VĂN THAO
Trích hồi ký Văn Cao - Đời & nghiệp
Mùa thu năm 1947, từ Lào Cai, Văn Cao trở về Vĩnh Yên. Ông cùng gia đình mở một quán cà phê tại chợ Me Lập Thạch tiếp tục làm báo Độc Lập và phụ trách một cơ sở in báo đóng tại Thản Sơn.
Ông cảm thấy thanh thản khi được trở về với những công việc thân quen và yêu thích: Làm thơ - vẽ - sáng tác âm nhạc v.v. Quán cà phê của ông tại “Thị trấn Me Đồi” luôn đông vui, tấp nập. Nơi dừng chân của dân tản cư, nơi tụ tập, đàm đạo văn chương của giới văn nghệ sĩ kháng chiến… “Thị trấn Me Đồi” trong những năm đó là cửa ngõ giữa vùng địch tạm chiếm và căn cứ địa của cuộc kháng chiến.
Tháng 10/1947, Tây nhảy dù Bắc Cạn. Bọn giặc tập trung 12.000 quân bao vây và tấn công Việt Bắc, hòng tiêu diệt các cơ quan đầu não kháng chiến của ta. Chiến thuyền giặc theo đường sông Lô đánh lên Tuyên Quang. Giữa lúc “nước sôi lửa bỏng” đó, Văn Cao được lệnh của Tố Hữu điều lên Việt Bắc (ông Tố Hữu lúc đó mới được điều từ khu 4 lên phụ trách văn nghệ). Việc đầu tiên, Tố Hữu chủ chương là tập hợp cho được văn nghệ sĩ trong và ngoài Hội Văn hóa cứu quốc đi theo kháng chiến chuẩn bị thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam và ra báo Văn Nghệ. Người liên lạc theo lệnh của Tố Hữu, dẫn Văn Cao cùng vợ con ra bến Then để vượt sông Lô sang Phú Thọ. Trời chiều. Bầu trời ảm đạm - mùa đông năm ấy đến sớm, gió từ mặt sông thổi lên từng cơn làm mọi người ớn lạnh. Có hai tốp người đợi qua sông trên bến. Một tốp buôn vải và một tốp buôn muối, mỗi tốp khoảng hơn chục người. Người liên lạc đưa gia đình Văn Cao lên chuyến đò đầu tiên cùng với tốp người buôn vải từ dưới xuôi lên Việt Bắc. Con đò hối hả qua sông mọi người ngồi co ro trong thuyền một cách trật tự và yên lặng, thỉnh thoảng có tiếng trao đổi xì xào và tiếng sóng vỗ ì oạp vào mạn thuyền.
Sông Lô, đoạn chảy qua Phú Thọ - Ảnh: wiki |
Thuyền cập bến, mọi người vội vã khẩn trương rời xa bến đò càng nhanh càng tốt vì nơi ấy thường bị giặc phục kích. Đưa vợ con lên bờ, Văn Cao tìm không thấy người liên lạc đâu. Không có nhẽ người liên lạc đi chuyến sau với tốp buôn muối? Một thoáng nghi ngại trong đầu, Văn Cao quyết định đưa vợ con nhập theo toán buôn vải cho có bạn đường. Qua khỏi bến đò chừng một cây số, Văn Cao cho vợ con nghỉ lại ven một quả đồi. Người vợ trẻ lúc đó của ông đang mang thai. Chợt phía trước những tràng súng rộ lên dữ dội. Văn Cao giật mình, rồi không gian cũng yên tĩnh trở lại. Văn Cao hiểu rằng tốp buôn vải đã lọt vào ổ phục kích của giặc. Một lúc sau, tốp người buôn muối sang đò chuyến sau cũng đã đi đến. Không thấy người liên lạc. Linh tính cho Văn Cao biết có chuyện gì đó không bình thường. Bằng những kinh nghiệm hoạt động bí mật của mình, Văn Cao quyết định đưa vợ con đi luồn lách men dòng sông Lô ngược lên.
Ngày 24/10/1947, bộ đội pháo binh của ta đã chiến thắng giòn giã trên sông Lô. Bắn cháy hai tàu chiến của giặc, bắn bị thương hai chiếc khác, tiêu diệt hàng trăm tên địch. Tuyến vận chuyển đường sông Lô bị cắt đứt hoàn toàn, máy bay địch phải nhảy dù tiếp tế cho Tuyên Quang. Cùng chiến thắng Bình Ca - chiến thắng sông Lô lẫy lừng đã bẻ gẫy hoàn toàn cuộc bao vây và tấn công lên Việt Bắc của quân Pháp nhằm tiêu diệt các cơ quan đầu não kháng chiến của ta. Báo chí Pháp gọi đây là “thảm họa Đoan Hùng”.
Chuyến đi của Văn Cao lên Việt Bắc xảy ra đúng lúc giặc Pháp thua trận đang trên đường rút quân trở về. Đi đến đâu bọn địch cũng đốt phá, cướp bóc đến đó. Văn Cao đã nhìn thấy những xóm làng ven sông bị địch đốt trụi, những nền “nhà khô trơ than xám”. Những niềm vui trên khuôn mặt của dân chúng sau chiến thắng sông Lô. Họ trở về với xóm làng, dựng lại nhà cửa trong những đêm gió rét và “Từng sân vui bồng người bên lửa hồng” Văn Cao cũng chứng kiến những “Thây giặc trôi trở về ngập bờ” trên những khúc sông mà ông đã đi qua. Nỗi xúc động ngập tràn trong lòng ông. Âm hưởng của chiến thắng bừng sáng trong những gương mặt của các cụ già, của những bé thơ, của những “Đoàn quân thời chinh chiến” mà ông gặp gỡ trên đường lên chiến khu. Dòng sông Lô bình dị từ ngày xưa không còn nữa. Trước mặt ông dòng sông Lô trở nên hùng vĩ, bao la, tràn trề sức sống…
Vài ngày sau Văn Cao đã lên đến Vũ Ẻn. Ông sắp xếp cho vợ ở cùng với gia đình nhà ngoại (đã tản cư lên đây từ đầu năm 1947) rồi mới vào Gia Điền nơi cơ quan văn nghệ đang đóng ở đó. Nguyên Hồng - Nguyễn Đình Thi - Nguyễn Huy Tưởng… vui mừng được gặp lại Văn Cao bởi họ đã nhận được tin “Văn Cao cùng vợ và con đã chết vì bị Tây phục kích trên đường”. Văn Cao chỉ cười “Số mình cao lắm chết không dễ đâu…”. Nguyễn Huy Tưởng rỉ tai Văn Cao: “Tố Hữu được giao phục trách văn nghệ, bọn mình phải chuẩn bị tập hợp bài vở để ra báo Văn Nghệ, có cậu lên giúp một tay thì hay quá. Hôm Tố Hữu bảo gọi cậu lên, anh em không nhất trí. Giặc đang càn lớn, lên lúc này không an toàn… Vậy mà ông ấy nghe đâu…”.
Mấy ngày sau Văn Cao tìm gặp Doãn Tuế, người trợ lý của trung đoàn Pháo binh, trực tiếp theo dõi diễn biến trận đánh tàu chiến của giặc trên toàn tuyến sông Lô và Siêu Hải, người Trung đội trưởng trực tiếp chỉ huy một khẩu đội pháo bắn cháy một tàu chiến của giặc Pháp; hai người dẫn Văn Cao đi dọc theo bờ sông Lô nơi trận đánh xảy ra. Những vạt lau cháy loang lổ hai bờ sông vẫn còn ám khói súng. Qua lời kể của Siêu Hải, toàn cảnh trận đánh hiện ra trong mắt Văn Cao:
… Sông gầm âm vang súng trái phá
Bao rừng thu như bát ngát cười
Dân hoan hô chiến sĩ pháo binh Việt Nam ghi công
Tiếng trái phá quân thù gục chìm
Dòng Lô
Chiến thắng sông Lô đã làm tên tuổi của dòng sông sống mãi với lịch sử của dân tộc. Để cho “Bao dân trong khu mười mơ thành người sông Lô”. Và mãi mãi “Đoàn quân thời chinh chiến ca rằng/ Đây Vonga, đây Dương Tử, đây sông Lô…”. Trường ca sông Lô đã được ra đời trong những ngày Văn Cao “Về trong đêm gió rét” đó và được in trên số báo Văn Nghệ đầu tiên ra tháng 3/ 1948.
Thời gian cứ trôi đi, Văn Cao (người sáng tác ra bản trường ca sông Lô bất tử), Doãn Tuế (người sĩ quan pháo binh góp phần làm nên chiến thắng sông Lô) đều đã trở về cõi vĩnh hằng. Và kỳ lạ thay Văn Cao và Doãn Tuế lại cùng an nghỉ cạnh nhau tại nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội).
Chỉ còn lại dòng sông Lô thanh bình bất tử vẫn mãi chảy giữa “Sông ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau, núi rừng âm u…”.
V.T
(SDB14/09-14)