NGUYỄN TRỌNG TẠO
Đã có một thời chúng ta coi "Thơ Mới" (1930 - 1945) là thơ lãng mạn tiểu tư sản bi quan tiêu cực, coi những tác phẩm văn xuôi xuất sắc của Vũ Trọng Phụng là văn tự nhiên chủ nghĩa, là văn đồi trụy, dâm ô, sa đọa, coi những tác phẩm văn học viết về bi kịch, đau thương, mất mát của con người mới là bôi đen chế độ, là không lành mạnh.
Ai khen những tác phẩm ấy tức là kẻ phạm tội. Cái thời ấy đã kéo dài không ngắn hơn bốn chục năm. Mãi cho đến gần đây, quan niệm thô thiển, chụp mũ này mới bắt đầu được thay đổi, các giá trị đích thực của chúng mới dần dần được thẩm định lại. Nhiều tác phẩm có giá trị đã lần lượt được tái bản trước sự chào đón hâm mộ của đông đảo bạn đọc trong nước và nước ngoài.
Đã có một thời chúng ta chống các họa sĩ cách mạng vẽ tranh "nuy", tranh "nửa nuy", hoặc mô tả hiện thực cuộc sống bằng những bút pháp tượng trưng hay lập thể v.v... Ngay trong kháng chiến chống pháp, những cuộc tranh luận nảy lửa về hội họa đã xảy ra, và rốt cuộc là các họa sĩ phải tuân theo ý kiến kết luận của người có quyền lực nào đó. Kết quả là nghệ thuật tạo hình của chúng ta đơn điệu và nghèo nàn đi rất nhiều. Nếu không có tư tưởng đổi mới như vừa qua, làm sao tranh Nguyễn Sáng, tranh Nguyễn Tư Nghiêm, tranh Bửu Chỉ có cơ may được trưng bày và được đánh giá cao giữa thủ đô Hà Nội như chúng ta đã biết.
Việc thẩm định âm nhạc gần bốn chục năm qua cũng nằm trong tình trạng chung ấy. Có những tác phẩm âm nhạc trước cách mạng tháng Tám từng nâng bổng tâm hồn nhiều thanh niên, sinh viên cầm súng gia nhập quân đội đi kháng chiến chống Pháp, để rồi sau đó, hai tâm hồn đồng điệu ấy (bản nhạc và người lính) buộc phải đoạn tuyệt nhau! Ngay cả một số bản tình ca của thời bình trên miền Bắc, vừa hòa nhập vào lòng người cũng không hiểu vì đâu bỗng dưng phải dứt áo chia tay. "Bài ca thủy thủ" là một ví dụ:
"Nhổ neo ra khơi đêm nay khi trăng mọc, thuyền anh sẽ nhổ neo ra khơi. Tạm biệt em yêu vẫy chào thành phố cảng thân yêu. Em ơi chớ hỏi anh nhiều. Cũng đừng hỏi vì sao anh ra đi..."
Âm nhạc và lời ca thật đẹp. Nhưng tại sao lại "đừng hỏi vì sao anh ra đi?" phải biết vì sao người thủy thủ ra đi chứ! - Một nhà phê bình hay một đồng chí "có trách nhiệm" nào đó bỗng phán hùng hồn lên như vậy, thế là đi đời cái bài tình ca của những người thủy thủ!
Ngót nửa thế kỷ qua, nhiều bản nhạc của chúng ta vì lý do này hay lý do khác đã phải chịu số phận cay đắng như thế. Mà nào chỉ là nhạc của chúng ta, nhạc Bet-thô-ven, nhạc Mô-da và cũng đã có khi bị cơ quan văn hóa phường, xã thu hồi tống vào kho "văn hóa đồi trụy". Tuy nhiên, nhạc có lời vẫn dễ bị kết tội hơn, mà kết tội thật đanh thép: "Nhạc vàng"!
Trong lịch sử âm nhạc thế giới không hề thấy nói đến từ "nhạc vàng". Cái tên gọi đó chỉ thấy xuất hiện ở nước ta, hay nói đúng hơn là ở chế độ ta, hơn ba chục năm nay. Gần đây, có người phát hiện là nó bắt nguồn từ Trung Quốc, nhưng cũng không thấy dẫn ra một cứ liệu nào xác thực. Thôi thì nó của Trung Quốc hay của ta, điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là, hơn ba chục năm qua, trong sinh hoạt âm nhạc của ta đã hình thành một quan niệm về "nhạc vàng". Vì là mới hình thành nên nó chưa được xác định đầy đủ. Dĩ nhiên là nó phải khác với "nhạc xanh", "nhạc đỏ". (Lại những thuật ngữ nghe khá lạ tai). Ở đây ta không bàn về hai thuật ngữ mới này, nhưng nếu "nhạc đỏ" là nhạc hùng mạnh, nhạc chiến đấu, "nhạc xanh" là nhạc êm ái du dương, thì "nhạc vàng" hẳn là nhạc đồi trụy phản động rồi.
Mới đây có người cho rằng, đối tượng phản ánh của "nhạc vàng" là "cái tôi thất vọng, bi quan"; hình thức thể hiện phổ biến là ca khúc trữ tình, tránh dùng quãng rộng, quãng xa, thường dùng thủ pháp mô tiến và tái hiện, ít dùng những tiết tấu xáo động như loại nhạc tiết tấu hóa sau này, dùng đúng công năng và công năng cũng là giới hạn... Còn về biểu diễn thì thường dùng giọng nữ pha chất nũng nịu, mơn trớn, hoặc chán chường ủ ê. Và họ chứng minh rằng, đấy là sản phẩm văn hóa Mỹ-ngụy ở miền Nam nước ta. (Theo Dương Viết Á - tạp chí Âm nhạc số 6-1986).
Như chúng ta đã biết, âm nhạc tiết tấu ở phương Tây ba chục năm qua, có các nhóm nổi tiếng điên loạn như nhóm Máy tình dục (Sex Machiners), nhóm Hành vi xấu xa (Bad Manners), nhóm Khỉ (Monkeys), hay nhóm Bà mẹ của các sáng chế (Mother of inventions) trâng tráo mở đầu chương trình bằng lời chào khán giả: "Thế nào, hỡi các con lợn!" họ hát cả nhạc rên rỉ lẫn nhạc áp-phích kích động lôi cuốn hàng triệu công chúng. Và đây là một quan niệm của nữ ca sĩ Jani Joplin: "Khi tôi hát, tôi thấy như mình làm tình đến cao điểm". Âm nhạc như vậy, đích thực là âm nhạc đồi trụy, phản động rồi. Vậy có thể gọi nó là "nhạc vàng" được không?
Nếu theo định nghĩa trên thì nó không thuộc vào loại "nhạc vàng" của chúng ta.
Thế thì nên gọi nó là nhạc màu gì cho thích hợp? Thật là rắc rối!
Nhưng rắc rối hơn là cái từ "nhạc vàng" lâu nay đã làm cho chúng ta không ít nhầm lẫn trong việc thẩm định các giá trị âm nhạc trong nước. Mấy chục năm qua, dân tộc ta phải đương đầu với mấy cuộc chiến tranh liên tiếp phải nói là rất lớn, rất trường kỳ. Âm nhạc cách mạng của chúng ta đã trưởng thành trong việc phản ánh hiện thực hào hùng ấy của dân tộc. Đây là những bản nhạc tràn đầy lạc quan cách mạng, hùng mạnh, hừng hực tinh thần chiến đấu. Có lúc âm nhạc không chỉ là hát lên, mà còn thét lên: "Vùng lên nhân dân miền Nam anh hùng... Cầm gươm ôm súng xông tới", hoặc "Không cho chúng nó thoát - chúng bay vào sẽ không có đường ra" v.v... Ngay cả khi ôm người yêu, nhà thơ cũng không có quyền được quên khẩu súng trên vai người yêu: "Anh ôm em, ôm cả khẩu súng trường ngang vai em". Văn nghệ động viên chiến đấu thật đắc lực, phải gác lại những vui buồn riêng tư. Ai không "gác lại" được thì bị tổ chức phê bình. Tác phẩm văn nghệ nào đượm chút riêng tư ấy khó tránh khỏi sự chỉ trích, phê phán. Thế là xuất hiện tâm lý sợ hãi thậm chí khinh bỉ những nỗi niềm riêng không phù hợp với cuộc chiến đấu vĩ đại. Cái tâm lý ấy tưởng chỉ tạm thời trong chiến tranh, nhưng thực ra nó vẫn ám ảnh chúng ta cả trong hòa bình. Khi nghe những âm thanh êm ái chia sẻ buồn thương cùng con người, thức dậy những kỷ niệm yên bình tươi đẹp của con người, dường như chúng ta vẫn bị cái tâm lý sợ sệt hoài nghi kia ám ảnh, bởi vì không thấy chúng "hừng hực lửa chiến đấu"! Nhạc vàng đấy, coi chừng! Tiểu tư sản đấy, coi chừng! Nhạc tiền chiến đấy, coi chừng! Nhạc thời Mỹ ngụy đấy, coi chừng!... Biết bao nhiêu sợi dây "coi chừng" như thế đã trói buộc sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Trên bàn ăn của công chúng, cũng vì thế mà các món ăn tinh thần dường như vẫn thiếu đi mấy món gì đó.
Chính vì thế mà công chúng thành phố Hồ Chí Minh đã tràn vào "Đêm nhạc Văn Cao" để được nghe lại Thiên Thai, Trương Chi, Bến Xuân, Buồn tàn thu bên cạnh những bài hát cách mạng của ông. Cũng chính vì có một phần nhạc tiền chiến của Văn Cao mà đêm nhạc mừng thọ sáu mươi của ông tại Hội nhạc sĩ Việt Nam năm 1983 bỗng mang thêm một ý nghĩa mới. Cái mũ "nhạc vàng" chụp lên những ca khúc tiền chiến của ông đã được nhấc đi, để lộ ra mái đầu xanh say đắm của tuổi hai mươi Văn Cao.
Còn bao nhiêu "mái đầu xanh" chưa được cất mũ "nhạc vàng"?
Nghị quyết riêng về văn hóa văn nghệ của Bộ chính trị đã chỉ rõ rằng: "Tác phẩm văn nghệ không vi phạm pháp luật, không phản động (chống lại dân tộc, chống lại chủ nghĩa xã hội, phá hoại hòa bình), không đồi trụy (truyền bá tội ác, sự sa đọa, phá hoại nhân phẩm) đều có quyền được lưu hành và đặt dưới sự đánh giá phán xét của công luận và của sự phê bình".
Tuy nhiên, thực hiện được điều đó không đơn giản dễ dàng. Đồng chí Trần Độ nhấn mạnh rằng: "cần phải thay đổi nhiều nếp nghĩ thô thiển đã hằn sâu từ lâu đời trong đầu óc nhiều người, phải khắc phục một cách vất vả những sức mạnh của sự bảo thủ, trì trệ... Phải xây dựng nhiều quan niệm mới trong cả các hoạt động sáng tạo và cả trong sự hưởng thụ và thưởng thức của công chúng rộng rãi..." Với tinh thần ấy, thiết nghĩ trong âm nhạc, quan niệm "nhạc vàng" hơn ba chục năm qua, nay cũng cần được xem xét lại. Nhìn từ một góc độ nào đó, nó đã phủ lên cái nhìn âm nhạc của chúng ta một màu hoàng hôn tranh tối tranh sáng, dễ nhầm lẫn các giá trị thực của hình ảnh vốn có. Hơn nữa, nhìn rộng ra các trào lưu âm nhạc suy đồi và phản động đang tràn ngập ở phương Tây hiện nay, thì thuật ngữ "nhạc vàng" chỉ loại âm nhạc bi quan là quá hạn hẹp. Vả lại ở ta, đọc Truyện Kiều ai mà không nhớ hai chữ "nhạc vàng" với ý nghĩa thật đẹp mà Nguyễn Du đã dành để tả tiếng nhạc ngựa của chàng Kim trước lúc gặp nàng Kiều: "Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần"? Bởi những lý do như đã nói ở trên, tôi đề nghị chúng ta nên đưa hai chữ "nhạc vàng" - một khái niệm âm nhạc không bình thường - ra khỏi các sinh hoạt âm nhạc ở ta, và hãy gọi đúng tên của loại âm nhạc mà chúng ta không chấp nhận được là "nhạc đồi trụy, phản động".
Với tinh thần đổi mới hiện nay, Đêm nhạc ngược dòng thời gian trở lại với một số ca khúc chủ yếu là thời tiền chiến do Hội văn nghệ Bình Trị Thiên tổ chức vừa qua là một biểu hiện của sự trăn trở nghĩ suy mới. Dĩ nhiên, chúng ta không ngây thơ đem các "mốt" quần áo hiện đại của ngày nay để so sánh với những bộ quần áo sang trọng của thời trước. Chúng ta đánh giá các tác phẩm văn nghệ trong hoàn cảnh lịch sử của nó. Hát những bài hát cũ, nhưng đây là một hành động mới. Tôi ủng hộ những hành động mới vì một nền văn nghệ thực sự của nước nhà, vì sự tốt đẹp của con người.
Huế 12-1-1988
N.T.T.
(Bài phát biểu trong cuộc tọa đàm "NHẠC VÀNG" tại Hội văn nghệ Bình Trị Thiên đầu năm 1988)
(SH31/06-88)