Tại Nhà hát Duyệt Thị Đường (Đại nội Huế), sau một thời gian nghiên cứu phục dựng, mô hình nghiên cứu Điện Cần Chánh tỷ lệ 1:10 đã hoàn thiện và vừa đưa ra trưng bày.
Đây là kết quả đánh dấu một bước quan trọng trong dự án nghiên cứu phục dựng Điện Cần Chánh. Dự án được lựa chọn làm mục tiêu trọng điểm trong chương trình Phối hợp nghiên cứu đào tạo và bảo tồn khu di tích Huế giữa Viện Nghiên cứu Di sản Thế giới của UNESCO của Đại học Waseda (Nhật Bản) và Trung tâm Bảotồn Di tích Cố đô Huế trong suốt 10 năm qua.
Điện Cần Chánh xây dựng năm Gia Long thứ 3 (1804), sau còn được tu bổ nhiều lần. Về tổng thể, Điện Cần Chánh được bố trí trên trục chính Đại nội Huế, nằm giữa Điện Thái Hoà (nơi thiết triều chính) và Điện Càn Thành (nơi ở của nhà vua). Trước Điện Cần Chánh có "Sân bái mạng", là nơi tập hợp văn võ bá quan khi chầu vua, dâng biểu. Điện cùng với nhà tả vu, hữu vu (phục vụ việc chuẩn bị nghi lễ và chiêu đãi khách) hợp thành bố cục kiến trúc hình chữ môn.
Điện có kết cấu gỗ lớn và đẹp nhất trong Tử Cấm thành. Nền đài cao gần 1m, bó vỉa bằng gạch vồ và đá thanh với diện tích mặt nền gần 1.000m2. Chính điện có 5 gian, 2 chái kép; tiền điện 7 gian, 2 chái đơn, hai bên đông tây có 4 hồi lang mỗi bên 5 gian nối qua điện Văn Minh, Võ Hiển và qua Tả Vu, Hữu Vu.
Bộ khung gỗ gồm 80 chiếc cột bằng gỗ lim. Phần lớn kết cấu bộ khung bên trên như xuyên, trến, kèo, đòn tay, các liên ba... đều được chạm trổ trang trí tinh xảo, công phu. Ngôi điện này đã phá hủy hoàn toàn vào đầu năm 1947.
Điện Cần Chánh là nơi các vua triều Nguyễn tổ chức lễ thiết triều vào các ngày mùng 5, 10, 20 và 25 âm lịch hàng tháng hoặc tiếp đón các sứ bộ quan trọng, nơi tổ chức các buổi tiệc tùng trong những dịp khánh hỷ.
Trong điện, ở gian giữa của nhà chính đặt ngự tọa, hai bên treo các bức tranh gương thể hiện cảnh đẹp Kinh đô và bản đồ các tỉnh trong nước lồng trong khung kính. Đồng thời, điện còn là nơi trưng bày nhiều báu vật triều Nguyễn như các đồ sứ quý hiếm, các hòm tượng bảo ấn bằng vàng và bằng ngọc của triều đại nhà Nguyễn.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, việc nghiên cứu tái thiết Điện Cần Chánh đã được thực hiện một cách nghiêm túc bởi những chuyên gia giàu kinh nghiệm của cả hai phía Việt Nam và Nhật Bản.
ựa vào những nguồn tư liệu xác thực từ các bộ chính sử triều Nguyễn, nguồn tư liệu ảnh đen trắng được chụp vào những năm đầu thế kỷ XX; kết quả đo đạc kích thước và phân tích hiện trạng nền móng; phương pháp nghiên cứu đối sánh đồng đại và đồng dạng với những công trình hiện còn; nghiên cứu kỹ thuật xây dựng và phương pháp thiết kế kiến trúc truyền thống; thực hiện phỏng vấn các nghệ nhân và những nhân chứng lịch sử…
Những cơ sở khoa học vững chắc cho đề án tái thiết Điện Cần Chánh đã được xác lập. Đặc biệt, với phương pháp luận nghiên cứu tối ưu và thiết bị hiện đại của công nghệ trùng tu di tích Nhật Bản, quyết tâm của đội ngũ chuyên gia và sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, hy vọng Dự án tái thiết Điện Cần Chánh sẽ trở thành hiện thực trong những năm tới.
Qua đó, mở ra một thời kỳ mới đầy triển vọng cho sự nghiệp tái thiết di sản, bảo tồn và phát huy giá trị quần thể di tích Cố đô Huế.
Việc xây dựng hoàn thiện mô hình Điện Cần Chánh tỷ lệ 1:10 tuy có một số hạn chế về tỷ lệ mô hình và vật liệu sử dụng nhưng đã đạt được các mục đích quan trọng nhất mà dự án ban đầu đã đề ra. GS-TS. Nakagawa Takeshi, Giám đốc Viện Di sản đại học Waseda cho rằng: “Trong công tác xây dựng, tỷ lệ 1:10 của các công trình kiến trúc bằng gỗ là một thử nghiệm quan trọng để kiểm chứng.
Thứ nhất, các kích thước kiến trúc; thứ hai, kỹ thuật xây dựng; thứ ba, những vấn đề nan giải trong quá trình thi công đều có thể hiểu, đều có thể xuất lộ ngay trên cái mô hình này. Do đó, chúng tôi quyết định cho xây dựng mô hình này để đúc rút kinh nghiệm và những kiến thức cần thiết cho công việc tái thiết Điện Cần Chánh sau này”.
Mô hình Điện Cần Chánh tỷ lệ 1:10 được trưng bày cùng các sản phẩm nghiên cứu khác trong dự án phối hợp nghiên cứu giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Viện Di sản đại học Waseda như ảnh tư liệu, các bản vẽ kỹ thuật, hình ảnh 3D và phim phóng sự về chương trình hợp tác... nhằm quảng bá dự án và lấy ý kiến góp ý từ khách tham quan và các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới khi đến thăm di sản Huế.
Khu vực trưng bày nằm ở dãy phòng tầng hai phía sau Nhà hát Duyệt Thị Đường, có tầm nhìn bao quát khu vực Tử Cấm Thành. Từ đây, du khách có thể phóng tầm mắt đến nền móng còn sót lại của Điện Cần Chánh để hoài niệm, đối chứng di tích với các hình ảnh tư liệu và mường tượng đến vẻ lộng lẫy uy nghi của công trình sau khi được phục hồi trong tương lai.
Việc xây dựng mô hình trước khi trùng tu công trình cũng là kinh nghiệm của Nhật Bản trong công tác trùng tu di tích để đảm bảo tính chân xác của công trình. Được biết, kinh phí phục vụ cho việc phục dựng Điện Cần Chánh khoảng 10 triệu USD từ nguồn vốn vay ODA và phải mất tới 5 năm mới hoàn thành...
Nguồn thoibaonganhang.vn