Nhịp sống âm thanh
Thấy gì qua hội thảo khoa học về dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh?
09:31 | 01/07/2014

Ngày 15/5/2014, tại TP Vinh đã diễn ra hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca trong xã hội đương đại (Trường hợp dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh)” do Viện VHNT Việt Nam phối hợp với hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh tổ chức.

Thấy gì qua hội thảo khoa học về dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh?

Sự kiện này được coi là hội thảo khoa học quốc tế bởi có sự tham gia của 16 tác giả quốc tế, cùng với 64 tham luận của các tác giả trong nước. Mặc dù được BTC đánh giá là thành công, tuy nhiên, theo chúng tôi, nhìn từ góc độ chuyên môn với yêu cầu những đóng góp, phát hiện mới, những phương pháp/giải pháp mới, khả thi cho mục tiêu bảo tồn và phát huy di sản dân ca Ví Giặm trong xã hội đương đại thì còn hạn chế, lúng túng.

Các tham luận tập trung vào bốn nhóm vấn đề: Những giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học của các hình thức diễn xướng dân ca truyền thống, trong đó có dân ca Ví Giặm; Nhận diện sức sống của dân ca, đặc biệt là dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh, những kinh nghiệm, cơ chế, chính sách bảo tồn và phát huy di sản văn hoá phi vật thể nói chung, dân ca Ví Giặm nói riêng; Những giải pháp bảo tồn và phát huy di sản dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh trong xã hội đương đại. Khảo sát 64 tham luận của các tác giả trong nước tham gia hội thảo, chúng tôi thấy kết quả: 32 bài có tính chất lí thuyết về dân ca, âm nhạc dân gian, và các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh; 8 bài nêu cơ chế, kinh nghiệm, bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể các vùng miền của Việt Nam; 24 bài nêu các cơ chế, kinh nghiệm, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca Ví Giặm.

Trong 16 tham luận của các tác giả nước ngoài, chúng tôi sơ bộ phân loại như sau: 6 bài lí thuyết chung về dân ca, âm nhạc dân gian; 9 bài lí thuyết, kinh nghiệm, giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị dân ca các dân tộc trên thế giới; 1 bài đề cập đến các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví Giặm.                    

Nhan đề và nội dung các bài tham luận trùng lặp nhiều: có 4 bài cùng nội dung “sự biến đổi và sức sống của dân ca Ví Giặm”, 20 bài cùng nội dung “bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca Ví Giặm trong xã hội đương đại”; 2 bài về vấn đề “đưa dân ca vào trường học”; 2  bài về câu lạc bộ dân ca Ví Giặm; hầu hết các bài của các tác giả trong nước đều đề cập đến giá trị của dân ca Ví Giặm ở những mức độ khác nhau. Một số bài tham luận đã được công bố cách đây nhiều năm, nay tiếp tục được đưa vào tham dự Hội thảo, những thông tin về giá trị của dân ca Ví Giặm hầu như trùng lặp, tương tự nhau, và không có gì mới đối với những người quan tâm, vì thực ra chúng đã được đề cập trong các công trình nghiên cứu của các học giả công bố cách đây vài chục năm.        

Vấn đề mấu chốt mà chúng tôi quan tâm là các cơ chế, chính sách, phương pháp, biện pháp, giải pháp bảo tồn và phát huy di sản dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh trong xã hội đương đại. Như chủ đề của hội thảo, đây là vấn đề trọng tâm được thể hiện trong nội dung chính của 24 bài, và được đề cập trong nhiều bài khác nữa. Tuy nhiên, mặc dù có vài chục bài nói về vấn đề này, nhưng quanh đi quẩn lại, cái đích đi đến cũng tập trung vào những chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”: tuyên truyền, quảng bá; xây dựng các CLB dân ca; đưa dân ca vào trường học; dạy hát dân ca trên sóng hát thanh, truyền hình; tôn vinh nghệ nhân dân ca; tổ chức các hội thi, hội diễn, giao lưu về dân ca; sưu tầm dân ca, số hóa các bài hát gốc; xây dựng kịch chủng dân ca Nghệ Tĩnh; huy động cả cộng đồng vào cuộc, xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca…

