Ngược lại, mỗi thời gian và giai đoạn lịch sử trong tiến trình phát triển của nhân loại lại phát sinh những nhu cầu thẩm mỹ và trình độ thưởng thức âm nhạc khác nhau, chính vì vậy để nhìn nhận, đánh giá ca khúc, tác giả trẻ thời kỳ đổi mới là hết sức tế nhị và khó khăn. Nếu không nói là quá khó bởi rất dễ rơi vào tình trạng duy lý hoặc duy tình - bảo thủ hoặc chủ quan. Là một người đang công tác ở thành phố Huế, một thành phố mà môi trường sinh hoạt âm nhạc còn nghèo nàn, ít sôi động hơn các thành phố lớn khác trong nước, nhưng thời gian qua làn sóng ca khúc của các tác giả trẻ ít nhiều vẫn ảnh hưởng đến đời sống âm nhạc cũng như nhu cầu thưởng thức của nhiều lớp công chúng thành phố. Chính từ tình hình thực tiễn này, với ý kiến chủ quan, hạn hẹp của cá nhân tôi xin mạnh dạn nêu lên một số thành công cũng như những mặt còn hạn chế của Ca khúc, tác giả trẻ thời kỳ đổi mới như sau:
1-Vài nét khái quát: Trong hai thập kỷ vừa qua, đặc biệt là 5 năm trở lại đây ngoài những nhạc sỹ đã định hình tên tuổi trong lòng công chúng yêu âm nhạc cả nước như An Thuyên, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, Đặng Hữu Phúc, Trương Ngọc Ninh, Ngọc Đại, Hồng Đăng... thì có rất nhiều nhạc sỹ trẻ nổi lên như nấm mọc sau mưa, hay nói cách khác là danh từ Nhạc sỹ bị lạm dụng quá đáng (bởi có khá nhiều nhạc sỹ tự phong do khá nhiều tờ báo và các cơ quan truyền thông đại chúng lăng xê...), đi theo đó là nhiều kiểu loại ca khúc quái dị ra đời như hàng nhái, hàng đạo, hàng mì ăn liền, hàng lắp ghép gắn với nhiều phong cách biểu diễn không kém phần quái dị... Bên cạnh đó là thẩm mỹ âm nhạc của công chúng cũng thiếu được định hướng nên dẫn đến những khuynh hướng âm nhạc chưa đẹp, còn xô bồ trong đời sống âm nhạc hiện nay. Tất nhiên, những gì không thuộc bản chất, không hợp qui luật sẽ bị loại bỏ, nhưng để làm được việc đó không phải một sớm, một chiều, mà cần phải có thời gian và nhiều biện pháp đồng bộ khác... để xây dựng được một đời sống âm nhạc trong sáng, phong phú, giữ gìn và phát huy được bản sắc âm nhạc cổ truyền dân tộc, kế thừa và tiếp thu được những giá trị của tinh hoa âm nhạc nhân loại.
2- Những ca khúc hình thành và phát triển trên nền tảng dân ca - dân nhạc dân tộc Việt: Những ca khúc ở dạng này có ưu điểm đi nhanh vào đời sống âm nhạc Việt Nam đương đại bởi nó gần gũi và gắn bó với âm nhạc cổ truyền dân tộc (mạch nguồn di sản tinh thần về âm nhạc chủ yếu tồn tại mấy nghìn năm theo dòng lịch sử phát triển của các dân tộc anh em trong đại gia đình dân tộc Việt Nam), đó là các yếu tố về giai điệu, tiết tấu, ca từ, cấu tứ đề tài, hình tượng âm nhạc gắn với các thủ pháp sáng tác... Song các ca khúc ở dạng này cũng được phân làm nhiều loại và mỗi loại đều có công chúng riêng (ở đây tôi chỉ đi vào tìm hiểu các tác phẩm của các tác giả trẻ mà thôi). Vậy quan niệm như thế nào là tác giả trẻ, trẻ về tuổi hay trẻ về nghề? (có người hơn 50 tuổi mới công bố tác phẩm và nổi tiếng, có người chưa đầy 30 tuổi đã có nhiều tác phẩm quen thuộc với công chúng...). Tôi xin đi vào quan niệm tác giả trẻ phải trẻ cả về tuổi, trẻ cả về nghề, trẻ cả về thời điểm lịch sử...
Trong những năm gần đây, chúng ta liên tục được tiếp xúc, được nghe tác phẩm của các tác giả trẻ qua các cuộc thi liên hoan tiếng hát truyền hình, sao mai điểm hẹn, Bài hát Việt... Và các liveshow của các ca sỹ đã được định hình trong làng nhạc Việt như Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Mỹ Tâm, Phương Thanh, Đan Trường, Lam Trường, Quang Dũng,Quang Linh, Vân Khánh, Ánh Tuyết... Và tất nhiên những ca khúc lạ về thủ pháp sáng tác,lạ về hoà âm phối khí, lạ về phong cách biểu diễn sẽ lập tức thu hút được sự chú ý của người thưởng thức đó là các ca khúc: (À í a, Bên bờ ao nhà mình, Ôi quê tôi của Lê Minh Sơn, Bà tôi, Giọt sương bay lên của Nguyễn Vĩnh Tiến), một số ca khúc của các nhạc sỹ Trọng Đài, Đức Trịnh, Bảo Phúc, Anh Quân, Đỗ Bảo, Quốc Trung... Có thể nói những tác giả này đã đưa đến cho người nghe một nguồn cảm xúc tươi mới trong thời đại mình, và họ chính là những người thực hiện, những người bắc cầu cho thế hệ tương lai đúng với ý nghĩa Dân tộc và hiện đại.Bên cạnh đó, nhiều nhạc sỹ cũng sáng tác theo hướng này nhưng lại quá dễ dãi trong cách phát triển giai điệu, hoà âm, tiết tấu, ca từ, dẫn đến sự nhàm chán cho người biểu diễn, người thưởng thức và tất nhiên những ca khúc như vậy sẽ không có đời sống trong lòng công chúng bởi nó nghèo nàn trong vốn sống và tư duy của người sáng tạo.
3 - Những ca khúc “tình ca” thời đổi mới: Có thể nói đất nước ta chưa bao giờ có nhiều bài hát tình ca như những năm tháng gần đây với đủ các loại màu sắc về giai điệu, về tiết tấu,về ripme với một loạt ca từ rẻ rúm, phản cảm... Nhưng vẫn được các hãng sản xuất băng đĩa, các nhà quản lý văn hoá, các cơ quan truyền thông cho lăng xê và phát hành rộng rãi, tạo nên sự (rối loạn tình ca) trong đời sống âm nhạc hiện nay. Những ca khúc này chủ yếu nằm ở sự sáng tạo của các tác giả trẻ, có lẽ thiếu bản lĩnh, thiếu vốn sống, thiếu kiến thức âm nhạc nên nhiều ca khúc nghe cứ na ná như Hồng Công, Hàn Quốc, Trung Quốc, rồi Nga, Pháp... mà thiếu đi cái riêng sáng tạo cần phải có của người sáng tác âm nhạc. Nhiều ca khúc nghe chỉ có “âm” chứ không có “nhạc”. Nhiều ca khúc núp bóng các dòng nhạc Roc-Za-Pop nhưng chỉ được cái “vỏ” còn nội dung lại “rỗng tuếch” góp phần làm rối loạn thẩm mỹ âm nhạc ở các tầng lớp thanh niên, rối loạn thị trường và đời sống âm nhạc. Hoạ hoằn lắm mới có ca khúc nghe được nhưng dấu ấn sáng tạo và sự độc đáo còn quá ít, đặc biệt là vốn văn học và tư duy hoà thanh.
4- Những ca khúc “nhạc sến” hiện nay: Những ca khúc “nhạc sến” hay còn gọi là những ca khúc BoLero trước 1975 rất thịnh hành, sau 1975 đến nay vẫn chiếm được số đông công chúng yêu thích, đặc biệt là các vùng nông thôn,ngoại thị, các tầng lớp lao động bình dân đến các công chức, viên chức nhà nước... Vậy “nhạc sến” là loại nhạc gì? Đó chính là những ca khúc có giai điệu đơn giản, dễ hát. Nhiều ca khúc loại này pha âm hưởng dân ca, ca từ mộc mạc và đi thẳng vào đời sống của nhiều tầng lớp nhân dân lao động... Có lẽ do có sự sẻ chia mộc mạc trong mỗi ca khúc loại này nên mới có số đông công chúng đến như vậy (tất nhiên chúng ta không bàn vấn đề học thuật ở đây, nhưng cũng là một điều suy nghĩ phải đặt ra cho các nhạc sỹ sáng tác trẻ hiện nay). Làm thế nào để ca khúc vừa mang được hơi thở thời đại, vừa giữ gìn được bản sắc dân tộc, vừa là hành trang của đông đảo công chúng trong đời sống tinh thần. Đây là một đòi hỏi rất cao với đội ngũ tác giả trẻ trong thời kỳ hiện nay vì ngoài sự nỗ lực học tập còn đòi hỏi phải có sự trải nghiệm thực tế để tìm ra những “khoảnh khắc xuất thần trong vô thức” - cốt lõi của một ca khúc hay mà không phải tác giả nào cũng có được, bởi vì phải sống hết lòng, trải hết lòng với đời, với thân phận con người thì mới mong “nhặt” được vài “khoảnh khắc” như vậy để dâng hiến cho cõi nhân gian trần thế.
5- Kết luận: Có thể nói ca khúc, tác giả trẻ thời kỳ đổi mới có nhiều cơ hội để phát triển hơn các thế hệ nhạc sỹ lớp trước bởi đất nước hoà bình thống nhất đã 30 năm có lẻ, và điều cơ bản là nước ta đã chính thức hội nhập với nền kinh tế thế giới, tác giả trẻ có điều kiện học tập tốt hơn, có điều kiện tiếp xúc với nhiều trào lưu âm nhạc quốc tế hơn. Và từ chính những thuận lợi này lại tạo nên những thách thức không nhỏ cho các tác giả trẻ bởi vừa phải giữ gìn được bản sắc, cốt cách vừa phải mang được tính thời đại thì mới có tiếng nói ca khúc Việt trên thương trường quốc tế, còn không khéo sáng tạo thì lại tự đánh mất mình. Đây chính là cái khó nhất của các tác giả trẻ so với các thế hệ nhạc sỹ đi trước, sở dĩ phải nói điều này để chúng ta sẻ chia và thông cảm cho các tác giả trẻ thời kỳ đổi mới - Họ cũng đang mày mò, tìm tòi, thể nghiệm để tìm ra phong cách của mỗi người, nên trong thời gian qua có ca khúc chúng ta nghe thấy hay, có ca khúc nghe được, có ca khúc nghe không được, âu đó cũng là qui luật chung của mọi trường phái âm nhạc trước khi “thoát thai” ắt phải vật vã, đau đớn để tìm thấy chính mình. Huế ngày 10 tháng 12 năm 2006 N.V.Đ
(nguồn: TCSH số 216 - 02 - 2007)
|