Kiến trúc Huế
Nhà cổ tứ giác - nét Huế trong kiến trúc thuộc địa Pháp
10:07 | 29/05/2009
TRẦN TUẤN ANHNằm cách trung tâm thành phố Huế 5km về phía Bắc, toạ lạc bên bờ sông Hương ở vị trí Bao Vinh, một thương cảng nổi tiếng của Huế ngày xưa, những ngôi nhà cổ Tứ Giác(1) tại đây được xem như một trong những kiến trúc thuộc địa Pháp khá nổi bật ở Huế. Sự nổi bật thể hiện qua các đặc trưng kiến trúc mang đậm nét Huế, hoà quyện với phong cách kiến trúc Pháp du nhập vào Huế những năm đầu thế kỷ 20.
Nhà cổ tứ giác - nét Huế trong kiến trúc thuộc địa Pháp
Nhà Rường truyền thống 1 tầng phổ biến ở Huế

Những ngôi nhà Tứ Giác này được xây dựng vào những năm 30 với chức năng ban đầu là các kho chứa hàng kết hợp với ki-ốt bán hàng, nhằm đẩy mạnh các hoạt động thương mại của thương cảng Bao Vinh thời bấy giờ. Tuy nhiên, cùng với sự suy tàn của thương cảng Bao Vinh, ngày nay các ngôi nhà này được dùng để ở và sinh sống.

Đặc trưng kiến trúc nổi bật đầu tiên của nhà Tứ Giác là kết cấu tường chịu lực với 1 tầng lầu. Đây là nét ảnh hưởng kiến trúc Pháp rõ rệt bởi trước khi người Pháp đến chiếm đóng, kiến trúc Huế phần lớn được dựng nên bởi kết cấu khung gỗ chịu lực với hệ thống các cột và dầm gỗ, xuất hiện từ các cung điện triều Nguyễn đến nhà ở người dân địa phương Huế (trong đó nhà Rường là chủ yếu). Bên cạnh đó, luật Gia Long điều 156 quy định nhà ở dân gian không được phép xây trên nền 2 cấp (nhà có gác) đã dẫn đến sự phổ biến rộng rãi của nhà ở 1 tầng khắp thành phố Huế, và được xem như một trong những đặc trưng kiến trúc truyền thống Huế dưới thời Nguyễn (1802-1945). Theo nghiên cứu của tiến sĩ Trần Bá Tịnh(2) năm 2005, trong tổng số 1033 ngôi nhà Rường truyền thống trên toàn lãnh thổ Huế thì có đến 1022 nhà 1 tầng, còn 11 nhà còn lại là 2 tầng vì được xây dựng trong giai đoạn Pháp thuộc.

Với việc cho phép xây dựng thêm các tầng ở phía trên, người Pháp đã thể hiện sự thay đổi về chính sách xây dựng của mình ngay trong kiến trúc nhà ở Tứ Giác cũng như trong một số công trình kiến trúc thuộc địa khác ở Huế (2-3 tầng), quy định nên giá trị lịch sử của các công trình xây dựng trong giai đoạn này. Gạch vồ - một vật liệu truyền thống phổ biến ở Huế - đã được sử dụng để xây nên các bức tường chịu lực cho những ngôi nhà Tứ Giác này.

Phần mái công trình là một đặc trưng nổi bật nhất thể hiện sự giao thoa giữa kiến trúc truyền thống Huế với kiến trúc ảnh hưởng Pháp. Với hình thể mái mới khối chóp Tứ Giác, ngôi nhà đã thể hiện phong cách kiến trúc ảnh hưởng Pháp rõ rệt, bởi trước đó, kiến trúc Huế được ‘ngự trị’ bởi 2 mái dốc truyền thống chạy dọc theo chiều dài công trình là chủ yếu (mái của các công trình triều Nguyễn và nhà Rường). Có thể nói hình thức mái chóp Tứ Giác này trong thời kỳ đó chỉ được tìm thấy trên những ngôi nhà Tứ Giác ở Bao Vinh. Nó làm cho ngôi nhà trở thành một kiến trúc độc đáo và hiếm có trong quỹ kiến trúc truyền thống Huế. Việc sử dụng vật liệu truyền thống ngói Liệt của kiến trúc Huế cho mái chóp Tứ Giác đã thể hiện sự kết hợp hoàn hảo giữa kiến trúc truyền thống Huế với kiến trúc ảnh hưởng Pháp trong công trình nhà ở Tứ Giác.

Theo quyết định số 3032/QĐ-UB của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 28/10/2003, cả chín ngôi nhà Tứ Giác này thuộc diện nhà cổ cần được tôn tạo, bảo vệ. Tuy nhiên, sự xuống cấp nghiêm trọng của nó cũng như sự chậm trễ của các cơ quan chức năng trong việc bảo tồn đã dẫn đến sự biến mất hoàn toàn của một nhà Tứ Giác vào cuối năm 2007 để thay vào đó là một công trình bêtông mới toanh (xem hình). Qua khảo sát gần đây, hiện 8 ngôi nhà còn lại đã bị hư hại nhiều như bị lún, bị nứt tường, bong vữa, bị thấm dột, nứt gãy bờ nóc,…và không biết chúng sẽ ‘ra đi’ lúc nào nếu các cơ quan chức năng không có biện pháp bảo tồn cụ thể. Luật Di sản văn hoá Việt Nam năm 2001 điều 8 quy định các di sản văn hoá có xuất xứ trong nước hoặc nước ngoài đều cần được bảo vệ và phát huy giá trị. Một kiến trúc độc đáo của Huế và Việt Nam trong giai đoạn lịch sử Pháp thuộc như các ngôi nhà Tứ Giác này đang rất cần sự quan tâm đúng mức để giữ gìn và phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống quý báu của dân tộc ta cho con cháu sau này.

<=>
(Nhà cổ Tứ Giác 2 tầng chỉ xuất hiện ở Bao Vinh)         (Nhà Rường truyền thống 1 tầng phổ biến ở Huế)

=>

Ngôi nhà cổ Tứ Giác này bị đập bỏ cuối năm 2007 vì xuống cấp nghiêm trọng để thay vào một công trình bêtông mới - Sự biến mất của một di sản kiến trúc có giá trị ở Huế.

 

 

 

 

------------
(1) Tên gọi theo hình dạng mái chóp Tứ Giác của công trình.
(2) Nguyên trưởng Khoa Kiến trúc - Đại học Khoa học Huế.

T.T.A
(242/04-09)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng