“Đời là những cơn mưa vô thường/ Trói chân em bên đường/ Nước dâng cao chân tường/ Đường xa chân ướt phơi nắng dầm sương”...
HỒ ĐĂNG THANH NGỌC
Tại Festival Huế 2012, trong không gian cổ kính đất kinh thành xưa cũ, du khách thú vị khi đứng trước bức tranh thư pháp “Mưa Huế” có trích mấy câu trong ca khúc “Những cơn mưa vô thường” của nhạc sĩ Mộc Quốc Khanh: “Đời là những cơn mưa vô thường/ Trói chân em bên đường/ Nước dâng cao chân tường/ Đường xa chân ướt phơi nắng dầm sương”.
Thật sự bức thư pháp rất đẹp, chữ “Mưa Huế” của tác giả Hữu Đức kéo dài một vệt nước thành nét nhấn chính của bức thư pháp, trải dài như nỗi niềm tâm sự Huế.
Song những dòng ca từ được trích dẫn trong bức thư pháp này chưa nói hết được những điều mà ca khúc này muốn nói.
Theo dẫn dắt của mưa, tôi gặp Mộc Quốc Khanh trong một đêm mưa Sài Gòn. Không gian thật đặc biệt cho cuộc chuyện trò. Trong mọi nền văn hóa, các hoạt động mãnh liệt nhất của đời sống xã hội được thể hiện qua những phương thức biểu lộ; trong đó âm nhạc đáp ứng được nhu cầu thăng hoa giao cảm của con người với thế giới, và vì thế, nhiều cá nhân trong cộng đồng đã dấn thân từ những ám ảnh của âm nhạc. Mộc Quốc Khanh là một trong những người như vậy.
Tên khai sinh là Trần Trọng Quốc Khanh. Tôi thích cái chữ Mộc trong bút danh Mộc Quốc Khanh khi sáng tác nhạc của anh. Mộc là mộc mạc, dung dị, song nó cũng có những chất phóng khoáng riêng với chất “thiền” của nó. Nó có chút khiêm từ của một người biết mình hay tự nhận mình là ngoại đạo, là nghiệp dư với âm nhạc chuyên nghiệp. Tôi muốn gọi anh là Mộc.
Anh sinh 1969. Thuở nhỏ, nhà Mộc sống khó khăn, song âm nhạc đã là cái gì đó luôn ám ảnh. Ngôi trường tuổi thơ anh nằm cạnh một giáo xứ. Mỗi buổi tan trường, tiếng đàn vọng ra từ nhà thờ đã khơi gợi trong anh những cảm xúc dịu vợi, thức dậy trong anh những đam mê giai điệu mơ hồ... Cả một thời thơ ấu, điều Mộc khao khát nhất là có một cây guitar để học đàn nhưng không thể có được. Anh phải đạp xe đi mượn đàn về tự học. Điều cảm động là “Bài học đầu tiên và người thầy đầu tiên dạy nhạc cho mình chính là bố” - Mộc kể. Tuy mê âm nhạc, nhưng khi những cánh phượng rơi mùa hè năm cuối bậc phổ thông, anh lại chọn ngành ngoại ngữ của Đại học Tổng hợp TP. HCM. Nợ áo cơm quả không đùa đối với một học trò có trách nhiệm gia đình trước ngưỡng cửa vào đời. Tuy nhiên, giảng đường đại học là cơ hội tuyệt vời để anh đi sâu tìm hiểu thêm về âm nhạc. Sau những giờ học ngoại ngữ, anh chôn mình trong thư viện để tự mày mò thêm về nhạc lý và một số tác phẩm âm nhạc yêu thích. Mộc và một số người bạn thành lập một ban nhạc hoạt động từ 1986 đến 1990, thỉnh thoảng tổ chức dạ hội khiêu vũ dành cho sinh viên. Rồi trong đêm dạ hội tưng bừng, một cú vỗ vai tán thưởng của người bạn và một lời khuyến khích: Thử sáng tác nhạc đi! Mộc ngỡ ngàng và viết thử. Ca khúc đầu tiên “Một lá thư nhạc” ra đời như thế, vào tháng 2/1988. “Bài hát như một bức thư tình, không bao giờ đến tay người nhận, bởi lẽ: Lá thư nhạc đã phai màu hoa/ Nát tươm bao lần viết bao lần xóa/ Đành lòng không trao thư khi bút hoa đã nhạt nhòa.” - Mộc kể...
Cầm tấm bằng đại học trong một tâm thế giằng xé giữa cơn mê sáng tác với lo kiếm việc làm, Mộc tạm thời chiều theo sở thích, buông mình cuốn theo các giai điệu. Cho đến một ngày, khi chàng trai bước ra phố không một xu dính túi, thấm thía một điều hết sức bình thường là không thể tiếp tục ngửa tay xin tiền cha mẹ, và cũng trong một cơ may vô thường đến, Mộc có cơ hội đi làm trong ngành ngân hàng. Sau hơn 10 năm làm việc, khả năng của một nhà quản lý tiềm ẩn trong Mộc xuất lộ. Với cách làm việc cẩn trọng, cần mẫn, anh được cất nhắc và hiện được phân công phụ trách Trung tâm Vàng ACB. Từ đây, việc tách bạch hai con người trong anh rõ ràng hơn: “Trong lĩnh vực ngân hàng, tôi là Trần Trọng Quốc Khanh. Còn khi sáng tác nhạc, tôi là Mộc Quốc Khanh. Tôi đã cẩn trọng để mình không có sự lẫn lộn giữa hai con người” - Mộc nói.
Ban ngày, anh là một nhà kinh doanh giữa chốn thương trường đầy cạnh tranh, nhưng trong đêm sâu tĩnh lặng, anh chìm vào không gian của những giai điệu. Thậm chí khi có tiệc tùng, anh cũng tìm cách về sớm với cây đàn. Một cách giải thoát công việc bằng âm nhạc phải không? Mộc nói đúng vậy, nhưng tôi nghĩ khác một chút. Âm nhạc nối liền với trời đất. Trong sử thi Eddas, các bậc anh hùng đều muốn khi chết sẽ được hỏa thiêu cùng với cây đàn hạc để cầu mong tiếng đàn sẽ đưa họ sang thế giới bên kia. Lorca cũng từng nói “Hãy chôn tôi với cây đàn guitar”. Trở lại với cây đàn hạc một chút. Trong dương trần, nó được xem là tượng trưng cho những liên quan căng thẳng giữa các bản năng vật chất (khung đàn và dây đàn làm bằng ruột mèo linh) với những khát vọng tinh thần được thoát thai từ âm giai của dây đàn. Những dây đàn ấy chỉ vang lên du dương nếu được đặt trong một trạng thái căng thẳng được điều chỉnh hợp lý giữa tất cả các sức mạnh tiềm ẩn của con người. Mộc là người làm được điều đó nên cây đàn hạc trong anh đã du dương vang động, ca khúc của anh viết ra không đơn thuần là để giải tỏa theo kiểu “giá vàng quay cuồng, âm nhạc trỗi dậy”, mà còn giúp nâng cao tâm hồn...
Hai mươi năm viết nhạc giúp anh có một số lượng tác phẩm đa dạng về đề tài. Có ca khúc của anh được tuyển chọn vào CD Album “Nhịp điệu năm 2000” do Bến Thành Audio-Video sản xuất và phát hành. Gần đây nhất, Mộc cho xuất bản album riêng của mình - “Những cơn mưa vô thường”, tuyển chọn 8 ca khúc: Đuốc hoa rực hồng, Một lá thư nhạc, Dưới ánh sáng mặt trời, Trở lại mùa xuân, Dạ vũ vướng chân em, Anh vẫn hát bên kia đời, Những cơn mưa vô thường, Bước sang kỷ nguyên mới. Nhạc của Mộc có những đảo phách lôi cuốn, và cả những đảo phách tinh tế như những hoa đăng thơ mộng, như một thứ ánh sáng huyền ảo của thiền giăng mắc. Ngôn từ trong các ca khúc của anh đượm màu sắc cổ điển, nhưng những giai điệu đã phác lộ những cảm xúc thẩm mỹ hoàn toàn mới.
Đuốc hoa rực hồng là ca khúc anh viết để chuẩn bị cho hôn lễ của chính mình, có những ca từ quá đẹp “Đêm xuân nhẹ nhàng dâng đuốc hoa trầm hương/ Dịu dàng hôn mắt xanh niềm thương/ Gối loan mặn nồng/ Đuốc hoa rực hồng”. Cần lưu ý một điều rằng, rất khó để có thể làm được một ca khúc đẹp và hay cho hôn lễ của mình như Mộc đã thực hiện.
Và đây chính là thơ: “Tóc mây đùa gió buông xuôi mềm mại dòng suối xanh non/ Bước xoay nhịp lơi đong đưa ngập ngừng quàng gót chân son.../ Ngón tay lặng lẽ xôn xao đợi chờ một phút ngao du/ Kết hoa nụ hôn trôi theo điệu nhạc một cõi thiên thu” (Dạ vũ vướng chân em).
Ca khúc được cho là có giai điệu đẹp nhất trong CD là “Anh vẫn hát bên kia đời”, Mộc viết nhân 100 ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Có những câu: “Anh vẫn hát bên kia đời/ Tung cánh bay ngang trời...”. Và thông điệp của ca khúc “chết không phải là hết, mà là cuộc bắt đầu mới”: “Anh thao thức lay cung đàn/ Ngân ca khúc da vàng”... ngân vang giữa những đảo phách liền nhau giữa các phiên khúc.
Ca khúc có ca từ hay nhất, theo tôi là “Những cơn mưa vô thường”. Những giọt vô thường rơi trong ca khúc này là gì? Là “Xuân vừa hôn mắt em giờ thu vây kín chân người.../ Nụ hoa hồng tươi sớm mai về khuya khô héo thân gầy/ Bước chân em kề vai với tôi tựa như quay gót xa dần.../ Một đêm nằm ôm nhớ nhung nghìn thu lãng quên trong mưa gió gào”... Những nỗi ám ảnh về thăng trầm cuộc đời, tan hợp lòng người, sắc không của được mất... trở đi trở lại trong ca khúc. Nhưng như anh nói “Không chấp nhận dừng lại ở những dòng chữ đối nghĩa mang màu sắc của một câu chuyện triết lý âm dương đơn thuần, tôi thực tâm muốn đi xa hơn bằng cách phác họa một bức tranh thủy mặc ca ngợi tình cảm con người trong cõi vô thường đầy biến ảo dưới lăng kính tình yêu như cứu cánh cuối cùng”. Quả thật bức tranh thủy mặc ấy có những thi ảnh đẹp đẽ đến vô nhiễm: “Trong rừng khô lá thưa, ngồi trông con suối lau mình/ Trên đồng hoang khát mưa, nằm nghe mây gió tâm tình...”. Thi ảnh này lạ quá, gần như là lần đầu tiên tôi bắt gặp: những con suối lau mình giữa rừng lá mùa khô, ở đó có người ngồi ngắm...
Trong sách tuyển tập ca khúc cùng tên “Những cơn mưa vô thường”, người xem sẽ thích thú với phần mục lục với đủ bảy sắc cầu vồng đỏ-cam-vàng-lục-lam-chàm-tím có quan hệ mật thiết với nội dung tác phẩm của anh. Dụng ý của Mộc khiến tôi liên tưởng bảy màu của cầu vồng và bảy nốt của gam nhạc biểu lộ tính chất điều hòa của các tần số dao động. Cầu vồng cũng là con đường trung gian giữa hạ giới và thượng giới. Cầu vồng là hình ảnh đảo ngược của mặt trời trên tấm màn chốc lát của mưa. Số bảy trong cầu vồng cũng ám chỉ sự thay đổi sau một chu kỳ và bắt đầu một thời chu kỳ mới tích cực, cho những gì sẽ là tương lai...
Vâng, cầu vồng ấy cũng bắt đầu từ mưa vô thường của Mộc.
Huế, 11/2012
H.Đ.T.N
(SĐB 7/12-12)