Nhịp sống âm thanh
Xin tạ ơn người tình xứ Huế
14:43 | 23/07/2012

NGUYỄN ĐẮC XUÂN 

Đêm giới thiệu Trường ca Hàn Mặc Tử, tại Học viện Âm nhạc Huế thầy Trần Văn Khê và nhạc sĩ Phạm Duy đã đưa chúng ta đi từ cõi thực mộng mơ trải qua những đau đớn, vật lộn với cơn đau đến ngất lịm và cuối cùng nương tựa vào niềm tin tâm linh để hiện hữu.

Xin tạ ơn người tình xứ Huế
NS Phạm Duy và GSTS Trần Văn Khê

Qua cuộc giới thiệu, không những nhạc sĩ Phạm Duy giảng giải ca ngợi Hàn Mặc Tử mà còn có các con ông như Duy Quang, Duy Cường, Thái Hiền, Thái Thảo và người con rể Tuấn Ngọc đóng góp toàn bộ phần hát minh họa hết sức xuất sắc. Cả đại gia đình họ Phạm ngợi ca Hàn Mặc Tử. Sự kiện âm nhạc chưa từng có này diễn ra bên bờ sông Hương của thành phố Huế - thành phố được mệnh danh là đất Thần kinh (le Capital Merveilleux). Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mặc Tử được tổ chức nhiều nơi, vào nhiều thời điểm trong năm 2012, nhưng theo tôi khó có một cuộc kỷ niệm nào có thể hội tụ được những nhân vật văn hóa lớn như cuộc giới thiệu Trường ca Hàn Mặc Tử hôm đó.

Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê - người chắt ngoại của danh tướng Nguyễn Tri Phương ở Thừa Thiên Huế, là người thầy đã giúp cho sự sưu tầm, nghiên cứu, đào tạo nhiều thế hệ ca sĩ, nhạc sĩ, đặc biệt là ngành ca nhạc truyền thống Huế. Tất cả những hoạt động đưa âm nhạc Huế ra thế giới trong hơn nửa thế kỷ qua đều có sự vận động giúp đỡ của Thầy.

Nhạc sĩ Phạm Duy, người đã gắn bó với Huế từ lúc tôi mới 8 tuổi (1944), nay tôi cũng đã 75 tuổi - quá tuổi cổ lai hy từ lâu rồi, có nghĩa là Huế đã có trong Phạm Duy đã gần 70 năm. Là một người cầm bút xứ Huế, trong hồ sơ nghiên cứu Huế của tôi, cho tôi biết nhạc sĩ Phạm Duy đã đến Huế nhiều lần và ông đã để lại cho kho tàng Tân nhạc Việt Nam nhiều nhạc phẩm viết từ Huế và viết về Huế. Xin nêu một số ví dụ sau đây:

Lần thứ nhất: Vào mùa Xuân năm 1944, từ Hà Nội nhạc sĩ đến Huế với tư cách là một ca sĩ trong Gánh hát Đức Huy Charlot Miều. Gánh hát dừng chân tại rạp Tân Tân trước chợ Đông Ba. Lần đó, ông có dịp gặp kịch sĩ Vũ Đức Duy, nhạc sĩ Vĩnh Phan, ông Ngũ Đại (tức hoàng tử Vĩnh Trân, con trai của vua Thành Thái), nhạc sĩ Ngô Ganh, nhạc sĩ Văn Giảng, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, v.v. Đêm đêm các nhạc sĩ Huế đưa ông xuống ngủ đò trên sông Hương và nghe các cô Bích Liễu (phu nhân của Vĩnh Phan), cô Minh Mẫn ca Huế. Lần đầu tiên nhạc sĩ Phạm Duy bắt gặp được cái đẹp trong những câu hò, câu hát của Huế. Ông phát hiện ra âm giai ngũ cung lơ lớ của Huế. Về sau ông đã vận dụng dân nhạc Huế với âm giai ngũ cung lơ lớ vào các ca khúc trong phần vào miền Trung của trường ca Con đường cái quan.

Lần thứ hai: Sau Cách mạng Tháng 8, vào khoảng cuối tháng 10/1946, trên đường từ miền Nam ra Hà Nội, nhạc sĩ đã dừng chân ở Huế. Ông gặp nữ ca sĩ Tuyết mới vào nghề (sau là ca sĩ Ngọc Cẩm phu nhân của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết), ông đến hát ở Quán Nghệ Sĩ của ông bà Quốc Thành. Quán này được họa sĩ Phạm Đăng Trí trang trí rất đẹp. Ở đây Phạm Duy cùng hát với Bùi Công Kỳ - một người bạn của nhạc sĩ Đặng Thế Phong. Ông gặp lại thi sĩ Lưu Trọng Lư và được mời về nhà nghe cô Tôn Nữ Thị Mừng (Lệ Minh) đánh đàn tranh. Phạm Duy phổ nhạc bài thơ Tiếng thu của Lưu Trọng Lư. Đêm về, nhạc sĩ được mời làm việc với các ông Tố Hữu, Hải Triều, Nguyễn Chí Thanh. Phạm Duy được mời hát ở Đài Phát thanh Huế với các bài Gươm tráng sĩ, Chiến sĩ vô danh, Xuất quân được quần chúng cách mạng ở Huế tán thưởng. Nhạc sĩ gặp Kiều Miên - một nữ sinh trường Đồng Khánh yêu kiều diễm lệ đang nổi tiếng với hát bài Giọt mưa thu. Đặc biệt nhạc sĩ được gặp một người con gái đẹp trên đường Nam Giao. Nàng được xem như một Mỵ Nương ở trần thế và nhạc sĩ được làm Trương Chi, để rồi mối tình đó đã để lại cho Huế một bài hát nổi tiếng là Khối tình Trương Chi.

Lần thứ 3: Sau ngày toàn quốc kháng chiến hơn một năm, nhạc sĩ Phạm Duy hoạt động trong Đoàn Văn nghệ của Trung đoàn 304. Ông cùng kịch sĩ Bửu Tiến, ca sĩ Ngọc Khanh, ca sĩ Vĩnh Cường (người vừa mất cách đây mấy năm) và một số đội viên khác tình nguyện vào chiến trường Bình Trị Thiên. Khi vào chiến khu Ba Lòng, nhạc sĩ gặp các ông Hà Văn Lâu, Hoàng Trọng Khanh. Nhạc sĩ được tổ chức đưa về Đại Lược ven sông Ô Lâu ở phía bắc Huế, rồi bí mật đưa vô hát ở cầu ngói Thanh Toàn, có hôm lên đến vùng ven Huế ở cầu Ông Thượng thuộc làng Lại Thế sát với làng Vỹ Dạ. Tiểu đội vũ trang dẫn đường và bảo vệ ông có anh Vệ quốc đoàn trẻ Phùng Quán - sau này trở thành nhà văn nổi tiếng gốc Huế. Thực tế của chuyến đi lịch sử này đã giúp cho ông sáng tác được ba bài nhạc bất hủ với tựa đề Bao giờ anh lấy được đồn Tây, Bà mẹ Gio Linh, Về miền Trung. Nhờ ba bài nhạc này Phạm Duy không những được tiếng là một nhạc sĩ kháng chiến xuất sắc mà ông còn được tình yêu của ca sĩ Thái Hằng - người vợ mà ông xem như một bậc “bậc Á Thánh” của ông sau đó. Cảm hứng ông thu được trong chuyến đi Bình Thị Thiên năm 1948, ông dùng để sáng tác ba bài hát nêu trên, ngoài ra Phạm Duy còn dành để viết các bài Tình nghèo, Người về, Bà mẹ quê, đặc biệt là bài Mười hai lời ru viết về 12 bà mẹ đã bị giặc Pháp giết rất đau đớn (tiếc là bài này thất truyền).

Lần thứ 4: Năm 1953, vào một đêm hè êm ả gợi lên cảnh huyền ảo tuyệt vời của xứ Huế, ông viết bài Dạ lai hương để tặng hai người đẹp nổi tiếng ở Huế lúc ấy là Thu Vân và Dạ Thảo.

Trên đây là những gì tôi biết được qua tư liệu.
 