Không có những bài nghiên cứu, phân tích cụ thể về các vấn đề: đặc trưng của xã hội đương đại, lí thuyết và kinh nghiệm, giải pháp bảo tồn và phát huy dân ca Ví Giặm trong xã hội đương đại…Không thấy những bài viết có hệ thống số liệu, bảng biểu, sơ đồ…là kết quả nghiên cứu của những tập thể, cá nhân đã trải qua công việc bảo tồn, phát huy giá trị dân ca Ví Giặm trong những lĩnh vực, công việc cụ thể. Tất cả các bài viết đều na ná nhau ở cấu trúc: đề cập sơ qua về giá trị của dân ca Ví Giặm, những thuận lợi khó khăn, đề xuất những cơ chế, giải pháp…Vấn đề là những đề xuất đó đều không dựa trên những khảo sát, số liệu được điều tra, tập hợp và phân tích một cách khoa học. Tất cả đều chung chung, cảm tính, không hẳn là sai nhưng xét về góc độ khoa học thì giá trị hạn chế, thiếu tin cậy và khả thi. Đọc hết các tham luận tham gia hội thảo, chúng tôi thấy vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca Ví Giặm trong xã hội đương đại vẫn còn mơ hồ, rối rắm, bế tắc.                

Theo tiêu chí của UNESCO, một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại phải là loại hình di sản được bảo tồn một cách nguyên vẹn trong đời sống cộng đồng. Thế nhưng hiện nay, dân ca Ví Giặm đã không tồn tại trong đời sống cộng đồng như nó vốn có (gắn với không gian – môi trường – con người lao động, đời sống sinh hoạt của cộng đồng), mà chủ yếu chỉ còn tồn tại ở dạng phái sinh (CLB, sân khấu hóa…). Vậy, liệu UNESCO có chấp nhận ghi danh một di sản như vậy vào danh sách các di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại? Thứ hai, trong tình hình đó, vấn đề bảo tồn di sản dân ca Ví Giặm cần được hiểu và giải quyết như thế nào? Đây là những vấn đề cơ bản, có ý nghĩa quyết định đến mục tiêu dân ca Ví Giặm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cũng là mục tiêu của hội thảo. Thế nhưng, những vấn đề này không được hội thảo đặt ra và giải quyết.                 

Một số bài còn thiên về lí thuyết, mang tính chất tán tụng chung chung, hoặc nặng về “bệnh thành tích”. Cùng là hai tác giả ở Hà Tĩnh, nhưng một vị cho rằng ở tỉnh này có “hàng trăm CLB dân ca đang hoạt động”, một vị khác đưa ra con số 50 CLB. Theo ông Nguyễn Ngọc Ất, Giám đốc Trung tâm bảo tồn và phát huy DSDC xứ Nghệ thì hai tỉnh có khoảng 80 CLB dân ca (trong đó Nghệ An có hơn 70 CLB, có danh sách cụ thể). Như vậy, ở Hà Tĩnh hiện nay chỉ có khoảng chưa đầy 10 CLB dân ca, hoạt động cầm chừng, mang tính chất đối phó (theo ông Nguyễn Đình Đắc, Phó Giám đốc TT Bảo tồn và phát huy DSDC xứ Nghệ), nhưng con số này đã được đôn lên gấp 5, 10 lần và hoạt động tích cực trong tham luận của một số tác giả. Nhiều tác giả tỏ ra lạc quan, tin tưởng vào các giải pháp như: thành lập CLB dân ca, đưa dân ca vào trường học, liên hoan CLB dân ca…trong khi thực chất những giải pháp đó đều mang tính hình thức, đối phó hoặc kém hiệu quả.

Chắc rằng để tổ chức hội thảo này BTC đã phải bỏ ra một số tiền không nhỏ. Tiền chi từ ngân sách bao giờ cũng là con số cụ thể, nhưng hiệu quả và chất lượng của hội thảo thì còn nhiều điều mơ hồ. Đây cũng là tình trạng/thực trạng chung của nhiều hội thảo (“khoa học” và “không khoa học”) hiện nay. Thiết nghĩ, nhà nước và các tổ chức cần có sự xem xét lại việc tổ chức hội thảo, hạn chế những hội thảo mà tính chất “thảo” thì ít, “hội” thì nhiều.

Nguồn: Quang Đại - Văn hóa Nghệ An

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng