Tháng 7 năm nay, nhạc sĩ Phó Đức Phương vừa tròn 70 tuổi. Bước vào lứa tuổi cổ lai hy, anh đang là một tay cự phách trong làng nhạc, có nhiều sáng tác mang âm hưởng dân ca rất thành công. Khá bận rộn với vai trò Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Phó Đức Phương vẫn không quên hoạt động sáng tạo âm nhạc. Anh là một trong số các nhạc sĩ Việt Nam được giải thưởng Nhà nước.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương sinh ở Hà Nội, quê nội ở Hưng Yên, quê ngoại ở Bắc Ninh, quê hương của những làn điệu quan họ tuyệt vời. Anh là cháu của nhà cách mạng nổi tiếng Phó Đức Chính - “tay phải” của nhà cách mạng Nguyễn Thái Học.
Lúc còn là học sinh phổ thông, Phó Đức Phương đã thể hiện năng khiếu âm nhạc, yêu thích ca hát và hăng say hoạt động văn nghệ. Lúc đó, Phó Đức Phương còn sáng tác “trường ca”, “lớp ca”, tức bài hát dành riêng cho trường mình, lớp mình, tuy rằng lúc đó anh chỉ có chút ít kiến thức về nhạc lý cơ bản và chưa biết gì về phương pháp sáng tác âm nhạc. Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, không hiểu tại sao Phó Đức Phương không thi vào trường nhạc mà lại thi vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trúng tuyển vào khoa Toán - Lý. Nhưng đến cuối năm thứ hai, sắp bước vào năm thứ ba, anh xin thôi học vì lẽ say mê âm nhạc hơn ngành đang học. Sau đó anh xung phong đi nông trường Cửu Long ở Hòa Bình, làm công nhân chăn nuôi, vừa xâm nhập thực tế, vừa chờ cơ hội đi học nhạc. Đó là vào năm 1965, lúc anh 21 tuổi.
Năm 1966, anh thi vào Trường Âm nhạc và trúng tuyển. Khi được hỏi có cảm thấy bất lợi khi không đi trực tiếp mà đi đường vòng để đến với âm nhạc, Phó Đức Phương tâm sự: “Tôi tuy phải đi đường vòng, nhưng cũng chẳng thiệt thòi gì. Những năm tháng trăn trở, lao động, chất liệu cuộc sống, tình yêu âm nhạc đã thấm rất sâu trong tâm hồn tôi. Với riêng tôi, toán học và âm nhạc có mối liên hệ đặc biệt. Toán học tưởng chỉ là những con số, nhưng thật ra đó là khoa học trừu tượng, rất cần một óc tưởng tượng cũng như âm nhạc vậy…”.
Sáng tác đầu tay của Phó Đức Phương được công chúng biết đến chính là bài Những cô gái quan họ, một ca khúc rất thành công khiến người mộ điệu bắt đầu biết đến tên anh. Lúc ấy anh mới 22 tuổi, quá trẻ (!). Đó là thời kỳ đầu của cuộc chiến tranh leo thang đánh phá miền Bắc của không quân địch. Hồi ấy Trường Âm nhạc Việt Nam sơ tán tại xã Xuân Phú, huyện Yên Dũng, tỉnh Hà Bắc.
Trong thời gian chờ đợi học tập những tiết học đầu tiên và chính trong khung cảnh của một làng quê Việt Nam truyền thống, chiếc nôi của những làn điệu dân ca quan họ ngọt ngào, tình tứ, Phó Đức Phương đã viết ca khúc Những cô gái quan họ. Ngay mấy câu mở đầu ca khúc này cũng đã tạo được ấn tượng đẹp: Trên quê hương quan họ, một làn nắng cũng mang điệu dân ca/ Giữa mùa lúa thơm cánh cò bay đẹp như trong mộng… Cái độc đáo của bài hát này là trong giai điệu hoàn toàn không có dấu vết của một làn điệu dân ca quan họ cụ thể nào, nhưng người nghe lại cảm thấy khá rõ nét duyên dáng của các cô gái trên quê hương quan họ và cái hồn dân gian của nông thôn miền Bắc đang bàng bạc trong từng câu ca của bài hát.
Sau thành công bước đầu này, Phó Đức Phương lại tiếp tục sáng tác, đáng chú ý có các bài: Tình ca trên những công trình mới, Tacano - nhân chứng quả cảm… và nhất là bài Hồ trên núi. Bài này được sáng tác vào năm 1971 cho một bộ phim tài liệu nghệâ thuật của đạo diễn Khánh Dư. Để có cảm hứng sáng tác cho ca khúc này, Phó Đức Phương tìm đến hồ Cấm Sơn (Bắc Giang). Khi đang chèo thuyền trên hồ, một nét nhạc chợt đến: Núi (ư) núi, thuyền (ư) thuyền, mây (ư) mây, nước (ư) nước…/ Thuyền ta ngược, thuyền ta xuôi, giữa dòng nước bạc nhịp chèo ta bơi… Lối điệp từ cũng như cách tái hiện nét nhạc trong bài hát như vẽ ra trước mắt người nghe một bức tranh thủy mặc mô tả cảnh thiên nhiên yên bình.