Bìa album Trường ca Mẹ Việt Nam Con đường cái quan


Từ đầu những năm sáu mươi, như tôi đã viết trong Tự truyện từ Phú Xuân đến Huế, tôi may mắn được gần nhạc sĩ Phạm Duy trong hầu hết những lần nhạc sĩ ra Huế để giới thiệu Trường ca Con đường cái quan với sinh viên Đại học Huế, giới thiệu Dân nhạc Việt phát triển với Huế, giới thiệu Trường ca Mẹ Việt Nam, sáng tác bài Tôi còn yêu tôi cứ yêu, hát Tâm Ca, hát Tâm Phẫn Ca chống chiến tranh của Mỹ mà trong đó có một vài bài nhạc sĩ phổ thơ của Thái Luân, thơ của tôi (các bài Bi hài kịch, Để lại cho em, Nhân danh, Chuyện hai người lính) v.v.. Cuộc tranh đấu mùa hè năm 1966 bị dìm trong máu, tôi thoát ly theo kháng chiến tiếp tục con đường đấu tranh để thống nhất đất nước mà nhạc sĩ đã gieo vào lòng tôi từ sau ngày tôi được nghe Con đường cái quan, Mẹ Việt Nam ở sân trường Đại học Huế.

Và cũng không cần phải tra cứu, những người yêu nhạc Phạm Duy cũng có thể kể thêm những nhạc phẩm Phạm Duy đã soạn cho Huế ngoài những bản tôi vừa nêu trên. Đó là những đoản khúc vào Miền Trung trong trường ca Con đường cái quan phần lớn dành cho Huế. Đặc biệt là đoản khúc Nước non ngàn dặn ra đi rất nổi tiếng trong mọi thời kỳ. Rồi nhiều đoản khúc khác trong Trường ca Mẹ Việt Nam cũng thế. Trong Dị khúc gồm những bài Phạm Duy phổ thơ Bích Khê có thêm bài Huế đa tình, hay bài Đây thôn Vỹ Dạ phổ thơ Hàn Mặc Tử.

Như nhiều lần tôi đã viết, tôi lớn lên đã chịu ảnh hưởng rất lớn bởi tình tự dân tộc trong bài Tình ca của Phạm Duy. Và không những tôi mà nhiều người thế hệ tôi đều rất thú vị với câu hát Phạm Duy đã “Biết ái tình ở dòng sông Hương”. Chính vì chút lịch sử đó nên tôi mạo muội đặt tên cho lời cám ơn này là Tạ ơn người tình xứ Huế.

Nhân sinh nhật năm 92 tuổi, thầy Trần Văn Khê, cũng như nhạc sĩ Phạm Duy bảo tôi rằng “Tới tuổi này không còn tính tháng, tính tuần nữa mà phải tính ngày”. Đúng như thế. Năm nay tôi mới 76 tuổi ta, nhỏ hơn các vị đến 16 tuổi, thế mà có lúc ra đường tôi phải chống gậy, nhiều người lứa tuổi tôi đang nằm uống nước bằng ống hút và cũng đã có nhiều người không còn gặp nhau nữa. Vì thế tôi rất mừng còn được gần hai ông. Tôi cầu mong các ông sống trên trăm tuổi. Tuy nhiên, tôi vẫn đề phòng, biết đâu… cho nên có ý kiến gì, có việc gì cần làm tôi phải làm ngay.

Theo nhận định của những người bạn Cố đô Huế trên cả nước: với tấm lòng của nhạc sĩ Phạm Duy đã dành cho Huế như thế, với khối lượng nhạc phẩm lớn lao của nhạc sĩ Phạm Duy dành cho Huế như thế (dù tôi chưa đủ thì giờ nêu cho hết), tôi xin kiến nghị với chính quyền Thừa Thiên Huế, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Hội Nhạc sĩ Thừa Thiên Huế nên kính mời nhạc sĩ Phạm Duy làm một Hội viên danh dự của Hội Nhạc sĩ Thừa Thiên Huế. Chuyện Phạm Duy dành cho Huế đã là chuyện lịch sử, nếu kiến nghị của tôi được chấp nhận thì đây là một sự kiện quý báu của Thừa Thiên Huế dành cho nhạc sĩ lão thành Phạm Duy. Và, nếu kiến nghị của chúng tôi được hoan nghinh, thì cũng kính xin nhạc sĩ Phạm Duy nhận lời để nhạc sĩ đời đời là người tình của xứ Huế.

N.Đ.X
(SH281/7-12)






 

Các bài mới
Các bài đã đăng