta, gần như ai cũng làm kiến trúc được. Một kỹ sư kết cấu, một kỹ sư thi công, một kỹ sư cấp thoát nước, thậm chí mấy ông thợ nề cũng có thể thiết kế và chỉ đạo thiết kế. Nhiều kỹ sư đô thị các ngành, kể cả kỹ sư điện đã và đang sáng tác đồ án kiến trúc quy hoạch một cách rất tự nhiên! “Lộng giả thành chân", lâu ngày đâm quen dẫn đến mặc cảm tự kỷ: "Ở nước ta, thiết kế kiến trúc, nôm na gọi là vẽ kiểu là việc ai chả làm được, chỉ cần biết chút ít kỹ thuật xây dựng!
Những chuyện tuế toái trong kiến trúc và kiến trúc sư còn nhiều và là đặc điểm nổi bật trong cung cách tổ chức hệ thống các cơ quan làm kiến trúc của ta hiện nay là:
“Không phải người kiến trúc sư chịu trách nhiệm về tác phẩm của chính mình, mà ông viện trưởng, ông giám đốc cùng bộ máy giúp việc kềnh càng của ông ta với những thủ tục phiền toái, phức tạp và lạc hậu trong qúa trình xét duyệt đồ án để “lấy ý kiến tập thể” mà trong thành phần xét duyệt đó có những người không biết kiến trúc là gì, có khi kể cả chính ông giám đốc!”
Kiến trúc sư đang làm một cái nghề mà gần như ai cũng có quyền ban cho “vài lời dạy bảo rất thiện chí” miễn là có tổ chức và có quyền!
Tôi không có ý định phản bác gì mấy ông giám đốc, trong họ có những người rất đáng kính trọng, nhưng rõ ràng là cung cách làm ăn hiện nay đã và đang hạ thấp vai trò của người kiến trúc sư đối với chính công trình của họ và như thế cũng chính là hạ thấp vai trò của họ trong xã hội, đối với xã hội. Cách quản lý hiện nay là cách tốt nhất để thủ tiêu cá tính, loại trừ phong cách, triệt tiêu mọi hứng thú tìm tòi trong sáng tác kiến trúc.
Khi người kiến trúc sư không trực tiếp chịu trách nhiệm nghề nghiệp, chịu trách nhiệm xã hội về chính tác phẩm của mình đã mang nặng đẻ đau thì mặc nhiên, chính chúng ta đã kéo lùi sự phân công lịch sử, kéo người thầy ra khỏi người thợ và biến kiến trúc sư thành một thứ thợ khác “thợ vẽ”.
Tất nhiên còn nhiều vấn đề quan trọng nữa như vấn đề đào tạo và sử dụng kiến trúc sư, vấn đề nghiên cứu, lý luận, phê bình tiếp sau đường lối, chủ trương phát triển kiến trúc.
Xin được trích sau đây một câu trong “Nghị quyết của Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Liên Xô” mà tạp chí Kiến trúc của Hội Kiến trúc sư Việt nam đăng lại trong số tháng 4 – 1987 (trang 15):
“... Kiến trúc có tác động thường xuyên đến ý thức xã hội, là phương tiện giáo dục đạo đức, thẩm mỹ một cách hữu hiệu cho nhân dân và hình thành thế giới quan cộng sản. Các tác phẩm kiến trúc là kết quả lao động chung của các kiến trúc sư, các nhà bác học, những người xây dựng, thể hiện sự thống nhất của nghệ thuật, khoa học và kỹ thuật, văn hoá, vật chất và tinh thần của xã hội…".
*
Như vậy là, để có được trong nhiều năm tới một nền nghệ thuật kiến trúc Việt nam hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc như ta hằng mong muốn, việc đầu tiên cần làm theo ý chúng tôi là:
“Trả lại cho họ, những kiến trúc sư, vai trò chủ thể sáng tạo ở vị trí trung tâm của trách nhiệm chính trị, xã hội, trách nhiệm về kinh tế, văn hoá và nghệ thuật mà họ là người đầu tiên và cuối cùng chịu trách nhiệm trước thời gian và lịch sử".
Để thực hiện yêu cầu này, tôi xin trân trọng đề nghị với Đảng và Nhà nước:
1. Xem xét lại toàn bộ những chủ trương và biện pháp đã qua về chiến lược xây dựng và phát triển một nền kiến trúc Việt Nam, XHCN, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Coi kiến trúc không chỉ là một hình thức hoạt động kinh tế, khoa học - kỹ thuật đơn thuần mà còn là một phạm trù ý thức, tư tưởng có tác động quan trọng, thường xuyên về nhiều mặt đến tiến trình xã hội Việt Nam trong quỹ đạo XHCN.
2. Sớm thành lập Hội đồng nghệ thuật kiến trúc quốc gia, tạo điều kiện và đặt trách nhiệm cho giới kiến trúc cùng gánh vác trách nhiệm với Đảng và Nhà nước về một nền nghệ thuật có ý nghĩa biểu hiện trình độ phát triển của xã hội, của bộ mặt Đất nước.
3. Thành lập Viện nghiên cứu khoa học và nghệ thuật kiến trúc, nhanh chóng thúc đẩy nền kiến trúc nước nhà phát triển, sớm rút ngắn khoảng cách so với nền kiến trúc đương đại của thế giới.
4. Cải cách tổ chức và chương trình giảng dạy tại hai trường Đại học Kiến trúc về mục tiêu, nội dung, phương pháp. Nâng thời gian đào tạo kiến trúc sư công trình lên 6 năm, kiến trúc sư quy hoạch lên 7 năm.
5. Xem xét và cải tiến chế độ quản lý hiện hành của các cơ quan thiết kế kiến trúc, thay đổi phương pháp quản lý hành chính - kỹ thuật đơn thuần trong quá trình thiết kế, sáng tạo đang có nguy cơ "công chức hóa kiến trúc sư".
6. Khẩn trương nghiên cứu và sớm ban hành quy chế hành nghề kiến trúc sư, chế độ kiến trúc sư trưởng, phù hợp với đặc điểm nghề nghiệp và yêu cầu đổi mới của Đảng. Đặt mỗi một kiến trúc sư trước trách nhiệm xã hội và lịch sử đối với sáng tác của mình và tương lai của nền kiến trúc Việt Nam.
T.P. Hồ Chí Minh, 14-4-1989
(Tham luận tại Đại hội Kiến trúc sư Việt Nam lần thứ 4)
N.T.H.
(SH39/09&10-89)