Ca khúc Chảy đi sông ơi và Trên đỉnh Phù Vân của nhạc sĩ Phó Đức Phương được nhiều ca sĩ biểu diễn. Ảnh: TƯ LIỆU |
Phó Đức Phương là một nhạc sĩ có khá nhiều sáng tác về hồ. Ngoài bài Hồ trên núi, có thể kể thêm một số bài thật mượt mà, bay bổng, như: Huyền thoại hồ núi Cốc, Một thoáng Tây Hồ, Nơi áo chàm hồ xanh Ba Bể, Phiên chợ lòng hồ, Nao nao Thác Bà… Phó Đức Phương sáng tác bài Huyền thoại hồ núi Cốc vào năm 1982. Viết về một công trình thủy lợi, nhưng anh đã đưa vào bài hát truyền thuyết dân gian về hồ này một cách khéo léo, hấp dẫn (đôi trai gái yêu nhau nhưng không thành vợ chồng đã hóa thành núi và sông ở nơi đây). Bài Một thoáng Tây Hồ được sáng tác vào năm 1984, ca ngợi vẻ đẹp của một thắng cảnh nổi tiếng trên đất thủ đô ngàn năm văn hiến.
Trong thời gian gần đây, nhiều ca sĩ biểu diễn rất thành công những sáng tác khác của Phó Đức Phương, như: Trên đỉnh Phù Vân, Không thể và có thể, Chảy đi sông ơi, Về quê…. Vào khoảng năm 1995 - 1996, tác giả Nguyễn Khắc Phục và đạo diễn Lê Hùng mời Phó Đức Phương viết nhạc cho vở kịch Yêu trên đỉnh Phù Vân của Đoàn kịch Hải Phòng, trong đó có ca khúc chủ đề Trên đỉnh Phù Vân đề cao khát vọng cháy bỏng của tình yêu. Ca khúc này rất đậm chất âm nhạc dân gian của ca trù, tuồng, chầu văn…
Phó Đức Phương viết bài Không thể và có thể vào đầu mùa hè năm 1997, hoàn thành sau ba, bốn ngày. Thoạt nghe bài này, ta có thể nghĩ rằng tác giả muốn mượn hình thức âm nhạc để trình bày quan niệm của mình về cặp phạm trù “không thể và có thể” cùng những sự vật đang tuân thủ những quy luật khách quan của tự nhiên, của xã hội... Thời gian đã qua đi không thể trở lại, dòng sông đã ra đi làm sao về chốn cũ... đúng là những điều không thể xảy ra. Đồng thời quanh ta cũng có nhiều điều có thể đến: Người đã ra đi có thể trở về, vòng tay yêu thương có thể rộng mở... Cái không thể rất giới hạn, nhưng cái có thể thật mênh mông vô cùng tận.
Đúng là ca khúc Không thể và có thể mang tính triết lý nhưng còn hơn thế nữa, vừa mang tính nhân bản, nhân ái, vừa đậm chất trữ tình, khao khát yêu thương: ...Có thể một ngày nào chúng ta sẽ thành đôi. Cái hay, cái đẹp của bài hát này là tính độc đáo về nội dung và tính dân gian trong giai điệu.
Đầu năm 1997, đạo diễn Trọng Khôi tìm gặp Phó Đức Phương mời viết phần âm nhạc cho vở kịch Thuyền lá (kịch bản Chu Thơm, do Nhà hát Kịch Việt Nam thực hiện). Ca khúc chính trong kịch là bài Chảy đi sông ơi, kể lại một mối tình mặn nồng, cháy bỏng, nhưng gặp phải số phận bất hạnh đành lỡ làng, chia xa, dù đau khổ, đắng cay vẫn đợi chờ, hy vọng.
Nói về một chuyện tình không thành, nhưng qua bút pháp tài hoa của Phó Đức Phương, giai điệu ca khúc Chảy đi sông ơi vươn lên, bay bổng, trong sáng. Nét nhạc yêu thương, đằm thắm như nhắn nhủ, gửi gắm tâm sự riêng buồn thương vào dòng sông hiền hòa đang chảy mãi về xuôi. Ca từ giàu hình tượng văn học, pha chút triết lý về con sông trẻ mãi không già, không hề tiếc vơi đầy… Cái thần, cái hồn của âm nhạc dân gian đã được Phó Đức Phương thổi vào ca khúc Chảy đi sông ơi. Mặt khác, quyện vào giai điệu là âm hình tiết tấu hiện đại tạo cho bài hát tính cách mới mẻ, gần gũi với công chúng yêu nhạc hôm nay.
Thời thơ ấu ở quê đối với Phó Đức Phương là chuỗi ngày đầy ắp những kỷ niệm êm đẹp bên con đê, hàng tre, cạnh dòng sông bên lở bên bồi, có bánh đa, bánh đúc... Lớn lên, học tập và công tác tại Hà Nội, anh không phút nào quên nghĩ đến quê mình. Anh tâm sự: Viết về quê sẽ phải thật giản dị, nôm na, phải thật sự chân thành... Và tôi thấy tim mình nhói rộn lên một chút hồi hộp, bồn chồn. Tôi suy ngẫm, băn khoăn và dồn tụ dần những tình ý của mình cả trong mỗi bữa ăn, lúc làm việc hoặc chuyện trò cùng người này, người khác...
Một đêm năm 1998, khi đang sáng tác bài Về quê, anh đã phải buông bút, đứng dậy lấy chiếc khăn mặt lau nước mắt vì xúc động. Ngôn ngữ âm nhạc trong tác phẩm mang đậm nét màu sắc dân gian đồng bằng Bắc bộ, ca từ giàu hình tượng văn học gợi nhớ khung cảnh làng quê êm đềm, thân thương. Nhưng có lẽ thành công của bài hát chủ yếu là do tính mộc mạc, giản dị và chân thành.
Nguồn: Nhạc sĩ Trương Quang Lục - SGGP